Nhiếp ảnh

Tin-ảnh: Triệu to, triệu nhỏ, các bức ảnh đắt giá nhất thế giới 21. 11. 11 - 5:00 pm

Pha Lê dịch

Bức ảnh chụp dòng sông Rhine của nghệ sĩ Đức Andreas Gursky vừa lập kỷ lục, trở thành bức ảnh đắt nhất thế giới vào hồi đầu tuần tháng 11 năm nay, khi thu về 4.3 triệu đô tại nhà đấu giá Christie’s New York. Nhân cơ hội này, xin giới thiệu với mọi người các tác phẩm nhiếp ảnh đắt tiền nhất từ trước tới nay.

Đầu tiên là bức "Sông Rhine" của Andreas. Ông đã dùng photoshop, xóa một tòa nhà, một người dắt chó đi dạo, và một người đi xe đạp ra khỏi hình. Có thể bạn sẽ cau mày, không hiểu tại sao một bức trông đơn giản thế mà lại thu được bạc triệu. Nhưng Robert McFarlane - một nhà phê bình người Úc, cho rằng đường đất, dòng nước, và bầu trời là hiện thân của cách con người nhìn cuộc sống; ông cũng nói thêm là một nghệ sĩ tài năng có thể biến cái đơn giản thành cái xuất chúng. Nhưng gì thì gì, nó cũng đã trở thành quán quân của danh sách ảnh đắt.

Trước đây, kỷ lục ảnh đắt nhất thuộc về tấm chân dung tự chụp của nhiếp ảnh gia Cindy Sherman, có tên "Không đề #96". Bức ảnh được chụp vào năm 1981, với tác giả Cindy Sherman trông rất nam tính, ngả người ra sàn trong tư thế khá khiêu gợi, tay cô nắm một mẩu báo. Tác phẩm này được bán với giá 3.9 triệu đô, cũng tại Christie's.

Nhưng trước khi Cindy lập kỷ lục, thì thành tích ảnh đắt lại thuộc về... Andreas. Tấm ảnh có tên "99 Cent II Diptychon" này thu được 3.34 triệu đô tại Sotheby's vào năm 2007. Trái với bức "Sông Rhine", tấm "99 Cent..." rất màu sắc, chụp một siêu thị, với từng gian hàng đầy ắp thực phẩm; một cách phê phán chủ nghĩa tiêu thụ chăng?

Hạng tư thuộc về tấm "Ánh trăng bên hồ", 1904, của nhiếp ảnh gia Edward Steichen. Đây là một trong những bức ảnh màu đầu tiên, được chụp theo phong cách pictorialism - một kiểu khiến hình chụp trông giống tranh vẽ. Bức ảnh được bán với giá 2.9 triệu đô vào năm 2006.

Kỷ lục ảnh đắt tiếp theo thuộc về một tấm chân dung cũ kỹ của một nhân vật nổi tiếng: tay súng Billy the Kid. Không rõ ai là tác giả, chỉ biết nó được chụp vào năm 1879 hoặc 1880, và thu về 2.3 triệu đô vào tháng 6 năm 2011.

Bức ảnh này thì có lẽ được giá cao vì người chụp. Ông Dimitri Medvedev (Tổng thống Nga năm 2008 - 2011) cũng là một tay nhiếp ảnh nghiệp dư. Ông chụp bức "Pháo đài đá ở Tobolsk" này vào năm 2009, và nó thu về 1.7 triệu đô (dùng gây quỹ từ thiện) vào năm 2010. Thế mới biết ảnh đắt cũng còn tùy vào nhiều lý do.

Tác phẩm "Khỏa thân", do Edward Weston chụp và năm 1925 này đứng sau tấm "Pháo đài..." của Dimitri, với mức 1.6 triệu đô thu về tại một buổi đấu giá ở Sotheby vào tháng 4. 2008.

Kế tiếp là bức "Đôi bàn tay" (Hands), do Alfred Stieglitz chụp vào năm 1919. Alfred là một nhiếp ảnh gia có tiếng của thời đầu thế kỷ 20. Ông nằm trong số những nghệ sĩ đã đấu tranh để nhiếp ảnh được công nhận là một môn nghệ thuật (vì trước đây ai cũng xếp nhiếp ảnh vào loại giải trí, ba lăng nhăng); nhưng việc bức ảnh này thu về tới 1.47 triệu đô tại Sotheby's vào năm 2006 còn nhờ vào một yếu tố nữa: đôi bàn tay trong hình là tay của vợ ông - họa sĩ Georgia O'Keeffe.

Cũng nhờ bà O'Keeffe mà Alfred lại có mặt trong bảng xếp hạng ảnh đắt. Đây là tấm hình ông chụp vợ trong tư thế khỏa thân, thu về tới 1.3 triệu đô.

Ảnh chụp lại cũng có thể thu về tiền triệu, cụ thể là 1.2 triệu đô. Tác giả gốc của tấm ảnh trên là Sam Abell - nghệ sĩ chuyên chụp hình phong cảnh cho tạp chí National Geographic, nhưng cũng có lúc lấn sân sang mảng quảng cáo, và đây là ảnh quảng cáo ông chụp cho hãng thuốc lá Marlboro. Richard Prince chụp lại nó và mông má cho tác phẩm trông mới tí. Vì Richard chuyên lôi hình của người khác ra chụp rồi đem bán nên cũng rất hay bị dính vô kiện tụng. May là Sam Abell chưa đâm đơn đòi Richard trả tiền cho bức này.

Triệu đô tiếp theo thuộc về nhiếp ảnh gia Richard Avedon, với bức hình chụp siêu mẫu Dovima diện một chiếc váy của hãng Yves Saint-Laurent và đứng cạnh một đàn voi. Nó thu về 1.1 triệu đô vào tháng 11. 2010 tại Christie's.

Về ảnh của Richard Avedon, các bạn có thể xem thêm bài này.

Edward Weston lại xuất hiện trong bảng xếp hạng, sau tác phẩm "Khỏa thân" thì tác phẩm "Vỏ ốc" (1927) này cũng bội thu. Nó từng được gọi là "một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất", và "một cột mốc trong lịch sử của dòng nhiếp ảnh đương đại". Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 2 năm 1927, Edward đến thăm xưởng vẽ của họa sĩ Henrietta Shore, và để ý thấy một vài bức tranh gắn vỏ ốc của bà. Edward bị chiếc vỏ ốc mượn hồn khổng lồ hấp dẫn (Chambered Nautilus - một loại ốc có từ thời tiền sử, hiện giờ đang bị đe dọa tuyệt chủng). Edward bỏ ra mấy tháng liền để chụp chiếc vỏ ốc này, không ai biết rõ tấm hình trên là tấm số mấy trong vô số tấm được chụp. Tác phẩm thu về 1.08 triệu đô.

Ý kiến - Thảo luận

22:50 Tuesday,22.11.2011 Đăng bởi:  pha lê
@Ngocthang: Billy the Kid là một nhân vật có thật, nhưng không phải Lucky Luke (Lê nhớ là Luke chứ không phải Luck). Lucky Luke là một nhân vật truyện tranh, hư cấu thôi.

Nhưng trong bộ Lucky Luke thì có 1 tập tên Billy The Kid :). Có rất nhiều truyện/phim/truyện tranh về chàng trai này. Bộ Lucky Luke rất hay mượn hình tượng của các nhân vật có thật trong lịch sử để cho vào cốt
...xem tiếp
22:50 Tuesday,22.11.2011 Đăng bởi:  pha lê
@Ngocthang: Billy the Kid là một nhân vật có thật, nhưng không phải Lucky Luke (Lê nhớ là Luke chứ không phải Luck). Lucky Luke là một nhân vật truyện tranh, hư cấu thôi.

Nhưng trong bộ Lucky Luke thì có 1 tập tên Billy The Kid :). Có rất nhiều truyện/phim/truyện tranh về chàng trai này. Bộ Lucky Luke rất hay mượn hình tượng của các nhân vật có thật trong lịch sử để cho vào cốt truyện; ngoài Billy the Kid thì còn có tứ quái Dalton, bà Calamity Jane v.v... 
18:42 Tuesday,22.11.2011 Đăng bởi:  duongngocthang
Nếu không nhầm thì Billy the Kid chính là LUCKY LUCK
...xem tiếp
18:42 Tuesday,22.11.2011 Đăng bởi:  duongngocthang
Nếu không nhầm thì Billy the Kid chính là LUCKY LUCK 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hợp thể nói về hợp thể

Phan Phương Đông

Hãy bớt trách móc

Họa sĩ VI KIẾN THÀNH

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả