Nghệ sĩ Việt Nam

Hội họa và đèn dầu 18. 03. 10 - 12:57 pm

SOI

.

Xem các triển lãm hội họa với chất lượng ánh sáng luôn được trau chuốt hết sức hiện nay, ta thật khó tưởng tượng đã từng có một danh họa Việt Nam gắn liền cuộc đời sáng tạo và những suy nghĩ về hội họa đầy sâu sắc của ông với một thứ ánh sáng rất ít thích hợp với vẽ tranh: ánh sáng đèn dầu. Đó chính là trường hợp của Bùi Xuân Phái với tác phẩm Viết dưới ánh đèn dầu, Phương Nam và NXB Mỹ thuật 2008 (in song ngữ Việt-Anh, 249 tr.; nhan đề tiếng Anh là Under the Light of an Oil Lamp).

Viết dưới ánh đèn dầu là một dạng ghi chép của Bùi Xuân Phái (1920-1988) về mỹ thuật, trình bày các quan điểm của ông về vẽ tranh, về mỹ thuật và về cái đẹp nói chung. Sách được Trần Hậu Tuấn đề tựa, Bùi Thanh Phương và Trần Hậu Tuấn sưu tầm, biên soạn in nhiều tác phẩm và nhiều thủ bút của Bùi Xuân Phái. Tổng cộng có 254 “đoạn suy nghĩ” được đánh số.

Một vài đoạn suy nghĩ như vậy:

“Khi vẽ xong một bức tranh thì tôi thấy nó “cũ” mất rồi. Hình như tôi muốn phải vẽ “hay” hơn thế bằng một lối tự do hơn hoặc kém tự do hơn miễn là hay hơn” (2).

“Tìm cái đẹp qua thiên nhiên, hiểu kỹ thiên nhiên để thấy cái cốt lõi. Vẽ bịa là đi vào cái hời hợt, dễ dãi” (5).

Bùi Xuân Phái luôn tự nhủ phải tránh xa cái giả, cái đẹp dễ dãi, những gì trông qua thì đẹp nhưng nhìn kỹ thấy không phải như vậy, những gì êm ả quá, óng chuốt quá, khéo léo quá. Ông cũng luôn luôn đi tìm một sự khai phóng về tinh thần sáng tạo:

“Tôi không còn nghĩ gì về nghệ thuật nữa thì tôi mới tự do được mà vẽ” (11).

Ông cũng rất tránh sự bắt chước:

“Họa sĩ phái mới phá bỏ trật tự của nền hội họa cũ, trong khi đó những họa sĩ bảo thủ duy trì và ca tụng những cái cũ. Tất nhiên trong những môn phái cũ (cổ điển) có nhiều cái rất đẹp, rất quý. Nhưng làm lại để làm gì để thành một cái bóng mờ nhạt, một sự vô duyên lạc điệu” (15).

Một số đoạn Bùi Xuân Phái bàn về khen chê trong nghệ thuật:

“Khen, chê đều phải có nhiệt tình có thiện chí và cuối cùng cũng phải có trình độ. Nếu không có trình độ dễ đem cái hiểu biết kém cỏi ra mà khen, chê thì còn giá trị gì?” (91)

“Người nghệ sĩ có những băn khoăn làm ra những cái được hoan nghênh hay làm những cái bị chê trách. Ai hoan nghênh? Ai chê trách? Ở cái đó cần phải suy nghĩ. Đừng tưởng bở khi được hoan nghênh nhất thời! Tương lai sẽ đào thải những kẻ cơ hội kiếm chác” (92).

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Gửi Zone9

Ngô Phương Thảo

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả