Nhiếp ảnh

Letizia Battaglia: chụp Mafia ngày đẫm máu 16. 05. 12 - 8:34 am

Vi Quân dịch - Nguyễn Đình Đăng bổ sung tư liệu

 

.

 

Tháng 5 này đánh dấu kỷ niệm 20 năm vụ ám sát thẩm phán Giovane Falcone – một trong những kẻ thù lớn nhất của các tổ chức mafia sừng sỏ ở Ý (chủ yếu tập trung tại Sicily – cũng là nơi ông sinh sống). Dưới đây là những bức ảnh tuyệt vời, ghi chép các hoạt động mafia cũng như cuộc sống thường nhật ở hòn đảo này trong suốt thời kỳ đẫm máu của nó, tác giả của chúng chính là bạn thân của thẩm phán Falcone – nữ nhiếp ảnh gia nổi tiếng Letizia Battaglia. Mới đầu bà không định chụp hình cuộc chiến với xã hội đen, mà dường như chính cuộc chiến đó đã tìm đến với bà.

Nữ nhiếp ảnh gia Battaglia đứng trước tác phẩm chụp cảnh áp giải tên tội phạm Leoluca Bagarella - hắn từng làm thành viên của một băng đảng Mafia lớn ở Sicily.

Áp giải Leoluca Bagarella, năm 1980

Thẩm phán Giovanni Falcone tại tang lễ của Carlo Alberto Dalla Chiesa, cảnh sát trưởng của thành phố Palermo thuộc Sicily. Ông Carlo bị bọn Mafia ám sát.

“Đâu đâu cũng có mặt chúng, nhiều… nhiều máu quá, nơi đây không có tình yêu, tình yêu chẳng còn tồn tại nữa”. Đó là những câu nói của Rosaria Schifani trong tang lễ của chính chồng cô - một vệ sĩ bị giết cùng thẩm phán Giovanna Falcone hồi năm 1992. Ảnh: Rosaria tại tang lễ.

Thực trạng thành phố Palermo, năm 1982. Ảnh chụp gần nhà thờ thánh Chiara.

Ảnh chụp một vụ án mạng vào năm 1982, nạn nhân gồm một gái điếm và hai khách hàng của cô.

Capaci, ngày 8 tháng 8 năm 1980. Ông chủ khách sạn Costa Smeralda bị ba tên sát nhân giết hại. Người phụ nữ trong hình không biết rõ rằng ai đã chết, nên bà khóc ngất khi lầm tưởng nạn nhân là con trai mình.

Trong ảnh: thẩm phán cấp cao Roberto Scarpinato luôn đi cùng đội hộ tống của mình trong quãng thời gian ông truy tố cựu thủ tướng Giulio Andreotti. Cho tới nay Scarpinato vẫn còn sống, chưa bị ai ám sát. Ảnh chụp năm 1998.

Tên của nạn nhân là Vincezo Battaglia, ông bị mafia đã sát hại vào ban đêm, ngay giữa đống rác thải. Người vợ đã cố gắng cứu sống chồng mình nhưng vô ích.

Bức ảnh yên bình hiếm có, chụp hai em nhỏ và một chú chim bồ câu tại Trapani, phía Tây Sicily, năm 1989.

Nhưng ngay cả trong thời kỳ đẫm máu, con người vẫn tìm được tình yêu. Bức ảnh này chụp tại ngoại ô thành phố Polizzi vào năm 1983, nó mang tên “Sabina và Pippo đang yêu”.

*

SOI: Mời bạn đọc phần tư liệu bổ sung của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng:

Mười điều răn của Mafia đảo Sicily

Đây là 10 điều răn mà cảnh sát Sicily đã tìm thấy tại sào huyệt của bố già Salvatore Lo Piccolo vào năm 2007. 10 điều răn này là “định hướng mafia” để làm một mafia khả kính và có danh dự.

1. Không ai có thể tự giới thiệu để tiếp cận một trong số các bạn của chúng ta. Phải qua một người thứ ba làm trung gian.
2. Không bao giờ được dòm ngó vợ của bạn mình.
3. Không bao giờ bị nhìn thấy đi với cảnh sát.
4. Không lui tới tửu quán và câu lạc bộ.
5. Có nghĩa vụ luôn phải sẵn sàng cho Cosa Nostra (tức mafia, N.D.), ngay cả nếu vợ mình sắp đẻ.
6. Phải tuyệt đối tôn trọng các cuộc hẹn.
7. Phải đối xử tôn trọng với các người vợ.
8. Khi được hỏi về bất kỳ thông tin nào, câu trả lời phải là sự thật.
9. Không được chiếm hữu tiền bạc nếu tiền bạc đó thuộc về người khác hoặc gia đình khác.
10. Những người không thể gia nhập Cosa Nostra gồm bất cứ ai có họ hàng gần phục vụ trong cảnh sát, bất cứ ai có họ hàng thay lòng đổi dạ trong gia đình, bất cứ ai cư xử không tốt và không tôn trọng các giá trị đạo đức.

Antonino Calderone, em trai của Giuseppe Calderone – đảng trưởng mafia tại Catania (Sicily), là người đã tự thú sau khi bị bắt giam tại Nice. Từ ngày 9. 4. 1987 Antonio Calderone đã bắt đầu kể lại cho quan toà Giovanni Falcone nhiều chi tiết về tổ chức mafia. Câu chuyện của ông kéo dài một năm mới hết, và đã được Falcone ghi chép thành 1000 trang giấy. Các lời kể của Calderone trung thực và khá chính xác. Người ta đã xác nhận 800 chi tiết đúng sự thật.

Trong lời khai của mình Antonio Calderone có nói về những lời răn tương tự gổm:

1.  Không động đến phụ nữ của những người đàn ông danh dự khác (tức là các đảng viên khác của đảng mafia, dưới đây sẽ viết tắt là đảng viên).
2.  Không ăn cắp của các đảng viên khác, và nói chung, của bất cứ ai khác.
3. Không được khai thác mại dâm.
4.  Không được giết đảng viên khác, trừ khi thực sự cần thiết.
5.  Không được chuyển thông tin cho cảnh sát.
6.  Không cãi lộn với những đảng viên khác.
7.  Phải giữ cách ứng xử cho phù hợp.
8. Phải giữ bí mật về Cosa Nostra với người ngoài bên ngoài.
9.  Trong mọi trường hợp, không được tự giới thiệu mình với những đảng viên khác.

Dựa trên lời khai của Antonio Calderone, ngày 19. 3. 1988, Giovanni Falcone đã ký 160 lệnh bắt các đảng viên mafia. 4  năm sau, theo lệnh của bố già Salvatore “Toto” Riina, ngày 23. 5. 1992, trên đường từ sân bay quốc tế Palermo tới Palermo, mafia đã đặt một quả bom chứa nửa tấn thuốc nổ và kích nổ bằng điều khiển từ xa. Falcone, vợ, và 3 vệ sĩ đã thiệt mạng. Nước Ý đã để quốc tang ông 1 ngày. Sân bay quốc tế Parlermo sau đó đã được đổi tên thành sân bay Falcone-Borselino, mang tên ông và đồng nghiệp của ông, quan tòa Paolo Borselino, cũng bị mafia giết 2 tháng sau ông.

Phát biểu tại đám tang Giovanni Falcone, quan toà Paolo Borselino có nói như sau:

Cuộc đấu tranh chống mafia – vấn đề số một cần giải quyết trên đất nước tươi đẹp nhưng không may mắn của chúng ta – không những chỉ là một hành động đàn áp lạnh lùng, mà còn phải là một phong trào về đạo đức và văn hoá cần sự tham gia của nhiều người, đặc biệt là các thế hệ trẻ – những người thích hợp nhất để cảm nhận sự tươi đẹp của tự do – một tự do quét sạch sự nhơ bẩn của mọi thoả hiệp đạo đức, của sự vô cảm, sự kế cận và sự đồng lõa.”

 

Ý kiến - Thảo luận

15:44 Wednesday,16.5.2012 Đăng bởi:  Mạnh Hà
Ở Việt Nam cũng rất cần một câu tương tự nhưng có thể thay lại một vài từ:
"“Cuộc đấu tranh chống THAM NHŨNG không những chỉ là một hành động LÊN ÁN CHUNG CHUNG, mà còn phải là một phong trào về đạo đức và văn hoá cần sự tham gia của nhiều người, đặc biệt là các thế hệ trẻ – những người thích hợp nhất để cảm nhận sự tươi đẹp của tự do – mộ
...xem tiếp
15:44 Wednesday,16.5.2012 Đăng bởi:  Mạnh Hà
Ở Việt Nam cũng rất cần một câu tương tự nhưng có thể thay lại một vài từ:
"“Cuộc đấu tranh chống THAM NHŨNG không những chỉ là một hành động LÊN ÁN CHUNG CHUNG, mà còn phải là một phong trào về đạo đức và văn hoá cần sự tham gia của nhiều người, đặc biệt là các thế hệ trẻ – những người thích hợp nhất để cảm nhận sự tươi đẹp của tự do – một tự do quét sạch sự nhơ bẩn của mọi thoả hiệp đạo đức, của sự vô cảm, sự kế cận và sự đồng lõa.” 
11:06 Wednesday,16.5.2012 Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng
Lưu ý:

Tại trang Wikipedia tiếng Việt
http://vi.wikipedia.org/wiki/Mafia
cũng có phần dịch 10 điều răn này, nhưng các điều 1, 2, 3, 8, 10 được dịch không chính xác.
...xem tiếp
11:06 Wednesday,16.5.2012 Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng
Lưu ý:

Tại trang Wikipedia tiếng Việt
http://vi.wikipedia.org/wiki/Mafia
cũng có phần dịch 10 điều răn này, nhưng các điều 1, 2, 3, 8, 10 được dịch không chính xác. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả