Nghệ sĩ thế giới

LEE YONG-BAEK: Nỗi buồn bên dưới vẻ sặc sỡ 03. 01. 12 - 7:38 am

KOH MI-SEOK - Hoàng An Đông dịch

 

“Người lính – thiên thần”. (Nguồn artnet)

 

Lee Yong-Baek (sinh năm 1966) là một nghệ sĩ mỹ thuật đương đại đặc biệt của Hàn Quốc hiện nay. Tại Venice Biennale lần thứ 54 vừa qua, ông được lựa chọn là đại diện duy nhất của Hàn Quốc với một gian trưng bày gồm 14 tác phẩm, đủ cả hội họa, nghệ thuật điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt.

Quê hương của Lee Yong-Baek là Gimpo, một thành phố nhỏ phía Tây Seoul. Ông về lại quê ngay sau khi xong việc học tập ở Seoul và Stuttgart, Đức, cách đây chừng 20 năm. Ông dựng nhà và xưởng làm việc bằng bê tông trên một quả đồi thấp nhỏ. Xưởng trông như một nhà máy bừa bộn với những cái loa phát thanh quá khổ, màn hình monitor cỡ lớn chất đầy không gian, dưới sàn là tứ tung đủ loại dụng cụ. Lee có nước da sạm nắng, mái tóc rối bù, thân hình vạm vỡ, dẻo dai, giống như một ngư dân hùng hổ hơn là một người theo chủ nghĩa thế giới (cosmopolite) đứng ở tuyến đầu của sáng tạo nghệ thuật với đa dạng chất liệu và công nghệ truyền thông. Ngay khi trở lại Hàn Quốc sau khai mạc Venice Biennale, ông tắt điện thọai di động để đi đánh cá ở ngoài khơi biển phía Nam.

Lee Yong-Baek tại Venice Biennale 2011. (Nguồn designbloom.com)

 

Chúc mừng ông, gian triển lãm Hàn Quốc, trong đó có sắp đặt Người lính thiên thầnGương vỡ, bức điêu khắc Pieta và bức tranh Cá nhựa, đã được yêu thích tại Venice Biennale 2011. Ông nghĩ thế nào về triển lãm của mình?

Tôi từng đến biennale này trước đó một vài lần, như một khán giả. Nhưng khi là một nghệ sĩ trưng bày tác phẩm tại đó, trải nghiệm trong tôi hoàn toàn khác. Đó thực sự là một chiến trường. Tôi nghe nói gian triển lãm của Mỹ đã tiêu tốn hơn 4 triệu đô la với tác phẩm là cái xe tăng lộn ngược. Sự cạnh tranh luôn khốc liệt. Thấy vậy, tôi chỉ nghĩ: “Được, người của các ông có thể tham dự một cuộc chiến, còn tôi đi theo cách ngược lại”. Vì những gian triển lãm của các nước đều trông có vẻ bạo lực, nên tôi đã khai triển những bộ quân phục có ngụy trang bằng hoa và treo chúng lên nóc. Những bộ quân phục, trong tình trạng đang được phơi phóng, ám chỉ sự giải lao, sự yên bình, gợi ý cho chúng ta không nên tham gia vào chiến tranh. Khi truyền thông quốc tế nhắc đến tác phẩm của tôi cùng những lời rỉ tai nhau trong công chúng, tôi bắt đầu nhận được các phản hồi đầy hào hứng.

Chi tiết một bộ quân phục với tên “Quân nhân” Nam June Paik… (Nguồn designbloom.com)


… và Joseph Beuys. (Nguồn designbloom.com)

 

Tiêu đề chung của triển lãm, Tình yêu đã đi xa nhưng vết sẹo sẽ được vá lành, nghe giống như một bài thơ lãng mạn. Ý nghĩa của tiêu đề này là gì và anh đã lựa chọn tác phẩm để trưng bày tại biennale này như thế nào?

Yoon Jae-Gap, người chịu trách nhiệm về gian triển lãm của Hàn Quốc đã gợi ý cho tôi cái tiêu đề đó. Và tôi đồng ý, diễn giải nó như một quá trình từ từ vượt qua cái tình yêu không được đền đáp của chúng ta dành cho nghệ thuật phương Tây. Vết thương đó đã lành và nay, chúng ta đã tới được điểm xuất phát bình đẳng. Tôi nghĩ nhiều về không gian triển lãm trước khi quyết định trưng bày tác phẩm nào ở đó. Gian trưng bày được thiết kế trông thật trọn vẹn, đầy đặn cho dù chưa có gì bên trong. Vì thế, tôi đã quyết định trưng bày các tác phẩm với đa dạng chất liệu, từ tranh vẽ đến điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt. Trong khi hi vọng người xem có thể bị hấp dẫn bởi ít nhất một trong số các hình thức đó, tôi vẫn muốn nó sẽ tiếp tục dẫn họ đến với các tác phẩm còn lại của mình.

Một góc gian triển lãm của Hàn Quốc tại Venice Biennale 2011.

 

Ấn tượng đầu tiên có thể có về tác phẩm của tôi là chúng trông thật duyên dáng, phần nào khoe mẽ. Tuy nhiên, nếu nhìn gần hơn, bạn có thể phải đương đầu với một sự thật nghiêm trọng. Trong trường hợp của Người lính thiên thần, một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt với video và nhiếp ảnh, màn hình video chiếu các hình ảnh đầy màu sắc trong sự hài hòa, nhưng là những hình nhân trong quân phục ngụy trang với hoa lá, có trang bị súng trường và đang tiến lên một cách rón rén. Hoa là thứ cấm kỵ số một trong nghệ thuật hiện đại nhưng dù vậy, tôi vẫn sử dụng chúng. Thoạt tiên, bạn nhìn thấy vẻ đẹp của chúng, nhưng chúng lại che đậy sự căng thẳng, nỗi khiếp sợ ở bên dưới, chạm tới nỗi đau của bạn bởi chiến tranh, sự chia cắt, cái chết. Ở đây, với riêng bạn và tôi, có thể nó chạm đến nỗi đau về sự chia cắt hai miền Triều Tiên.

Một version khác của “Pieta” tại Venice Biennale 2011. (Nguồn designbloom.com)

 

Tác phẩm điêu khắc Pieta có một hình thức khác thường, cái khuôn đúc vẫn ôm giữ khối hình mà nó giúp tạo tác nên. Quả là tài tình trong việc sử dụng cái khuôn đúc như vậy bởi nó thường bị đập bỏ sau khi giúp nghệ sĩ tạo hình xong tác phẩm.

Chúng ta, loài người, luôn bị giằng co giữa tính hai mặt trong bản chất, hoặc là quá yêu hoặc là quá ghét bản thân. Bởi vậy Pieta thể hiện hai mặt đó: cái hình người nắm cơ thể đã chết của chính mình trong tay và như đang tấn công nó… Pieta nguyên là để trình bày chính nỗi buồn đau của con người. Tôi vẫn nghĩ, nỗi buồn thực sự của chúng ta, sau tất cả, là cái chết; không phải cái chết thuần vật chất mà là việc mất đi những giấc mơ của chính mình.

Một version khác của “Pieta” (2008). (Nguồn artnet)

 

Gương vỡ là một cái gương thật vỡ tan trong tiếng súng bắn khi người xem đứng trước tác phẩm. Nó cũng là một thành công lớn với hình thức một tác phẩm nghệ thuật mang tính tương tác mạnh.

Cái gương có nghĩa là cái bản thể bị tách phần, gợi ý sự phản ánh bản thể mang tính triết học. Bởi cái âm thanh gây sốc và ồn ĩ đó, chúng ta có được những phản ứng làm giật mình; một số người xem thậm chí còn hét lên. Tôi bắt đầu làm việc với chất liệu gương khi tôi học tại Học viện toàn bang về nghệ thuật thị giác Stuttgart (State Academy of Visual Arts Stuttgart – SadBK), bang Baden-Wurrttemberg, Đức. Là đàn ông, tôi ít ngắm mình trong gương nhưng khi học ở nước ngoài, tôi lại thường đứng trước gương để tập diễn thuyết hay trình bày một vấn đề nào đó. Tôi nói chuyện với chính mình hoặc có khi chỉ nhìn chòng chọc bản mặt mình trong gương. Giữa bản thân anh trong thực tại và hình ảnh hấp dẫn của chính anh mà anh thường mơ tưởng, có rất nhiều thứ được bày ra. Thực tại tiếp cận tới sự mơ tưởng có nghĩa là giấc mơ đang thành sự thật, trong khi thực tại đang rời xa thì một chút ngắn ngủi cái hình ảnh tưởng tượng kia có thể làm người ta vỡ mộng. Tôi muốn bộc bạch trạng thái ở trong – ở giữa (in- between state) ấy thông qua những tấm gương vỡ. (Bạn có thể vào địa chỉ này để xem video clip tác phẩm này, cảm nhận rõ hơn những cú sốc từ đó.)

Khán giả đang khám phá “Gương vỡ”.

 

Cá nhựa, một bức tranh gồm nhiều con cá nhân tạo sặc sỡ đầy cám dỗ, lại như một lời quở trách sắc nhọn về khía cạnh thực tại là việc bắt chước tự nhiên hòng nắm bắt lấy sự tinh túy thực sự của nó. Triển lãm được xem như một sự phản ánh sâu sắc lịch sử hiện đại cũng như những nỗi đau khổ của đất nước Hàn Quốc trong thế kỷ XX.

“Cá nhựa”. (Nguồn designbloom.com)

 

Ông là người ngưỡng mộ Nam June Park. Những điều gì về nghệ sĩ này đã thực sự ghi dấu trong tâm trí ông?

Khi tôi đang học ở Đức (1991 – 1996), tôi đã có lần tình cờ gặp ông trong một gallery. Tôi tự giới thiệu bản thân là một sinh viên người Hàn Quốc và ông đã mời tôi đi ăn. Tôi bày tỏ với ông sự bối rối của mình rằng không biết nên làm gì sau khi học xong. Ông trả lời: “Có phải anh còn cái gì đó để học thêm nữa ở trường nữa không? Hãy về Hàn Quốc, Mỹ hay bất cứ nơi nào mà anh có thể sống và làm việc với nghệ thuật của mình”. Ông cũng cho rằng việc quan trọng là phải hiểu được sự khác nhau giữa cái vui vẻ và cái thú vị. Tôi nhớ nhất câu đã trở thành bài học suốt đời cho mình như sau: “Đừng trưng ra thứ mà anh đã giỏi làm rồi và thay thế đó bằng việc giảm thiểu hóa những sai sót của mình”.

Theo gợi ý của ông, tôi đã trở lại Hàn Quốc sau khi học xong nhưng quả là khó sống với một nghệ sĩ không tiếng tăm gì ngay tại quê nhà. Năm 2000, tôi từng giới thiệu tác phẩm tương tác Cảm xúc nhân tạo (Artificial Emotion), trong đó người xem phải đương đầu với sự thở của một con bò đã chết. Nhưng tác phẩm này chỉ có chừng 30 người xem. Tôi sốc thực sự vì chẳng có ai quan tâm đến nó cả.

 

Điều đó thực là nản lòng…

Hoàn toàn đúng. Sau đó, tôi đã dừng làm việc lại một chút. Một nghệ sĩ không bao giờ có thể làm gì đó một mình. Việc làm tác phẩm thử nghiệm cần ít nhất một chút nỗ lực. Điều khó với tôi là chẳng có ai quan tâm. Năm 2001, tôi không triển lãm gì mà thay vào đó, tôi bắt đầu các dự án với truyền hình. Tôi sống nhờ vào việc lặn sâu 30 mét dưới biển với nhiều thiết bị nặng nề để quay phim tài liệu về tự nhiên.

Tôi thích làm nghệ thuật và phim tài liệu. Tôi đang lên kế hoạch làm phim tài liệu về tự nhiên một cách nghiêm túc cho đến khi tôi 60 tuổi. Tôi muốn quay phim về những hòn đảo không người ở của Hàn Quốc trong khi cũng thích thú đánh bắt cá ở biển sâu và lặn dưới nước. Để làm nghệ sĩ một cách lâu dài, tôi nghĩ điều quan trọng là phải biết cách tự hưởng thụ (enjoy yourself). Việc này còn khó hơn cả sự làm việc cật lực. Để làm một tác phẩm nghệ thuật, bạn cần được thúc đẩy bởi một sự kích thích hay cảm hứng nào đó.

Nguyên bản “Pieta” (2008) (Nguồn designbloom.com).

 

Ông đã làm việc với nhiều loại chất liệu và hình thức như tranh, điêu khắc, sắp đặt.

Bởi vì tôi từng sống trong một giai đoạn mà tự do nghệ thuật cũng như sự cởi mở trong mọi biểu hiện nghệ thuật bị ngăn cấm. Năm 1985, tôi bắt đầu học tại Đại học tổng hợp Hongik, nơi 100% giáo sư theo Chủ nghĩa Tối giản. Tôi phản đối mạnh mẽ lối giáo dục mà chỉ bám chặt vào một phương pháp. Tôi đi học bởi tôi muốn làm các sáng tác nghệ thuật của mình nhưng người ta đè nén bất cứ thứ gì có vẻ sáng tạo và khiến tôi ngạt thở. Dưới chế độ độc tài quân sự, có một làn sóng tự kiểm duyệt mạnh mẽ. Nghệ thuật, như tôi thấy, là sự rộng mở ý tưởng cũng như nhận thức. Tuy nhiên, trong những năm đó, nghệ thuật như thể đang phải sống trong một ngôi nhà bị quản lý bởi một kẻ gia trưởng bảo thủ chuyên chế. Song bên ngoài đó, có những tiếng nói mạnh mẽ đang trỗi dậy, đó là Nghệ thuật Nhân dân (nguyên văn: the People’s Art). Tôi không thể chấp nhận sự lưỡng phân.

Tôi tin rằng về cơ bản, nghệ thuật là sự tự do cá nhân, và kết quả là bạn có thể giúp người khác tạo ra tự do cho chính họ. Song điều đó không được phép xảy ra trong những năm tôi học đại học. Vì thế, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đi học ở nước ngoài. Trong thời gian ở Đức, tôi để mình được tự do nhất có thể trong phạm vi cho phép của luật pháp. Lúc đầu, tôi bị hấp dẫn mạnh bởi “nghệ thuật quá trình” (process art), theo đó, tác phẩm được tiếp tục hoàn thiện trong suốt thời gian triển lãm và dừng tồn tại ngay khi triển lãm bế mạc. Vì thế, tôi cần một máy quay phim để lưu trữ lại tác phẩm của mình. Sau, tôi nghĩ, để cạnh tranh lâu dài, bền bỉ với người phương Tây, tôi nên sử dụng hội họa và điêu khắc truyền thống nhưng có kết hợp một cách mới mẻ với video art, nhờ đó tôi mới có thể có một điểm xuất phát bình đẳng với họ. Thế là tôi thành người làm việc với đa dạng chất liệu, hình thức.

… và chi tiết của nó. (Nguồn designbloom.com)

 

Một cuốn sách bình luận nghệ thuật của John Rachman, học giả uy tín người Mỹ giảng dạy tại Đại học tổng hợp Columbia, từng rất gây chú ý dư luận. Học giả này cho rằng nghệ thuật hiện đại bản địa của Hàn Quốc đã trỗi dậy kể từ sau phong trào dân chủ hóa trong năm 1987, và tác phẩm của ông liên quan chặt chẽ tới các điều kiện chính trị, xã hội, lịch sử của Hàn Quốc. Ông có thấy mình là một sinh viên hoạt động xã hội?

Tôi tham gia các cuộc biểu tình song không là thành viên nòng cốt trong bất kỳ nhóm nào. Có lần biểu tình, tôi ném đá trúng vào một viên cảnh sát rồi thấy anh ta ngã xuống. Từ đó về sau, tôi không bao giờ ném viên đá nào nữa. Khi đến studio nghệ thuật ở trường học, tôi thấy giáo viên ở đó bị phân chia thành những người theo phái hiện đại và những người theo nghệ thuật của nhân dân. Tôi ghét cả hai. Nhớ lại, dưới chế độ Park Chung-Hee, thế hệ chúng tôi bị buộc phải làm quen với sự áp bức. Nghệ thuật Nhân dân cũng chẳng khác vậy là bao. Sau khi xem những sáng tạo theo đủ các loại chủ nghĩa, tổ chức, và luật lệ có thẩm quyền, tôi chẳng thấy chúng khác mấy so với chủ nghĩa hiện đại. Tôi tin rằng nếu bạn quyết định sáng tác theo cách mà bạn muốn nhìn thế giới ở phía trước và duy trì kiểu tư duy đó thì bạn sẽ không bao giờ là một nghệ sĩ.

… Trong thời gian học ở nước ngoài, tôi tìm tòi nhiều dạng sáng tác mang tính thử nghiệm. Cứ có người phản ứng tích cực trước tác phẩm nào đó của mình là tôi lại ngay lập tức dừng làm tiếp và chuyển sang một dạng khác. Trong khi đang cố gắng định hình làm thế nào để sống đời mình, tôi đọc được đoạn viết sâu sắc trong một cuốn sách, thế này: “Nếu bạn đặt bẫy để bắt một chú thỏ, sau khi thành công, bạn nên vứt bẫy đi”. Tôi đã áp dụng điều đó trong cuộc sống của mình. Nghệ thuật là một phương tiện để giao tiếp. Một khi sự giao tiếp đã hoàn thiện, bạn cũng nên bỏ phương tiện đó ra thùng rác. Do đó, khi học ở Đức xong, tôi đã bỏ hầu hết các sáng tác của mình đi, có dễ chất đầy hai container, và chỉ mang về nước các sáng tác trên giấy.

 

Kế hoạch về tương lai của ông là gì?

Tháng 9, tôi sẽ làm một triển lãm cá nhân có quy mô lớn ở gallery Pin thuộc khu nghệ thuật 798, Bắc Kinh, Trung Quốc. Tôi gọi triển làm tại Venice Biennale là trò chơi thực tập và triển lãm tới ở Bắc Kinh mới là trò chơi chính thức.

*

Lee diễn giải về các kế hoạch triển lãm khiến người đối diện phải nhìn ông một cách kinh ngạc. Ông không thể tưởng tượng được rằng cả đời mình chỉ sáng tác về cùng một chủ đề nghệ thuật bởi ông tin tưởng mạnh mẽ rằng, một nghệ sĩ có sức sống phải là người có một nhận thức mạnh mẽ về sự tự phản biện (self – reflection), đủ khôn ngoan để vứt bỏ cái bẫy sau khi bắt được con mồi. Chính xác là chúng ta có thể chờ đợi những thử thách và sự ngạc nhiên vô tận từ Lee Yong-Baek.

 

Ý kiến - Thảo luận

0:22 Friday,6.1.2012 Đăng bởi:  kcbt
Một nghệ sĩ có sức sống phải là người có một nhận thức mạnh mẽ về sự tự phản biện (self – reflection), đủ khôn ngoan để vứt bỏ cái bẫy sau khi bắt được con mồi. ....!!!!
...xem tiếp
0:22 Friday,6.1.2012 Đăng bởi:  kcbt
Một nghệ sĩ có sức sống phải là người có một nhận thức mạnh mẽ về sự tự phản biện (self – reflection), đủ khôn ngoan để vứt bỏ cái bẫy sau khi bắt được con mồi. ....!!!! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

THẾ HỆ MỚI của Anh Tuấn

Thông tin từ triển lãm

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả