|
|
|
|||||||||||||
Điện ảnhCHẮP CÁNH BAY XA – xem rồi sẽ bay xa 03. 03. 12 - 7:06 amPha Lê tổng hợp
Nhà tôi có một khán giả khó tính, xem phim chủ yếu chê nhiều hơn khen, nhất là những phim có vẻ trẻ con nhăng nhít. Nhưng sau khi vị khán giả ấy xem phim Chắp cánh bay xa xong, ông cũng phải xuýt xoa rằng “dễ thương quá”, rồi cười nguyên ngày như con nít. Phim này trước đây có phát hành băng video ở Việt Nam, giờ chịu khó mò thì cũng sẽ ra đĩa DVD. Phim có cốt truyện đơn giản và rất dễ thương, mặc dù mở đầu hơi buồn. Bố mẹ bé Amy ly dị nhau, theo lời bà mẹ thì ông bố – vốn là một nhà khoa học tên Thomas – cứ thích phát minh ra mấy món quái gở, chẳng chú ý gì đến vợ con. Amy (Anna Paquin đóng) chủ yếu sống với mẹ ở New Zeland, và không có thiện cảm với bố cho lắm. Không may cho Amy, mẹ em qua đời sau một vụ tai nạn, em phải chuyển về vùng quê ở tỉnh Ontario, Canada, để sống với bố Thomas (Jeff Daniels đóng), và bạn gái Susan của ông (Dana Delany đóng).
Thomas tuy yêu nhưng không quen chăm con nên đối xử với Amy khá là ngượng nghịu, thậm chí bạn gái Susan của ông lại được lòng Amy hơn. Amy chán bố nên cũng không thích ngồi trong nhà, bé hay chạy ra cánh rừng ở gần đấy để chơi đùa một mình. Tình cờ, bé phát hiện ra rằng các công ty bất động sản đang chặt phá khu rừng để xây chung cư, nhà hàng, khách sạn… Amy thấy tiếc lắm nhưng không làm gì được. Khi đang buồn rầu ngắm máy móc phá rừng, bé phát hiện ra một ổ trứng ngỗng. Amy đoán rằng bố mẹ chúng có thể đã bỏ chạy hoặc bị giết, nên bé đem ổ trứng về, giấu chúng trong nhà kho, và dùng bóng đèn điện để ấp chúng nở.
Vốn là một người bố dễ tính, Thomas đồng ý cho Amy nuôi đám ngỗng trong nhà. Khổ cái, đám ngỗng này nghĩ rằng Amy là mẹ của chúng, bé đi đâu chúng cũng chạy theo. Nhìn thì rất dễ thương, nhưng đến khi chúng bắt đầu tập bay thì mọi thứ rối tung cả. Ngỗng trời phải đi trú đông, chúng học cách bay, đường bay, chỗ để trú đông từ bố mẹ chúng. Nhưng bố mẹ của đám ngỗng này đã chết; theo lệnh của chính quyền, Amy phải cắt cánh đám ngỗng đi, để chúng không bay lung tung hoặc bay lạc vì không biết đường.
Amy thương đám ngỗng quá, nhất quyết không chịu cắt cánh của chúng. Nhưng Amy nghĩ, bọn ngỗng sẽ phải ru rú trong nhà khi mùa đông tới, điều này cũng sẽ làm tổn thương chúng vì động vật hoang dã phải được tung bay chạy nhảy. Thomas muốn giúp con gái, nên nảy ra sáng kiến: Amy có thể dùng chiếc tàu lượn kiêm máy bay siêu nhẹ do ông sáng chế để bay về phía Nam ấm áp, bọn ngỗng sẽ bay cùng Amy, và học cách trú đông theo y kiểu tự nhiên.
Ai cũng nghĩ rằng Thomas khùng, nhưng bé Amy thì không. Bé dũng cảm học bay để hướng dẫn đàn ngỗng đến phương Nam một cách an toàn. Thế là cuộc phiêu lưu của hai bố con cùng đám ngỗng trời đã bắt đầu. Phải nói rằng, ấn tượng đầu tiên của tôi về phim này là nhân vật Amy. Đây là một phim gia đình nhẹ nhàng, rất dễ thương, dễ thương lắm. Cảnh đàn ngỗng chạy theo Amy, cảnh chúng tập bay… không thể nào xem phim này mà không cười toe, không xuýt xoa “đáng yêu quá”. Nhưng bộ phim trở nên sâu sắc hơn nhờ tuyến nhân vật. Trẻ em lẫn người lớn có thể học được nhiều điều từ Amy, rất nhiều bé (lẫn bố mẹ chúng) lâu lâu hứng lên, thích đem chó đem mèo về nuôi, nhưng chỉ nuôi chơi chứ chẳng có trách nhiệm gì. Amy không thế, bé nhận nuôi đám ngỗng, và bé làm đến nơi đến chốn. Thậm chí cả khi chuyện bay cùng chúng xuống miền Nam để trú đông là rất mạo hiểm và khó khăn, Amy chẳng hề chùn bước. Thomas không hề phiền lòng khi có một cô con gái mạnh mẽ như vậy.
Tôi cũng tự hỏi, liệu có bao nhiêu ông bố như Thomas? Ông có hơi man man và khùng khùng, nhưng ông chẳng ép con gái phải học thêm hay phải ngoan hiền. Trái lại, ông vui khi thấy con biết yêu động vật, có đam mê, có trách nhiệm, dám nghĩ dám làm. Một người như Thomas sẽ chẳng bao giờ buồn nếu thấy con bị điểm kém, vì ông tin tưởng rằng con mình sẽ luôn thành công. Jeff Daniels ra dáng một ông bố hơi khác người nhưng yêu con và biết cái gì mới thực sự tốt cho một đứa trẻ, chứ không cứng nhắc thái quá hay chiều chuộng thái quá. Anna Paquin cũng thật tuyệt vời trong vai Amy; người yêu điện ảnh hẳn còn nhớ, Anna từng được một Oscar vai phụ cho phim Đàn dương cầm khi mới 11 tuổi. Tài năng của Anna không thuộc loại ‘một phim rồi thôi’. Từ lúc nhỏ đến lúc lớn, Anna luôn hoàn thành vai diễn một cách xuất sắc, và đôi mắt của Anna luôn ánh lên vẻ thông minh. Thật chẳng lạ gì khi Anna còn đóng phim đều đều cho đến ngày nay. Cũng nhờ cuộc phiêu lưu xuống phía Nam cùng đám ngỗng mà Amy dần dà hiểu bố và yêu bố. Chẳng phải ngẫu nhiên mà các bộ phim thường kể chuyện cha mẹ hàn gắn mối quan hệ với con cái bằng cách hướng cả hai ‘làm một việc gì đó cùng nhau’. Nếu Thomas chỉ biết tâm sự với Amy thì chưa chắc bé có thể hiểu ông hơn. Xem phim mới nghiệm ra rằng, gia đình chỉ thật sự hạnh phúc khi các thành viên có trách nhiệm, có đam mê, cùng nhau học hỏi, và cùng nhau làm một việc gì đấy có ý nghĩa.
Và chuyện giúp các chú ngỗng học cách trú đông là việc có ý nghĩa, dù thoạt nghe thì thấy nó có vẻ khá là cỏn con. Khi nhìn thấy Amy lượn trên bầu trời, tâm hồn của chúng ta như được nhấc bổng theo. Không gì vui và có ích bằng chuyện hoàn thành tốt một công việc mà mình tin tưởng cũng như yêu thích, dù chuyện đó nghe có vẻ hơi khác thường. Để khán giả có được cảm giác ngây ngất này, công lớn thuộc về nhà quay phim Caleb Deschanel*, phải nói rằng ông là một trong những nhà quay phim tài năng nhất thế giới. Dưới góc máy của ông, khán giả phải nín thở khi thấy Amy và bố bay qua các con sông, qua các vùng đất khô cằn. Đặc biệt, cảnh hai bố con lượn qua các tòa nhà cao ốc của thành phố Baltimore đông đúc nhìn thơ mộng không thể tưởng tượng nổi, nhất là khi các nhân viên văn phòng trầm trồ khi thấy hai bố con cùng đàn ngỗng bay ngang qua cửa sổ văn phòng của họ. Các cảnh quay không chỉ đơn giản là đẹp, mà còn bộc lộ được ý chí cũng như tâm hồn của hai bố con. Phim có gì đấy rất tự do và yêu đời, xem xong chỉ muốn bỏ văn phòng để được bay nhảy cùng thiên nhiên.
Lúc nhỏ, tôi có xem một phim tên Hắc mã huyền bí, kể về một chú ngựa và một cậu bé cùng nhau sống sót trên đảo hoang. Phim quay quá đẹp, đến nỗi dù phim không buồn mà tôi phải rớt nước mắt. Tự nhiên khi xem Chắp cánh bay xa, tôi lại có được cái cảm giác y như lần xem Hắc mã huyền bí. Lò dò một hồi mới biết, chính Caleb Deschanel đã quay Hắc mã, và đạo diễn của Hắc mã cũng là đạo diễn của Chắp cánh bay xa. Cả hai phim đều khiến tôi xúc động vì cái đẹp luôn khiến tôi xúc động. Và cả hai đều phù hợp với gia đình, rất vui, xem giải trí được, nhưng lại cực kỳ thơ mộng và sâu sắc. Cũng vì những phim như vầy mà tôi không thích những phim cố tỏ ra ‘nghệ thuật’ để rồi lằng nhằng hóa cái cốt truyện. Lằng nhằng làm gì khi một phim đơn giản, dễ hiểu như Chắp cánh bay xa lại đẹp như thế, hay như thế.
* Đôi chuyện thú vị về phim: Hai chiếc máy bay siêu nhẹ (giống tàu lượn hơn máy bay) của bố con Amy là máy bay thật đấy nhé. Diễn viên Jeff điều khiển chiếc UFM Easy Riser, còn Anna sử dụng chiếc Cosmos Trike. Chiếc UFM còn được bảo tàng Western Canada Aviation Museum (Bảo tàng Hàng Không của phía Tây Canada) đem về trưng bày. Phim này dựa trên một câu chuyện có thật, về nhà phát minh Bill Lishman. Ông chuyên thiết kế các loại máy bay siêu nhẹ, và thường xuyên giúp ngỗng trời (thậm chí cả cò, hạc…) học cách trú đông, ông cũng dùng chiếc UFM Easy Riser để bay cùng đàn chim xuống phía nam. Mỗi năm, khi mùa đông chấm dứt, đàn chim tự động bay về nhà của “bố” Bill ở Ontario. * Gia đình của nhà quay phim Caleb Deschanel là một gia đình nghệ thuật, nếu ai không để ý lắm đến nhà quay phim nhưng nghe thấy tên của ông này quen quen, đó là vì hai cô con gái của ông – Zoey và Emily Deschanel, là hai diễn viên nổi tiếng của Mỹ (chứ không dính gì tới hãng thời trang Chanel đâu nhé). Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|