Điện ảnh

Phim chiếu rạp: Dark Shadow – cái hay và cái tệ của Tim Burton 20. 05. 12 - 5:18 am

Pha Lê tổng hợp

Poster phim “Dark Shadow”

 

Tôi đi xem phim Dark Shadow đang chiếu tại các rạp và thấy phim… không hay lắm, thực tình thì trước đó tôi đã nghe ngóng các bài đánh giá và cũng ngờ rằng Dark Shadow hơi bị tệ, nhưng tôi vẫn mua vé đi xem, xin mọi người nghiên cứu yếu tố này trước, để có thể đánh giá Dark Shadow một cách khách quan nhất.

 

Đạo diễn Tim Burton

Cùng với những tên tuổi như David Lynch và Spielberg, phim của Tim Burton luôn mang tính thị giác cực cao, một phần cũng là do trước đây Tim làm trong mảng hoạt hình trước khi chuyển sang làm phim người đóng. Cảnh quay trong các tác phẩm do Tim đạo diễn rất riêng và đặc sắc; nó vừa quái đản rùng rợn kiểu Gothic, vừa mang chút siêu thực kiểu Dali, vừa hài và nhộn nhịp, sống động. Chẳng phải tự dưng mà MOMA (Museum of Modern Art – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại) tổ chức triển lãm về Tim Burton hồi năm 2010.

Xem phim của Tim giống như xem một triển lãm tranh hoặc video art siêu thực, phong cách của Burton không thể lộn với ai được, nghệ sĩ như vậy hiếm chứ không nhiều. Mặt hình ảnh luôn được xử lý rất tốt, nhưng câu chuyện có thể hay hoặc dở. Bên “phần hay” là những tác phẩm kinh điển, xem một lần là không bao giờ quên, như Kỵ sĩ không đầu, Edward – bàn tay kéo, Big Fish v.v… và gần đây là Alice lạc vào xứ thần tiên.

Hình ảnh quái dị đặc sắc của phim “Alice lạc vào xứ thần tiên”.


Biểu tượng kinh điển có một không hai của Tim Burton: cái cây người chết trong “Kỵ sĩ không đầu”

 

Còn “phần dở” thì có Hành tinh khỉ (bản năm 2001), Sao Hỏa tấn công, và… Dark Shadow.

 

Phim Dark Shadow

Câu chuyện phim thoạt nghe thì đúng “mùi” gothic siêu thực của Tim Burton: Vào thế kỷ 18, bố mẹ của công tử Barnabas Collins (Johnny Depp đóng) chuyển từ Anh Quốc sang Mỹ để làm ăn. Họ kinh doanh thành công, và dùng số tiền kiếm được để xây một toà lâu đài tráng lệ trên đất Mỹ, khiến ai nhìn thấy cũng phải thòm thèm. Nhưng vì tiền bạc mà công tử Barnabas sinh tật, cậu trở thành một tay sát gái có hạng, rồi chính thói hư này đã làm tan nát trái tim của một nàng phủ thủy trẻ tên Angelique (Eva Green đóng).  Hậu quả: Angelique ếm bùa giết chết các tình nhân mới của Barnabas. Hối hận, Barnabas toan kết liểu đời mình, nhưng Angelique làm phép và biến anh thành ma cà rồng bất tử, rồi nhốt anh vào quan tài và chôn anh dưới đất. 200 năm sau, một đội công nhân làm đường đào trúng cái hòm nhốt Barnabas, vô tình thả anh thoát ra ngoài.

Nhưng sau 2 thế kỷ thì xã hội đã có quá nhiều biến đổi, người ta phát minh ra xe hơi, nhạc pop, radio… Barnabas – người của thế kỷ 18 – cảm thấy vô cùng lạc lõng, thế là Barnabas gấp rút quay trở lại toà lâu đài mà bố mẹ anh xây xưa kia, với hy vọng tìm thấy thế hệ cháu chắt của dòng họ mình.  Đúng như anh đoán, con cháu của gia tộc Collins vẫn sống tại đấy sau hơn 200 năm, nhưng toà lâu đài hiện giờ trông rất buồn tẻ, rất thiếu sức sống. Các thế hệ sau của dòng họ Collins làm ăn lụn bại, không những vậy, gia đình còn dính vào nhiều chuyện lục đục. Chị cả Elizabeth (Michelle Pfeiffer đóng) bất lực trong việc dạy dỗ cô con gái Carolyn (Chloe Mortez đóng). Em trai Roger của Elizabeth thì chỉ lo tới tiền mà không đoái hoài gì tới cậu con David, cô gia sư Victoria thì được lòng bé David và khiến Barnabas rung động, nhưng hình như cô bị khùng vì cô nhìn thấy linh hồn người chết. Chứng kiến cảnh dòng họ sa sút về kinh tế cũng như đạo đức, Barnabas quyết định sẽ chấn chỉnh lại gia tộc một cách toàn diện nhất; rồi nếu còn thì giờ, anh cũng sẽ lên kế hoạch để chiếm lấy trái tim của Victoria. Nhưng “kinh doanh” hay “đạo đức” hay “cách tán gái” của thế kỷ 20 không giống thế kỷ 18, liệu Barnabas có thành công? Và liệu thế hệ cháu chắt nhà Collins có chấp nhận chuyện “thành viên cũ” này  xen ngang vô đời sống của họ?

Cháu chắt của gia tộc Collins từ trái sang: bé David, bố Roger của David, Elizabeth – chị hai của Roger, và Carolyn – con gái của Elizabeth. Chloe Mortez, người thủ vai Carolyn, thủ vai Isabelle trong phim “Hugo”.


Ma cà rồng Barnabas do Johnny Depp thủ vai. Vì ngủ 200 năm trong quan tài nên bây giờ Barnabas không quen nằm giường nữa mà phải chui vô tủ nằm. John là diễn viên ruột của Burton, anh đóng tới gần 9 phim lớn nhỏ của vị đạo diễn này.


Eva Green trong vai nữ phù thủy Angelique. Tại sao phù thủy của thế kỷ 18 lại mặc trang phục công sở hiện đại? Xem phim sẽ rõ ngay thôi mà. 

 

Bộ phim sẽ rất hay nếu Tim Burton đưa nó vào thể loại hài châm biếm, và thực tế thì phim có các đoạn rất hài hước thông minh, khiến khán giả cười vỡ bụng, nhất là đoạn chàng ma cà rồng Barnabas lúng túng lạ lẫm trước những sản phẩm của thế kỷ 20 như ti-vi và thức ăn nhanh. Nhưng Tim không dứt khoát, thành ra Dark Shadow vừa hài, vừa pha kinh dị, vừa hành động, vừa bi như một món tả pí lù. Bộ phim đâm ra rời rạc, khiến người xem đôi lúc mất phương hướng, không biết rằng mình đang xơi món gì.

Tuyến nhân vật cũng lung tung thế; từ Barnabas tới Elizabeth, David, Carolyn, Victoria… (chưa kể mấy nhân vật phụ), Tim giải quyết chuyện của người này một chút, người kia một chút theo kiểu mất tập trung, làm cuối cùng khán giả chẳng thể hiểu nổi tính cách nào là của ai. Ngay cả nhân vật chính Barnabas cũng thế, vừa mới toát ra dáng vẻ của một nam nhi hết mực yêu thương Victoria, 5 phút sau anh lại trở thành một tay chơi lăng nhăng theo dạng “ngựa quen đường cũ”, không hề hối hận khi làm tình với vô số các nhân vật nữ khác. Nếu phim này thuộc thể loại hài ít nghiêm túc thì tôi bỏ qua được, nhưng nó vừa thế nọ vừa thế kia, nên các tình tiết vô lý cứ thế đập vào mặt người xem, mang lại một cảm giác bực bội khó chịu.

Nhưng Tim Burton vẫn là Tim Burton, thành ra hiệu ứng thị giác của Dark Shadow vẫn độc đáo không gì sánh nổi. Lâu đài của dòng họ Collins hoành tráng, lộng lẫy y như dinh thự của giới quý tộc xưa, khiến khán giả trong rạp vừa xem vừa trầm trồ nhỏ dãi; tuy nhiên, giống với phong cách Tim Burton, lâu đài này có pha chút âm u rùng rợn của những tiểu thuyết gothic Anh Quốc, làm tôi nhớ đến các dinh thự trong truyện Jane Eyre, Rebecca, Đồi Gió Hú… sự kỳ quái ảm đạm giữa khung cảnh nguy nga tráng lệ khiến hình ảnh của phim rất có sức hút. Ánh sáng vừa ấm vừa lạnh và góc máy rộng cũng cực kỳ ăn nhịp với phong cách của Tim, không phải lúc nào cũng mò ra được một tác phẩm với hiệu ứng hình ảnh đặc trưng như thế. Cắt từng khúc phim ra thì sẽ được nhiều đoạn Video Art nho nhỏ cực kỳ hấp dẫn; đặc biệt, khúc cuối phim sẽ hớp hồn những ai yêu nghệ thuật siêu thực, nhưng nếu bỏ chung các đoạn này lại làm một thì phim sẽ trở nên rời rạc lan man.

Hai bé Carolyn và David trong phòng khách hoành tráng của gia tộc Collins.


Barnabas ngắm nghía các chi tiết tinh xảo của tòa lâu đài.

 

Nói cho công bằng, vì tài nghệ của Tim Burton mà Dark Shadow cũng có cái xem được, nhất là đối với những ai quan tâm tới mặt hình ảnh và thích dòng nghệ thuật siêu thực, tuy nhiên người xem phải sẵn sàng bỏ qua cái dở của nó. Quả là tiếc, nhưng Tim Burton là một đạo diễn có bề dày, có nét đặc sắc riêng, nên ít ra tôi thấy mình cần phải viết tặng ông một bài đánh giá (dù bài này không khen gì nhiều) để những ai chưa biết về Tim Burton có thể lấy nghiên cứu, và những ai biết rồi thì sẽ tự lường rằng có nên đi xem phim hay không.

 

*

Lịch chiếu

Hà Nội

Vincom City Towers (Tầng 6, Tòa nhà Vincom City Towers, 191 đường Bà Triệu, Q. Hai Bà Trưng) đến 20. 5
Pico Mall (229 Tây Sơn, Q. Đống Đa) đến 20. 5
TT Chiếu phim quốc gia (87 Láng Hạ, Q. Ba Đình) đến 24. 5
Lotte Cinema Land Mark (Tầng 5-6 – Keangnam Hanoi Landmark Tower – Lô E – Phạm Hùng – Từ Liêm – Hà Nội) đến 25. 5
Platinum cineplex (Tầng 4, Tòa nhà The Garden, Mễ Trì, Từ Liêm) đến 24. 5

 

Tp.HCM

Hùng Vương Plaza (126 Hùng Vương, Quận 5) đến 26. 5
CT Plaza (60A Trường Sơn, Phường 2, Q. Tân Bình) đến 24. 5
Galaxy Nguyễn Trãi (230 Nguyễn Trãi, Quận 1) đến 26. 5
Galaxy Nguyễn Du (116 Nguyễn Du, Quận 1) đến 26. 5
Galaxy Tân Bình (246 Hồng Đào, Q. Tân Bình) đến 26. 5
Parkson Paragon (Tầng 5, toà nhà Parkson Paragon, 3 Nguyễn Lương Bằng, Q.7) đến 24. 5
Crescent Mall (Lầu 5, Crescent Mall, Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Phú Mỹ Hưng, Quận 7) đến 24. 5
BHD Cinema (Lầu 4, Siêu Thị Maximart 3/2, 3-3C Đường 3/2, Q.10) đến 26. 5
Cinebox 212 (212 Lý Chính Thắng, Q.3) đến 24. 5
Cinebox Hòa Bình (240 Ba tháng Hai, Q.10) đến 24. 5

 

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả