Nghệ sĩ thế giới

Damien Hirst và màn chấm bi giật gân 30. 03. 12 - 8:50 am

Hồ Như Mai dịch

 

Nếu Damien Hirst không có mặt trên đời thì chúng ta cũng sẽ chế ra anh chàng này. Theo cách nào đấy, tôi nghĩ rằng chính chúng ta đã chế ra Hirst. Trong suy nghĩ của rất nhiều người, Hirst là một nhân vật phản diện. Ngày nay nếu bạn đang giao du với những người có học thức mà dám nói rằng mình thích Damien Hirst thì cũng ngang với bạn đang thừa nhận mình thích tranh của Thomas Kinkade, phim của Michael Bay*, hay phong cách văn chương của Tucker Max, hoặc tác phẩm gì đó tổng hợp từ ba vị trên; ba vị này mà cộng lại thì sẽ giống như con quái vật Hydra*có nhiều đầu – một con thú vừa lố bịch (Tucker), vừa “kitsch”, vừa khoái chạy theo những thứ “bom tấn” rẻ tiền (Michael Bay).

Nhưng Hirst cũng có công: màn giật gân Complete Spot Painting (Tranh chấm bi trọn bộ) vừa triển lãm tại Gallery Gagosian đã khơi cảm hứng cho những bài bình tràn lan về đề tài ‘ghét nghệ thuật’; các bài viết này vừa hoa mỹ vừa dễ đọc. Nhà phê bình Dan Fox chế nhạo, nói rằng đi coi show của Hirst không khác gì “việc ăn một cây kem vani trong cửa hàng thời trang Gap – nơi chất đống các kiểu quần áo có màu xám tro vốn đang hợp mốt.” Còn Christian Viveros-Faune thì viết một bài cáo phó (giả) sắc bén, gán cho Hirst biệt danh “kẻ chuyên sản xuất thành tích giả của thế giới nghệ thuật”. Nhưng câu tôi thích nhất, và cũng là câu được trích dẫn nhiều nhất, chính là lời lẽ vừa khéo vừa cay mà Will Brand viết trước khi show này khai mạc: “Những cái chấm này chẳng phản ánh được cách ta sống, nhìn nhận, hay suy nghĩ, chúng chỉ là những món văn hóa quái gở lan truyền trong giới nhà giàu nứt đố đổ vách, một dạng văn hóa mà không ai biết cách ngăn chặn.”

Một tác phẩm chấm bi của Hirst


Tác phẩm chấm bi của Hirst tại triển lãm “Complete spot show” ở Gagosian.

 

Với tôi, những phản ứng chửi bới kiểu đường phố dành cho Hirst có gì đó hết sức “sân khấu”. Giống như bạn bắt buộc phải tố Hirst ‘giả tạo’ để khẳng định rằng bạn ‘trung thực’. Trước hết, tôi phải nói rõ là mình không viết nguyên bài này để ca ngợi Hirst. Tôi nghĩ người ta ghét Hirst vì họ ghét tính dễ mua chuộc, sự tự cao, và sự thừa mứa quá đáng – là tất cả những thứ tôi cũng rất ghét. Tôi chỉ không chắc rằng những cú tấn công vào show ‘chấm bi’ của Hirst là thực sự tính đến nghệ thuật, và đôi khi còn cảm giác người ta đang hành động theo kiểu ‘triệt tận gốc’.

Hirst từng có “tiền án” về tội làm rối trí các nhà phê bình. Sự nổi tiếng của ông tạo nên một bức tường bảo vệ khiến người ta không thể chạm tới những thứ ông làm một cách cụ thể. Trong show vừa rồi, triển lãm tranh chấm bi ở Gagosian bị tấn công tơi tả vì trên thực tế Hirst không tự tay vẽ hết những tác phẩm trong đó. David HockneyYayoi Kusama đều được ‘thêm điểm’ nhờ (xỉ vả) Hirst, họ đấm đá Hirst không thương tiếc trên báo chí vì ông không tự tay vẽ tác phẩm. Nhưng, thiệt tình, ai cũng biết chê kiểu này hơi bị rẻ tiền. Một số nghệ sĩ tự tay làm lấy tác phẩm, một số thì không. Tôi nghĩ 90 năm sau khi Laszlo Maholy-Nagy chỉ đạo vẽ tranh qua điện thoại, chúng ta không còn phải tranh cãi về vấn đề này nữa. (Bạn còn biết nghệ sĩ nào để lính tập sự vẽ gần hết các tác phẩm của mình nữa không? Rubens đấy.)

Những bức tranh chấm bi còn bị chê là chỉ có tính trang trí cảnh vẻ, nhàm chán, cho dù chủ ý của chúng không chỉ đơn thuần là trang trí, và thực tế thì tác giả đã cố tình làm cho chúng trông nhàm chán, hoặc trông giống nhau. Sự ‘từa tựa” của các bức tranh chính là một phần của khái niệm của chúng – chúng giống nhau theo kiểu sân khấu, tỉ như một tác phẩm trình diễn khác của Hirst: ông sắp xếp những cặp song sinh (cùng trứng) đứng bên dưới những bức tranh của mình trong triển lãm Pop Life tại bảo tàng Tate. Chê tranh Hirst thiếu ảnh hưởng thì cũng như chê các họa sĩ Ấn tượng chỉ biết quẹt cọ lung tung, hay chê các họa sĩ thuộc trường phái Fauves vẽ màu mạnh, hay các họa sĩ Siêu thực là bất hợp lý, hay vân vân… tới đây chắc bạn hiểu ý tôi rồi.

Cặp sinh đôi ngồi dưới tác phẩm của Hirst tại “Pop Life”

 

Ai cũng biết chủ đề của Hirst là cái chết. Đôi khi ‘chết’ theo nghĩa đen, ví dụ như các tác phầm về những con thú bị ngâm trong hộp như ngâm dưa chua, hay những viên thuốc, hay hình ảnh xương sọ. Đôi khi ‘cái chết’ này ẩn dụ hơn, như sự trống rỗng về chủ đề. Đây chính là ngụ ý của những bức tranh chấm bi. Trong mọi trường hợp, ý của Hirst luôn hướng về việc đối mặt với cái chết. Khi tác phẩm của Hirst được tiếp sức bằng sự sáng tạo (kết hợp) giữa việc hành hạ thể xác và nét sắc xảo của nguồn năng lượng duy mỹ, nó như đang hiện hữu để trêu tức cái chết và còn giống như một dạng phản ứng phụ đen tối của cái chết.

Tôi không điên. Bạn sẽ không thấy tôi đeo những chiếc huy hiệu “TÔI [CHẤM] DH” mà bảo tàng Gagosian bán ở quầy lưu niệm. Tôi thích một số ý tưởng của Hirst (cá mập, viên thuốc). Nhưng phần lớn các tác phẩm gần đây của Hirst thì quá kinh. Ví dụ như tác phẩm For the Love of God (Lạy chúa) chẳng hạn, nó là một chiếc đầu lâu đính kim cương – Hirst đặt tên tác phẩm theo câu cảm thán mà mẹ ông thốt lên khi ông kể cho bà nghe ý tưởng này, và quả thật ta phải đồng ý với bà mẹ. Hoặc tác phẩm The Golden Calf (Con bê vàng), Hirst dùng thùng dung dịch bảo quản để ngâm một con bê có móng vàng và vòng hào quang vàng gắn trên đầu; tác phẩm này thực sự thối hoắc. Sự lòe loẹt ngu xuẩn đã diệt mất tính giả-khoa học, yếu tố giúp các tác phẩm về thú vật trước đây của Hirst trông rùng rợn đáng sợ.

Tác phẩm “Cá mập” của Hirst

 

 

Tác phẩm “Thuốc”


Con bê vàng

 

Nói vậy thì phải nghĩ sao với mớ chấm bi này? Nếu xét toàn bộ, loạt tác phẩm này không sớm (trước thời đại) và cũng không muộn. Một trong những tác phẩm nghiêm túc đầu tiên của Hirst nằm trong show DIY Freeze ở Docklands – show từng đưa Hirst đến danh vọng, chính là một bức tranh chấm bi, vẽ trực tiếp lên tường. Còn nếu tính riêng từng tác phẩm tại Gagosian, mớ tranh chấm bi này hơi bị lộn xộn. Một vài tác phẩm phô trương một cách quái dị, hoặc chỉ đơn thuần là có chút tính hiếu kỳ. Một số tác phẩm, theo tôi, là khá tốt, có sức hút theo kiểu ‘tưng tửng’ mà tôi thấy rất cuốn hút. Nhưng nếu tính cả dự án, thí nghiệm Global Spot Show (Show Chấm bi Toàn cầu) thực chất lại có ý nghĩa gì đấy. Nhìn sâu xa, ta thấy các tác phẩm này đều nói về tính cá nhân, một thứ đang bị diệt gần hết, nó lóe lên và tương phản với phông nền của sự lặp đi lặp lại, một thứ vốn chính xác và lạnh lùng.

Tranh chấm bi tại Gagosian


Cũng tại Gagosian

 

Từng tác phẩm ở đây có đủ tính cá biệt để được xem là những bức tranh độc lập, nhưng cũng cố tình lạnh lùng vừa đủ để trở thành một dạng giấy dán tường. Cách trình bày dàn trải nhấn mạnh rằng điều Hirst đang làm cũng không khác mấy so với những gì nghệ sĩ khái niệm người Pháp Daniel Buren từng làm. Lấy cảm hứng từ những mô típ sọc trên vải bạt, Buren làm ra nhiều tác phẩm sắp đặt và các tranh canvas, mỗi tác phẩm giống như một mảnh cắt của một tấm vải khổng lồ.

Tranh sọc của Buren

 

Tôi không tranh cãi rằng ai cũng phải phải thích mấy tác phẩm của Hirst. Cái tôi muốn nói ở đây là: có hai cách tiếp cận Hirst, và chúng cần được phân biệt rõ ràng. Bạn có thể cho rằng ông là một kẻ lừa đảo, trước giờ không có gì thay đổi; hoặc bạn có thể nói rằng ông là một nghệ sĩ đương đại có chút tài, nhưng sức lực của ông bị tiền bạc và danh vọng giẫm nát. Tôi chọn cách nghĩ thứ hai. Cách nghĩ thứ nhất hoặc là lãnh địa của những người vốn đã ghét nghệ thuật đương đại nói chung (“cha này còn không tự vẽ tác phẩm!”); hoặc, tinh tế hơn một chút, là cách nghĩ của những ai gán ghép Hirst cho một lĩnh vực mà họ chẳng thể nào thích nổi, nhờ vậy mà họ không phải lăn tăn suy nghĩ về ý nghĩa của ‘hiện tượng’ Hirst. Bởi vì nếu ta giả sử rằng Hirst gian, hoặc không bao giờ gian, thì ta cũng có thể tự an ủi rằng mình sẽ được công nhận là ‘trung thực’. Nhưng thực tế không như vậy, người ta phải đấu tranh cho sự trung thực kìa (chứ không phải cứ nói người khác giả là mình trung thực); nếu tôi chọn một điều gì đó để học từ triển lãm này, đây chính là bài học tôi chọn.

 

Damien Hirst tại triển lãm “chấm bi”

*

Michael Bay: Làm phim Trân Châu Cảng và Transformer, nói chung không được đánh giá cao mấy về mặt nghệ thuật

Hydra: giống con rồng, nhưng có 9 đầu dài ngoằng, xuất hiện trong tích Hy Lạp cổ (truyền thuyết về Heracles)

Ý kiến - Thảo luận

22:56 Friday,30.3.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Nhìn các con vật bị ngâm phóc-môn, sợ vãi...

Tất nhiên í tưởng có thể hay, nhưng tự tay ziết mổ các con vật phục vụ í đồ của con người, nghĩ kỹ thấy...

kỳ kỳ ghê gớm ???
...xem tiếp
22:56 Friday,30.3.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Nhìn các con vật bị ngâm phóc-môn, sợ vãi...

Tất nhiên í tưởng có thể hay, nhưng tự tay ziết mổ các con vật phục vụ í đồ của con người, nghĩ kỹ thấy...

kỳ kỳ ghê gớm ??? 
12:45 Friday,30.3.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"...Bạn còn biết nghệ sĩ nào để lính tập sự vẽ gần hết các tác phẩm của mình nữa không?..."

Ố, câu hỏi zì mà zễ rứa hè?

QUê cháu, các đại-họa sĩ quê AN-nam làng cháu chứ mô!

Không thèm thuê lính TẬP SỰ nhá.

Thuê hẳn các họa sĩ (trẻ/zà/gái/zai) có nghề hẳn hòi cơ nhá.

Cứ hỏi bác đại-họa sĩ chuyên vẽ sơn mài vải có tích mênh phụ đời Nguyễ
...xem tiếp
12:45 Friday,30.3.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"...Bạn còn biết nghệ sĩ nào để lính tập sự vẽ gần hết các tác phẩm của mình nữa không?..."

Ố, câu hỏi zì mà zễ rứa hè?

QUê cháu, các đại-họa sĩ quê AN-nam làng cháu chứ mô!

Không thèm thuê lính TẬP SỰ nhá.

Thuê hẳn các họa sĩ (trẻ/zà/gái/zai) có nghề hẳn hòi cơ nhá.

Cứ hỏi bác đại-họa sĩ chuyên vẽ sơn mài vải có tích mênh phụ đời Nguyễn 1/2 thực zân 1/2 phong kiến đó...

Mà cụ Trưởng ban hình sự Hội cũng nắm rõ khoản thuê khoán chuyên môn này lắm mờ...

bơ-phờ ghê gớm ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả