Palais de Tokyo mở cửa lại: cố tình để mộc hay thế chính là Tây?
19. 04. 12 - 8:14 pm
Phạm Phong tổng hợp
Từ 12. 4, vào lúc 20h, đến nửa đêm 13. 4, trung tâm Palais de Tokyo, vốn đóng cửa để sửa chữa gần một năm nay, đã được mở cửa “thử” trong vòng 28 tiếng liên tục. Sau đó, vào 20. 4. 2012 này, địa điểm này mới mở cửa chính thức với liên hoan nghệ thuật Triennale de Paris, kéo dài suốt một tuần, tới tận 26. 4. Tòa nhà này vốn có tên “Palais des Musées d’art moderne”. Chỉ vì cách sông Seine bằng đại lộ Tokyo (tên cũ của đại lộ New York từ 1918 tới 1945) mà cuối cùng tòa nhà bị “chết” cái tên này, chứ hoàn toàn không dính gì tới Nhật! Ảnh: Remy de la Mauviniere.
Theo nhà tổ chức, đây sẽ là địa điểm diễn ra các sự kiện, hòa nhạc, trình diễn, hội thảo, biểu diễn. Ý tưởng (của 28 tiếng mở cửa này) là mang đến một hình ảnh lung linh, đầy năng lượng – và năng lượng ấy sẽ tỏa ra tại địa điểm này trong nhiều năm sắp tới. Trong ảnh là màn trình diễn “Petite scène” của nghệ sĩ Gloria Friedmann trong buổi ra mắt báo giới, sáng hôm 12. 4. 2012. Ảnh: Charles Platiau.
Cánh đông của tòa nhà này, được xây dựng hồi 1937 cho các hoạt động triển lãm, từ 10 năm nay là khu vực dành riêng cho các sáng tạo đương đại, trên diện tích 7000 mét vuông. Phần còn lại của cánh này từ hồi dự án Palais de Cinema bị hủy bỏ hồi 1998 thì cũng rơi vào tình trạng không ai sử dụng. Từ giờ, 22.000 mét vuông khu này sẽ dành cho nghệ thuật đương đại. Ảnh: Charles Platiau.
“Đây là trung tâm nghệ thuật lớn nhất của châu Âu mà không có các bộ sưu tập thường xuyên”. (Có nghĩa là không có gì để bày khi không có dự án mới? Thật mạo hiểm nhỉ?). Nhưng ông Jean de Loisy đã khẳng định như thế. Ông là chủ tịch của hội đồng Palais de Tokyo. Trong ảnh, ông cùng Tổng thống Nicolas Sarkozy và bộ trưởng bộ Văn hóa Frédéric Mitterrand đứng giữa sắp đặt “Cái chết của một vị Vua” của nghệ sĩ Đức Ulla von Bradenburg, khi hai vị này tới thăm trung tâm trước một hôm, tức hôm 11. 4. 2012. Ảnh: Philippe Wojazer.
Bê tông thô, kiến trúc rành mạch. Để cải tạo khu nhà này, người ta đã phải chi 20 triệu euro, các kiến trúc sư Anne Lacaton và Jean-Philippe đã tiêu tiền một cách tiết kiệm, chừng mực. Trong ảnh: Treo từ trần xuống là một tác phẩm của họa sĩ Bỉ Peter Buggenhout có tên “The Blind Leading the Blind” (Mù dẫn mù?). Ảnh: Aurélien Mole.
Đặc biệt, bộ đôi kiến trúc này đã cho hạ những vách ngăn phòng, những trần giả, và phục hồi lại giá trị những tấm cửa kính huyền bí. Trong ảnh: Bên trên là những cửa kính. Bên dưới là sắp đặt “Cái chết của một vị Vua” của Ulla von Brandenburg. Ảnh: André Morin.
Suốt bốn tầng, cho đến tận các ngóc ngách, trung tâm, Palais de Tokyo sẽ giới thiệu các triển lãm ngắn hạn, những cuộc triển lãm chuyên khảo về nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ khác nhau, và cả những tấm bảng trắng cho những người sáng tạo. Trong ảnh: tác phẩm Subfaciem của Cécile Beau. Ảnh: Aurélien Mole.
Thính phòng 500 chỗ hiện đang tìm những nhà tài trợ có thể giúp cải tạo lại. Trong ảnh: tác phẩm “Run Deep/Run Silent” của Sarah Fauguet & David Cousinard. Ảnh: Aurélien Mole
Những phòng chiếu phim cũng được dùng để chiếu video art. Trong ảnh, tác phẩm Grotte stellaire của Julien Salaud. Ảnh: André Morin.
Một nhà hàng mới nhìn xuống sông Seine sẽ mở cửa vào tháng Chín năm 2012. Quyền khai thác nhà hàng đã được trao cho Gilles Malafosse, chủ nhân nhà hàng Pétrus ở quận 17. Trong ảnh: Tác phẩm “Bảy cửa sổ” của nhà hàng (Seven Windows) là những cửa sổ bằng kính được phủ những hình truyện tranh Nhật, có “vẽ” những âm thanh (khi đánh nhau, khi vỡ kính…). Ảnh: André Morin.
Chia sẻ:
Ý kiến - Thảo luận
21:19Saturday,21.4.2012Đăng bởi: gái nhảy
hóa ra nghệ sĩ tây cũng ác như nghệ sĩ ta, đều giết cây. khổ thân mấy cái cây! ...xem tiếp
21:19Saturday,21.4.2012Đăng bởi: gái nhảy
hóa ra nghệ sĩ tây cũng ác như nghệ sĩ ta, đều giết cây. khổ thân mấy cái cây!
18:54Friday,20.4.2012Đăng bởi: cây
nghe chừng LINH nhà mình LỔI TIẾNG đến nơi rùi.. hui hui. ...xem tiếp
...xem tiếp