|
|
|
|||||||||||||
Nghệ sĩ thế giớiJONATHAN YEO: Vẽ người phẫu thuật thẩm mỹ 17. 01. 12 - 7:47 amColine Milliard – Hồ Như Mai dịch
Người mẫu của Jonathan Yeo từng có cả Dennia Hopper, Nicole Kidman và David Cameron – và có lẽ hiện anh đang làm việc với các chân dung của Sienna Miller và Kevin Spacey. Tuy nhiên từ lâu, Jonathan Yeo đã sẵn sàng cởi bỏ hình ảnh chải chuốt của một họa sĩ chuyên vẽ giới thượng lưu. Năm 2007 anh thực hiện chân dung George Bush từ những mảnh cắt rời của các tạp chí khiêu dâm. Đảng Cộng Hòa lên tiếng, cho rằng tác phẩm nói trên “cực kỳ tởm”, nhưng ngay lập tức tác phẩm trở nên nổi tiếng, theo sau là một loạt các chân dung tương tự của Tiger Woods, Paris Hilton và cả Sarah Palin.
Triển lãm mới mở của Yeo ở Lazarides Gallery tại London cho thấy thêm một khía cạnh cực kỳ khác lạ trong sự nghiệp đa dạng của họa sĩ. Với triển lãm Bạn chỉ trẻ gấp đôi, Yeo đã chọn phẫu thuật thẩm mỹ làm đề tài. Triển lãm trưng bày những hình ảnh cơ thể người được phác họa trước khi mổ, các tranh đôi trước và sau khi phẫu thuật nâng ngực, và tranh vẽ những bệnh nhân bất tỉnh trên giường mổ. Trao đổi với phóng viên, nghệ sĩ nói thêm về series tác phẩm mới này.
Tại sao anh lại chuyển từ chân dung sang phẫu thuật thẩm mỹ? Có vẻ như là một bước nhảy khá lớn. Thì đúng là vậy thật, nhưng cũng khá là logic đấy. Tôi thích vẽ mặt và cơ thể. Công việc của họa sĩ chân dung là phải đọc được gương mặt và cố tìm cách giải nghĩa những điều mà gương mặt muốn nói. Gần đây việc này trở nên rất khó khăn: người ta điều chỉnh gương mặt bằng phẫu thuật thẩm mỹ, điều này khiến ta khó đọc được họ một cách tự nhiên. Công việc (của tôi) đã đi từ vẽ một cá nhân, vẽ về người ấy, trở thành chuyện dùng chân dung như một chủ đề để kể câu chuyện đương đại. Chúng ta đang ngụp lặn trong một thứ gì đó thật phức tạp, và có lẽ vẫn chưa hiểu hết được ý nghĩa đầy đủ của nó. Nói cách khác, công việc của tôi chẳng thay đổi gì cả, theo nghĩa tôi vẫn vẽ mặt và cơ thể. Nhưng theo một nghĩa khác, công việc của tôi đã thay đổi rất nhiều, chuyển từ một thứ gì đó hoàn toàn cá nhân, thành một thứ mang tính khái niệm.
Không giống như phần lớn chân dung của anh trước đây, những người trong tác phẩm lần này hầu như không ai biết. Đúng rồi. Tôi từng làm việc rất nhiều với giới tiếng tăm nói chung và nhiều nhân vật nổi tiếng nói riêng, nên lần này tôi rất muốn tránh chuyện dùng những người mà ai cũng nhận ra. Tôi muốn dự án lần này có tính khái quát hơn. Và tôi không muốn người ta ghét bỏ các tác phẩm vì nghĩ rằng chúng chỉ tìm kiếm sự chú ý, nhờ những người trong tác phẩm nổi tiếng hoặc nhờ chủ đề tác phẩm quá ghê gớm và trần trụi. Tôi cũng đi xem một số cuộc phẫu thuật, nhưng cuối cùng tôi muốn tránh dùng chiến thuật gây sốc. Sự tinh tế là điều tôi thích hơn.
Một số bác sĩ đã cho phép anh đến nơi làm việc của họ. Phản ứng ban đầu của họ ra sao? Chuyện này khá phức tạp, và phần nào đây cũng là lý do tại sao dự án này tốn khá nhiều thời gian. Tôi có ý tưởng cách đây khoảng 3, 4 năm. Vấn đề đặt ra là làm sao thuyết phục được các bác sĩ phẫu thuật cùng tham gia. Lần đầu tiên tôi đặt vấn đề là khi nói chuyện với một người bạn, bác sĩ phẫu thuật Martin Keely, nhưng chưa đầy một năm sau đó thì anh ấy mất. Anh vẫn còn khá trẻ – thật tội nghiệp. Vậy là dự án phải hoãn lại một thời gian. Sau đó tôi khá may mắn được gặp ba bác sĩ phẫu thuật hiểu việc tôi đang muốn làm, và họ giúp đỡ tôi rất nhiều. Thông qua những thứ mà tôi đã có từ Martin, và từ các bác sĩ sau này: xem hồ sơ lưu trữ, nói chuyện với họ, khai thác những mảng thú vị và những mảng mà tôi nghĩ là sẽ thể hiện bằng tranh được tốt nhất, tôi đã làm việc và tìm ra điều mình muốn làm.
Vậy là anh làm việc chủ yếu từ ảnh chụp? Chính xác. Khi công việc đã vào guồng, tôi còn được phép mời đến xem phẫu thuật tận mắt, vậy nên tôi cũng sáng tác từ ảnh của riêng mình – nhưng tôi vẫn chưa đạt đến giai đoạn có thể đặt giá vẽ ngay trong phòng phẫu thuật. Truyền thông về chủ đề phẫu thuật thẩm mỹ thường mang nặng tính phán xét: hoặc đúng, hoặc sai. Thông thường người ta sẽ hơi phản đối, kiểu “không nên làm vậy, làm vậy coi như ăn gian” – hoặc ngược hẳn thì có người lại bị ý tưởng đó chinh phục hoàn toàn, “được trông trẻ lại 10 năm thì còn gì bằng”. Tôi cố gắng tránh cả hai thái cực đó. Tranh luận kiểu đó ở đây là hơi lạc đề. Hiện tượng phẫu thuật thẩm mỹ chưa biến mất ngay đâu. Nên chăng ta hãy nhìn xa hơn, xem xét những hệ quả của việc nó đã hiện diện và phát triển thật nhanh chóng. Các bác sĩ rất hài lòng về kết quả (của dự án), nhưng tôi không nói chuyện trực tiếp với bệnh nhân nào cả. Tôi muốn giữ khoảng cách đó. Lần này rất khác với khi tôi vẽ người. Ở đây tôi muốn loại bỏ cá nhân hóa ra khỏi quá trình. Câu chuyện không chỉ là chuyện của một người nữa. Mỗi hình ảnh nói lên một quan điểm về một loại phẫu thuật, hoặc kiểu tâm lý đằng sau phẫu thuật ấy.
Anh nghĩ trải nghiệm này đang/ đã ảnh hưởng như thế nào đến việc anh vẽ nhiều chân dung “thẳng thừng” hơn? Anh có nhìn người ta theo cách hơi khác không? Có lẽ vẫn còn quá sớm để nói được gì. Chắc chắn tôi thấy chuyện đi xem một cuộc phẫu thuật nâng mặt thực sự là rất lý thú, trên phương diện là để lấy tư liệu tác phẩm. Nhưng có lẽ còn có ích hơn nữa trên phương diện để tìm hiểu xem những gương mặt người đã “vận hành” ra sao. Tôi từng dành ra hàng năm quan sát bề mặt của những gương mặt người, và đặt ra những giả định và phán đoán về cách thức các thứ chuyển động và tại sao lại chuyển động, cơ nào nằm ở đâu, đại loại thế. Được xem những cơ nhỏ xíu đó co kéo theo nhiều hướng khác nhau và xem cách gương mặt được phục dựng thế nào đối với tôi thực sự là một đặc ân. Leonardo ngày xưa phải đào tử thi, hay phải ăn cắp xác chết để có được điều đó. Nay (tôi) được mời đến để quan sát ngay trên một cơ thể người còn sống thật tuyệt vời. Điều đó khiến tôi càng hứng thú hơn với chuyển động của những gương mặt và tính giao tiếp trong sự thể hiện của nét mặt người. Nhưng tôi cũng không quá vội vàng trở lại làm những tác phẩm kiểu “truyền thống” trước đây. Tôi vẫn muốn làm cho xong tác phẩm Sienna (Miller) và một vài tác phẩm thú vị khác đã, nhưng chắc chắn với tôi dự án hiện nay là một sự khám phá qua nhiều giai đoạn, và tôi chỉ mới làm xong giai đoạn đầu tiên. Vẫn còn nhiều thứ tôi muốn biết, không chỉ là những khác biệt trên thế giới, các kỹ thuật phẫu thuật khác nhau, nhu cầu khác nhau của con người. Ở phương Đông, phẫu thuật thẩm mỹ vẫn còn là một chủ đề mang tính nhạy cảm – người ta thường đến Hàn Quốc và làm lại mắt cho giống người phương Tây. Ở Trung Đông người ta lại hay sửa mũi. Một trong những nguy cơ của phẫu thuật thẩm mỹ là chuyện dần dần chúng ta sẽ có những gương mặt giống nhau, đi theo đó, những sự đa dạng về chủng tộc, những dị biệt cá nhân cũng sẽ mờ phai và điều đó thật đáng xấu hổ.
Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|