Điện ảnh

HUGO: Xem ngay, xem ngay, tôi năn nỉ bạn hãy xem ngay! 21. 03. 12 - 9:18 pm

Pha Lê tổng hợp

Poster phim “Hugo”

 

Tôi tự hỏi, liệu một người không quan tâm lắm tới nghệ thuật thứ 7 có yêu phim Hugo như mình không? Vài người nói rằng, họ xem Hugo rồi nhưng… chẳng hiểu gì cả. Tuy nhiên, với cương vị của một người mê phim, tôi thấy mình có nghĩa vụ giới thiệu (thậm chí thúc ép) mọi người xem Hugo, xem thì mới hiểu được tình yêu nghệ thuật của người nghệ sĩ lớn đến nhường nào.

Bộ phim do Martin Scorsese đạo diễn. Ông là một tài năng lẫy lừng (làm Taxi Driver, Goodfellas…), có điều phim của ông từ trước đến giờ chủ yếu là khó nhai. Trừ một số như Thời thơ ngây hay Alice doesn’t live here anymore là tương đối nhẹ nhàng, còn lại phim của Martin thường có đề tài nặng nề. Nhưng thật không ngờ ông đã làm được một phim thơ mộng với những kỹ xảo đẹp như thế này.

Hugo bắt đầu tại một nhà ga ở Pháp, vào những năm 30. Chuyện kể về cậu bé Hugo Cabret (Asa Butterfield đóng), bố của cậu là một thợ chữa đồng hồ cho các bảo tàng, rất yêu máy móc. Ông vô tình phát hiện ra một con rô-bốt Automaton (loại rô-bốt cổ, chạy bằng động cơ giống động cơ đồng hồ) nằm trong kho của bào tàng mình làm việc; ông xin đem nó về nhà, rồi cùng con trai Hugo sửa rô-bốt một cách thích thú. Xui xẻo thay, bảo tàng bị cháy và ông qua đời, để lại bé Hugo bơ vơ một mình.

Bố của Hugo (Jude Law đóng)

 

Chú của Hugo – một bợm nhậu – đem Hugo về nhà ga nuôi vì ông sống và làm việc ở đấy, ngày đêm chỉnh đồng hồ tại ga xe lửa (thời đó đồng hồ phải được lên dây cót, bôi trơn hàng ngày). Nhưng vốn ham nhậu nên chẳng bao lâu sau, ông chú biến đâu mất. Để tránh chuyện bị bắt vào trại mồ côi, bé Hugo tiếp tục công việc của chú, trốn quan chức để sống chui ở nhà ga. Hiện thân của ‘chính phủ’ là tên thanh tra Gustave (Sacha Baron Cohen đóng), một người cứng nhắc, thấy trẻ lang thang không có người lớn đi kèm là hắn bắt nhốt để tống vào trại mồ côi. Hugo vừa mưu mẹo lách luật, vừa tìm cách sửa con rô-bốt, vì đấy là báu vật duy nhất bố em để lại.

Bé Hugo sống trong lòng các cỗ máy động cơ khổng lồ của những chiếc đồng hồ to vật ở nhà ga.


Tên Gustave và con chó Max chuyên tìm trẻ lang thang để tống vào trại mồ côi

 

Để có đủ linh kiện sửa chữa con rô-bốt, Hugo chôm vật liệu từ một cửa hiệu đồ chơi tại nhà ga. Nhưng chẳng mấy chốc thì bé bị phát hiện. Lạ thay, ông chủ tiệm trông đáng ghét và khó tính này hình như có mối liên quan đến con rô-bốt bị hỏng của Hugo. Đôi mắt của ông luôn ánh lên vẻ buồn bã. Sau khi trò chuyện với cô con gái nuôi của ông chủ tiệm – bé Isabelle (Chloe Moretz đóng) – thì Hugo biết được rằng tên của ông là Georges Méliès. Ôi, chính chi tiết này đấy thưa các bạn, chính chi tiết này là trái tim của cả bộ phim.

Hugo, con rô-bốt và Isabelle

 

Vì sao vậy? Những ai không quan tâm lắm đến phim phỏng có thể cau mày “Georges Méliès là thằng cha nào?“; nhưng những ai hiểu rõ nghệ thuật thứ 7 thì phải hét lên “Georges Méliès, cha đẻ của kỹ xảo điện ảnh“. Ông là một bậc thầy, một nhà ảo thuật, người kiến tạo ra những giấc mơ, và đẩy điện ảnh đến tầm cao mới. Tất cả những phim dùng kỹ xảo ngày nay, những phim đánh lừa thị giác và cho phép chúng ta nhìn thấy những điều kỳ diệu đều “nợ” Georges Méliès. Ông là một trong những người đầu tiên trên thế giới dám chi tiền túi để mở xưởng phim, và Georges từng rất thành công, đạo diễn đến hơn 500 tác phẩm. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh nổ ra, dân chúng không còn hào hứng với việc bỏ tiền xem phim nữa. Georges sạt nghiệp, và phải mở một tiệm bán đồ chơi để kiếm sống (chuyện thật hoàn toàn).

Ông Méliès (Sir Ben Kingsley đóng) và cửa hàng bán đồ chơi

 

Những kỹ xảo đấy thật ngô nghê nếu đem so với chuẩn ngày nay, nhưng vào thời của Georges thì chúng là bước đột phá. Mỗi phim của Georges là một tài sản khổng lồ, có điều phải đến một thời gian sau thì mọi người mới biết quý trọng chúng. Trong phim Hugo, Georges là một nghệ sĩ bị quên lãng, công lao của Georges chẳng ma nào nhớ tới. Buồn tủi, Georges không đoái hoài gì đến nghệ thuật nữa. Nhưng chính lúc này, Hugo và Isabelle lại bị điện ảnh quyến rũ, hai bé càng tìm hiểu thì càng yêu những phép màu mà điện ảnh mang lại cho người xem. Chi tiết trên được Martin xử lý vô cùng khéo, với nhiều cảnh quay liền mạch ít cắt xén, ông cho ta thấy được sự quyến rũ của những công nghệ thô sơ thời xưa. Martin đặc biệt tập trung quay những chi tiết như: cách các bộ phận bên trong con rô-bốt hoạt động, cách Georges quay cảnh thủy cung (ông đặt một… bể cá thủy tinh trước phông nền), cách các bức vẽ của Georges trở thành ‘kỹ xảo’ trên phim (một dạng “đồ họa” thời đó); nhờ đạo diễn Martin Scorsese mà những kỹ thuật thô sơ hồi đấy hiện lên trên màn ảnh hiện đại với một sức sống mãnh liệt. Hai nhóc Isabelle và Hugo bị sự kỳ diệu của điện ảnh quyến rũ, và chính tình yêu mới chớm dành cho nghệ thuật của hai bé sẽ giúp ông già cau có Méliès trở lại thành người đạo diễn lẫy lừng xưa kia.

Hugo “hốt” gần hết các giải Oscar kỹ thuật: như quay phim, kỹ xảo, âm thanh v.v… Cũng đúng thôi, phim kể về cha đẻ của kỹ xảo điện ảnh mà. Từng khung hình trong Hugo đẹp đến rớt nước mắt. Tôi có cảm tưởng như Martin đem tâm hồn và con tim của mình ra đặt trước mặt khán giả. Hugo chính là tấm lòng của Martin – một người cực kỳ yêu nghệ thuật và rất biết ơn những nghệ sĩ đi trước vì họ đã truyền cảm hứng cho mình. Xem Hugo, chúng ta không chỉ biết thêm về Georges Méliès, mà còn hiểu rằng tại sao nghệ thuật lại quan trọng đến vậy. Nghệ thuật cho phép ta mơ mộng, nó mang lại một vẻ đẹp đặc biệt cho cuộc sống, tình yêu nghệ thuật giúp ta sáng tác, truyền cảm hứng, và vượt qua bao nhiêu khó khăn. Bé Hugo có thể là con mồ côi, ông Méliès thì hết thời, chẳng ai nhớ đến, nhưng nhờ nghệ thuật mà họ vẫn tiếp tục sống, và vì vậy, ngành điện ảnh mới phát triển được như ngày nay.

Bé Isabelle và Hugo đến thư viện để tìm hiểu về Méliès. Nhìn thấy hai bé chăm chỉ tìm tòi học hỏi thật mát dạ, hơn hẳn những phim con nít với các nhóc quậy phá, chả có tí gì là ham mê kiến thức.


Hugo và Méliès

 

Trong phim này, có đoạn Méliès buồn bã phán rằng, kết thúc có hậu không có ở ngoài đời thực. Quả thật, vào những năm cuối cùng (trước khi chết vì ung thư), Méliès sống trong khó khăn thiếu thốn. Nhưng ông không hề bị quên lãng, lúc Martin Scorsese còn là một cậu bé con, Martin đã được phim của Méliès truyền cảm hứng. Dù cậu bé con ấy giờ trở thành một đạo diễn lừng danh, cậu vẫn nhớ đến Méliès, cậu nhất định không để thế giới quên công lao của ông. Chính Martin là người đã đi tìm lại từng thước phim xưa, bảo quản từng khung hình một, nhờ ông mà một số phim của Méliès còn tồn tại tới giờ. Hugo nói lên tình cảm Martin dành cho Méliès, nó như một món quà cậu học trò làm bằng cả trái tim để tặng thầy của mình. Đối với người nghệ sĩ, kết thúc này rất có hậu đấy chứ. Xem phim xong, tôi chỉ thấy mình may mắn: nếu mai có chết, thì hôm nay cũng đã xem được Hugo.

*

Chuyện liên quan

Dân yêu phim chẳng lạ gì chuyện Martin vô cùng tâm huyết trong việc tìm và bảo quản phim của các bậc thầy cũ. Ông hợp tác với kho lưu trữ phim của Mỹ, và “cứu” không biết bao nhiêu tác phẩm. Nhờ ông mà chúng ta còn khoảng vài chục (trên tổng số hơn 500) phim của Méliès.

Trừ một vài giây “lồng ghép” (để khớp với nét mặt của diễn viên đóng vai vợ/nàng thơ của Méliès), Hugo có chiếu lại toàn bộ tác phẩm Le Voyage dans la Lune của ông.

Phim này dựa theo truyện The invention of Hugo Cabret. Vốn là gia đình nghệ sĩ, vợ ông Martin mua cuốn sách này cho cô con gái (10 tuổi) đọc. Thấy con gái thích mê câu truyện, bà vợ thúc chồng “Làm một phim mà con mình xem được” (vì trước giờ phim của ông toàn cấm trẻ em).

Ý kiến - Thảo luận

18:15 Wednesday,11.4.2012 Đăng bởi:  admin
Vũ Ánh Dương thân mến: Viết mà kể chuyện phim là do Soi đặt hàng Pha Lê đấy. Đặt hàng là: hãy coi như chưa ai xem phim này, kể làm sao vừa đủ, không bị lộ, vẫn giữ được cái phần quan trọng nhất, gay cấn nhất để người ta muốn đi xem. Tránh tuyệt đối viết điểm phim như giữa những kẻ đã đi xem rồi, nghĩa là toàn dùng tính từ, cảm thán nói về một thứ chẳng
...xem tiếp
18:15 Wednesday,11.4.2012 Đăng bởi:  admin
Vũ Ánh Dương thân mến: Viết mà kể chuyện phim là do Soi đặt hàng Pha Lê đấy. Đặt hàng là: hãy coi như chưa ai xem phim này, kể làm sao vừa đủ, không bị lộ, vẫn giữ được cái phần quan trọng nhất, gay cấn nhất để người ta muốn đi xem. Tránh tuyệt đối viết điểm phim như giữa những kẻ đã đi xem rồi, nghĩa là toàn dùng tính từ, cảm thán nói về một thứ chẳng ai biết là cái gì. 
13:46 Wednesday,11.4.2012 Đăng bởi:  Vũ Ánh Dương
Bạn này viết về phim mà toàn kể chuyện phim.
...xem tiếp
13:46 Wednesday,11.4.2012 Đăng bởi:  Vũ Ánh Dương
Bạn này viết về phim mà toàn kể chuyện phim.  

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả