|
|
|
|||||||||||||
Thiết kếLàm sao để treo cho đẹp tranh của Clyfford Still? 08. 03. 12 - 7:54 amClifford A.Pearson - Phan Anh dịch
Dù nằm cạnh khá nhiều công trình kiến trúc ồn ào, bảo tàng Clyfford Still tại Denver khẳng định mình bằng một giọng nói nhẹ nhàng song rành mạch. Trái với những đường nét hình tia chớp mà kiến trúc sư Daniel Linbeskinds thêm thắt cho Bảo tàng Nghệ thuật Denver nằm ngay bên cạnh, hoặc hình khối kỳ dị của chi nhánh* North Building (nằm đối diện) do Gio Ponti thiết kế năm 1971, hay kiểu kiến trúc Hậu hiện đại của Thư viện Công cộng Denver do Michael Graves thiết kế cách đó có một dãy phố; bảo tàng Still của kiến trúc sư Brad Cloepfil là một điểm dừng chân yên ả, thích hợp cho việc chiêm ngưỡng những tác phẩm của Clyfford Still – nhà tiên phong của chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng, qua đời năm 1980.
Bảo tàng Still là một khối bê tông hình hộp, nhưng không hề cứng nhắc mà nom mềm mại nhờ những dải kính và những tấm gỗ mỏng dát theo chiều dọc bên ngoài. Bảo tàng có diện tích 28.500m vuông, nằm sau một lùm cây Platanus nhỏ*, thể nào trong tương lai chúng cũng sẽ mọc cao bằng tòa nhà này. Những tán cây này tách bảo tàng ra khỏi khung cảnh xô bồ, tạo cảm giác bình yên khi bạn chuyển bước từ hè đường vào đến cổng. Về sau, khi các tán cây phát triển rậm rạp, chúng sẽ trở thành một bức màn che tự nhiên, chuyển tải ý tưởng: công trình kiến trúc này không nhằm mục đích tạo nên một hình dáng mang tính ‘biểu tượng’, hay gây ấn tượng gì cho người đi đường; Cloepfil cùng nhóm thiết kế của ông tại Công ty kiến trúc Allied Works nhắm tới một mục đích khác: tạo ra một môi trường với các kết cấu phong phú, sáng sủa, để trưng bày tác phẩm của một nghệ sĩ tài ba nhưng khó chiều, người gần như biến mất khỏi giới nghệ thuật suốt 30 năm cuối đời. Theo di chúc của Still, 2400 tác phẩm của ông sẽ được trao cho bất kỳ thành phố nào ở Mỹ chịu giữ chúng tại một bảo tàng cố định, dành riêng cho việc trưng bày các tác phẩm này. Sau khi Still qua đời, vợ ông đã từng bàn thảo với một số thành phố, và cuối cùng bà chọn Denver, mặc dù chồng bà – sinh tại Bắc Dakota – không có mối liên hệ gì với chốn đô thị sầm uất nằm trên vùng cao này hết.
Để kết nối bảo tàng với mặt đất, kiến trúc sư Cloepfil đã tìm hiểu về địa chất học. “Tôi muốn bảo tàng mang đặc điểm của một loại khoáng sản”, Cloepfil phát biểu. “Ý tưởng của tôi là: tạo nên một bố cục có hình dáng đơn giản nhưng lại mở rộng ra (thành nhiều thứ) khi bạn đi thăm thú bên trong”, ông nói thêm. Ban đầu, Cloepfil từng nghĩ đến việc dát đá obsidian (đá vỏ chai hay còn gọi là hắc diện thạch) cho mặt ngoài tòa nhà, và thậm chí còn sử dụng than chì cho mô hình đầu tiên của bảo tàng. Nhưng cuối cùng, Cloepfil chuyển sang đổ bê tông, sử dụng khuôn gỗ để tạo một loạt các hiệu ứng: từ bề mặt trơn phẳng nhờ những thớ gỗ mịn, cho tới bề mặt nham nhám như “vải nhung sọc” với những đường viền lồi ra giống vây cá. Thợ xây làm các đường viền này bằng cách gọt bớt phần mép của một số tấm ván (đóng cho khuôn bê tông) để tạo kẽ hở. Khi thợ xây dỡ các tấm ván này ra, phần rìa ngoài của ván sẽ cho khối bê tông một bề mặt răng cưa lởm chởm. Hình dạng xù xì mất trật tự này là phần thiết yếu cho nét đặc trưng của bảo tàng. Cloepfil cũng thay đổi khoảng cách giữa các tấm ván để tạo ra các nhịp điệu thị giác khác nhau và để thay đổi cái bề mặt phẳng lì của các khối bê tông lớn.
Mục đích chính của thiết kế vẫn là chiếu sáng các phòng trưng bày để làm tốt công việc treo tranh. “Mối bận tâm chính của tôi là làm sao cho những bức tranh trông càng tuyệt vời”, Cloepfil tuyên bố. Vì thế ông đặt cả 9 gian triển lãm trên tầng hai và đem ánh sáng tự nhiên đến cho 6 trong số 9 gian đó. Để phân tán ánh sáng, Cloepfil đã treo một tấm bê tông khoét lỗ cách khoảng 1,2 mét dưới giếng trời. Bản thân tấm bê tông này đã là một mỹ vật, với các lỗ hổng hình ô-van và những đường nét gợi cảm, nắm bắt được sự thay đổi liên tục của ánh sáng, đồng thời bảo vệ các tác phẩm khỏi ánh nắng trực tiếp từ mặt trời. Các bức tường bê tông với bề mặt nham nhám viền ‘vây cá’ giống vải ‘nhung sọc’ ở cả bên trong và bên ngoài tòa nhà giữ vai trò tương tự: tiếp thu ánh nắng mặt trời thay đổi trong ngày. “Tôi muốn bố cục của tòa nhà tạo cho khách tham quan cái cảm giác rằng bản thân tòa nhà chính là một nguồn sáng“, kiến trúc sư giải thích.
Ở tầng trệt, Cloepfil xếp hai kho lưu trữ và phòng phục chế tranh dọc theo một hành lang cao hai tầng; hành lang này dành để triển lãm những vật phẩm gắn liền với sự nghiệp của Still*. Các cửa kính lớn cho phép khách tham quan chiêm ngưỡng những tác phẩm trong kho lưu trữ và ‘nhìn trộm’ vào phòng phục chế. Trong di chúc, Still đã ra điều kiện là: bảo tàng sẽ không được mở quán cà phê hay hiệu sách, nên nó không phải chừa không gian cho các hoạt động thương mại – những hoạt động thường làm phân tán sự chú ý của người xem ra khỏi việc thưởng thức nghệ thuật.
“Cách tiếp cận của Brad Cloepfil gây ấn tượng mạnh với tôi. Brad bắt đầu bằng việc đi đến những nơi mà Still lớn lên – như tỉnh Alberta và phía tây Washington – chứ không phải bằng việc xem tranh Still vẽ” Dean Sobel – giám đốc của bảo tàng kể lại. Những cánh đồng cỏ bằng phẳng trải dài, những rãnh sông, và ánh sáng âm u đã gợi ý cho thiết kế của Cloepfil, giúp ông định hình được sự tương tác giữa ánh sáng và bóng tối, và sự cân bằng giữa các khoảng không gian hẹp (như khu vực lễ tân có trần thấp) và các khoảng không gian rộng thoáng (như các phòng trưng bày cao 5,2 mét và ngập tràn ánh sáng tự nhiên.) Giống nhiều tòa nhà khác của Brad – như Bảo tàng Nghệ thuật và Thiết kế tại thành phố New York, hay Trụ sở Wieden + Kennedy tại Portland, Oregon – Cloepfil xây dựng một cuộc đối thoại lý thú giữa tính rắn chắc và tính trong suốt, khéo léo dẫn ánh sáng vào bên trong một công trình – mà nếu liếc thoáng qua thì chắc bạn sẽ tưởng rằng nó rất tăm tối. Bằng cách thêm vào các khoảng không hẹp cao hai tầng ở giữa một số phòng trưng bày, ông giúp người xem thấy được hành lang tầng trệt khi nhìn xuống và các phòng trưng bày khác khi nhìn ngang. Thêm nữa, Cloepfil còn chừa ra hai khoảng sân có mái che trên tầng hai để cho khách dừng chân nghỉ sau khi ngắm tranh. Kết quả là, ánh sáng len lỏi vào tòa nhà qua nhiều ngõ ngách khác nhau; và dù bảo tàng trông như một hệ thống 9 phòng đơn điệu trên bản vẽ, trên thực tế, nó trở nên phức tạp hơn khi bạn đi dạo qua các phòng trưng bày.
Mặc cho công trình của Libeskind (Bảo tàng Nghệ thuật Denver) đứng lù lù ngay phía sau, bảo tàng Clyfford Still vẫn giữ vững vị thế nhờ kết cấu bê tông rắn chắc và bề mặt phong phú của lớp vỏ bọc. Nhưng điều khiến bảo tàng trở thành một công trình đáng nhớ là nằm ở cách Cloepfil tiếp thêm sinh khí cho diện tích – vốn nhỏ bé – của nó bằng một loạt các không gian uyển chuyển, được ánh sáng tự nhiên (đã qua màng lọc) bao phủ, và được phân chia cân đối để giúp khách tham quan chiêm ngưỡng các kiệt tác đầy cảm xúc của người nghệ sĩ phá cách này.
* CHÚ THÍCH North Building nằm trong hệ thống Bảo tàng Nghệ thuật Denver. North Building mở cửa vào năm 2006, hoạt động với tư cách của một chi nhánh, vì bộ sưu tập của Denver ngày càng phát triển, thành ra bảo tàng (chính) không thể trưng bày hết toàn bộ. Platanus: còn gọi là Plane tree, có họ với cây sung dâu. Các bảo tàng hay triển lãm lớn dành riêng cho một nghệ sĩ thường chừa một phần nhỏ để trưng bày những món liên quan tới cuộc đời/sự nghiệp của nghệ sĩ này, ví dụ như: thư từ, ghi chép, ảnh chụp nghệ sĩ với bạn bè, bản thảo tác phẩm, nhật ký v.v… Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|