Gẫm & Bình

Sắt cũng có thể nhẹ và day dứt như là khói… 11. 11. 11 - 12:22 am

Vũ Lâm

“Khoảng cách” của Lương Văn Trịnh

 

Chiều ngày 7. 11 đã diễn ra một triển lãm tương đối ý nghĩa với ngành điêu khắc của Hội Mỹ thuật VN. Đó là triển lãm Điêu khắc sắt hàn đầu tiên do Hội chính thức đầu tư lập trại sáng tác cho 10 nghệ sĩ điêu khắc trẻ (chủ yếu là nghệ sĩ Hà Nội, có 2 nhà điêu khắc TP.HCM) và 4 nghệ sĩ tự nguyện tham gia không cần đầu tư. Các tác phẩm của các tác giả trẻ trên một chất liệu mới mẻ, hẳn sẽ tạo ra nhiều hơi thở mới cho nghệ thuật điêu khắc. Một ngành tạo hình luôn luôn vất vả đối với những người thực hành – và cũng phản ánh một nét vận động có khuynh hướng trẻ trung hơn của Hội Mỹ thuật.

1.
Khác với tính chất của các chất liệu điêu khắc truyền thống như đá, gỗ, đồng… Chất liệu sắt–thép, với độ mút hai đầu của khả năng gia cố đều có thể đến cùng cực mảnh mai uốn éo, hoặc đặc nặng, lạnh lẽo vốn lâu nay không quen được đem làm chất liệu điêu khắc, mà chủ yếu chỉ dùng trong xây dựng. Các bài học nghệ thuật trong các trường nghệ thuật hình như cũng chưa có các tiết học riêng về điêu khắc kim loại. Các sinh viên tốt nghiệp ra trường có chọn chất liệu này thì cũng là do các giáo sư có tư tưởng cách tân khuyến khích.

Trong gần mười năm nay, lẻ tẻ thi thoảng có những triển lãm điêu khắc thuần túy kim loại của một số cá nhân độc lập. Nhưng khởi đầu mạnh mẽ cũng là các tác giả vốn là giảng viên điêu khắc của trường Mỹ thuật Việt Nam như Đào Châu Hải, Lê Thị Hiền, Mai Thu Vân với nghiên cứu và thử nghiệm như kim loại, thủy tinh… Sau đó là các lớp cử nhân mới tốt nghiệp say mê đeo đuổi nghệ thuật như Khổng Đỗ Tuyền, Nguyễn Ngọc Lâm (hai người này hiện cũng là giảng viên trẻ của Khoa điêu khắc – ĐH Mỹ thuật VN), Nguyễn Huy Tính, Lương Văn Việt. Ngôn ngữ điêu khắc được phát huy, và đời sống hiện đại cũng biến chuyển khá thú vị trong khả năng chuyển tải phong phú của sắt thép. Đặc biệt là tính song hành của sự mạnh mẽ và thủ thỉ tâm tình của tự thân chất liệu. Sắt cũng có thể làm vũ khí, là chất liệu bền vững và “đe dọa”, nhưng đôi khi có thể cũng nhẹ và day dứt, tinh tế như là khói…

“Vết nứt” của Lương Văn Trịnh

 

2.
14 tác giả trẻ trong triển lãm điêu khắc sắt hàn lần đầu tiên do Hội tổ chức này, tác giả lớn tuổi nhất như Trần Đức Sỹ, Nguyễn Nguyên Hà mới trên dưới 40 (là độ tuổi sáng tác sung sức của nghề điêu khắc). Các tác giả trẻ nhất cũng chỉ mới tốt nghiệp đại học. Cuộc ra quân có tính chất “binh đoàn” này thể hiện được ngay sức trẻ cũng như sức mạnh của chất liệu. Chủ đề sáng tác cũng rất phong phú, từ những bi kịch trong đời sống hiện đại, đến thiên nhiên hoặc những câu chuyện cá nhân và cả những vấn đề xã hội. Mỗi nghệ sĩ tìm tòi được từ chất liệu kim loại này, và mỗi người đánh thức nó theo một cách riêng để cho “sắt có tâm trạng” (như nhà điêu khắc nữ Mai Thu Vân nhận định). Từ đồ sộ nhưng nhẹ nhõm như tác phẩm của Nguyễn Huy Tính (Đôi phố), bay bướm như Phạm Thái Bình (Nhân Mã; Nhân Ngư). Lầm lì, nhưng day dứt như Lương Văn Trịnh (Vết nứt; Khoảng cách). Cô đơn và suy tư như Khổng Đỗ Tuyền (Cái bóng I; II; III). Hoặc đơn giản nhưng mãnh liệt như khối của Thái Nhật Minh (Đầu chiến binh). Hoặc thanh thoát và duyên dáng như Nguyễn Ngọc Lâm, với tổ hợp dây thép mảnh hàn nối vào nhau như bao quanh một trái tim (Hạt mầm). Hoặc hóm hỉnh và khéo léo như Trần Trọng Tri (Con khỉ và khẩu súng)…

“Đôi phố” của Nguyễn Huy Tính

 

Hạt mầm” của Nguyễn Ngọc Lâm

 

Nhà điêu khắc “già” nhất trong số những tác giả trẻ là Trần Đức Sỹ, với phong cách “citi cắt lớp” quen thuộc ổn định đem đến một tác phẩm nhiều tâm trạng đến mức… phát sợ. Đó là một chiếc ghế nhỏ, rất duyên dáng, nhưng đố ai dám ngồi vào đấy? (Cắt lớp ghế V).

“Cắt lớp ghế V” của Trần Đức Sỹ

 

Đặc điểm đáng hy vọng nhất ở triển lãm này là xuất hiện một số tác giả rất trẻ thuộc lứa nghệ sĩ thứ ba “sờ vào thép”, hầu hết là các tác giả vừa mới tốt nghiệp đại học, đã có những sáng tác đầu tay, nhưng bộc phát nhiều tiềm năng trên chất liệu này. Đây đó cũng vẫn còn một số tác phẩm mang tính decor trang trí hoặc mô tả đơn giản, chưa bộc lộ hết khả năng của ngôn ngữ thép. Nhưng điều đó cũng là dễ hiểu. Bởi họ mới bắt đầu bước vào ngưỡng cửa trên con đường lâu dài của sự nghiệp điêu khắc nói chung, cũng như những đặc trưng riêng của chất liệu thời đại.

“Nhân mã” của Phạm Thái Bình

 

“Nhân ngư” của Phạm Thái Bình

 

3.
Điều đáng nói cuối cùng là, một tác phẩm – vật thể có tính nghệ thuật điêu khắc, là những khối hình vật chất ba chiều có sức “làm cong không gian” xung quanh nó rất mạnh. Điều đó có nghĩa là sự bày biện phải có một khoảng đủ rộng để tác phẩm có thể “thở” và người xem có bước lùi để thưởng thức. Hơi tiếc rằng triển lãm bày trên tầng ba Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, không gian hơi sít, chật chội và hội hè, và các tác phẩm – nói một cách nhân cách hóa là các “sinh thể” điêu khắc sắt hàn này đành cụ cựa thì thầm theo kiểu “cây chạm lá, cá chạm vẩy” với nhau. Mong rằng sau vụ triển lãm “báo cáo” này sẽ có một cơ hội khác bày biện lại các tác phẩm ở một chỗ hợp lý hơn. Để tiếng nói của sắt – đồng hành với tâm tư của những người trẻ này, cất lên được những thanh âm vang vọng.

 

“Đầu chiến binh” của Thái Nhật Minh

 

“Con khỉ và khẩu súng” của Trần Trọng Tri

 

 

Ý kiến - Thảo luận

19:55 Friday,11.11.2011 Đăng bởi:  Nguyễn Hồng Sơn… thoát thai đáng yêu,,
Đơn giản mà thoát thai, đáng yêu như những hạt mầm tràn đầy mây trắng.
...xem tiếp
19:55 Friday,11.11.2011 Đăng bởi:  Nguyễn Hồng Sơn… thoát thai đáng yêu,,
Đơn giản mà thoát thai, đáng yêu như những hạt mầm tràn đầy mây trắng. 
15:23 Friday,11.11.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền"

Không hiểu sao anh Vũ Lâm nơi Lai Châu mù sương khói đó viết về một triển lãm toàn sắt với đinh chốn thị phố mà hồn vẫn nhẹ bỗng "không du du" miền "Phong Kiều"... như thi nhân Trương Kế 1 đêm nào vương nỗi cô liêu của kẻ lâm v
...xem tiếp
15:23 Friday,11.11.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền"

Không hiểu sao anh Vũ Lâm nơi Lai Châu mù sương khói đó viết về một triển lãm toàn sắt với đinh chốn thị phố mà hồn vẫn nhẹ bỗng "không du du" miền "Phong Kiều"... như thi nhân Trương Kế 1 đêm nào vương nỗi cô liêu của kẻ lâm vào cảnh bị thuyên chuyển tới miền hẻo lánh mà nhớ những bà bạn tri kỉ nơi zập zìu oanh yến...

Mới biết người nghệ sĩ phải trong cô đơn mới bộc lộ cái thanh tao của mặc khách mong bạn nhớ bầu...

Sầu ghê gớm... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả