Kiến trúc

Liệu tòa nhà nổi tiếng của Rudolph có bị giật sập? 21. 04. 12 - 7:41 am

Phạm Phong tổng hợp và dịch

.

 

Những ngày qua, chính quyền Orange County, bang New York (không phải quận Cam người Việt bên California đâu nhé) đang phải cân nhắc đến nhức đầu vì nhận được những thỉnh nguyện thư sau, viết cùng một mẫu phân phát trên mạng:

Thưa cơ quan lập pháp quận Cam,

Tôi khẩn thiết mong quý vị chống lại việc phá hủy Trung tâm Hành chính quận Cam – Orange County Government Center. Đây là một tòa nhà rất đặc biệt về mặt kiến trúc, và bảo tồn nó vừa là gìn giữ một di sản vĩ đại của thời hiện đại, vừa có ý nghĩa về mặt kinh tế. Xin hãy bỏ phiếu không phá hủy.

[Ký tên]

*

Vào ngày 3 tháng Năm, 2012, Hội đồng Lập pháp quận Cam (thuộc bang New York) sẽ bỏ phiếu xem có phá trung tâm hành chính của quận không – là tòa nhà Orange County Government Center ở Goshen, New York.

Tòa nhà do kiến trúc sư Paul Rudolph thiết kế và hoàn tất năm 1971. Kiến trúc này là một chúc thư về một thời đại – thời mà kiến trúc dân sự dấn bước trên những đại lộ mới của thiết kế và xây dựng.

Từ vỏ ngoài bằng toàn bê tông, tới mặt bằng mở, tòa nhà mang đầy đủ những đặc điểm quan trọng nhất của phong cách kiến trúc độc nhất vô nhị của Rudolph.

 

Năm 2011, cơn bão Irene và cơn bão nhiệt đới đã làm hư hại tòa nhà, khiến nó bị đóng cửa một thời gian. Sau đó, chính quyền địa phương đòi phá nó đi. Thay vào vị trí đấy, người ta đề xuất xây một tòa nhà giá 75 triệu USD, bị những người phản đối gọi là kiến trúc “boring”.

Người ta tìm mọi cách để cố chứng minh rằng tòa nhà của Rudolph không thể bảo tồn, giữ lại thì cũng không đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Cho tới nay, các lối dẫn vào tòa nhà vẫn bị chặn nên không thể thực hiện các cuộc nghiên cứu độc lập (của những người muốn bảo tồn), xem liệu có thể cải tạo không, và ngân sách cho việc này, nếu được, thì có tiết kiệm hơn so với việc giật sập rồi xây một tòa nhà khác không.

Những người theo phe bảo tồn thì nhìn thấy giá trị nghệ thuật của tòa nhà, đó là di sản của những nhà cai trị tiền nhiệm: khi cho xây tòa nhà này, họ đã muốn giới thiệu hình ảnh một cộng đồng Goshen năng động và khỏe khoắn. Theo lý luận của những người muốn bảo tồn, quận Cam có trách nhiệm phải cai quản di sản này.

 

Những người yêu mến tòa nhà gửi thỉnh nguyện thư, đề nghị những người quan tâm ký vào. Theo họ, một khi phá đi rồi, sẽ không còn cơ hội thứ hai để gặp lại di sản kiến trúc ấy.

*
Giờ nói về tòa nhà này:

Trung tâm Orange County Government tọa lạc tại Main Street, Goshen, bang New York.

Trong tòa nhà ấy chứa hầu hết các văn phòng quan trọng nhất của chính quyền quận Cam, là nơi diễn ra các cuộc họp lập pháp bang. Ảnh: Phòng xử án bên trong tòa nhà.

Hồ sơ của tòa án, công văn, hồ sơ nợ… tất tần tật là chứa trong tòa nhà này. Đây là giếng trời và sảnh đợi của công dân đến làm việc.

Tòa nhà là công trình của kiến trúc sư kiêm trưởng khoa Kiến trúc của trường Yale danh tiếng: Paul Rudolph, thiết kế năm 1963 và xây xong năm 1967. Ảnh: Sảnh lớn bên trong.

Ngay khi mới xây, kiến trúc của tòa nhà đã là mục tiêu để chỉ trích. Thời đó, nó bị gọi là “quái vật”. Năm 2010, người đứng đầu quận Cam (chức County Executive?) là Edward Diana đã nói: “Nếu cho làm một cuộc bỏ phiếu trong thành phố, chắc chắn hôm sau phải phá cái nhà này ngay".

Trong suốt quá trình sử dụng, tòa nhà luôn gặp vấn đề. 87 cái mái thì rất nhiều cái dột. Dột rất nặng, đến nỗi sau một cơn bão lớn hồi 1970, Sở Tài chính đã phải căng bạt ngang trần văn phòng. Đây là ảnh do Kelvin Dickinson chụp từ mái khu nhà.

Năm 2011, sau trận lụt vì bão Irene, tòa nhà bị đóng cửa mất một tuần. Nấm mốc mọc đầy trong nhiều phòng, kể cả phòng của bồi thẩm đoàn. Thế là lại dấy lên những mối lo ngại rằng nếu cứ tiếp tục ở thì sẽ sinh những vấn đề về hô hấp. Mở cửa lại được ít ngày, cơn bão nhiệt đới Lee lại tràn vào, và ngày 8. 9. 2011, tòa nhà bị đóng cửa tới tận hôm nay. Trong lúc đó, ngài Edward Diana vẫn thúc giục chính quyền bang phải quyết định cho sớm là có sửa chữa và bảo tồn tòa nhà hay không. Ảnh do Kelvin chụp năm 2009, tức trước khi bị bão những hai năm.

Những người yêu mến tòa nhà coi đây là một ví dụ mẫu mực cho trường phái kiến trúc có tên Brutalism (chủ nghĩa Thô mộc), từ chối những nỗ lực làm nhà đẹp, thay vào đó phô bày sức mạnh thô (của vật liệu) và những hình dạng giản dị trong thiết kế, như mặt tiền của tòa nhà này.

“Bảo tồn tòa nhà này không chỉ là bảo tồn những thứ đẹp đẽ nhất, mà còn là lưu giữ những thứ đóng một phần quan trọng trong lịch sử của chúng ta, với giá trị của chúng luôn luôn là đề tài của tranh cãi,” Mark Wigley, trưởng khoa Kiến trúc, Quy hoạch và Bảo tồn của trường Columbia danh tiếng, nói. Ảnh này cũng do Kelvin (hay Keviin trên Flirk) chụp năm 2009, nhưng sao như đã bị bỏ hoang thế nhỉ?

Kết quả thế nào, phải đợi đến cuộc bỏ phiếu đầu tháng Năm thôi. Nhưng Rudolph nơi chín suối mà biết được hẳn phải buồn vô cùng. Còn nhiều tòa nhà khác của ông bị giật sập. Soi sẽ điểm qua sau.

 

 

 

Ý kiến - Thảo luận

16:01 Sunday,22.4.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Đọc tin này nhà cháu sực hồi tưởng về cái kiến trúc hội trường nằm sát nách bộ ngoại giao bây chừ.

Cái kiến trúc hội trường lịch sử của ta nớ cũng được zân ta kiến trúc sư ta nã thịnh nguyện thư tới tấp mà các quan xây-dựng với lại quy hoạch vẫn bất chấp chả mảy may rung động nỗi-lòng yêu di-tích mấy tí.

Vì rứa cứ mỗi bữa chiều chủ Nhật khật
...xem tiếp
16:01 Sunday,22.4.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Đọc tin này nhà cháu sực hồi tưởng về cái kiến trúc hội trường nằm sát nách bộ ngoại giao bây chừ.

Cái kiến trúc hội trường lịch sử của ta nớ cũng được zân ta kiến trúc sư ta nã thịnh nguyện thư tới tấp mà các quan xây-dựng với lại quy hoạch vẫn bất chấp chả mảy may rung động nỗi-lòng yêu di-tích mấy tí.

Vì rứa cứ mỗi bữa chiều chủ Nhật khật khừ zạo mát bát ngát từ mạn Cột Cờ thẫn thờ rờ tới Hồ Tây mấy anh em nhà cháu lượn qua khu di-chỉ kiến trúc hội trường đã bị zỡ bỏ đó mà lòng nao-nao khó tả...

ạ ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả