Kiến trúc

Xưởng vẽ của Phùng Quốc Trí: Ở cao trên núi là khôn 12. 05. 12 - 7:11 am

Bùi Hoài Mai

 

.

 

Phùng Quốc Trí có lẽ là người kiên trì với nông thôn nhất. Sinh năm 1957, tốt nghiệp học viện mỹ thuật Surikov (Nga). Về nước những năm 1986, thời kì khổ cực nhất của những cơn bão giá lương tiền và sự sụp đổ của thời bao cấp. Không ở lại thủ đô, bỏ về sống với nông dân, anh lang thang đi vẽ ở Phú Thọ cho đến một ngày được Nguyễn Đức Hòa dẫn về Hiên Vân, Tiên Du, Bắc Ninh – nơi mà họa sỹ Nguyễn Trọng Hợp (thân phụ họa sỹ Đức Hòa) và khá nhiều thế hệ họa sỹ trường Mỹ thuật về đó thực tập – một vùng đất bán trung du cách Hà Nội 30km với những con người đầm ấm, nơi phát xuất những làn điệu quan họ; vùng đất ấy đã giữ chân anh lại đó nhiều năm.

Phùng Quốc Trí quyết định ở lại hẳn Bắc Ninh sau khi tìm được một mảnh đất cheo leo, giữa rừng bạch đàn, trên triền dốc đứng của ngọn núi Hoàn Sơn, điểm cuối của dãy núi nơi có ngôi chùa Phật Tích danh tiếng. Khác với nhiều người thành phố khi tìm về quê sống, vẫn thường tìm những mảnh đất mà ô tô có thể chạy thẳng vào nhà, bởi đó là một điều mong ước dễ thực hiện hơn nhiều, trong khi ở thành phố tiện nghi ấy là một điều xa xỉ, xưởng vẽ của anh Trí không có được điều đó, điều tối thiểu nhất là chiếc xe máy thì cũng phải gửi dưới chân dốc và leo bộ lên. Hồi đó, có người cho Trí là lập dị, thế nhưng ngày hôm nay, ngồi trong xưởng vẽ của anh, nhìn ra những vòm lá và chút cánh đồng thấp thoáng dưới chân núi, tịnh không có tiếng động cơ, chỉ còn thoảng nghe tiếng con chim sâu nhảy lách tách trên cây mít đầu hè, mới nhận ra là anh đã đúng.

Cánh đồng ven con đường đất chạy theo rìa ngọn núi Hoàn Sơn, nơi có xưởng vẽ của họa sỹ Phùng Quốc Trí. Những cánh đồng này ngày càng trở nên hiếm hoi và bị thu hẹp khi Bắc Ninh đang cố gắng công nghiệp hóa, đô thị hóa…

…với hàng trăm ngôi biệt thự tiền tỷ bị bỏ hoang trong khu công nghiệp Tiên Sơn, ngay đầu dãy núi Hoàn Sơn. Người dân ở vùng này gọi đó là những ngôi nhà “nuôi ma”. (Ảnh: Internet)

Rời con đường lớn, vào một ngõ nhỏ với những bức tường đá xếp, không gian tràn một mùi ngai ngái của cỏ cây. Những gì xô bồ đã trôi đi nhiều.

Leo ngược lên bậc thang lát đá. Xưởng vẽ của họa sỹ nằm lưng chừng triền núi.

Ngôi nhà được thiết kế khá đơn giản và xây bằng thuần một thứ đá được khai thác tại chỗ.

Đứng từ cửa nhà nhìn ra: lô xô những mái nhà ngói rêu phong của nhà hàng xóm. Đây cũng là địa chỉ gửi nhờ xe máy của anh Trí và khách.

Từ cửa nhìn vào: ngôi nhà có những cửa sổ rất lớn để lấy ánh sáng. Trên nóc, chỗ đứng vẽ cũng có cửa sổ và có thể chủ động đóng mở để có nguồn sáng tốt nhất. Một thiết kế khá chuẩn cho một xưởng vẽ.

Một bức tranh đang vẽ dở trên giá. Bức tường đá không được xây phẳng mà thỉnh thoảng có những viên đá trồi ra. Công dụng của nó giống như những cái kệ tự nhiên, có thể để lên đó những bức tranh nhỏ, hay những đồ lặt vặt. Ngày anh Trí đang xây nhà, những người thợ bên làng Na, Hiên Vân sang xây giúp kháo nhau rằng: họa sỹ xây như vậy chắc là để tập môn ”leo núi”.

Có mùi sơn dầu mới bóp, một mùi khá quen thuộc và đặc trưng. Đối với họa sỹ, khi ngửi thấy mùi này cũng giống như bà đồng ngửi thấy mùi nhang khói – gợi cho ta bước sang một thế giới khác.

Từ trong nhà nhìn ra ngoài cửa. Bên ngoài, ngôi nhà trông có vẻ châu Âu, có lẽ do những bức tường đá xây trần và những khung cửa kính khá lớn. Nhưng bên trong, kết cấu vì kèo mái lại là kĩ thuật truyền thống. Những đoạn kẻ chuyền cong duyên dáng. Nhà lợp bằng ngói vảy cá, loại ngói mà những hàng xóm của họa sỹ vẫn lợp.

Như phần lớn các họa sỹ học ở Nga về mà tôi từng biết, họ đặc biệt ở cách chăm sóc cây bút vẽ. Trước khi nghỉ, việc đầu tiên là rửa bút, rửa thật cẩn thận bằng dầu, sau đó bằng xà phòng rồi lấy giấy cuốn bó lại cho đầu bút không bị tòe. Cái này được dạy khá cẩn thận khi học vẽ sơn dầu. Ở Nga, họ còn được dạy cách làm toan, cách căng toan lên khung…Tóm lại nhiều những kỹ thuật rất cụ thể để bắt đầu có thể vác màu bôi lên toan. Chả bù cho khoa sơn dầu trường Mỹ thuật ở mình. Các thầy khoái dạy cho trò làm thế nào trở thành “nghệ sỹ “ nhanh nhất.

Trung tâm nhà là cái lò sưởi được xây bằng những phiến đá tự nhiên gần như không đẽo gọt. Đây cũng là một đề tài rôm rả cho đám thợ xây khi trà dư tửu hậu. Cuối cùng thì họ kết luận: cái đám họa sỹ toàn thích những thứ khác người. Cạnh lò sưởi là dàn nghe nhạc. Họa sỹ có một bộ sưu tập nhạc cổ điển khá đầy đủ.

Vùng đất mà họa sỹ Trí ở là vùng đất tối cổ. Cái tên Tiên Du gắn với truyền thuyết Từ Thức gặp tiên. Trên nóc tủ là một phần mái của một tháp gốm được người dân đào được ở gần đó, có niên đại vào khoảng thời Lý với những con rồng giun điển hình. Cạnh đó là hai miếng chạm gỗ của một căn nhà cũ.

Một phần khác của tháp gốm thời Lý. Ria tường là những hũ thời Hán, cũng đào được khi đào đất làm nhà. Một vùng đất mà các tầng văn hóa chồng lên nhau dày đặc.

Những chi tiết của một ngôi nhà cũ được gỡ ra, họa sỹ Trí xin được khi chủ nhà định mang ra đun. Ngày xưa, Bắc Ninh có rất nhiều nhà cổ. Đã có hẳn một lối nhà theo kiểu Bắc Ninh với kết cấu quá giang cổ ngỗng khá đặc biệt và đẹp, làm cho ngôi nhà trở nên thanh thoát và duyên dáng. Nhưng gần đây, phong trào đô thị hóa cộng với đất chật người đông, người ta đã phá đi khá nhiều nhà cổ.

Mặt trước ngôi nhà với những cây mít cổ thụ mọc quanh.

Tường nhà nhiều chỗ được phủ kín bằng cây vảy rồng.

Trên triền núi có những cây lim cổ thụ và rừng bạch đàn.

Nhìn từ trên cao xuống: căn nhà chính và căn nhà ngang làm bếp, phòng ngủ mùa đông và phòng cất tranh.

Sân sau ngôi nhà vẫn còn những tảng đá lớn.

Dụng cụ tập thể dục của họa sỹ: sáng ra xúc vài gánh đất và đổ ra đằng hông nhà để tạo vườn.

Nhìn từ ngoài sân sau vào nhà: họa sỹ đang gọt xoài tiếp khách.

Và nhìn từ hiên ra vườn…

Và đây là bếp…

Ở Việt Nam, vẽ sơn dầu là một vấn đề vì độ ẩm quá cao, nhất là nơi họa sỹ đang ở đây có quá nhiều cây. Đây là một căn phòng họa sỹ thiết kế bằng các tấm nilong quây kín cất tranh. Cách làm này hiệu quả vì tiết kiệm được rất nhiều tiền điện khi chạy máy hút ẩm.

Một bức tranh đang vẽ dở…

Họa sỹ vào kho và mang tranh ra cho mọi người xem.

Tất cả là những bức đang vẽ dở dang. Thế nhưng đã nhận thấy tinh thần của từng bức.

Tranh được mang ra dần dần và xếp vòng quanh nhà.

Họa sỹ Phùng Quốc Trí đang chuẩn bị tranh cho triển lãm sắp đến.

Họa sỹ Phùng Quốc Trí và những bức tranh đang vẽ dở.

Rời nhà Phùng Quốc Trí, đi lại qua con ngõ nhỏ…

… và gặp lại cánh đồng. Làng bên kia đang đua nhau lên phố. Một màu xi măng xám xịt. Chả biết cánh đồng này còn tồn tại được bao lâu.

 

 

Ý kiến - Thảo luận

13:43 Thursday,8.11.2012 Đăng bởi:  Ối giời ạ !
Không biết họa sĩ Phùng Quốc Trí đã đọc các comment này chưa ? Tôi đang tưởng tượng ra khuôn mặt và thái độ của anh khi nghe những lời bình luận như vầy ... anh sẽ cười rất nhẹ và không nói gì cả, kiểu như: Chẳng chấp. Tính anh ấy vẫn vậy....
...xem tiếp
13:43 Thursday,8.11.2012 Đăng bởi:  Ối giời ạ !
Không biết họa sĩ Phùng Quốc Trí đã đọc các comment này chưa ? Tôi đang tưởng tượng ra khuôn mặt và thái độ của anh khi nghe những lời bình luận như vầy ... anh sẽ cười rất nhẹ và không nói gì cả, kiểu như: Chẳng chấp. Tính anh ấy vẫn vậy.... 
13:07 Saturday,26.5.2012 Đăng bởi:  Tân
Nhà người ta thế nào thì kệ xác người ta .
Là do ông Mai up chứ có phải anh Trí up lên để xin ý kiến sửa nhà đâu nhỉ .
...xem tiếp
13:07 Saturday,26.5.2012 Đăng bởi:  Tân
Nhà người ta thế nào thì kệ xác người ta .
Là do ông Mai up chứ có phải anh Trí up lên để xin ý kiến sửa nhà đâu nhỉ . 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả