Khác

Dân Anh làm gì để kỷ niệm 60 năm nữ hoàng lên ngôi? 05. 06. 12 - 7:40 am

Pha Lê

 

.

 

Dân Anh vốn mang tiếng lạnh lùng, phớt tỉnh Ăng-Lê, nhưng lại có một nền văn hóa cực kỳ đặc sắc, nên lâu lâu khi xứ sương mù có lễ lạt gì là cả thế giới lại nhặng hết cả lên. Đặc biệt, đất nước này còn tự hào rằng mình nằm trong số ít còn giữ lại được chế độ vua chúa, nên Anh quốc cũng thu khẳm tiền nhờ vào những dịp như đám cưới hoàng gia, và gần đây nhất là lễ mừng 60 năm nữ hoàng Elizabeth đệ Nhị lên ngôi. Nhân lúc dân chúng các nước om sòm về lễ mừng này, xin mời mọi người vừa xem hình chụp vừa tìm hiểu thêm về văn hóa Anh quốc. Dù không có vẻ trực tiếp liên quan đến “nghệ thuật” cho lắm, nhưng kiến thức nào cũng có ích, biết đâu sau khi xem xong bạn lại nảy ra một ý tưởng mới thì sao? Giống như các họa sĩ thời xưa đọc tích Hy Lạp rồi nổi hứng vẽ tranh í. Hoặc biết đâu nhờ tìm hiểu văn hóa mà chúng ta lại hiểu các tác phẩm nghệ thuật từ Anh quốc hơn.

Xin nói thêm, nhân dịp này, các bảo tàng lớn ở Anh cũng tổ chức nhiều triển lãm về nữ hoàng. Có hẳn một triển lãm bày những bức chân dung nữ hoàng do các tay sừng sỏ nhất, như Andy Warhol, Lucian Freud… vẽ.

Để mừng 60 năm ngày Nữ hoàng Elizabeth đệ Nhị lên ngôi, dân Anh tổ chức một buổi diễu hành trên sông vào hôm 3. 6. 2012. Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con tàu đổ ra sông Thames, hướng về phía cây cầu London nổi tiếng. Con tàu to oạch phía bên phải là tàu chiến HMS Belfast* của hoàng gia, những con nho nhỏ khác là của dân chúng và các tổ chức, trường lớp… chạy theo mừng, phía trước là cầu London. Đây là sự kiện lớn nhất trên sông Thames trong vòng 350 năm qua. Hải quân Anh nổi tiếng là rất mạnh (hai lần đánh thắng Napoleon) và rất… tự do phóng khoáng (từng dán posters mời người đồng tính nhập ngũ). Đua thuyền cũng là một thú vui văn hóa nổi tiếng của xứ sương mù, đặc biệt là cuộc đua giữa hai trường đại Học Oxford và Cambridge. Ảnh: AP Photo/Alastair Grant.


Nữ hoàng Elizabeth đệ Nhị vẫy tay (từ trên tàu Belfast) để chào dân chúng. Như vậy, nữ hoàng trở thành người trị vì lâu năm thứ 2 của Anh Quốc. “Quán quân” về năm cai trị vẫn do nữ hoàng Victoria nắm giữ (63 năm), nhưng nếu Elizabeth đệ Nhị sống lâu thêm nữa thì có thể bà sẽ phá kỷ lục. Nước Anh không có Tổng thống mà chỉ có Thủ tướng vì trên danh nghĩa, nữ hoàng vẫn là người đứng đầu đất nước. Các luật mới chỉ được thông qua sau khi bà ký tên đồng ý, và Thủ tướng phải gặp bà để bắt tay thì mới chính thức được làm Thủ tướng. Nhiều người từng nhặng xị rằng thủ tướng Cameron hiện nay của nước Anh có họ với nữ hoàng. Điều này cũng đúng, vì bà ngoại của Cameron từng là con rơi của vua William đệ Tứ. Tuy Anh Quốc theo chế độ một vợ một chồng từ rất lâu nhưng mấy ông vua của xứ sương mù cũng khá là lăng nhăng. Ảnh: AP photo/John Stillwell.


Hoàng tử Charles và vợ – Camilla, bá tước xứ Cornwall. Theo lệ thì các hoàng tử của một số nước châu Âu phải bỏ ra vài năm đi nghĩa vụ quân sự, nên Charles đóng bộ quân phục và gắn huy chương khá hoành tráng. Nữ Hoàng Elizabeth đệ Nhị cũng rất “máu”, lúc còn làm thiếu nữ bà từng đi thay bánh xe cho các tiểu đoàn cơ động phục vụ trong Thế chiến thứ 2. Ảnh: AP Photo/Bethany Clarke.


Kate Middleton – vợ của hoàng tử Williams – trò chuyện với dân chúng trước khi lên thuyền cùng gia đình chồng. Cô đang đội một chiếc mũ khá là lạ mắt vì đây là lệ của Hoàng gia Anh. Vào những dịp đặc biệt của Hoàng gia như đám cưới hay đua ngựa, phụ nữ đến dự phải đội một chiếc mũ kiểu cọ, thường thì mấy cái mũ này chỉ để trang trí chứ không có công dụng che mưa che nắng gì nhiều. Lắm lúc, giới báo chí chỉ canh me mấy buổi lễ này để xem xem ai đội mũ kiểu gì. Bởi đây là món “hiện đại” cũng như “siêu thực” duy nhất trên người các công chúa, bá tước… vốn hay phải mặc áo quần theo kiểu lịch sự, cổ điển. Ảnh: AP Photo/Stefan Rousseau.


Một trong hàng ngàn con tàu của lễ diễu hành, đang chạy ngang qua tháp đồng hồ Big Ben và tòa nhà Quốc hội. Dọc hai bên con sông Thames đều là những công trình kiến trúc nổi tiếng, trong đó có nhà hát Queen Elizabeth Hall, nhà hát Quốc gia, vòng quay London Eye, Hayward gallery… Ảnh: AP Photo/Matt Dunham


Bé Owen Lewis, 7 tuổi, đứng trên cầu London để mừng nữ hoàng cùng hàng ngàn người khác. Ảnh: AP Photo/Sang Tan.


Các ngôi nhà cũng treo cờ và trang trí để mừng 60 năm ngày nữ hoàng lên ngôi. Dù lâu lâu giới truyền thông cũng đem gia đình Hoàng gia ra làm trò cười nhưng đa số dân chúng vẫn quý Hoàng gia của mình. Ngoài mang lại rất nhiều lợi nhuận cho ngành du lịch, Hoàng gia chính là những người bảo trợ văn hóa nghệ thuật có cỡ. Thực tế thì hiện nay, hầu như các tác phẩm nghệ thuật mà vua chúa Anh Quốc từng sưu tập đã được sung vào quỹ quốc gia hết. Ngoài tranh tượng thì họ còn có một bộ sưu tập đồ cổ cực kỳ hoành tráng. Ai có dịp sang Anh nhớ ghé The Queen’s gallery để xem đồ nội thất cũng như tranh tượng quý (nhiều vô số kể, toàn là đồ đẹp không nước nào có). Nhiều người cho rằng Hoàng gia ăn không ngồi rồi chứ thực tế họ gián tiếp đem lại rất nhiều tiền cho đất nước. Ảnh: AP Photo/Scott Heppell.


Trên sông đông mà trên cầu cũng đông nốt. Ảnh: AP Photo/Tim Hales.


Dân chúng còn tận dụng ban công của các tòa nhà ở hai bên sông Thames để treo cờ và mừng nữ hoàng. Cờ xanh trắng đỏ là cờ chung chỉ Vương quốc Anh, gồm có Anh, Bắc Ai-len, Wales, và Scotland. Còn cờ có dấu thập đỏ trên nền trắng là của riêng nước Anh thôi. Sau khi được trả tự do (sau thời thuộc địa) thì Bắc Ai-len nhất quyết không muốn… tự do mà sát nhập vào với Anh Quốc. Có điều tình hình giữa Bắc Ai-len và nước Cộng hòa Ai-len không căng thẳng như Triều Tiên và Hàn Quốc. Ảnh: AP Photo/Lefteris Pitarakis.


Dân chúng đổ ra hai bên sông Thames để vẫy cờ mừng nữ hoàng. Nghe đâu ngày hôm đó trời đổ mưa và gió thổi rất lạnh, nhưng dân Anh vốn phớt tỉnh Ăng-Lê nên vẫn cứ tham gia lễ mừng như thường. Thực tế thì ở Anh trời lúc nào cũng mưa và lúc nào cũng… âm u, dù hiện giờ đang là mùa hè. Nhiều họa sĩ nói rằng tranh vẽ của các họa sĩ Anh quốc (nhất là tranh phong cảnh) có màu không tươi vì thời tiết Anh quốc lúc nào cũng xám xịt. Nước Anh có khá nhiều tiểu thuyết theo dạng Gothic u ám (Jane Eyre, Đồi Gió Hú, Rebecca, Woman in Black…) và nhà văn nữ J.K Rowling cũng (phần nào) lấy thời tiết chán phèo của nước Anh làm cảm hứng để sáng tạo ra các nhân vật Tử thần Thực tử trong truyện Harry Potter. Theo loạt truyện này thì khi các Tử thần Thực tử xuất hiện, thời tiết sẽ trở nên tối tăm ảm đạm.

 

*

HMS: “Her Majesty the Ship” (Tàu của Nữ hoàng) hoặc “His Majesty the Ship” (Tàu của Vua), tên hiệu bắt buộc của các con tàu Hoàng Gia.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả