Điện ảnh

50/50: Bạn sành điệu, còn tôi tin vào những gì chân thật 23. 11. 11 - 2:47 pm

Bình Minh tổng hợp

 

.

1.

Phim 50/50 (Hên xui) kể về Adam Lerner (Joseph Gordon-Levitt đóng) – anh chàng có thói quen mỗi sáng chạy bộ quanh những con đường xinh đẹp của thành phố Seatle lạnh giá, chưa một lần có ý định vượt đèn đỏ dù chẳng có chiếc xe nào chạy qua trước mặt mình. Anh yêu công việc của mình (không có ý định đổi), có một ngôi nhà nhỏ xinh xắn, lúc nào cũng gọn gàng (cô bồ bừa bãi đến mấy, anh cũng sẽ làm cho nó gọn gàng), không biết lái xe (không có ý định đi học lái – lúc cần thì đi xe buýt)… Tóm lại, Adam có thể là một trong những chúng ta, những con người thành thị tràn trề sự hài lòng với cuộc sống, nên sẽ dễ dàng thấy: không thay đổi thật ra… cũng tốt.

Kịch tính đặt ngay từ đầu phim: Adam bị ung thư dây thần kinh (dù không hút thuốc, uống rượu, chơi bời gì, lại thể dục rất đều đặn). Anh đón nhận nó khá bình tĩnh, sẵn sàng chia sẻ nó với tất cả những người xung quanh, với mong muốn duy trì một cuộc sống bình thường tiếp theo cho đến ngày mình chết. Nhưng mục đích không thành, thế giới Adam đối diện kể từ ngày mang bệnh là một thế giới hoàn toàn đối nghịch với những gì anh muốn. Đó là ánh mắt đầy thương cảm, cái ôm trìu mến của những đồng nghiệp; là lời đề nghị của mẹ ruột – được dọn đến ở chung nhà để chăm sóc hàng ngày cho Adam; là những hành động quan tâm giả tạo ngày càng lộ liễu của cô bồ; và cả sự lạc quan tếu – lúc nào cũng toan mang bệnh ung thư của bạn ra làm một trò đùa cho dễ thở của anh bạn thân. Ngay cả cô bác sĩ tâm lý, người tưởng giúp Adam vượt qua hết những điều này, lúc nào cũng chăm chăm suy đoán anh trong trạng thái áp lực, mỏi mệt… Chút niềm vui Adam có được chỉ là với hai người bạn già chung phòng hóa trị – một ung thư giai đoạn cuối, một ung thư tuyến tiền liệt, họ giới thiệu về mình và bệnh như một con người với nghề nghiệp. Họ tổ chức ăn uống nhẹ nhàng, nói phét cùng nhau…

.


Bác sĩ tâm lý xem chừng bi kịch hơn cả bệnh nhân.


Buổi tiệc ngoài trời của Adam tại nhà một người bạn già cùng điều trị bị ung thư.


Adam quyết định cạo đầu cho gọn gàng trong sự ngỡ ngàng của Kyle – bạn thân.

 

Xem sẽ thương cho Adam – chấp nhận quy luật cuộc đời: ai cũng chết – muốn thật là nhẹ nhàng để đi đến cái ngày ai cũng phải đến đó, cũng không được. Thấy thật là ghét những người thương khóc đến… giả, thật là mệt mỏi với những cái ôm, cái chạm, xoa vai… Tóm lại: ghét kịch tính (đến với Adam).

Lúc cảm giác đó rồi, tác giả sẽ nói cho bạn một điều khác: thật ra không phải sự êm đềm, tĩnh lặng, những niềm vui be bé mà Adam có mới là phương pháp trị liệu tốt. Adam cũng cần đi chơi gái, Adam cũng cần biết đến sợ cái chết, Adam cũng thích hút cần ca, cũng phải đối diện với cảm giác khó chịu, thất bại, Adam cũng cần nhận ra việc mình chưa biết lái xe, chưa đi Canada mà chết thế này thì uổng quá… Nhưng điều đó cũng cần thiết thật sự cho mầm sống đang teo dần trong cơ thể Adam – như thuốc vậy.

Tóm lại: kịch tính một chút cũng cần – đạo diễn vừa nói cho trường hợp của Adam vừa cho phim của mình trước khi bắt đầu một đoạt kết dài đầy… kịch tính.

Anh bạn thân cho Adam xem bằng chứng bồ Adam ngoại tình khi Adam đã ung thư.


Cha mẹ, bạn và bồ cùng chờ đợi kết quả phẫu thuật của Adam.


Adam lại đẹp trai và có thể… cua gái.

2.

Đứng dậy sau những tràng khóc, tràng cười và cái happy ending, Người Xem Sành Điệu quay lại nói với mình rằng: tầm thường! Cuối cùng tất cả chỉ là những tình huống theo một công thức giải trí thật khắc nghiệt của Hollywood được đặt cạnh nhau, đi từ bình thường đến đầy kịch tính, rồi phải làm khán giả khóc, khán giả cười (mấy phút một lần), và cuối cùng là khán giả thấy nhẹ nhàng, thoải mái khi bước ra khỏi rạp, thấy xứng đáng số tiền đã bỏ ra xem phim…

Ừ. Nhưng mình thì không thèm nghĩ hay so sánh với các phim khác để thấy phim này công thức hay không, kịch tính hay không (hình như nó đã kịch tính từ đầu rồi) mà chỉ còn lại cảm giác… sung sướng khi Adam bắt đầu đẹp trai trở lại và thẹn thùng… tán gái. Mình chỉ có thể nói thật là mình thiếu trình độ thưởng thức nghệ thuật: mình thích phim này.

Kiểm lại, mình thấy mình thật là ba phải, sao lúc đầu phim ghét kịch tính đến thế mà tới cuối phim lại thích kịch tính đến thế. Cuối cùng là thích hay là ghét kịch tính? Ra về mình không khẳng định được điều này nữa. Tác giả, đạo diễn đã làm mình trở thành người thật là… ba phải.

Mình chỉ thấy được thuyết phục, một mặt vì các tình huống đan chặt với nhau, logic từ đầu đến cuối, có khóc có cười, theo lập trình viết kịch bản phim giải trí của Mỹ, mà bạn – Người Xem Sành Điệu – đã phân tích. Mặt khác là vì mình cảm giác hành trình đối diện ung thư của Adam xuất phát cái nhìn thấu suốt và cảm thông của người làm phim với hoàn cảnh nhân vật mình tạo ra. Đạo diễn không cố chứng minh anh ta là người giỏi, không liên tục sáng tạo ra những tình huống lạ lẫm, kỳ quái, bất ngờ, chăm chăm vào mục đích duy nhất là lấy nước mắt, tiếng cười của mình, là người xem phim. Đạo diễn chỉ muốn kể cho mình nghe một câu chuyện.

Rồi về nhà tra mạng, mình đã hiểu, tác giả kịch bản của phim, Will Reise, cũng là người bệnh ung thư, và viết câu chuyện này dựa trên những gì anh đã phải đối diện.

Mình nhấc máy gọi cho Người Xem Sành Điệu. Bạn hỏi lại mình một câu: thế chẳng lẽ muốn hay thì phải ung thư?

Bạn sành điệu, bạn rõ hơn mình. Mình chỉ biết khi làm phim, kể câu chuyện mà ta xúc động thật thì ắt sẽ có nhiều người xúc động theo, và trả tiền mua vé phim kế tiếp.

*

Phim 50/50 của đạo diễn Jonathan Levine, kịch bản: Will Reiser, diễn viên: Joseph Gordon-Levitt, Seth Rogen, Anna Kendrick, Bryce Dallas Howard, Anjelica Huston…, đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

 

*

Bài liên quan:

– 50/50: Bạn sành điệu, còn tôi tin vào những gì chân thật
– Hên/Xui: Nhân vật xui, khán giả rất hên

– Để diễn tả 50/50, mình xin dùng một từ: cliché

Ý kiến - Thảo luận

14:20 Friday,25.11.2011 Đăng bởi:  Maiki
Bạn Bình Minh có vẻ bức xúc với Người xem sành điệu nào đó kia quá, nên bài viết hơi có vẻ thiên vị cho góc nhìn của bạn, và thiếu phần khách quan. Đương nhiên, trừ khi review phim chuyên nghiệp, chẳng có lý do gì chúng ta cứ phải mổ với xẻ từng khung hình ra, nói tại sao nó hay hay dở. Mà nếu làm thế, phải chăng sẽ bị quy ngay vào một loại 'Sành điệu' thì sao?

X
...xem tiếp
14:20 Friday,25.11.2011 Đăng bởi:  Maiki
Bạn Bình Minh có vẻ bức xúc với Người xem sành điệu nào đó kia quá, nên bài viết hơi có vẻ thiên vị cho góc nhìn của bạn, và thiếu phần khách quan. Đương nhiên, trừ khi review phim chuyên nghiệp, chẳng có lý do gì chúng ta cứ phải mổ với xẻ từng khung hình ra, nói tại sao nó hay hay dở. Mà nếu làm thế, phải chăng sẽ bị quy ngay vào một loại 'Sành điệu' thì sao?

Xin nói trước rằng mình đồng ý với cái quý bạn Sành điệu kia, mà tự mình nhận thấy mình chả được Sành điệu mấy tí. Với cả, cái tít của bài viết làm cho mình cả cảm giác, hình như Sành điệu với Chân thật, nó là hai phạm trù không được đụng nhau ấy nhỉ? Mà mình thấy mình cũng tin vào những gì chân thật lắm. Phải làm sao? Ta sành điệu hay ta chân thật bây giờ?

Trước tiên, mình nghĩ, trước khi phán xét một người xem là thế nào, thì xin bạn đừng quên, gout thẩm mỹ của mỗi người rất khác nhau. Mình mơ hồ cảm thấy chữ 'Sành điệu' của bạn hơi thiếu thiện chí, có vẻ như ám chỉ bạn nọ là một tay học đòi nghệ thuật và khinh rẻ những giá trị nhân văn cốt lõi. Nếu cảm giác này của mình là nhầm thì mình xin lỗi. Dù sao, khi nó đứng ở một vé 'vs. sự thật', khó lòng mà nghĩ khác được về ý nghĩa của nó trong kiến giải của bạn.

Quay lại với bộ phim, mình đi xem vì mình thích Joseph Gordon-Levitt. Quả là trong quá trình xem phim, mình có lúc cười toáng lên, có lúc cũng rơm rớm nước mắt, nhưng khi đứng dậy, cả mình và người bạn đi cùng đều đồng tình rằng, bộ phim thật sự là 'thường' quá.

Cái sự thường của nó chính nằm ở chỗ, nó tuân theo những motip quen thuộc của Hollywood đến độ cliché, như bạn 'Sành điệu' đã chỉ ra. Nếu có một từ để diễn tả đúng bộ phim này, mình sẽ dùng từ này: cliché. Không ai nói rằng nó là một bộ phim tồi. Mình thích Persona của Ingmar Bergman thì mình cũng khoái cả The Hangover của Todd Phillips. Mình thích Vivre sa vie của Godard nhưng mình cũng khoái cả Night At the Museum. Không ai nói The Hangover hay Night At The Museum là phim tồi. Nếu đi hẹn hò hoặc có cơ hội xem lại thì mình vẫn xem. Nhưng để xếp chung cùng thứ hạng với những phim được đề cập bên cạnh thì không bao giờ. 50/50 cũng như thế, nó hiển nhiên rõ ràng thuộc về dòng phim tình cảm hài giải trí, không quá nặng nề, không quá sâu sắc, bài học rõ ràng, có đủ mắm muối gia vị, nhưng nó - đối với cá nhân mình - không vươn xa hơn được ngưỡng của một bộ phim thú vị. Bạn nói nó chân thật, nhưng mọi cảm xúc trong phim đều được xén bỏ đến mức 'vừa phải' nhất, đau đớn vừa phải, cay đắng vừa phải, yêu thương vừa phải. Đấy là còn chưa nói tình huống phim thì khá là dễ đoán, xử lý đơn giản và chả giống cái cuộc đời phức tạp của chúng mình mấy tí. Xem xong về thì mình cũng chả còn vấn vương gì cả. Thế thì, bạn ơi, có lẽ nó chân phương nhiêu hơn chân thật.

Một bộ phim không tầm thường, theo mình nghĩ, là một bộ phim phải lay động được mình ở một chiều sâu tâm thức. Nói đơn giản là nó phải làm mình suy nghĩ, trăn trở. Đương nhiên, còn có một yếu tố quyết định: nếu bạn ít có kinh nghiệm với phim ảnh, chuẩn của bạn sẽ thấp hơn, và một bộ phim dễ dàng gây xúc động cho bạn hơn. Ngược lại, nếu bạn đã có nhiều kinh nghiệm với phim ảnh, thì càng ngày, những bộ phim cliché sẽ càng khó động chạm tới phần sâu kín nhất trong bạn hơn. Điều này đúng với không chỉ phim, mà còn sách, nhạc, hội họa, nhiếp ảnh, và mọi thứ dính dáng tới nghệ thuật khác (và có lẽ còn cả trong việc cảm nhận người khác nữa đấy ;)).

Bộ phim làm mình thoáng nhớ tới 2 phim gần đây mình xem, cũng nói về đề tài ung thư này: một là Biutiful (của Iñárritu, có cái anh đóng No Country for Old man mà mình rất ưng), với Ikiru của Akira Kurosawa. Có khi tại xem 2 phim này mà mình thấy 50/50 nó thường. Bạn thử về xem rồi so sánh nhé.

Nói thế chứ, mình vẫn thích Joe trong phim này. Cười xinh thế cơ mà :P 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả