Bàn luận

Vì sao tôi dùng giẻ rách? 14. 05. 12 - 7:58 am

Pha Lê dịch

 

John Outterbridge, tác phẩm "Xí Nghiệp giẻ rách" (chi tiết), 2011, chất liệu tổng hợp, đa kích thước.

 

Để hưởng ứng Múi giờ Thái Bình Dương (Pacific Standard time) – một liên hoan nghệ thuật đa địa điểm, diễn ra từ tháng 10. 2011 đến tháng 4. 2012, nhằm tôn vinh các tác phẩm nghệ thuật được làm tại phía Nam California từ 1945 đến 1980 – nghệ sĩ John Outterbridge vừa cho ra đời một tác phầm sắp đặt, dành riêng cho LAXART (một không gian nghệ thuật tại Los Angeles, cũng tổ chức Múi giờ Thái Bình Dương). Tác phẩm này chủ yếu được làm bằng những mảnh giẻ rách thu thập từ khắp đường phố Los Angeles, và từ các nhà máy tại khu trung tâm. Được biết đến rộng rãi như một giáo viên, một cố vấn, một người tổ chức sự kiện cộng đồng, và giám đốc của Trung tâm Nghệ thuật Watts Towers từ năm 1975 đến 1992, Outterbridge, trong 40 năm qua, đã kiến tạo nhiều tác phẩm gắn liền với phong trào Tập hợp California (California Assemble). Tác phẩm Xí nghiệp giẻ rách trưng bày từ 10. 9 đến 22. 10. 2011

Sau đây là 500 chữ giải thích tác phẩm của ông:

Tôi nhìn mảnh giẻ rách như một vật thể chứa đựng nhiều rung động. Bạn mặt quần áo, và sau khi mặc chán thì chúng trở thành giẻ rách. Nhưng dù bạn đi đâu hay làm gì, giẻ rách vẫn rất quan trọng. Ta dùng vải để quấn quanh cơ thể, nhưng ta cũng “trốn” trong chúng. Dựa vào màu sắc, dựa vào quá khứ và lịch sử của chúng, giẻ rách gần như là một lời tuyên bố về địa vị xã hội mà ta nắm giữ, và cho ta thấy tầm quan trọng của những thứ bị coi là “đồ bỏ đi”. Tôi cũng rất thích sử dụng kim loại, hoặc bất cứ chất liệu gì có thể tạo ra được một tiếng nói, một thông điệp. Nhưng giẻ rách thì không lạnh như kim loại, và bạn có thể gấp nó, rồi bỏ nó vào túi, có thể gói nó thành một bọc, hoặc treo lơ lửng trên trần nhà, có thể dùng nó để trang trí, may nó thành chiếc gối cho bạn nằm. Và đấy chính là lý do vì sao tôi không chọn thứ gì khác ngoài một đống giẻ để làm chất liệu cho tác phẩm này.

Một phần của sắp đặt

 

Tôi sinh năm 1933, cách đây cũng rất lâu rồi. Khi còn là một cậu bé lớn lên ở phía Bắc Carolina; bố và mẹ tôi tôn thờ những món bị cho là đồ bỏ, họ yêu vẻ đẹp và tính thẩm mỹ của những thứ không còn dùng được nữa; và điều đó luôn làm tôi thích thú, vì đối với tôi, những hàng rào cũ, các tòa nhà xuống cấp, và những mảnh giẻ vô giá trị chẳng phải là những vật xa lạ, mà là một phần của ngôn ngữ cuộc sống, mỗi vật đều có mối liên kết gần gũi, gắn bó với nhau. Khi bạn lớn lên trong hoàn cảnh giống tôi, nghĩa là giống như bao dân Mỹ gốc Phi khác, sự phân biệt là luật, và có những thứ – nhiều thứ – mà bạn không thể nào làm được. Hiện nay, chúng ta không bàn về chủng tộc theo cách mà ta nên làm, bởi vì (vấn đề chủng tộc) không còn phổ biến nữa. Chúng ta nghĩ rằng mọi thứ đã được giải quyết rồi – mặc dù chưa có gì thực sự được giải quyết cả.

 

Bạn đưa sự phẫn nộ, đưa bất cứ kiến thức gì bạn học được từ sự phẫn nộ ấy vào tác phẩm của mình. Bạn không chỉ làm nghệ thuật, nghệ thuật phải trở thành cuộc sống của bạn. Sự sáng tạo trong cách thể hiện, dù đấy là cách gì chăng nữa – bạn có thể phải đi biểu tình trên phố, và đôi khi còn phải đập vỡ cửa kính vì bức xúc* – trở thành một phần trong động thái sáng tác và trong nghệ thuật của bạn. Chỉ có một khoảng thời gian ngắn ngủi để tách biệt chuyện “làm nghệ thuật” với chuyện “thâm nhập vào cuộc sống”. Và đôi khi bạn không có khả năng hay không thể nói tới chuyện đó, đơn giản chỉ vì bạn thấy nghẹt thở khi phải nhìn vào quá khứ.

Tôi thích sử dụng giẻ rách như một nguyên tố mang tính biểu cảm; nhưng tôi chẳng thấy nó có gì khác so với những khía cạnh còn lại trong cuộc sống của tôi, hay cách tôi nghĩ về dân số nói chung, hay dân số thế giới. Những mảnh giẻ rách luôn hiện diện trong môi trường và xung quanh môi trường mà tôi từng sống. Đối với tôi, nghệ thuật có đủ táo bạo để trở thành bất cứ thứ gì nó cần ở một thời điểm nhất định. Bất cứ thứ gì. Vì quá trình sáng tạo là khởi nguồn của mọi việc, mặc cho ta đang làm chuyện nào đấy, hay đang đi đâu. Bạn sẽ chẳng bao giờ thoát khỏi đống giẻ rách được, ngay cả khi bạn quẳng nó đi, nó vẫn quay lại với bạn. Nó tựa như nước, vun đắp cho tính cách của bạn, cho tính cách của những thứ bỏ đi, và cho cách ta sống.

*

(*Những người đi biểu tình, lúc bức xúc, có thể sẽ đập bể cửa, đốt bàn ghế, hoặc vẽ khẩu hiệu lên tường)

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nghèo cũng phải cho Tèo đi học

Hieniemic - Tranh từ báo NLĐ

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả