Tin tức

Tin-ảnh: Nơi ảm đạm, nơi phù hoa 14. 05. 12 - 7:59 am

Hữu Khoa và Soi tổng hợp

NEW YORK – Một người đàn ông đi ngang một tác phẩm điêu khắc đặt tại sảnh của tổng hành dinh JPMorgan Chase, hôm 11. 5. 2012, tại New York. JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ, vừa tuyên bố hôm 10. 5 là lỗ 2 tỉ USD trong vòng 6 tuần qua do danh mục đầu tư rủi ro mà công ty này thực hiện bằng tiền của mình. Mark Lennihan.

 

STOCKHOLM – Trong thời buổi kinh tế khó khăn, những giá trị bền vững càng được tôn vinh. Hôm 10. 5 là khai mạc Nationalmuseums Slow Art – một triển lãm tập trung và kỹ thuật, chất liệu và quá trình làm ra tác phẩm; đề cao làm tốt hơn là làm nhanh, chất lượng hơn là số lượng. Triển lãm giới thiệu khoảng 30 tác phẩm mỹ thuật ứng dụng – tất cả đều là những ví dụ tuyệt vời về tay nghề. Trong ảnh: Dog Rose của Annika Liljedahl, làm bằng dây thép, satin, kim ghim, véc-ni.

 

NEW YORK – Thời buổi tuy khó khăn thật, nhưng sức sáng tạo của nghệ sĩ quyết không để bị phụ thuộc hoàn toàn vào tiền mua vật liệu. Bảo tàng Mới tại New York hiện đang giới thiệu triển lãm đơn đầu tiên của điêu khắc gia người Anh Phyllida Barlow – một người theo trường phái Arte Povera. Barlow có ảnh hưởng lớn trên điêu khắc Anh trong suốt bốn mươi năm qua. Bà đã dạy nhiều thế hệ nghệ sĩ Anh nổi tiếng.

 

Bắt đầu sáng tác từ giữa những năm 1960, Barlow đã thoát khỏi phong cách điêu khắc nghiêm cẩn của Anh, thay vào đó, chịu ảnh hưởng của phong trào Arte Povera và các điêu khắc gia Mỹ như Eva Hesse. Tác phẩm của Barlow thường dùng những vật liệu “tạp nham” như xi măng, nỉ, bản gỗ, polystyrene, sợi…, và thường kết hợp tất cả trong cùng một tác phẩm. Những vật liệu này có khi lấy thẳng từ đường phố, phản ánh môi trường đô thị mà bà sống và làm việc. Các tác phẩm của Barlow nhấn mạnh đến sự phù du, không bền, nên thường sau triển lãm, tất cả cũng được đập đi, tái sử dụng vào một tác phẩm khác.

 

PARIS – Nhưng ở Pháp, đúng như tinh thần của vị tổng thống mới lên không cần thắt lưng buộc bụng, những thứ phù hoa vẫn diễn ra. Trong ảnh là quang cảnh tác phẩm của nghệ sĩ đương đại Pháp Daniel Buren tại buổi khai mạc triển lãm đột phá có tên Monumenta ở Grand Palais, Paris. Monumenta là dự án sắp đặt hàng năm vô cùng đông người tham quan, năm nay là năm thứ năm. Đề bài của dự án này là thách thức một nghệ sĩ tầm cỡ quốc tế dám “dọn vào” sảnh lớn nhất của tòa nhà quan trọng nhất nước Pháp, và làm gì đó để “choán” hết không gian ấy. Năm ngoái là Anish Kapoor. Năm nay là Daniel Buren. Ảnh: Francois Mori.

 

LONDON – Và tại Anh, tác phẩm ArcelorMittal Orbit hoành tráng đã được mọi người đổ xô vào chụp ảnh trước khi mở màn chính thức tại Công viên Olympic Park, London, ảnh chụp hôm 11. 5. 2012. Tác phẩm này được Anish Kapoor và Cecil Balmond thiết kế, cao 114.5m, có 63% là thép tái chế và uốn thành những vòng tròn Olympic. Ảnh: Tim Hales.

 

RIEHEN – Còn tại Thụy Sĩ, triển lãm đơn của Jeff Koons mới khai mạc, với những tác phẩm bóng bảy và đầy màu xa xỉ. Trong ảnh là tác phẩm Tulips (1995 – 2004) của Jeff Koons đang trưng bày tại Fondation Beyeler ở Riehen, Thụy Sĩ. Triển lãm này kéo dài tới tận tháng Chín năm nay. Ảnh: Georgios Kefalas.

 

JOHANNESBURG – Cuối cùng, đôi khi nghệ thuật được dùng làm một tín hiệu hồi sinh. Trong ảnh: một tác phẩm của nghệ sĩ Brett Murray có tên “Land” (Đất) treo trên tường của gallery mỹ thuật trong trường đại học Witwatersrand mới mở ở Johannesburg. Việc mở trường và khai trương gallery được coi là một phần của công cuộc phục sinh khu vực nội đô thành phố. Phải chăng dấu hiệu hồi sinh mạnh nhất là người ta trở lại yêu nghệ thuật? Ảnh: Denis Farrell.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả