Nghệ sĩ thế giới

Nghe kêu ca, nhà kiểm duyệt Kuwait đóng cửa triển lãm 18. 04. 12 - 2:41 pm

Adnan Z. Manjal - Phạm Phong phỏng dịch

 

Shurooq Amin, "Diwanya"

 

KUWAIT CITY, Kuwait — Tháng Ba. 2012, nữ họa sĩ đương đại người Kuwaiti Shurooq Amin hào hứng mở triển lãm đơn tại Al M. Gallery, ngay tại Kuwait City, Kuwait. Một đám đông đã chầu chực sẵn, và ngay khi cửa gallery vừa mở, lúc 8h tối, một số tranh đã bán được ngay lập tức. Nhưng chỉ hai tiếng sau, lúc 10h đêm, cảnh sát địa phương đã ra lệnh cho triển lãm đóng cửa và thẩm vấn “ngay tại trận” họa sĩ cũng như chủ nhân gallery.

Lý do: cảnh sát nhận được lời kêu ca rằng các tác phẩm có tính “con heo” và bày ở Kuwait là không thích hợp. Ngay sau đó, các điều tra viên có mặt, rút điện thoại di động ra… chụp hình tranh, bằng công nghệ tiên tiến gửi ngay về Bộ Nội vụ và Bộ Thương mại (lưu ý: không gửi về Bộ Văn hóa hay Thông tin Truyền thông). Cuối cùng, tranh phải gỡ xuống, triển lãm đóng cửa. Họa sĩ Amin bức xúc viết thư cho trang web nghệ thuật Hyperallergic: “Hành động xâm phạm quyền tự do và riêng tư trong thể hiện này là vi phạm hiến pháp. Họ thậm chí không thèm báo trước. Chúng tôi không biết ai đã kêu ca. Nhưng chúng tôi sẽ tìm cho ra.”

Bộ tranh đang nói trên đây có tên “It’s a Man’s World” (Đó là thế giới của đàn ông), khai thác vị thế của người đàn ông Ả Rập trong xã hội. Tranh diễn tả đàn ông trong những hoàn cảnh khác nhau, một số hoàn cảnh khá là tiêu cực, nhưng nói chung chẳng có gì là “con heo” cả; có thể hơi khơi gợi, nhưng chỉ thế thôi. Tuy nhiên, là người thuộc về cái phần thế giới ấy, tôi có thể hiểu đàn ông xứ này đã dễ dàng nổi đóa ra sao khi thấy hình phản chiếu của mình trong một tấm gương bị trưng ra cho thế giới bên ngoài thấy.

"Hậu cung của tôi ở Thiên Đường"

 

Đàn ông Trung Đông (và trên khắp thế giới) từ bao đời nay vẫn tin rằng mình có thể tha hồ hút shisha, chơi bài, uống Johnnie Walker Đỏ mà không bị sao, trong khi những người đàn bà được họ chọn vẫn lởn vởn quanh đó mà chờ đợi. Nghe có vẻ như hoàn toàn viễn tưởng, nhưng (ở đây) thì đúng thế thật. Rất nhiều đàn ông tha hồ làm những trò đó. Và nữ họa sĩ Amin bưng tình cảnh đó ra ánh sáng, nhưng trớ trêu thay, hóa ra các ông lại không thích bị chú ý, ít nhất là khi sự chú ý ấy hướng tới việc bóc trần thực tế (hư hỏng của các ông).

Shurooq Amin, "His Dilemma" (Tình thế tiến thoái lưỡng nan của chàng?)

 

“Trong xã hội của tôi, tôi có một vai trò phải thực thi, đặc biệt với cái quốc hội mới sặc mùi chính thống này,” Amin nói về hoàn cảnh chính trị tại Kuwait và không khí bảo thủ ngày càng gia tăng trong vùng .

“Kuwait vốn là viên ngọc của Vịnh Ả Rập, nhưng nay đã tụt sâu xuống thời kỳ đen tối. Nếu muốn thách thức lại sự áp bức trong tự do thể hiện, tôi chỉ còn cách sáng tác và triển lãm những tác phẩm vượt rào, gây xáo động; và tôi sẽ làm như thế. Họ không thể cản tôi làm việc ấy. Hiến pháp Kuwait bảo vệ tôi. Đó là lý do tại sao quốc hội mới lại muốn loại hiến pháp ra, thay vào bằng luật sharia – luật của đạo Hồi, vì luật ấy thích hợp với những gì họ muốn, vì họ có thể dùng luật ấy để giết chết phong trào nghệ thuật, giết chết mọi hình thái tự do tư duy.”

Sinh năm 1967 tại Kuwait, Amin là người Kuwaiti lai Syria. Cô đã vẽ được 18 năm nay, và tranh cô được triển lãm tại nhiều gallery trên thế giới, từ London tới Cairo, tới New York và Thụy Điển.

Shurooq Amin, "Hedonism" (Chủ nghĩa khoái lạc)

 

“Đầu tiên là đóng cửa triển lãm của tôi, kế tới sẽ là kiểm soát y phục, kế nữa là những luật vô lý sẽ cấm chúng tôi bơm Botox nếu không được phép, không được đi du lịch nếu không có chồng đi kèm (hàng xóm Ả Rập Saudi của chúng tôi là thế đấy),” Amin nói thêm. “Chẳng phải đất nước này còn bao nhiêu thứ tệ hại sao? Thí dụ hệ thống y tế kém cỏi, hệ thống giáo dục tồi tàn, kinh tế thì không tăng trưởng. Vài bức tranh gây tranh cãi mà cũng phải gây rộn ràng thế cơ à?”

 

Ý kiến - Thảo luận

16:27 Wednesday,18.4.2012 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
“Chẳng phải đất nước này còn bao nhiêu thứ tệ hại sao? Thí dụ hệ thống y tế kém cỏi, hệ thống giáo dục tồi tàn, kinh tế thì không tăng trưởng. Vài bức tranh gây tranh cãi mà cũng phải gây rộn ràng thế cơ à?”
Câu này cũng có thể áp dụng cho chuyện kiểm duyệt ở một nước nhỏ bé khác bên bờ Thái Bình Dương ha
...xem tiếp
16:27 Wednesday,18.4.2012 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
“Chẳng phải đất nước này còn bao nhiêu thứ tệ hại sao? Thí dụ hệ thống y tế kém cỏi, hệ thống giáo dục tồi tàn, kinh tế thì không tăng trưởng. Vài bức tranh gây tranh cãi mà cũng phải gây rộn ràng thế cơ à?”
Câu này cũng có thể áp dụng cho chuyện kiểm duyệt ở một nước nhỏ bé khác bên bờ Thái Bình Dương ha 
15:04 Wednesday,18.4.2012 Đăng bởi:  FORUM NGUYỄN HỒNG SƠN
Thú tiêu sài của người có tiền, có vẻ như đi ngược lại giá trị văn hóa của họ, nhưng rất thời đại hiện tại diễn ra trong đất nước họ ....
...xem tiếp
15:04 Wednesday,18.4.2012 Đăng bởi:  FORUM NGUYỄN HỒNG SƠN
Thú tiêu sài của người có tiền, có vẻ như đi ngược lại giá trị văn hóa của họ, nhưng rất thời đại hiện tại diễn ra trong đất nước họ .... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Về một cách nhìn nghệ thuật!

Một thành viên của Khoan Cắt Bê Tông

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả