Tin tức

Tin-ảnh: Nhái tranh siêu phàm, phát xít trộm tranh, vẽ tóc đòi công lý… 07. 04. 12 - 8:48 am

Hữu Khoa tổng hợp

HAVANA – Chủ tịch Cuba Raul Castro và Giáo hoàng Benedict XVI ngắm một (bản sao?) bức tượng Đức Mẹ Nhân từ vùng Cobre – thánh bổn mạng của Cuba. Tượng được chủ tịch Castro tặng cho Giáo hoàng sau một cuộc họp ở Havana, ngày 27. 3. 2012. Cuộc họp diễn ra một cách bí mật vào ngày thứ hai của chuyến thăm Cuba của Giáo hoàng. “Đức Mẹ Nhân từ vùng Cobre” là một bức tượng thiêng của Cuba. Tượng được mặc áo dát vàng, đội miện bằng đá quý, trên người đeo nhiều trang sức quý của người mộ đạo cúng dường. Ảnh: Adalberto Roque.

 

DALLAS – David S. Ferriero (phải), nhà lưu trữ học người Mỹ, và Robert M. Edsel, người sáng lập và là chủ tịch Quỹ Monuments Men cho Bảo tồn Nghệ thuật đang trưng ra hai album mới phát hiện, chứa những bức ảnh chụp các tác phẩm nghệ thuật và đồ nội thất bị Phát xít đánh cắp trong thời Thế Chiến II. Hôm 27. 2. 2012, một cuộc hội thảo đã diễn ra tại Bảo tàng Meadows ở Dallas, nói về hai album này. Trước đó, thân nhân của những người lính nhặt được hai albums này tại nhà của Hitler đã liên hệ với Quỹ Monuments Men và nói họ sẽ tặng hết cho Viện Lưu trữ Quốc gia Mỹ. Ảnh: Otero

 

Giám đốc Aaron Cowan của DAAP Galleries tại trường Đại học Cincinnati đang treo một bức tranh do nhà làm tranh giả Mark A. Landis vùng Laurel, Mississippi thực hiện, trong một triển lãm có tên “Faux Real” (Giả như thật) ở Cincinnati, Ohio, hôm 27. 3. 2012. Nhà làm tranh giả này đã dành ra gần ba thập niên để copy những nghệ sĩ như Picasso rồi tặng những tác phẩm làm giả này cho các bảo tàng không chút ngờ vực để trưng bày vào ngày Cá tháng Tư. Cuộc triển lãm này của Đại học Cincinnati sẽ khai thác vấn đề làm tranh giả thông qua câu chuyện lạ lùng của Landis. Ảnh: Dottie Stover

 

CINCINNATI – Chiếu đèn black light cho thấy rõ một bức tranh giả do Mark A. Landis thực hiện. Bản gốc là một tác phẩm thế kỷ thứ 19 của họa sĩ Pháp William-Adolphe Bouguereau. Bức tranh giả được bày tại Đại học Cincinnati, Ohio, trong một triển lãm khảo sát về tranh giả, thông qua cuộc đời của nhà làm tranh giả Mark A. Landis. Sinh năm 1955, năm 17 tuổi, Mark Landis bị chấn thương tâm lý sâu sắc do người cha qua đời, đến nỗi phải vào viện để điều trị tâm thần. Sau này, ông theo học mỹ thuật tại Viện Mỹ thuật Chicago, rồi Viện Mỹ thuật San Francisco, chuyên về phục hồi tranh hỏng. Ông từng mua một gallery rồi làm ăn không thành công. Phá sản ở tuổi 30, ông quay về sống với mẹ. Một ngày kia, để làm mẹ vui và để cha mình được người đời nhớ tới, ông đã tặng một bản copy tranh của Maynard Dixon cho một bảo tàng California. Thành công đầu tiên này làm ông nảy ra ý theo nghề vẽ tranh giả. Ông vẽ rồi tặng đủ loại tranh giả cho hơn 50 bảo tàng ở Mỹ. Ông chọn những bảo tàng quy mô bé, không có đủ phương tiện để phân tích tranh. Do các cơ sở này đều bị qua mặt, nên cứ tằng tằng ông làm thế suốt hai mươi năm, thậm chí ông còn tặng nhiều lần cho một bảo tàng hoặc một tranh cho nhiều bảo tàng. Bản thân ông cũng vẽ tranh thật (của ông), vẽ cả truyện tranh và làm cả quảng cáo.

 

CINCINNATI – Một phiên bản nhái một tác phẩm của họa sĩ Đức Hans Van Aachen do nhà làm tranh giả Mark A. Landis thực hiện, được bày tại Đại học Cincinnati. Thành công của Landis đến từ việc ông có thể bắt chước nhiều bút pháp một cách uyển chuyển và lạ lùng, với một ý hướng mãnh liệt là lừa cho bằng được người nhận (tức các bảo tàng được ông cho tranh) và người xem. Còn ngoài ra, ông bắt chước cũng không phải là kỹ lắm (đôi khi một xét nghiệm căn bản cũng có thể phát hiện ra).

 

MIAMI – Mohawk Gas vẽ một bức chân dung của Trayvon Martin trên cái đầu thổ dân của anh, khi cùng với hàng ngàn người tụ tập ở trung tâm Miami, hôm Chủ nhật, 1. 4. 2012, trong một cuộc tuần hành đòi công lý cho Trayvon Martin, 17 tuổi, bị cảnh sát bắn chết oan uổng hồi cuối tháng Hai.

 

BIRMINGHAM – Hanne Harbison (trái) và bồ là Anna Koopman ngồi cùng cậu con trai Amon 9 tháng tuổi, bên dưới chân dung của họ (ngoài cùng, bên phải). Ảnh chụp hôm 29. 3. 2012 tại Viện Dân Quyền ở Birmingham, Ala. Một triển lãm ảnh các gia đình đồng tính nữ do Carolyn Sherer thực hiện sẽ diễn ra tại đây đến hết tháng Sáu. Ảnh: Dave Martin

 

SEOUL – Cũng triển lãm nhưng không có gì là nghệ thuật cả: một tên lửa Scud B Triều Tiên (giả) đứng giữa hai tên lửa Hàn Quốc, được trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở Seoul, hôm 27. 3. 2012. Vào dịp này, các nhà lãnh đạo của các quốc gia đã tụ họp lại bàn trong hội nghị về hạt nhân (Việt Nam cũng tham dự). Vấn đề nổi cộm nhất thì ai cũng biết rồi đấy: lãnh đạo mới trẻ người hăng máu của Triều Tiên dọa phóng tên lửa mặc dù trước đó đã hứa không thử tên lửa để đổi lấy 240.000 tấn lương thực của Mỹ cứu đói. Ảnh: Ahn Young-joon.

Ý kiến - Thảo luận

11:45 Sunday,8.4.2012 Đăng bởi:  tuantudo
Từ "mộ đạo", "cúng dường" không hợp với "cằm" của đạo Công Giáo đâu, người dịch nhé! ^_^
tôi nghĩ nên thay cụm từ "người mộ đạo cúng dường" = "tín đồ dâng tặng" thì dễ nghe hơn!
...xem tiếp
11:45 Sunday,8.4.2012 Đăng bởi:  tuantudo
Từ "mộ đạo", "cúng dường" không hợp với "cằm" của đạo Công Giáo đâu, người dịch nhé! ^_^
tôi nghĩ nên thay cụm từ "người mộ đạo cúng dường" = "tín đồ dâng tặng" thì dễ nghe hơn! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả