Khác

Ở làng Lạc Nhuế có trại sáng tác… 04. 05. 12 - 8:02 am

Bùi Hoài Mai

 

.

 

Rời triển lãm của họa sỹ Nguyễn Đình Quang, chúng tôi đi về làng Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa huyện Kim Bảng. Trên xe có họa sỹ Trần Thành đi cùng. Họa sỹ Trần Thành đã có nhiều lần về và ở làng đó vẽ. Lần này anh không dự trại sáng tác mà chỉ về chơi với các bạn bè đang vẽ ở đó. Đợt đi vẽ lần này do Hội Văn nghệ tỉnh phát động, nghe đâu danh sách có tới hai chục người.

Làng Lạc Nhuế đã được nhiều người biết đến với những vụ “rào làng tự quản” do những bất cập về quản lí và kiếu kiện đất đai hơn hai mươi năm trước. Sau sự việc này, nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã viết một kịch bản phim truyền hình khá nổi tiếng: “Chuyện làng Nhô” với nhận vật Trịnh Khả (tên thật là Trịnh Khải) do nghệ sỹ Nguyễn Hải thủ vai chính.

Thế nhưng, đó chỉ là vỏ ngoài. Đi dần vào, vẫn là một nông thôn cũ kĩ như cách đây hàng hơn nửa thế kỷ.

Thoạt nhìn, làng Lạc Nhuế cũng giống như bao làng quê Bắc bộ khác, với một con đường bê tông với hai dãy nhà hai bên đang ngày ngày biến thành “phố” với những căn nhà gác đang đua nhau xây. Trục chính của làng. Sau một năm quay lại, họa sỹ Trần Thành vừa đi vừa gọi điện hỏi đường. Ông chép miệng: xây nhanh quá, mới một năm quay lại mà tưởng lạc.


Những ngôi nhà mới xây thường có cấu trúc bất cân đối như thế này…


… vội vã mọc lên bên cạnh những cấu trúc cũ. Màu sơn mới lấn át, đè lên những ngôi nhà cũ được làm theo lối kiến trúc nửa thuộc địa.


Những ngôi nhà cũ còn sót lại trên trục đường chính. Ngôi nhà này có cổng chính bị xây bít lại, nghe người già nói là từ thời cải cách ruộng đất. Nhà này của địa chủ và được chia cho nông dân nên bịt cửa chính và dùng hai cửa phụ.


Chỉ cần đi khỏi trục ngõ chính có vẻ đang cơn đô thị hóa, rẽ vào những ngõ con, là thấy hình như thời gian đã ngừng lại.


Vẫn là một nông thôn như cách đây bao nhiêu năm với những kí ức của thời còn đi sơ tán trong chiến tranh. Chả có gì thay đổi. Kể cả cái nghèo.


Nhìn vào một nhà, thấy bộ bàn ghế này, nhớ đến những buổi họp của tổ đổi công. Dấu ấn hôm nay có lẽ nằm ở lọ tương ớt Chinsu và cái rá bằng nhựa.


Trong làng vẫn còn đó một quầy hàng mà trước đó là hợp tác xã mua bán. Cái tủ kính cũ kĩ bày chỏng chơ vài công tắc điện, mấy hộp sơn chống rỉ và vài cái ấm nhôm.


Đường làng đìu hiu, buôn bán cũng đìu hiu. Cảm giác như không ai tiêu tiền ở đây.


Làng có một xưởng phục chế xe đạp. Xe đạp vẫn là phương tiện khá phổ biến. Anh chủ xưởng cho hay: từ ngày xăng tăng giá vù vù, nhiều người quay lại đi xe đạp. Công việc của anh vì thế mà nhiều lên.


Một cô thợ may với một cửa hàng nhỏ như thời những năm 70.


Một xưởng làm khung ảnh, thứ được báo chí cho là mô hình thay đổi thắng lợi sau những bất ổn 20 năm về trước.


Không thể thiếu một ông thợ cắt tóc. Cái cửa xếp cũng là đại diện một thời cho “đổi mới”.


Vài thứ lặt vặt bán cho những người nhỡ chợ.


Và một quán hàng xén. Tất cả mọi thứ vẫn như ngày xưa và khá điển hình cho một làng quê nông nghiệp đồng bằng Bắc bộ.


Hôm nay là ngày nghỉ mà đường làng vắng lắm. Người dân Lạc Nhuế có tiếng là chăm chỉ. Mọi người đều cắm đầu vào làm việc. Thật khó có thể tìm được một quán ăn trong làng. Người ta bảo rằng dân ở đây không có cả thời gian để đi ăn.


Trong làng hầu như chỉ còn nhìn thấy người già…


Và lũ trẻ con im lìm.


Làng như một chốn mà quá khứ lên ngôi. Nên cảm giác sống động nhất có lẽ đến từ… ngôi nhà thờ họ Trịnh – một họ to ở làng.


Nhà thờ màu sắc tươi rói, với một con ngõ dài thật đẹp bên hông.


Và cuối ngõ là một căn nhà cổ.


Đi mãi, hỏi mãi, cuối cùng cũng đã tìm ra nơi các họa sỹ nhà ta trú ngụ. Một căn nhà nhỏ ba gian hai chái. Trời nắng, một họa sỹ đã may mắn tìm ra được góc vẽ ưng ý ngay hiên nhà. Thật là nhất cử lưỡng tiện.


Trong nhà xếp đầy những bức tranh đanh vẽ dở. Trong danh sách đi sáng tác đợt này có đến 20 người đăng kí. Thế nhưng thực tế còn sót lại và đi vẽ chả còn được bao nhiêu.


Một bức ảnh cũ treo trên tường – ảnh của người chủ căn nhà này và được chụp từ đầu thế kỷ 20.


Ngoài sân, cạnh bể nước, lỏng chỏng vài ông bình vôi cũ. Người nông dân Bắc bộ vẫn có tục lệ cất đi hoặc mang ra gốc đa thiêng đầu làng để cất những bình vôi đã quá đầy mà không bao giờ vứt đi. Họ trân trong gọi đó là “ông bình vôi”.


Chủ nhà cho các họa sỹ ở nhờ là bác Quảng. Năm nay bác hơn 60. Bác cứ thắc mắc mãi: Khổ, nắng nôi thế này các chú, các thầy cứ đội giời đi vẽ làm gì cho khổ. Sao không ở nhà vẽ mấy con cá chép cho nó nhẹ nhàng. Tết năm nào cũng có ông bán rong mang tranh cá vào làng bán, đắt hàng phết…


Họa sỹ, thầy giáo Huy Oánh, vốn đã từng là hiệu phó trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Thầy đi vẽ đợt này cùng các thế hệ học trò. Đi vẽ ở Lạc Nhuế đợt này còn có họa sỹ, thầy giáo Phạm Thanh Liêm. Hôm nay thầy Liêm đại diện nhóm họa sỹ lên khai mạc triển lãm tranh của họa sỹ Nguyễn Đình Quang ở Phủ Lý.


Họa sỹ Tô Ngọc Trang. Thời gian gần đây anh sinh sống ở Thụy Điển. Trang mới về nước và chạy tót về quê để vẽ.


Họa sỹ Huy Oánh và họa sỹ Trần Thành đang cùng nhận xét bức tranh đang vẽ dở trên hiên nhà. Khi họa sỹ Trần Thành đang học trong trường thì thầy Huy Oánh là thầy dạy trực tiếp. Nhưng gặp nhau ở đây, mọi câu chuyện diễn ra thật thoải mái như những đồng nghiệp. (Không biết bây giờ thì thế nào, nhưng cách đây hơn 20 mươi năm, thầy trò trường Mỹ thuật sống với nhau thật thoải mái. Họ đối xử với nhau như những đồng nghiệp lớn tuổi và truyền nghề cho lớp đàn em. Hết giờ học là cùng kéo nhau ra quán nước chè…) Gặp ở đây, họa sỹ Trần Thành cứ suýt xoa: lâu lâu trở lại làng, nhớ quá. Bây giờ thì nhìn đâu cũng thấy có thể vẽ được. Và họa sỹ quyết định về Hà Nội lấy màu, lấy toan và hôm sau quay về lại Lạc Nhuế.


Thầy trò cùng nhau ngắm lại những bức tranh đang vẽ dở. Hai họa sỹ ngồi bên tay trái là họa sỹ ở Hà Nam: họa sỹ Nguyễn Ngần và họa sỹ Lương Quốc Hiệp.


Một bức tranh đang vẽ dở của họa sỹ Huy Oánh. Ngày nào cũng thế, buổi trưa cứ chợp mắt được 10 phút là thầy phăm phăm chuẩn bị đồ nghề đi vẽ tiếp. Thầy tuy tuổi cao nhưng về nhiệt tình và sức khỏe vẫn hơn đứt đám thanh niên quen ở thành phố. Tuy đã nghỉ hưu, nhưng trường Mỹ thuật vẫn mời thầy dạy giờ. Thầy bảo: là họa sỹ thì làm gì có “hưu”.


Họa sỹ Nguyễn Ngần (Hà Nam) áo đỏ và họa sỹ Nguyễn Trí Đức (Hà Nội).


Hóa ra bức tranh đang vẽ dở ở hiên nhà bác Quảng là của Đức.


Đến giờ cơm… Mâm cơm được bác Quảng gái bê lên. Trứng tráng, xu xu xào thịt bò và tuyệt nhất là canh cua đồng nấu cùng rau muống ăn với cà pháo muối chua. Hà Nam là đất đồng chiêm trũng. Con cua đồng ở đây thực là đặc sản: ngọt thỉu và thơm phức. Mọi người giục: ăn đi, ăn đi… ở Hà Nội có mơ cũng chả được bát canh cua như đây đâu. Cuối bữa, thầy Huy Oánh nhắc khi thấy trong bát còn chút canh: cố đi, cố đi. Rồi chính thầy vét nốt: đừng bỏ phí mà tội với giời đất.


Cơm xong, thầy Huy Oánh pha nước chè cho cả nhà. Vừa uống chè, vừa bàn chuyện đi vẽ ở các nhà rôm rả lắm. Thầy khoe, hôm nay đang vẽ có một bác trong làng đến ngồi xem thích thú lắm. Bác ấy còn gạ mua. Thầy hỏi ông trả được bao nhiêu – đăm chiêu suy nghĩ, bác kia ra giá: tôi có thể trả bác 500 ngàn. Thầy Huy oánh vui lắm: ái chà, nửa triệu với người nông dân là to lắm. Suy cho cùng, mua tranh thế này thì mấy bác nông dân nhà mình hơn đứt mấy đại gia ở Hà Nội rồi.


Nghỉ trưa một chút, họa sỹ Lương Quốc Hiệp mang tranh đi vẽ tiếp.


Trời vẫn nắng và nóng dữ dội, nhưng các họa sỹ tiếp tục lên đường tiếp tục công việc cho buổi chiều. Chả nhẽ lại lười ư, thế thì thua thầy Huy Oánh mất…


Vào một ngõ nhỏ, xem nơi thầy Huy Oánh đang vẽ.


Có hai bức đang vẽ dở dang của họa sỹ Huy Oánh.


Thầy trò cùng đứng ngắm.


Cái cổng nhà…


Và cái cổng đó đây.


Trong sân nhà…


… có giàn mồng tơi leo bên cửa sổ.


Thầy Huy Oánh chụp ảnh bên hai bức vẽ làng.


Ở một góc khác, họa sỹ Ngần đang ngẩn ngơ trước một bức tường đá…


Trong làng có bao nhiêu là góc để vẽ. Một con ngõ dài và vắng với bức tường nửa gạch nửa đá. Bản thân nó đã là một bức tranh tường hoàn chỉnh.


Cả kiến trúc cũng hay… Trong ảnh là một ngôi nhà gỗ truyền thống với mái hiên Tây. Một đặc điểm khá rõ nét của kiến trúc vùng Hà Nam – Ninh Bình. Kiến trúc truyền thống kết hợp với kiến trúc Công giáo.


Nước mưa của bao nhiêu năm tháng đã nhuộm bức tường vôi thành rêu đen và rửa trắng phau những viên đá chân tường. Hình như những gì đang tàn phai đều mang một cảm giác đẹp và buồn.


Không phải cái gì đẹp, mỹ miều mới là đẹp. Có những thứ thô tháp, tàn phai cũng gây nên cảm giác đẹp, như bàn thờ đây… và đằng sau là kho chứa phân đạm… Có bao nhiêu là thứ để vẽ trong ngôi làng này – những thứ “vắng người” mà “có người”, những thứ một mặt ta muốn thay đổi nhưng đồng thời lại không muốn thay đổi, những thứ “giằng co”…

 

 

 

Ý kiến - Thảo luận

22:06 Monday,17.11.2014 Đăng bởi:  Đinh Hoan
Ôi, quê tôi!
...xem tiếp
22:06 Monday,17.11.2014 Đăng bởi:  Đinh Hoan
Ôi, quê tôi! 
10:00 Saturday,1.11.2014 Đăng bởi:  Trịnh Công Lý
Bài viết rất hay và ý nghĩa:
Cần nhiều bài báo có những hình ảnh như thế này để gợi nhớ về tuổi thơ, đi xa khi đọc những bài báo nhìn thấy hình ảnh này thì chỉ muốn về quê. Nếu bài báo này không có thì nhiều người đã quên đi rồi, đi làm xa cũng chẳng muốn về quê. Ai mà viết thì những bài sau chụp thêm những hình ảnh siêu cổ của ngôi Đình, Đền, cây Đa
...xem tiếp
10:00 Saturday,1.11.2014 Đăng bởi:  Trịnh Công Lý
Bài viết rất hay và ý nghĩa:
Cần nhiều bài báo có những hình ảnh như thế này để gợi nhớ về tuổi thơ, đi xa khi đọc những bài báo nhìn thấy hình ảnh này thì chỉ muốn về quê. Nếu bài báo này không có thì nhiều người đã quên đi rồi, đi làm xa cũng chẳng muốn về quê. Ai mà viết thì những bài sau chụp thêm những hình ảnh siêu cổ của ngôi Đình, Đền, cây Đa và cây Cầu giáp cây Đa nữa. Cả những ngày hội làng và ngày m6, m7 Tết. Như vậy thì những người đi làm xa những ngày lễ tết mới khao khát được về góp chút ít xây dựng quê hương thôi. nên tự hào những hình ảnh như xe đạp, máy may mà cố gắng lên. Đó chỉ là mảng nhỏ về mặt tinh yêu quê hương. Chưa dám nói gì tới việc mình đã làm gì cho quê hương. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Thế nào thì dã man hơn?

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả