Thị trường

Ông ngồi là ông đấu,
ông đứng tức ông ngừng 08. 07. 10 - 5:13 pm

Sarah Campbell - Hương Lan biên dịch

 

 

** Những kiểu  ra dấu bí hiểm trong đấu giá của Norton Simon rắc rối đến nỗi chúng thường phản pháo lại ông**

Norton Simon, nhà tư bản công nghiệp California, người đã đánh cược khi đầu tư $7000 biến một nhà máy nước cam ép đóng chai sắp phá sản thành một đế chế thực phẩm đóng hộp. Ông gầy dựng được cho mình một trong những bộ sưu tập nghệ thuật quý giá nhất thế giới: 12.000 tác phẩm thuộc mọi trường phái, từ các bậc thầy của chủ nghĩa Ấn tượng châu Âu đến nghệ thuật điêu khắc Ấn Độ cổ. Simon lưu giữ các tác phẩm của mình tại bảo tàng nghệ thuật Pasadena (tên cũ), sau ông nâng cấp, đặt tên lại là Bảo tàng Nghệ thuật Norton Simon. Năm 1993, ông qua đời ở tuổi 86.

Dưới đây là một đoạn trích từ cuốn Nhà Sưu Tầm không gì Ngăn cản nổi: Norton Simon và Cuộc Săn lùng những gì Đẹp nhất (Collector Without Walls Norton Simon and His Hunt for the Best) của tác giả Sara Campbell, chuyên viên cao cấp của bảo tàng nghệ thuật Norton Simon. Cuốn sách này sẽ được nhà xuất bản đại học Yale xuất bản vào tháng 9 tới.
   

*

Tháng Giêng năm 1965, Norton Simon biết tin về một bức tranh sẽ xuất hiện tại một phiên đấu giá quan trọng, có thể sẽ là mối bận tâm duy nhất của ông trong vài tháng tới.

Ông tập trung tâm sức và năng lượng vào bức tranh quan trọng nhất ông muốn mua trong đời: Bức Chân dung cậu bé mặc trang phục lạ của Rembrandt (hay được người đời đoán liều là vẽ Titus, con trai của họa sĩ).

Simon biết bức tranh này ít nhất cũng từ năm 1957, lúc giá của nó mới khoảng £120,000 ($335,000). Mặc dù đánh giá đó là tác phẩm kiệt xuất nhưng ông vẫn nghĩ giá đó “hơi cao cho bức tranh tương đối nhỏ”.

Gần 6 năm sau, Sir Geoffrey Agnew của hãng Thomas Agnew & Sons rao bán bức tranh với giá £550,000 ($1.54 triệu). Trước đó, cuối năm 1963, và một lần nữa vào đầu năm 1964, Agnew đã cố thuyết phục Simon quan tâm tới bức tranh bằng thông báo rằng chủ nhân bức tranh có ý định chịu bán với giá thấp hơn là £500,000 ($1.4 triệu), nhưng Simon tỏ vẻ không mấy hứng thú. Hơn 8 tháng sau, chủ nhân bức tranh từ bỏ ý định bán bức tranh một cách riêng tư (mà đem ra công khai)

Để tránh  thuế thu nhập mại sản (đánh vào lợi nhuận đầu tư) của Anh sẽ có hiệu lực vào ngày 1. 4. 1965, chủ bức tranh đã giao nó sớm cho nhà đấu giá Christie vào đầu năm ấy. Ngày 20. 1, Robert M.Leylan, đại diện và tổng giám đốc của nhà Christie tại Mỹ viết thư báo cho Simon biết việc bán bức tranh sẽ diễn ra tại London sau hai tháng nữa, vào ngày 19. 3, và giá dự kiến vào khoảng $1,5 triệu. Lần này, Simon quyết định theo đuổi bức tranh.

Ngày 13. 3, Leylan xác nhận Simon sẽ tới London vào tối 18 và sẽ gặp chủ tịch hội đồng quản trị I.O. là Peter Chan – Chan là người cầm trịch cuộc bán đấu giá bức tranh này và là người tạo cơ hội cho Simon kiểm tra bức tranh bằng tia cực tím.

Vì Simon quyết định ẩn danh, Leylan cũng cam đoan nhà Christie đã hợp thức hóa cho ông một vị trí dưới cái tên giả ở nhà Claridge. “Xin hãy yên tâm, tôi và tất cả mọi người liên quan của nhà Christie, London đã và sẽ làm mọi thứ có thể nhằm đảm bảo sự ẩn danh của ông”, Chance viết. Để mai danh ẩn tích hơn nữa, Simon dàn xếp một kiểu đấu giá kỳ bí. Tuy nhiên, cách thức của nó rắc rối đến nỗi giám đốc nhà Christie, Patrick Lindsay, buộc phải ghi chú lại những chỉ dẫn của Simon:

Thứ Sáu ngày 19. 3. Rembrandt. Lô 105. Chân dung Titus. Khi Simon ngồi tức là ông đang đấu giá. Nếu ông công khai ra giá khi đang ngồi cũng có nghĩa là ông vẫn đang đấu giá. Khi ông đứng lên tức là ông ngừng đấu giá. Sau đó nếu ông ngồi xuống trở lại thì ông vẫn ngừng đấu giá cho tới khi ông giơ ngón tay lên. Giơ ngón tay lên tức là ông tiếp tục đấu giá cho tới khi ông đứng lên lần nữa. P.Lindsay.”

Trong suốt phiên đấu giá, Simon làm Chance lúng túng khi lớn tiếng bỏ giá rồi sau đó im lặng luôn, khiến Chance phải tin rằng dù Simon ngồi nhưng ông đã ngừng đấu giá. Khi giá đấu đã lên đến $2,1 triệu, Simon vẫn ngồi nín thinh mặc kệ lời kêu nài của Chance mời ra giá khác. Nhưng lúc Chance hạ búa quyết định bức tranh thuộc về Viện Mỹ Thuật Marlborough (dưới tên Stavros Niarchos), Simon đứng lên phản đối.

Cuối cùng, trước sự chứng kiến của báo giới, bất chấp sự phản đối từ Marlborough, anh chàng Chance bối rối và hoang mang đành đặt bức tranh vào lô trở lại và “tái” mở việc ra giá. Marlborough không bỏ giá nữa, và Simon mua tranh của Rembrandt với giá $2,2 triệu trong lần bỏ giá tiếp theo.

Mặc dù theo điều kiện, nhà Christie phải mở lại phiên đấu giá khác (vào một ngày khác) nếu có tranh cãi, nhưng hoàn toàn không thấy thực hiện việc đó đối với bức tranh quan trọng này. Những lùm xùm, đi kèm với cái giá bất thường, đã trở thành các tít lớn trên mặt báo khắp thế giới.

Trước đó, nhân viên trong bộ sậu của Norton Simon ở Fullerton, California ráo riết làm việc trong nhiều tuần nhằm giữ sao cho danh tính của ông, cũng như việc ông quan tâm đến bức tranh được bí mật. Đặc biệt họ còn bàn nhau thống nhất một hệ thống mật khẩu bí hiểm để dùng mỗi khi bàn chi tiết về thương vụ này. Kết quả họ vô cùng ngạc nhiên và ngỡ ngàng khi sau đó toàn thế giới đều đã biết chuyện. Angelina Boaz, trợ lý của Simon, vẫn một mực khẳng định bản thân Simon đã quyết tâm giữ kín với công chúng danh tính cũng như  bí mật của ông chủ .

“Trước khi rời nhà đi London, Simon thực sự muốn có bức tranh đó. Ông ấy nói với tôi: ‘Tôi sẽ đến dự, nhưng sẽ không ai biết tôi đang ra giá. Khi gọi điện cho cô, tôi sẽ chỉ nói là ‘Có rồi, hãy đánh điện chuyển tiền’. Tôi sẽ cho cô biết một mật khẩu, sau đó cô cứ thế mà làm, thu xếp chuyển tiền tới. Nhưng tôi sẽ không giải thích đâu. Tôi không muốn bất kỳ ai biết tôi có bức tranh đó.’ Ấy thế mà ngay buổi tối sau phiên đấu giá đó, trên đường đi làm về tôi nghe radio loan tin, ‘Norton Simon vừa chi $2,2 triệu mua một bức họa của Rembrandt.’ Đến khi ông gọi điện, tôi bảo ‘Ôi, thế mới là bí mật lớn chứ!’” 

Trong khi những câu chuyện về diễn biến trong phòng đấu giá xuất hiện đầy rẫy trên báo chí thì tuyệt nhiên không thấy công bố một lời giải thích nào từ chính Simon. Năm 1975, trong một lần phỏng vấn với Marshall Berges, tạp chí Time, để chuẩn bị cho bài tiểu sử của mình, Simon mới thuật lại đầu đuôi câu chuyện như sau:

“Điểm gì là đậm màu nhất trong vụ mua bức Titus à? Đó là cái cách tôi đấu giá và cuộc chiến do vụ đấu giá đó gây ra. Sự thật câu chuyện là… khi ngẫm lại, tôi chỉ nhớ là lúc đó tôi lo sốt vó, sôi cả ruột cả gan. Lúc ấy tôi đang ngồi, mà chừng nào còn ngồi thì tôi còn đang đấu giá. Khi nào tôi đứng lên trước một giá nào đó thì mới có chuyện, nhưng tôi đang ngồi cơ mà, và hắn (Peter Chance) quay qua nhìn tôi – tôi đã dặn hắn trước là tôi không muốn lộ diện mà hắn vẫn nhìn – rao ầm lên ‘Hiện giờ có giá này đây, còn ai ra giá cao hơn không?’ Dù không chỉ thẳng vào tôi nhưng hắn cứ nhặng xị: ‘Tôi sắp sửa chốt giá đây. Lần thứ nhất, lần thứ hai, tôi có nghe giá nào cao hơn không?’ rồi lại nhìn sang tôi. Tôi quắc mắt trào hận nhìn lại hắn nhưng vẫn không hề há miệng, thế là hắn chốt luôn giá cho thằng cha kia.

“Tôi đứng bật dậy, hét to, mẹ kiếp, tôi đang nổi điên mà. Tôi đưa cái thư chỉ dẫn đấu giá cho một tay cũng đấu giá tên Dudleyngồi cạnh tôi xem, Dudley bảo y chả hiểu gì đâu. Thế là tôi nghiến răng nói, ‘Dudley, chúng đang lừa tôi, ông đọc lá thư này đi.’ Dudley bảo, ‘Nhưng Norton, hồi nãy tôi thấy ông đâu có ra giá gì đâu.’ Tôi hét ‘Đọc lá thư này đi’. Và Dudley đọc to lá thư thỏa thuận với nhà Christie lên.

“Bởi vậy mới thành một sự kiện ầm ĩ – không phải vì cái giá tôi trả cho bức tranh hay bức tranh tuyệt thế nào. Lạy Chúa, thế mà Peter Chance bảo là sẽ cho tôi thật nhiều thời gian mỗi khi hắn rao ‘Tôi có nghe ai ra giá nữa không?’ Tôi thì cứ đinh ninh rằng chừng nào mình còn ngồi thì chừng nấy hắn vẫn còn nghe thấy lời tôi ra giá. Hắn thừa biết lý do tôi ngồi lì là vì tôi không muốn bất kỳ ai biết tôi đang dự đấu giá.

Khu trưng bày tượng trong bảo tàng Norton Simon

Suốt bao nhiêu năm, từ phiên đấu giá đó cho đến tận buổi phỏng vấn này, Simon luôn ngẫm nghĩ về cung cách hành xử của Chance, và trong buổi phỏng vấn ông cho rằng bản chỉ dẫn cung cách đấu giá của ông gây hiểu lầm thì ít, mà do chiến lược của nhà Christie thì nhiều.

Chắc tay cầm trịch nghĩ đấy là lời rao cuối trước khi chốt giá, vì thế hắn cũng muốn biết liệu tôi có còn đang đấu giá không. Mà chắc hắn cũng đọc được tín hiệu từ tay kia: ‘Đủ rồi, tôi lấy bức đó’. Thế là hắn tính toán ‘Hai triệu hai trăm năm mươi của mình đang treo lơ lửng mà có ma nào thấy cái lão Simon kia đấu giá đâu. (Không bán cho người khác) thì giả sử lão tếch khỏi đây thì mình chỉ có trong tay mỗi một lá thư copy’. Ừm, quá đủ rồi. Khỏi phải bào chữa nữa, chẳng ai biết tôi vẫn đang đấu giá thành ra hắn phải gõ búa dập bẹp tôi. Chắc chắn lúc ấy hắn đang run cả người vì giá đấu đã cao hơn giá họ dự kiến rất nhiều. Thực tình, bức tranh đó quá tuyệt, ai mà không biết bức đó và ai mà không cuống quít cả lên nào, nhưng làm cho mọi chuyện thành rùm beng lại là điều hoàn toàn khác.”

Niarchos – người mua hụt – tiếp tục đòi kiện nhà Christie, khiến việc xuất khẩu bức tranh bị cản trở và buộc nhà đấu giá phải cam kết không bàn giao bức tranh cho Simon mà không loan báo. Một tháng sau thương vụ, Niarchos rút lại yêu cầu đòi bồi thường, nhưng mấy ngày sau đó, đại diện của ông ta chính thức đề nghị thẳng thừng với Simon bằng văn bản: “Tôi nghĩ ông Niarchos vẫn quan tâm đến việc mua bức tranh của Rembrandt và tôi có cảm giác ông ấy sẽ chịu trả cho ông thêm £100,000 ($280,000) nếu ông lưu tâm đến việc nhượng lại nó.”

Nhưng Simon không có ý định bán bức tranh.

(Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Lại cái trò dí súng vào đầu trẻ con

Pha Lê - hí họa của Nick Galifianakis

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả