Điện ảnh

MỘT TUẦN VỚI MARILYN: Nên xem sớm, xem ngay, để lặng người 09. 01. 12 - 6:33 pm

Pha Lê tổng hợp

 

Poster phim “Một tuần với Marilyn”.

 

Cho rằng Marilyn Monroe chỉ là một “biểu tượng tình dục” là suy nghĩ sai lầm. Cô không hẳn là biểu tượng tình dục theo nghĩa đen, danh hiệu này vào thời đó hợp với Brigitte Bardot của Pháp hơn. Đúng, cô rất hấp dẫn, nhưng điều khiến Marilyn được bao người say mê (cho tới tận ngày nay) là vì cô giống như một thực thể với các tính cách đối chọi nhau rất bí ẩn – một cái gì đó vừa thông minh, vừa ngây thơ hồn nhiên; vừa quyết tâm, vừa yếu đuối, ngọt ngào. Chuyện cô diễn tốt hay diễn dở dường như chả quan trọng lắm.

Bộ phim Một tuần với Marilyn cho ta thấy đúng điều đó, tác phẩm này dựa trên một câu chuyện có thật – được Colin Clark viết trong cuốn hồi ký của mình trước khi xuất bản thành sách. Lúc mở màn, Colin (Eddie Redmayne đóng) là một chàng trai trẻ yêu nghệ thuật và thích mơ mộng. Sinh ra trong một dòng họ có tiếng có miếng* ở Anh Quốc, nhưng Colin không thích phấn đấu hay tìm danh vọng. Trái lại, anh lấy phim ảnh làm thú vui. Người anh thần tượng, không ai khác, chính là Marilyn Monroe (Michelle Williams đóng). Như mọi chàng trai thời đó, thần tượng Marilyn không đơn giản chỉ gắn với tình dục, mà còn có cả sự sùng bái.

Michelle Williams trong vai Marilyn. Khán giả Việt Nam biết cô qua phim truyền hình “Ngã rẽ cuộc đời”. Cô từng được đề cử Oscar cho vai Alma cho phim “Brokeback mountain” của Lý An. Michelle luôn là một diễn viên đặc biệt xuất chúng, không ai có thể đóng Marilyn đạt hơn cô.

 

Colin quyết định sẽ theo nghiệp điện ảnh. Anh tới văn phòng của đạo diễn Lawrence Oliver và ngồi miết ở đấy cho tới khi ông đồng ý giao việc cho anh làm. Cũng đúng lúc đó, Lawrence chuẩn bị quay bộ phim mới nhất: Hoàng tử và cô vũ công. Lawrence vừa làm đạo diễn, vừa thủ vai hoàng tử; còn vai vũ công thì sao? Lawrence mời được ngôi sao Marilyn Monroe vào vai này. Việc cô diễn viên Mỹ bay sang xứ sương mù để đóng phim là sự kiện lớn, không chỉ đối với nền điện ảnh Anh Quốc, mà còn với bản thân Colin. Anh chưa bao giờ được ở gần cô như thế.

Diễn viên Kenneth Branagh trong vai Lawrence Oliver. Ken là một tài năng lớn của làng kịch nói và điện ảnh Anh Quốc. Anh chuyên đóng các phim chuyển thể từ kịch Shakespear, và có đủ bề dày để lột tả thành công nhân vật Lawrence Oliver – vốn là một diễn viên kỳ cựu.

 

Vào thời điểm này, Marilyn đã lấy tới ông chồng thứ ba – nhà viết kịch lừng lẫy Arthur Miller; bản thân Lawrence thì đang làm chồng của huyền thoại Vivien Leigh. Còn Colin thì cũng đang tính chuyện hẹn hò với Lucy (Emma Watson đóng) – nhân viên phụ trách trang phục của đoàn làm phim. Nói chung, người nào cũng đang hạnh phúc theo kiểu của mình, nhưng một khi Marilyn xuất hiện thì mọi thứ bắt đầu rối tung hết.

Emma Watson – cô bé phù thủy Hermione trong loạt phim Harry Potter – đóng vai Lucy. Đây là một vai nhỏ nhưng vừa phải, cũng vừa hợp với Emma.

 

Đọc đến đây thì mọi người nghĩ đây là phim tình cảm pha lịch sử; thể nào Lawrence cũng mê Marilyn, chàng trai trẻ Colin sẽ được Marilyn để ý vì chàng ngây thơ và dễ thương, rồi Marilyn mỏng manh sẽ bị áp lực của một ngôi sao hành hạ, cô sẽ làm tan nát con tim của Colin, và làm chồng Arthur phát khùng vì cô đi yêu người khác. Cái tựa Một tuần với Marilyn cũng khiến người xem đoán sơ sơ rằng chuyện tình giữa Colin và Marilyn chẳng kéo dài quá 7 ngày.

Marilyn và Arthur Miller tại buổi họp báo. Arthur chính là tác giả của vở kịch “Cái chết của người chào hàng”. Dougray Scott – diễn viên của xứ Scotland, thủ vai Arthur. Anh chuyên đóng chung với các sao, nhưng toàn đóng… vai phụ.

 

Nhưng điều bất ngờ là, bộ phim thực sự không nói về chuyện tình gì cả. Theo đúng nghĩa, đây là một phim về nghệ thuật, về ý tưởng, cũng như những ước mơ của người nghệ sĩ, của những ai yêu nghệ thuật.

Lấy Lawrence Oliver trong phim làm ví dụ. Ông là một trong những diễn viên kiêm đạo diễn tài năng nhất thế giới. Ngoài các vở kịch, ông còn xuất hiện trong nhiều siêu phẩm – từ Đồi Gió Hú, Spartacus, đến Rebecca, Othello. Ông bị Marilyn hút hồn; vợ ông – bà Vivien Leigh – biết rõ điều đó, nhưng vốn là người thực tế, Vivien không rỗi hơi ghen tuông vớ vẩn nên cứ thế mặc kệ Lawrence. Ông mời Marilyn đóng vai vũ công vì cô hấp dẫn, nhưng bản thân Lawrence lại là một nghệ sĩ đúng nghĩa. Diễn viên, nhất là diễn viên Anh Quốc thời đó, là những cá nhân lao động chăm chỉ. “Bệnh” ngôi sao là thứ xa vời, diễn viên chuyên nghiệp phải đến trường quay đúng giờ, phải nhớ thoại, phải liên tục học hỏi và rèn luyện kỹ năng. Marilyn không thế. Cô không hẳn dở, nhưng cô quá nhạy cảm, không quen làm việc trong môi trường cứng nhắc. Mẹ cô chết trong nhà thương điên. bản thân cô cũng bị bệnh thần kinh yếu. Mỗi lần xuống tinh thần là cô không diễn xuất nổi, cứ nằm lì trên giường, khiến Lawrence chuyển từ ‘yêu như điếu đổ cái vẻ hào nhoáng của cô’ đến ‘tức phát điên’.

 

Người đầu tiên tại Anh Quốc thông cảm với Marilyn là Sybil Thorndike – diễn viên huyền thoại kiêm bạn diễn của cô trong phim. Sybil đã có tuổi, nên điềm đạm hơn. Bà biết không phải nghệ sĩ nào cũng làm việc theo một kiểu giống nhau. Bà gần như là người duy nhất cho rằng Marilyn không cần diễn cho thật hay làm gì, cô có một thứ mà không ai có được, và chỉ nhiêu đó thôi cũng đã quá đủ rồi.

Judi Dench thủ vai diễn viên gạo cội Sybil Thorndike. Sybil được nữ hoàng Anh phong tước Bà (Dame), Judi cũng được phong tước Bà. Phải gọi là Dame Judi Dench mới đúng, giống như Sir Elton John vậy, gọi tên không là phạm thượng, rắc rối ghê.

 

Người thứ hai thông cảm với cô chính là Colin. Anh biết cô ghét sự cứng nhắc, biết cô rất thông minh nhưng lại quá nhạy cảm. Cũng chính vì điều đó mà chồng của Marilyn – ông Arthur Miller – dù say mê cô cách mấy thì cũng không chịu đựng nổi. Nhưng trong lúc ai cũng ngán Marilyn thì Colin lại động viên, chở cô đi chơi, thăm quan lâu đài Windsor, ở cạnh bên khi cô đi ngủ, đi… tắm. Hai người có làm gì không thì phim chẳng nhắc tới. Nhưng vấn đề này không quan trọng. Arthur Miller từng nói rằng Marilyn “Là một nghịch lý đầy cám dỗ, có thể rất cứng rắn trong một khoảnh khắc nào đó, rồi lại trở nên bay bổng với vẻ nhạy cảm đầy chất thơ mà hiếm ai còn giữ được sau khi kinh qua độ tuổi thiếu niên.” Chính sự ngây ngô mỏng manh đó đã khiến Marilyn đặc biệt, khi cô cởi quần áo đi tắm trước mặt Colin, người xem hiểu rằng cô thực sự chả có… ý đồ xấu, và cũng hiều rằng Colin yêu cô đến nỗi anh chỉ cần ôm cô thôi là đã đủ.

Colin và Marilyn trong một cảnh quay.

 

Còn Marilyn thì sao? Cô thích Colin, nhưng cô là một biểu tượng, một giấc mơ. Để ngắm thì đẹp, nhưng chạm vào rồi thì giấc mơ đó biến thành thực tế. Cũng chính vì vậy những ai cô yêu và những ai yêu cô luôn đau khổ.

Nhưng đã làm nghệ sĩ, thì ai chẳng mơ mộng? Chính Lawrence đã nói: chúng ta không là gì khác ngoài một tập hợp của những ước mơ và hoài bão. Lawrence là một diễn viên giỏi, nhưng ông không phải là “ngôi sao”. Ông mơ được làm ngôi sao, nhưng sau khi gặp Marilyn rồi thì ông biết rằng đó chỉ là giấc mơ đẹp. Marilyn không tài năng bằng ông, nhưng cô tỏa sáng, cô có sức hấp dẫn khiến người ta chết mê chết mệt. Điều đặc biệt này biến cô thành sao, nhưng nó là bẩm sinh, chúng ta không thể học hay bắt chước. Lawrence dù bực bội vì Marilyn thiếu chuyên nghiệp, nhưng cũng phải thú nhận rằng cô thật phi thường. Cô không được đào tạo, cô nghiệp dư, dù vậy cô vẫn làm thiên hạ ngây ngất. Lawrence nghiệm ra: dù tài cách mấy hay khổ luyện cách mấy ông cũng sẽ không bao giờ thành sao như Marilyn. Người nghệ sĩ nào cũng thông cảm được với Lawrence, và tuy chúng ta có thể nghĩ rằng đời thật bất công khi Marilyn lại nổi tiếng đến vậy, trong khi những ai chăm chỉ và tài hoa như Lawrence lại không nổi bằng, nhưng Marilyn lại chiếm được tình cảm của ta dễ dàng hơn, ta bị cô hấp dẫn, bị cô quyến rũ. Michelle Williams thật suất xắc trong vai này. Cô đã được đề cử giải Quả Cầu Vàng, thể nào cũng sẽ được đề cử Oscar cho năm nay. Michelle chưa bao giờ nổi tiếng vì đẹp, nhưng xem phim thì thấy sức hút chẳng nằm ở những số đo hay những tiêu chuẩn của người mẫu.

Thật tình mà nói, bàn về diễn xuất của bộ phim là một việc thừa thãi. Toàn bộ dàn diễn viên đều là những gương mặt kỳ cựu của điện ảnh Anh Quốc: Kenneth Branagh trong vai Lawrence, Judi Dench trong vai Sybil Thorndike, Julia Ormond trong vai Vivien Leigh. Những vai phụ hơn cũng do những tên tuổi như Domminic Cooper, Emma Watson thủ diễn. Đến cả vai “gần như quần chúng”, xuất hiện được vài phút, cũng do các diễn viên xuất sắc của làng kịch nói và truyền hình Anh Quốc đảm nhiệm. Người duy nhất cỏ vẻ “ít kinh nghiệm” là Eddie Redmayne trong vai Colin.

Và Eddie diễn cực kỳ đạt. Ánh mắt của anh thể hiện được sự sùng bái mà một cậu bé dành cho thần tượng của mình. Sự sùng bái đó không quá lố hay bệnh hoạn, mà cực kỳ thuần khiết. Những ai yêu nghệ thuật, hay từng thần tượng một nghệ sĩ nhất định, hẳn sẽ đồng cảm với Colin. Marilyn là giấc mơ của anh, giống như một nghệ sĩ nào đó từng là giấc mơ của chúng ta. Thử tưởng tượng rằng ta gặp được người nghệ sĩ mình thần tượng, ta cũng sẽ giống Colin thôi. Câu tôi thích nhất là câu Colin nói ở cuối bộ phim “Trong một tuần, giấc mơ của tôi đã trở thành hiện thực, và điều duy nhất tôi làm được là mở mắt nhìn“.

Vậy đó, sau khi phim này hoàn tất, Lawrence thôi làm đạo diễn điện ảnh, quay lại với dòng kịch nói; còn Colin thì chuyển sang mảng tài liệu và viết nhật ký. Mơ mộng rồi thì cũng phải trở về thực tại, nhưng không mơ thì đời không đẹp. Thế nên các anh chị em nghệ sĩ, các bạn yêu nghệ thuật, hãy vào rạp xem phim Một tuần với Marilyn. Trong hai tiếng, chúng ta sẽ quên đi thực tế, chúng ta sẽ bắt đầu mơ mộng, bắt đầu nhen nhóm các ý tưởng, các hoài bão. Tôi từng mơ ước rằng mình sẽ gặp được đạo diễn Mike Leigh trước khi chết, có thể đây là giấc mơ hão huyền, nhưng phim cho tôi đủ dũng khí để tiếp tục mơ.

*

Vài điều về phim:

* Colin Clark là thành viên của dòng họ Clark, một dòng họ nổi tiếng của Anh Quốc. Các thành viên của gia tộc Clark đều là những nhà sử học, những chính trị gia, và đặc biệt nổi tiếng với việc ghi chép nhật ký. Anh trai của Colin viết một cuốn nhật ký chính trị rất nổi tiếng. Điều buồn cười là, dù Colin không thích theo nghiệp gia đình, cuối cùng anh lại nổi tiếng vì cuốn nhật ký anh viết về tuần lễ anh sống chung với Marilyn.

* Phim có quay cảnh Colin và Marilyn đến thăm quan lâu đài Windsor, cảnh bên trong thì đúng, nhưng không biết các tác phẩm nghệ thuật có đúng không. Marilyn được ưu tiên cho xem các bức phác thảo của Da Vinci, và ngắm lâu đài búp bê của nữ hoàng (thời trước khi lâu đài này được đem ra triển lãm). Mấy bức vẽ của Vinci không biết là thật hay giả, nhưng lâu đài búp bê thì chắc chắn là đồ giả, tiếc thật.

Các bạn nên đi xem sớm, phim kén khán giả nên có thể không chiếu lâu.

*

Lịch chiếu: (đến 15. 1, nhưng tùy vào khán giả ít hay nhiều mà thay đổi)

TP.HCM

Megastar Hùng Vương. 126 Hùng Vương, Q. 5
Megastar City Plaza. 60A Trường Sơn, P. 2; Q. Tân Bình
Parkson Paragon. 3 Nguyễn Lương Bằng. Q. 7

Hà Nội

Vincom City Towers. 191 Bà Triệu, Q. Hai Bà Trưng
TT Chiếu phim Quốc Gia. 87 Láng Hạ, Q. Ba Đình

Phim này chỉ có bản thường

Ý kiến - Thảo luận

17:55 Sunday,17.2.2013 Đăng bởi:  thanhyen
Tối qua mới xem phim này trên Star Movies :( nhưng trễ còn hơn không! Khi xem, mình cứ hình dung Marilyn thật thì còn làm người ta ngất ngây tới đâu nữa.. Quan hệ giữa Marilyn và Arthur Miller đúng là phải dẫn tới kết cục như vậy thôi, Colin thì giống như Hoàng tử Bé vậy.
...xem tiếp
17:55 Sunday,17.2.2013 Đăng bởi:  thanhyen
Tối qua mới xem phim này trên Star Movies :( nhưng trễ còn hơn không! Khi xem, mình cứ hình dung Marilyn thật thì còn làm người ta ngất ngây tới đâu nữa.. Quan hệ giữa Marilyn và Arthur Miller đúng là phải dẫn tới kết cục như vậy thôi, Colin thì giống như Hoàng tử Bé vậy. 
23:42 Monday,9.1.2012 Đăng bởi:  theking
Mình mới vừa xem phim, phim rất hay. Michelle làm mình rất thích và yêu Marilyn nhiều hơn.
...xem tiếp
23:42 Monday,9.1.2012 Đăng bởi:  theking
Mình mới vừa xem phim, phim rất hay. Michelle làm mình rất thích và yêu Marilyn nhiều hơn. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nghèo cũng phải cho Tèo đi học

Hieniemic - Tranh từ báo NLĐ

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả