|
|
|
|||||||||||||
Kiến trúcBảo tàng Crystal Bridges: Để treo tranh thì đúng là tệ 25. 06. 12 - 7:41 pmJames S.Russell, FAIA, Vi Quân dịch
Tâm điểm của Bảo tàng Crystal Bridges ở Bentonville, Arkansas là một căn phòng lớn, bao quanh hồ, căn nhà nhô lên thành một đường cong thanh nhã làm từ các xà nhà ốp gỗ, và phồng ra với những bức tường kính xiên xiên. Một hệ thống tinh vi gồm dây cáp, ống nước, và mối nối kim loại treo những dải mái nhà bằng đồng trên các mấu neo rắn chắc ở phần đầu mút – đây là công trình của những kỹ sư của công ty Buro Happold. Mặt hồ phản chiếu trên các bức tường van vát bằng kính, trong khi những dải ánh sáng tự nhiên tràn qua giếng trời. Nhưng không gian này chỉ là “món khai vị” thôi – nó là một nhà hàng tên Eleven – còn món “buffet hoành tráng” chính là tranh vẽ và tượng được bày khắp bảo tàng nghệ thuật mới nhất của nước Mỹ này.
Kiến trúc sư của bảo tàng là Moshe Safdie – một bậc thầy về các công trình hoành tráng, liên tục xuất hiện trong mấy tháng gần đây. Trung tâm Kauffman dành cho Nghệ thuật Trình diễn của Safdie đã mở cửa vào mùa thu vừa rồi tại thành phố Kansas, Missouri. Trung tâm này có một hành lang rộng mênh mông với tường cũng như trần phủ bằng kính, và đủ lớn để tổ chức một vũ hội cotillion* cho hai nhóm nghệ thuật trình diễn cùng một lúc. Tại Washington, Viện Hòa bình Mỹ – cũng do Safdie thiết kế – đã mở cửa hồi tháng 9 năm ngoái. Tại đây, một cụm những mái lợp trong suốt hình cánh sen đặt chồng lên nhau, phất phơ trên độ cao 3 tầng lầu của khoảng sân trong.
Công trình của Safdie trông hấp dẫn như một món tráng miệng béo ngậy: bạn sẽ chẳng bao giờ thấy cái kiểu ‘xoàng xoàng’ đang thịnh hành trong các công trình (do những kẻ vô danh thiết kế) của thời ‘thắt lưng buộc bụng’ hiện nay. Trong lúc các kiến trúc sư phải dẹp những thiết kế màu mè hoành tráng sang một bên để nghiêm túc nâng đỡ xã hội (vốn đang suy thoái), Safdie có thể bị xem là một kẻ đứng ngoài chủ nghĩa “Vì dân”. Ông nhận ra rằng cử chỉ đẹp theo kiểu ‘diễn kịch’ có thể giúp cho những nơi công cộng và chỗ tụ họp mang tính hội nhóm như Viện Hòa Bình hay trung tâm Kauffman ra dáng ‘quý tộc’ hơn. Nhưng ông cũng có thể làm người này người kia giận vì lắm lúc ông rất vụng về. Trong số các dự án mới của Safdie, Crystal Bridges là công trình lôi cuốn nhất vì ông ráng cố gắng (dù không hoàn toàn thành công) giúp cho khung cảnh của thung lũng rừng có một tiếng nói vang hơn cả công trình của mình.
Với sự trợ giúp của John Wilmerding – một học giả kỳ cựu; chủ nhân bảo tàng, Alice Walton – người thừa kế công ty Walmart và phụ nữ giàu thứ 2 của nước Mỹ (đứng nhất là chị dâu Christy Walton) – đã gom được một tập hợp các tác phẩm nghệ thuật Mỹ qua 4 thế kỷ chỉ trong vỏn vẹn 6 năm. Bảo tàng Crystal Bridges không tiết lộ chuyện bộ sưu tập hoặc chuyện cái công trình rộng 8.640m2 do Safdie thiết kế tốn bao nhiêu tiền, dù vậy Tổ chức Tài chính Walton Family đã hứa là sẽ bổ sung thêm 1.2 tỷ đô tiền quỹ cho bảo tàng. Mức độ mạo hiểm của chuyện này quả là cao – cho nhà Walton và cho thành phố Bentonville, quê hương của Walmart. Walton nói rằng bà muốn xây dựng nhận thức về di sản nghệ thuật của Mỹ tại một vùng vốn có rất ít tác phẩm triển lãm. Và thế là Alice ‘săn tìm’ kiến trúc sư Safdie sau khi bà nhìn thấy Trung tâm Văn hóa Skirball của ông tại Los Angeles.
Được bảo tàng Louisiana ở Đan Mạch – nơi ‘quang cảnh thiên nhiên đẹp ngây ngất’ đi đôi với ‘thưởng thức nghệ thuật’ – truyền cảm hứng; Đầu tiên Walton và Safdie đã thăm dò một địa điểm trên núi, nhưng rồi cả hai quyết định xây dựng bảo tàng tại một thung lũng rừng có nhiều dòng suối nhỏ viền quanh, nằm ở phía bắc quảng trường trung tâm của thị xã Bentonville. Safdie cho xây đập dẫn nước suối để làm một hồ nhân tạo có độ sâu 2 tầng lầu, và xây dựng bảo tàng dưới dạng một chuỗi 8 nhà mái vòm dọc theo các đường mòn quanh khe núi. Thế nhưng thiết kế này lại quá phức tạp so với cảnh quan xung quanh – bảo tàng lớn gấp đôi so vơi bản thiết kế đầu tiên của ông – và thiếu sự thanh tú của, ví dụ nhé, kiến trúc sư bậc thầy Fay Jones – người đang sinh sống và làm việc ở thành phố Fayetteville gần đó. Các nhà thờ nhỏ trong rừng do Fay Jones thiết kế cũng tao nhã như khu rừng. Còn Safdie thì không dệt được các ngôi nhà mái vòm của mình vào phong cảnh. Ông đã chèn cho chúng nằm sát vào nhau, thành ra khu rừng trở thành một ‘cảnh nền’.
Dạo khắp Crystal Bridges, bạn sẽ nghĩ rằng ‘kiến trúc’ là phần chính. Trưóc khi đặt chân tới phòng triển lãm, bạn phải vào một thang máy (có gắn kính phía trước) để xuống 3 tầng lầu, băng qua một khoảng sân hình tròn, bước vào một sảnh cao, tràn ngập ánh sáng, rồi đưa mắt nhìn cây cầu nối tuyệt đẹp – nơi dành làm mặt bằng cho các nhà hàng. Safdie đủ từng trải để nhận ra rằng ông phải tạo ra một điểm đến, chứ không đơn giản chỉ là một bảo tàng; vì ngoài bộ sưu tập đồ sộ, trải nghiệm kiến trúc tuyện vời và phong cảnh tự nhiên xanh tốt là rất cần thiết để hấp dẫn khách thăm quan. Safdie dùng những phòng nghỉ chân tràn ngập ánh sáng tự nhiên với tầm nhìn hướng ra mặt hồ hoặc ra phong cảnh thung lũng rừng, cũng như những cấu trúc kính liền mạch để tách rời các phòng triển lãm lớn của Crystal Bridges. Ngoài ra, Safdie cũng thêm vào một ít ban công và vài khoảng sân trong nhỏ. Cách bố trí không gian thoáng đãng này vừa giúp khách thăm quan từ từ thưởng ngoạn nghệ thuật vừa phù hợp với những bức tranh phong cảnh tuyệt vời của các bậc thầy như Asher B. Durand và Thomas Cole.
Công trình của Safdie chịu khá nhiều ảnh hưởng: các mẫu bê tông đúc theo phong cách của kiến trúc sư Louis Kahn, những đường sọc trên tường giống với các công trình của Mario Botta, hay các xà nhà ốp gỗ của những ngôi nhà Nhật Bản truyền thống. Nhưng Safdie dường như chỉ tập hợp các yếu tố trên; ông không biến đổi chúng để đem lại những ý nghĩa sâu sắc hơn. Sự phô diễn kỹ thuật cho vẻ hào nhoáng bên ngoài đôi lúc áp đảo trải nghiệm thưởng thức nghệ thuật của khách. Lúc Safdie dựng các nhà mái vòm quanh hồ và nhét chúng vào sườn núi, ông tạo ra một không gian triển lãm với những bức tường dài và cong, thành thử một loạt tranh bị ‘phơi’ ra cùng nhau, nhìn rất chán. Thậm chí, một phòng trưng bày mang phong cách hang động (dành riêng cho mảng Hiện đại) còn lấn át cả những tác phẩm vĩ đại nhất.
Nhưng sự thất bại trong thiết kế thực sự ló mặt khi bạn đi thăm quan được nửa đường, lúc bạn rời các phòng trưng bày không cửa sổ và bước lên một cây cầu bằng kính – vốn là em sinh đôi của cây cầu nhà hàng khi nãy – để băng qua hồ. Hai cây cầu là công trình độc đáo nhất của Safdie, nhưng chúng không phù hợp cho việc bày biện tranh, nên Safdie phải dựng thêm những hộp trắng bên trong cây cầu kính nhằm ‘làm tường’ treo tranh, và phải lót các tấm vải trên trần để điều chỉnh ánh sáng. Quả là một chiến tích lố bịch! Safdie công khai sửa cái lỗi do chính ông tạo ra. Khách thăm quan có thể mang về nhà các ký ức hấp dẫn dành cho “những cây cầu pha lê”, cho dãy cổng vào đậm chất trình diễn, hay sự luân phiên dễ chịu của các gian triển lãm và các tầm nhìn hướng ra rừng. Nhưng trải nghiệm của việc thưởng thức nghệ thuật chỉ vừa tạm đủ. Đúng là tệ khi Safdie không thật sự hợp nhất được các hình dạng khác nhau trong thiết kế của mình để biến chúng thành một tổng thể rõ ràng, sâu sắc.
* cotillion: điệu nhảy truyền thống thời thế kỷ 18, thường hay xuất hiện trong các phim cổ trang của phương Tây, nhất là các phim chuyển thể từ truyện của Jane Austen.
* Bài liên quan: – Quà tặng của Walmart: 20 triệu đô để xem bảo tàng miễn phí Ý kiến - Thảo luận
20:20
Monday,25.6.2012
Đăng bởi:
Phạm Huy Thông
20:20
Monday,25.6.2012
Đăng bởi:
Phạm Huy Thông
Cái nhà thờ của Fay Jones thiết kế đẹp quá. Nhìn mê mẩn mất một lúc.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp