Ở Đâu - Làm Gì

ÁP PHÍCH BA LAN:
Không ngờ lại hay thế 20. 06. 10 - 10:42 am

Họa sĩ Phạm Huy Thông

 

Có một triển lãm tương đối hay hiện đang trưng bày trong một không gian tương đối xa lạ với dân lọ mọ nghệ thuật ở Hà Nội: Triển lãm Poster Balan tại sảnh tầng 2 của… khách sạn Inter Continental.

Tớ sẽ chẳng bao giờ bước chân vào cái chốn đầy com-lê cà-rà-vạt và áo dài đấy nếu không có anh bạn người Ba Lan nhiệt tình lôi kéo, quảng cáo về danh tiếng của nghệ thuật tranh áp phích của đất nước anh.
Trong tưởng tượng của tớ, chắc áp phích của Ba Lan lại cũng nặng tính hoàng tránh Xô-Viết-Tíc và đầy tính tuyên truyền bợ đỡ chính trị như hàng ngàn áp phích khác từ các nước cánh tả thời đó.

Nhưng tôi đã nhầm.

Phải mất một lúc, gọi điện đi khắp nơi hỏi han, cậu nhân viên bảnh bao cùng các cô phụ tá áo dài của Inter Continetal mới biết rằng triển lãm áp phích này nằm ở tầng hai của sảnh trung tâm khách sạn, tức là ngay trước mũi họ. Hình như chúng tôi là một trong những người đầu tiên đến để xem triển lãm nên người phụ trách của khu nhà hàng rất nhiệt tình xoay từng áp phích ra phía ánh sáng để chúng tôi xem (tôi lúc nào cũng bị ám ảnh là mình được cái đám cà-rà-vạt ấy đối đãi tử tế vì mình đi cùng một thằng bạn mũi lõ).

Chỉ duy nhất một poster về một liên hoan phim nào đó là có ảnh hưởng của nghệ thuật Xô Viết, các áp phích còn lại sử dụng nhiều minh họa vẽ tay với bút pháp thể hiện đầy cá tính, không kém bất cứ họa sĩ giá vẽ nào.

Dẫu biết rằng nguyên tắc chung được sử dụng trên toàn thế giới của việc làm áp phích là chọn lựa các hình ảnh mang tính biểu tượng để truyền tải thông điệp, nhưng ở các họa sĩ Ba Lan, việc này được thực hiện ở một đẳng cấp cao hơn hẳn. Áp phích của họ dường như có nhiều lớp nghĩa hơn thông thường.
Điều đặc biệt mà chúng tôi nhận thấy là các họa sĩ luôn giữ vững quan điểm sống của cá nhân khi làm việc bất kể kẻ trả tiền thuê là ai.

Dưới đây là một tác phẩm mà chúng tôi bàn luận nhiều.

Poster nói về “Văn hóa của người Do Thái trong đời sống nghệ thuật Ba Lan”. Người bỏ tiền ra thuê thiết kế có lẽ là một phòng ban tuyên truyền nào đó giống như Mặt trận tổ quốc ở ta, vận động cho Đại đoàn kết các dân tộc ở Ba Lan. Trung tâm của áp phích là một con mắt trong trẻo, mở to như muốn nói chuyện với người xem. Con mắt đó nhòm qua một lỗ thủng của bìa cứng được cắt bung xòe ra giống như ngôi sao David, biểu tượng của người Do Thái.

Thể hiện ngôi sao David theo cách này quả là rất sáng tạo, đầy tư duy lô-gíc của một họa sĩ mỹ thuật công nghiệp. Bên cạnh đó còn có một bàn tay (hình như đại diện cho cộng đồng người chiếm đa số ở Ba Lan) đang ấn nhẹ vào cái bìa, tạo cho áp phích một cảm giác động, phá bỏ bố cục đăng đối vốn trở nên nhàm chán trong các áp phích về văn hóa.

Nhưng câu chuyện chính là ở cái bàn tay này. Để bàn tay có “tương tác” với cái bìa hình ngôi sao David, người làm thiết kế có ít nhất hai lựa chọn: Bàn tay đang nhón tay để mở nốt cánh ngôi sao cho xòe ra, hoặc bàn tay ấn để cho ngôi sao dần cụp vào. Và ông ta đã chọn để ngôi sao đóng lại.

Tình cảnh của dân Do Thái tại Ba Lan sau chiến tranh cũng chẳng tốt đẹp gì. Họ bị coi là những kẻ ở nhờ trên một đất nước đang kiệt quệ. Khi mà “chủ nhà” còn quay quắt từng bữa ăn thì đám “khách” bị coi là những kẻ ăn bám, vắt cạn tài nguyên của (bất kể họ có đóng góp gì).
Hàng ngàn người Do Thái đã rời bỏ Ba Lan để tìm sang Israel (đừng nói là họ đi theo tiếng gọi của dân tộc, nếu mọi sự làm ăn thuận lợi, hàng xóm đùm bọc thì sẽ không ai muốn bỏ mái ấm mà đi). Quan hệ giữa người Do Thái và các dân tộc đa số ở Ba Lan là lạnh nhạt nếu không muốn nói là thù ghét.

Và vì vậy cái ngôi sao David bị cắt bung từ miếng bìa kia mới đang trên quá trình đóng lại, và đôi mắt dường như đang nói với ta những điều cuối cùng. Thông hiểu hoàn cảnh của người Do Thái, và có chính kiến rõ ràng, họa sĩ thiết kế ra poster này, dù làm việc để kiếm tiền, vẫn gài được quan điểm của mình vào tác phẩm. Điều anh ta cần có lẽ là một cái lưỡi dẻo để đối đáp với những nhà kiểm duyệt.

Triển lãm áp phích Ba Lan sẽ chỉ kéo dài đến ngày 24 tháng 6, các bạn có đam mê nên ghé qua, nếu có thể thì lôi theo một cậu bạn mũi lõ để làm giấy thông hành vào Hà Nội In-tơ Con-ti-nen-tàn.

 

PHT

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả