Gẫm & Bình

MỘT BỨC TRANH LỚN HƠN của David Hockney: To hơn, tươi hơn, nhưng chẳng nói lên điều gì đặc biệt 06. 03. 12 - 8:01 am

Laura Cumming - Pha Lê dịch

Tác phẩm “Rừng Woldgate”; 21, 23 & 29. 11. 2006, David Hockney. “Kết cấu của nó thì tầm tầm: dưới làn đường, trên ngọn đồi, trong rừng.” Ảnh do Richard Schmidt chụp.

 

Triển lãm David Hockney: Một bức tranh lớn hơn trông tươi tắn đến rực rỡ; cả kích cỡ tranh lẫn quy mô đều cực hoành tráng, và rộn ràng đến mức hân hoan. Nhưng triển lãm này cũng lắm lời, lòe loẹt, và lặp đi lặp lại. Hẳn là với một niềm say mê gần như không gì so sánh nổi, giữa một đàn bậc thầy ở độ tuổi (70 – 79), quê hương Yorkshire đã vời được Hockney từ khu đồi Hollywood* về để vẽ phong cảnh thời thơ ấu; nhưng kết quả ông làm ra lại tệ toàn phần, cả về tính độc đáo, cả về xúc cảm, và chiều sâu. Chúng trông giống đến phát sợ những món hàng bán tại Royal Academy.

Đáng ra triển lãm không tệ như thế này. David Hockney rất đáng được ngưỡng mộ, nếu không nói đáng được sùng bái, vì tài khéo trong sáng tạo hình ảnh, vì tay nghề siêu phàm, cũng như sự tinh tế và tính hài hước trong các sáng tác của ông. Có nghệ sĩ còn sống nào sáng tác được một tuyệt tác hiện đại như bức A Bigger Splash (Tóe Nước) của ông? Nó là một biểu đồ đẹp đến kinh ngạc, diễn tả dòng nước nóng và lạnh của bang California, diễn tả chất lỏng bỗng dưng thăng hoa thành hỗn mang? Có nghệ sĩ còn sống nào có thể len vào trí tưởng tượng của công chúng một cách hoàn toàn đến như vậy?

Tác phẩm “A bigger splash”, 1967

 

Cuộc vận động kéo dài cả đời của ông cho hội họa, ép mình theo hội họa lệ hình như một thể loại ‘vạn niên thanh”, sự hăng hái của ông khi tham gia các cuộc tranh luận công cộng, sự luôn làm mới mình với tư cách là một người nghệ sĩ: chừng ấy thứ cho thấy Hockney là một con người lôi cuốn nhất. Và bây giờ ông lại thực hiện một lời kêu gọi mới, lần này là quay về truyền thống xưa của tranh phong cảnh.

Đây là việc vô cùng mạo hiểm, được thực hiện ở một quy mô khổng lồ. Các tác phẩm trong triển lãm này được vẽ trong suốt 8 năm, tại vùng Đông Yorkshire Wolds, gần căn nhà của Hockney tại Bridlington. Vài bức chỉ khoảng 1 hoặc 2 mét, trong khi một số bức khác thì lớn như biển quảng cáo ngoài trời, cái lớn nhất dài đến hơn 15 mét. Để so sánh, cứ lấy bức tranh hoa súng khổng lồ của Monet ra rồi nhân gấp đôi kích thước lên thì biết. Bản thân tôi chưa từng thấy bức tranh nào lớn đến vậy.

Tác phẩm “Cây to gần dòng nước”

 

Về điểm này có thể nói đây là một bước tiến so với quá khứ. Và đối với một nhà cải tiến luôn làm việc không ngừng nghỉ, luôn để ý đến lịch sử nghệ thuật trong từng tác phẩm mình làm ra, sự tiến bộ này chắc chắn là cần thiết. Đi theo một thể loại yêu thích của các bậc thầy xưa và nay, các họa sĩ Chủ Nhật*, lẫn hơn nửa số ứng viên nộp đơn vào sô triển lãm của Royal Academy vào mỗi mùa hè, có nghĩa là đã gia nhập một truyền thống. Câu hỏi ở đây là cá nhân ông, thẩm mỹ của ông sẽ thực hiện truyền thống đó bằng cách nào, đổi mới nó như thế nào.

Kỳ quặc thay, đây chính là điều mà Hockney ‘né’ khi làm bộ tác phẩm này. Cấu trúc của nó thì tầm tầm: dưới đường, trên đồi, trong rừng; liễu đỏ liễu xanh điểm cho hàng rào cây, những bó rơm trông như các cuộn chỉ lớn, những vũng nước long lanh trong ánh hoàng hôn. To hơn, tươi hơn, ít nhiều có tính đồ họa hơn, ồn ào theo kiểu chủ nghĩa tự nhiên và lắm màu sắc, những bức tranh này, ngay đến cả khi con đường biến mất phía sau một vòm cây (ví dụ thế) thì chẳng nói lên gì đặc biệt. Chúng chỉ có mỗi kiểu ‘vui vẻ quen thuộc’ – cứ thế lặp đi lặp lại mãi.

Tác phẩm “Dưới tán cây”


Tác phẩm “Đông Yorkshire”

 

Quả thực buổi triển lãm đã khai trương rất tráng lệ, với series Bốn mùa nằm ngay sảnh vòm của Royal Academy; đây là một series thời tiết cả năm, từ những mầm xanh và cỏ mới mọc cho đến mùa gặt rực rỡ vào giữa hè, đến các tán cây in trên bầu trời trắng đục như sắp chết của mùa đông. Những bức tranh này thật hấp dẫn, đáng tán thưởng, nhìn vui mắt; chúng đã tìm ra những nét mới cho từng thay đổi trong góc nhỏ xíu này của nước Anh.

Nét cọ mềm mại của Hockney điểm qua các phong cách trong quá khứ, từ kỹ thuật chấm màu của Seurat cho tới các đường sọc phóng khoáng của Matisse. Kích cỡ vĩ đại của các bức tranh phù hợp với chu trình sinh-tử-tái sinh của người xưa. Màu sắc dường như cũng đầy ý nghĩa – vàng cúc vạn thọ, xanh ảm đạm mùa đông, màu đỏ son và đỏ đất làm mắt toé lửa – nhưng các màu này vẫn chưa phải là thứ gây khó chịu.

Đó là do triển lãm Bigger Picture muốn giới thiệu Hockney như một nghệ sĩ cả đời vẽ tranh phong cảnh, thế mà chúng ta như đang quay lại với thời 90s cũ kĩ với tác phẩm The Road to York Through Sledmere (Đường đến York từ làng Sledmere), phải trồi lên thụp xuống giữa những tòa nhà màu cam rực rỡ cùng các tán cây chói mắt. Xanh ngọc và tím được bóp thẳng ra từ tuýp màu, gạch đỏ thì tươi như máu.

Tác phẩm “Đường đến York từ làng Sledmere”

 

Còn bức tranh làng Saltaire thì ngô nghê như con nít: kia là tàu xe lửa phì phụt tới, đây là con đường uốn quanh chiếc cầu và những hộp nhà nho nhỏ, xếp nối đuôi nhau. Trong bức Wolds (Khu đất hoang), những mảnh ruộng trông hệt như sau: những hình vuông sọc màu lam và vàng chanh, hồng và vàng Ấn; một kiểu kết hợp giữa Matisse và Walt Disney. Đôi lúc, kiểu vẽ này cũng cho kết quả đẹp, tỷ như trong bức Đồi Garrowby – với con đường uyển chuyển dẫn xuống đồi, có những khúc quanh dốc đứng, rồi thu hẹp lại thành một dải ruy-băng ở xa xa. Màu sắc thực là hoang dã, nhưng mà yếu tố, từ hình học cho đến phối cảnh, nom chính xác đúng kiểu cổ điển. Sự tương phản này khôi hài đến mức vô độ.

Tác phẩm “Saltaire”


Tác phẩm “Đồi Garrowby”

 

Nhưng hóm hỉnh chỉ có nhiêu đó. Trong số các triển lãm của Hockney mà tôi từng xem, đây là triển lãm đầu tiên nhìn nghiêm nghị đến vậy. Không hề có sự dí dỏm về mặt hình ảnh, ngoài căn phòng treo những bức tranh phong cảnh thời 60s – trong đó có bức Hành trình đến Thụy Sĩ tuyệt vời, với những hình người lượn xe máy, trong khi những dãy núi phía sau họ biến thành những tấm bản đồ gờ phẳng lì. Còn đa phần, Hockney vẽ tranh ngoài trời, nhìn thiên nhiên thế nào thì vẽ vào tranh như thế đấy.

Và ông chẳng thể dừng lại, chẳng thể ở yên. Không những ông lôi mỗi Yorkshire ra vẽ, mà còn lôi cả các mùa ra vẽ. Một ngày giữa hè ngọt ngào theo sau một mùa gặt vàng ươm, và theo sau nữa là những thân cây đốn mùa thu và những khu rừng thưa thớt của mùa đông. Một nơi đẹp để vẽ tranh trong nắng mặt trời (mà trời lại không bao giờ mưa), rồi về nhà uống trà; bức tranh đôi khi toát ra vẻ tự thỏa mãn.

Nhưng điều mạo hiểm lại nằm ở việc vẽ tranh và chất liệu, chứ không phải ở việc đứng ngoài trời vẽ. Hockney không ‘nhúng mũi’ sâu vào bên trong các hàng rào cây, không chăm chú nhìn những giọt sương yểu mệnh. Về căn cơ, ông không hề quan tâm đến vẻ bi tráng luôn luôn thay đổi của thời tiết, của ánh sáng hay thiên nhiên. Ông chỉ nghĩ tới việc làm ra bức tranh thôi, và hệ quả là, người xem cũng chỉ quan tâm đến thế.

Tác phẩm “Đường tuyết mùa đông”

 

Cách ông làm nên những bức tranh này: cái kiểu điểm màu này, một tí biến thể của Van Gogh ở chỗ kia, một chút màu sáng của trường phái Fauve*, hay những bức tranh nhiều bản (multi-panel) cỡ lớn được cắt điệu đàng – mới là những yếu tố mà Hockney thường trực tập trung vào, hơn là bản thân phong cảnh. Các bức tranh đều có thể đem so với nhau (về độ giống nhau), nhưng nhìn toàn cục thì từng bức lại có chứng cớ ngoại phạm của riêng nó (là không giống). Triển lãm này là một cuộc nghiên cứu lớn về phương pháp so sánh.

Bởi vậy, sau một lúc, thật là vô nghĩa nếu cố đi tìm một cái gì đó quái đản nóng gáy hay thậm chí một thứ cây đặc biệt. Không có một ý ẩn dụ dưới bề mặt tranh, không có cảm xúc nào được dựng lên, hay cảm giác u sầu, hay thậm chí ngạc nhiên. Mọi thứ chỉ có tươi và đẹp theo kiểu mọi lúc mọi nơi, may ra thoát được là mấy bức vẽ những gốc cây đốn cô đơn trong những cánh rừng thưa mùa đông.

Nhưng ngay tại đây, giữa những ‘bộ xương cây’ trơ trụi, màu tím lịm và màu cam cũng cố tạo ra một loại ánh sáng dạ quang, thổi bay đi sự ưu buồn.

Tác phẩm “Gỗ mùa đông”

 

Màu của Hockney rất xứng với năng lượng của ông. Những người bước ra khỏi Royal Academy đều trìu mến nói về cái sức nóng mãnh liệt này giữa tiết tháng Giêng. Nhưng đối lại với sự tự do về màu sắc này – xanh chanh, hồng axít – là một sự ngăn nắp làm vô hiệu hóa hết mọi thứ. Sự ngăn nắp không nằm ở việc những bức tranh lớn được chia thành nhiều khối nhỏ để tiện cho việc sắp đặt, nó cũng không phải sự khéo tay chính xác đến rõ ràng nằm dưới mỗi bức tranh. Nó là một sự cảnh vẻ về mặt đồ họa (không có gì quá trớn hay quá hoang dã) rất gần với sự sạch sẽ gọn ngàng. Nhưng Yorkshire ngày nay có giống vậy không?

Gian trưng bày đầy tranh hoa táo gai là một ngoại lệ. Hãy nhìn những bức ảnh này xem, ở một kích thước tí ti khi đang thoải mái ngồi (trước màn hình máy tính) ở nhà, chúng có thể trông rất kỳ quái; cây táo gai trắng uốn éo nở bùng ra thành những con sên trần ngoe nguẩy, còn những bóng cây tạo nên hình những con thỏ bằng rối tay. Nhưng khi xem trong gallery, với kích thước gần như thật, những cây táo gai này là một sự biến hóa thần kỳ: các bông hoa táo gai quái đản bung ra rậm rạp, còn những bóng cây trên con đường nóng thì lởm chởm như xương rồng trong sa mạc. Những bức tranh giống như các tác phẩm của cố họa sĩ Philip Guston, ở cái cách cấy ghép các hình dáng mới mẻ kỳ lạ với cá tính mạnh mẽ của người họa sĩ.

Tác phẩm “Táo gai 1”


Tác phẩm “Táo gai 2”

 

Hockney càng tránh xa cái lối “đứng giữa đường mà vẽ” thì càng tốt, nhưng than ôi, các tác phẩm mới của ông lại được vẽ ngay tại chỗ bằng một cái iPad, với cây bút cảm ứng nguệch ngoạc thành những biến chuyển (hình ảnh) rỗng tuếch đến rợn người, quá giống photoshop, những bức tranh ngó thật vô cảm và thiếu nhân tính. Bề mặt của những bức tranh in này mang vẻ ‘bóng-loáng-chùi-là-sạch’; và ở kích thước cao hơn một mét, trông chúng như những bài vẽ: những bông bồ công anh, những con đường đầy cây phóng thật to.

Tác phẩm Hockney vẽ cho… Ipad


Một tác phẩm nữa cho Ipad


Và tiếp tục cho Ipad

 

Có lẽ hiệu quả cũng như tốc độ của công nghệ đã bỏ bùa Hockney; và ai có thể trách ông được sau khi ông bỏ cả đời để thí nghiệm với nào là Polaroid, máy fax, máy in kỹ thuật số, rồi video? Nhưng có lẽ điều này đã dẫn tới thất vọng chính của triển lãm A Bigger Picture. Người ta có thể chứng kiến được sự hào hứng của Hockney, thấy được nhiệt huyết và năng lượng của ông từ bức tường này sang bức tường khác, từ trần kéo đến tận sàn, từ phòng này qua phòng nọ, nhưng người ta không cảm nhận được những điều ấy.

*

CHÚ THÍCH

– Đồi Hollywood: Nằm ở California, biểu tượng cho kinh đô điện ảnh sầm uất của Mỹ, có chữ “Hollywood” dựng trên ngọn đồi.

– Họa sĩ Chủ Nhật: ý nói họa sĩ nghiệp dư, Chủ Nhật đi vẽ tranh, còn mấy ngày thường thì làm chuyện khác.

– Trường phái Fauve (Fauvism): nổi lên từ hồi đầu thế kỷ 20 nhưng không thọ lắm. Họa sĩ của trường phái này chuộng màu sáng, các tác phẩm thuộc dòng Fauvism chủ yếu dùng để nhấn mạnh những giá trị của dòng Ấn tượng. Nó lượn lờ đâu đó giữa Hậu ấn tượng và Tân ấn tượng.

Ý kiến - Thảo luận

20:26 Monday,23.9.2013 Đăng bởi:  phuong linh

Đẹp lắm, mong đất nước Việt Nam cũng có cảnh đẹp như vậy.


...xem tiếp
20:26 Monday,23.9.2013 Đăng bởi:  phuong linh

Đẹp lắm, mong đất nước Việt Nam cũng có cảnh đẹp như vậy.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả