|
|
|
|||||||||||||
Điện ảnhPhim từ đĩa: Agora – Không phải thánh, chỉ là người thôi 29. 12. 11 - 12:27 pmPha Lê tổng hợp
Dạo gần đây, lịch sử/tích Hy Lạp cổ bị Hollywood lạm dụng hơi nhiều, với những Clash of the Titans, Centurion, và sắp tới là Immortals. Đành rằng phim không phải sách tích hay sách sử, nhưng ít ra cũng phải có tí gì đó gọi là “nghiên cứu”, còn những phim kể trên thì chủ yếu mượn tích và kỹ xảo để có cớ phô ra những cảnh chém giết bạo lực, hở hang nhảm nhí. Nhưng những ai có ý muốn xem một phim nghiêm túc về thời Hy Lạp/La Mã cổ đại đừng nhụt chí, chịu khó mò mẫm thì cũng tìm ra được phim hay. Phim đó chính là Agora – Việt Nam dịch thành “Nữ thánh” (?), do Alejandro Aménabar đạo diễn. Phim dựa trên một câu chuyện có thật, rất cảm động, về nữ học giả Hypatia. Nàng Hypatia (Rachel Weisz đóng) có một khởi đầu khá suôn sẻ. sinh ra trong một gia tộc trí thức; bố nàng – Theon – là giám tuyển của Thư viện Alexandria vĩ đại vào thế kỷ thứ 4 sau Công Nguyên. Sau khi bố Theon già yếu, Hypatia thay ông dạy học và quản lý thư viện. Nhưng vào thời này, Thiên Chúa giáo nổi lên như một dạng tôn giáo mới, xung đột giữa hai phía đã gây nên những tổn thất lớn cho nền văn minh nhân loại.
Lúc vào đầu phim, thư viện Alexandria vẫn còn khá an toàn. Nơi đây (từng) hội tụ đầy đủ các sách vở văn thơ, sách nghiên cứu, sách sử v.v… ; nó giống như một kho kiến thức khổng lồ, được mệnh danh là thư viện lớn nhất của nền văn minh cổ. Học giả từ khắp nơi, thuộc đủ mọi quốc tịch, tôn giáo, kéo đến đây để nghe Hypatia giảng bài. Và cô thực sự ra dáng một giáo sư, nhiệt tình giảng về khoa học và thiên văn. Hồi đấy, mọi người vẫn còn công nhận thuyết “Trái đất là trung tâm của vũ trụ”, Hypatia cũng dạy thuyết này, nhưng thấy có cái gì đó không đúng. Cô khuyến khích các học sinh thảo luận, và bản thân mình cũng tự tìm hiểu thêm.
Các học sinh chăm chú nghe Hypatia giảng, và trong đó, ba người chăm chú nghe vì yêu cô giáo. Người thứ nhất là Orestes (Oscar Issac đóng) – chàng trai La Mã nhà giàu, quyền lực bậc nhất thành phố, người thứ hai là Synesius – người Hy Lạp nhưng theo đạo Thiên Chúa; một người nữa, không thuộc hội học sinh, nhưng cũng mê Hypatia đắm đuối là Davus (Max Minghella đóng) – chàng nô lệ trẻ theo hầu Hypatia.
Trong số ba chàng thì Orestes biểu hiện tình cảm lộ liễu nhất. Nhưng đây không phải là phim tình cảm, nữ giáo sư Hypatia cũng chẳng hứng thú với yêu đương nên từ chối thẳng thừng. Cô yêu kiến thức và tuyệt đối không muốn lấy chồng, vì như vậy cô sẽ phải từ bỏ công việc hiện tại. Cô cũng không kỳ thị tôn giáo, ai muốn học thì cô sẽ dạy, thậm chí còn khuyến khích chàng nô lệ Davus học hỏi thêm. Nói vậy, chứ Hypatia không phải “thánh” như bản dịch tiếng Việt mô tả. Cô rất thông minh, nhưng rất nóng nảy và cứng đầu; gặp ai chậm chạp hay lơ tơ mơ là cô quát không thương tiếc. Chàng nô lệ Davus rất hay bị cô làm tổn thương, và cả những ai yêu cô đôi lúc cũng phải lắc đầu ngán ngẩm. Nhưng tình hình chính trị càng lúc càng bất ổn, Thiên Chúa giáo ngày càng lan rộng, và thư viện Alexandria có thể trở thành mục tiêu đập phá tiếp theo. Tầng lớp nghèo bao giờ cũng chiếm đa số, họ và các nô lệ ngả theo Thiên chúa giáo vì Giê-su quan niệm ai cũng công bằng, cũng phải được tự do; phe La Mã/Hy Lạp từ đó yếu dần. Davus cũng muốn theo Thiên Chúa giáo, nhưng lưỡng lự vì muốn được ở bên Hypatia – người không quan tâm đến chính trị, chỉ muốn tìm hiểu xem trái đất quay quanh mặt trời như thế nào. Nhưng vào thời chiến tranh như vầy, ai cũng phải chọn phe, việc Hypatia không thích theo phe, chỉ thích nghiên cứu sách vở, có thể đem tới những hậu quả nghiêm trọng.
Điều đầu tiên cần bàn là đây không phải một phim đề cao/vùi dập tôn giáo nào hết. Alejandro rất hay làm phim có đề tai gây tranh cãi, nhưng trong “Agora” ông chủ yếu chỉ quan sát. Thiên Chúa giáo có những bài học đẹp, nhưng những môn đồ theo đạo có thể hiểu sai ý hoặc dùng kinh thánh như một cái cớ để giết người và phá hủy công trình kiến trúc, đốt sách, bài trừ khoa học; chứ bản thân đạo Chúa không bị Alejandro bêu rếu là sai, là xấu. Ông cho thấy rằng chiến tranh, dù vì lý do gì, cũng gây nên những tổn thất nặng nề đến cho nền văn minh.
Điều tôi thích nhất ở phim là nó được dàn dựng rất đẹp, quay cũng đẹp, nhưng không cường điệu hóa. Thư viện Alexandria cũng như thành phố cùng tên hiện ra một cách choáng ngợp, đồ sộ, và vĩ đại như thời kỳ hoàng kim của nền văn minh cổ, với những căn nhà bằng đá to bản, nhiều tượng thần cao tới vài chục mét, và những cuộn giấy, tập văn thơ xếp thành lô, nhiều đến nỗi chúng chạm tới nóc thư viện. Nhưng đúng với lịch sử thời đó, không có đoàn quân nào mặc áo giáp sáng choang, cầm kiếm cầm đao chém giết như những phim sử/thần thoại Hy Lạp gần đây của Hollywood. Chiến tranh tôn giáo quy tụ những người nghèo, mà binh khí bằng sắt thép hồi ấy rất đắt tiền. Dân Hy Lạp/La Mã hồi xưa dù giàu nhưng cũng chẳng “thời trang” như bây giờ, họ chủ yếu mặc áo chùng đơn giản (nhà giàu thì có chất liệu vải tốt hơn). Và trong phim Agora thì ai nấy cũng ăn vận đơn giản; những người tham gia chiến tranh cũng cầm cây gỗ, cầm cuốc xẻng là chính. Cũng vì nó trông chân thật và thô sơ như vậy nên các cảnh chém giết, loạn lạc có gì đó rừng rú và đáng sợ hơn những phim về thần thoại, về sử… bóng lộn khác.
Diễn viên Rachel Weisz thực sự xuất sắc trong vai Hypatia – một phụ nữ thông minh, quật cường và cứng đầu. Bất cứ ai yêu nghệ thuật cũng sẽ không khỏi xúc động khi thấy cô cố gắng giữ từng bài văn, từng ghi chép, nghiên cứu khoa học… cho thế hệ sau trong tình cảnh bấn loạn nhất của lịch sử; và cũng không khỏi khó chịu khi cô quát tháo người kém thông minh hơn. Những ai từng gặp người có tính cách như Hypatia cũng sẽ cảm thông với chàng nô lệ Davus. Một mặt, chàng bị Thiên Chúa giáo quyến rũ vì muốn được tự do; mặt khác, chàng khâm phục Hypatia, dù cô rất khó yêu, làm người này người kia tổn thương lúc nóng nảy, nhưng lại thật sự có tấm lòng, ham học hỏi và rất thông minh, nên thế nào thì Davus không thể ghét được. Tuy không phải phim tình cảm, nhưng Agora đề cao trí tuệ, tình yêu, và sự tha thứ; ai thích lịch sử, Hy Lạp, văn hóa, hay thích xem một phim cho ta nhiều cảm xúc và khiến ta phải suy ngẫm thì không thể bỏ qua Agora.
Điều duy nhất tôi than phiền về bộ phim là kết thúc của nó; Alejandro không sợ những đề tài gây tranh cãi, nên không hiểu sao kết thúc phim hơi ủy mị và có vẻ chùn tay. Có thể là do kết thúc thật trong lịch sử quá bi thảm, và ông yêu Hypatia nên không nỡ làm tới mức độ đó, và phim thì nói cho cùng chẳng phải sách sử; nhưng kết thúc này không lột tả hết được những gì Hypatia đã nếm trải. Dĩ nhiên không ai bắt ông làm phim tra tấn, có điều ông quá nhẹ tay, giống như làm phim về nỗi khổ hạnh của chúa Giê-su mà không diễn cảnh đóng đinh. Nhưng thật lòng mà nói không vì thế mà Agora trở thành một bộ phim dở. Những ai yêu nghệ thuật, khoa học, và lịch sử không nên bỏ qua tác phẩm này. * Đôi điều lưu ý trước khi xem phim: Nếu bạn tò mò, có thể lên mạng tra về tiểu sử của Hypatia. Cô chính là người chế ra ống đo tỷ trọng chất nước, hiện giờ khoa học hiện đại vẫn còn dùng. Nhưng nếu chưa biết về cô này mà không muốn “biết trước kết thúc” thì đừng nghiên cứu, có lẽ xem xong phim rồi hãy đọc sử để không bị sử làm mất bất ngờ. Ý kiến - Thảo luận
13:03
Saturday,10.5.2014
Đăng bởi:
nimmoHP
13:03
Saturday,10.5.2014
Đăng bởi:
nimmoHP
Theo những gì chị Pha Lê nói thì hypatia chỉ muốn tìm hiểu xem trái đất xoay quanh mặt trời thế nào, nhưng ở thời điểm này thì thuyết địa tâm vẫn còn thống trị 1 cách tuyệt đối. Phải đến hơn 1000 năm sau, tức thời của Johannes Kepler thì mới bắt đầu hình thành thuyết nhật tâm.
13:34
Thursday,29.12.2011
Đăng bởi:
admin
Cảm ơn Em-co-y-kien nhiều lắm
...xem tiếp
13:34
Thursday,29.12.2011
Đăng bởi:
admin
Cảm ơn Em-co-y-kien nhiều lắm
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp