Kiến trúc

Câu chuyện kiến trúc: Thế giới khả thị qua những khu vườn kiểu Pháp 14. 06. 12 - 7:55 am

Nguyễn Anh Cường

 

Lý tính vận động thiên nhiên để nhìn vào thế giới tại Versailles. (Trong cả bài, cac bạn bấm vào hình để xem bản lớn hơn.)

 

Nếu ai từng đến thăm Paris, có dịp dạo chơi trên những đại lộ rợp cây của kinh đô ánh sáng, hay lang thang trong những khu vườn hoàng gia, hẳn đều có chút tò mò về sự chỉn chu tỉ mẩn của những hàng cây được tỉa cắt theo những khối hình học nghiêm ngặt, hay sự sắp xếp đối xứng, trật tự theo hàng lối đến mức khó hiểu trong những không gian thiên nhiên đặc trưng của phong cách cổ điển Pháp.

Tất cả thực chất phản ánh một nhân sinh quan duy lý mạnh mẽ của thẩm mỹ cảnh quan tại các nước lục địa thời Phục hưng, đối lập với quan niệm lãng mạn và phóng khoáng ở các nước anglo-saxon. Có thể nói nghệ thuật làm vườn kiểu Pháp là hiện thân của sự đồng điệu giữa triết học hiện đại (manh nha thoát ly khỏi khuôn khổ thần học Kitô, tái tôn vinh các giá trị văn hóa Hy-La) với mỹ thuật và kiến trúc thời bấy giờ. Những khu vườn thời baroque đã mang tới cái nhìn mới mẻ trong mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, giữa khái niệm ego và thế giới.

Lịch sử các khu vườn trong những nền văn minh lớn luôn đi liền với tính biểu tượng về một thế giới khác. Ở phương Tây, những khu vườn đầu tiên trong văn hóa Kitô được xây dựng theo hình mẫu của vườn địa đàng – một thứ thiên đường hài hòa và bình yên được tạo ra bởi Thượng đế. Trong văn hóa phương Đông, đạo Lão với truyền thuyết về đảo Bồng Lai ở Đông hải cũng là một cảm hứng chính để tái tạo những tiểu vũ trụ giữa nhân gian* với ví dụ cụ thể là các hòn non bộ ở Trung Quốc và vườn zen ở Nhật Bản. Các khu vườn cổ mang theo một sứ mạng quan trọng như một nơi bảo trợ linh thiêng bí ẩn với thông điệp về sự hòa hợp của tâm hồn và thế giới. Từ đó, ta có thể tiếp cận với nhận sinh quan của người xưa.

Vườn Eden, tranh khắc thế kỷ XV. Theo quan điểm truyền thống, khu vườn mang nghĩa một không gian khép kín.

 

Vườn kiểu Pháp kế thừa những nghiên cứu về luật phối cảnh và cách sử dụng địa hình đặc trưng của các nhà làm vườn người Ý theo ảnh hưởng của phong trào Phục Hưng. Trong luật phối cảnh, việc lấy điểm nhìn của kẻ quan sát làm trung tâm thực sự là một cuộc cách mạng trong hội họa và tư tưởng, so với quan niệm cổ xưa sử dụng điểm nhìn của Thượng đế làm chuẩn mực. Ở Pháp, tư tưởng Khai Sáng của triết học Descartes đề cập tới một thế giới quan được xây dựng từ ý thức: tôi tư duy và tôi tồn tại – cogito, ergo sum. Áp dụng vào Mỹ học, cái đẹp thuần khiết không còn là cái đẹp bên ngoài mà cần được nhìn thấy nhờ suy ngẫm, nhờ lý tính. Mỹ học cổ điển Pháp đã đẩy sự mâu thuẫn giữa “vẻ bề ngoài” và “bản chất bên trong” đến mức cực đoan: thiên nhiên nguyên bản rốt cuộc không còn chút ý nghĩa nào. Thiên nhiên hoang dã đó cần phải được tái tạo bằng tư duy, bằng thước đo, bằng luật phối cảnh để “làm cho tự nhiên hơn cả tự nhiên” * Với quan điểm đó, các khu vườn kiểu Anh được làm theo kiểu mô phỏng thiên nhiên hoang dã chỉ là một sản phẩm bắt chước giả tạo, gợi tới sự hỗn mang.

Tranh minh họa lâu đài Versailles 1668

 

Cao trào của phong cách cổ điển Pháp – vườn hoàng gia của cung điện Versailles (1687) –  là một tác phẩm độc đáo với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật kiến trúc và cảnh quan được sử dụng như biểu tượng quyền lực chính trị của vua Louis XIV, nổi tiếng với câu nói “Nhà nước chính là Ta”. Đại diện cho thời hoàng kim phong kiến Pháp, vua Louis kiêu hãnh không ưa gì kinh thành Paris đầy biến động. Ngài giao cho người làm vườn hoàng gia André Le Nôtre, họa sĩ Charles le Brun và kiến trúc sư Louis Le Vau nhiệm vụ biến khu đất săn của vua Louis XIII ở ngoại ô phía tây thành một khuôn viên xứng tầm với hoàng gia hùng mạnh nhất châu Âu thời bấy giờ. Trong suốt thời kỳ xây dựng hơn bốn mươi năm, vườn Versailles đã trở thành một minh họa phong phú, một ví dụ điển hình trong suốt nhiều thế kỷ cho quá trình tự hoàn thiện của nghệ thuật làm vườn Pháp. Thiên nhiên trên một lãnh thổ khổng lồ 8.300ha được quy hoạch chi tiết, được sắp xếp theo những luật lệ thị giác nghiêm ngặt. Theo bố cục thiết kế hình chân chim chặt chẽ xoay quanh trục chính Đông Tây, tất cả các lối đi chính tại vườn Versailles đều quy tụ vào trung tâm của lâu đài. Bằng cách sử dụng quy luật phối cảnh ưu tiên góc nhìn trung tâm từ sảnh chính cung điện, ấn tượng từ cái nhìn bao quát toàn bộ cảnh quan, hướng trực diện thẳng với mặt trời gợi mở ẩn dụ về ánh sáng hay biệt hiệu của nhà vua Mặt trời*, của sự tập trung quyền lực tối cao.

Bản đồ Versalles 1746

Trục chính của Versailles hướng về chân trời, vọng về phía mặt trời lặn

 

Trong tiếng Pháp, chữ vườn – jardin nghĩa gốc vốn chỉ những không gian khép kín và hướng nội. Khu vườn trung cổ hay Phục hưng được xây dựng như những lãnh địa được bao bọc và ngăn cách với thế giới hỗn độn bên ngoài, trở thành nơi che chở cho sự vận động suy tưởng. Ở Versailles, tư duy thống trị hiện tượng. Từ sảnh đường Galeries des Glaces, nơi nhà vua nghị sự, tầm nhìn dường như trải rộng đến vô cùng bởi sự bố trí tài tình qua những lớp vườn bậc thang cùng với hệ thống đài phun nước và kênh nhân tạo kéo dài về phía chân trời. Sự chuyển tiếp đều đặn từ những không gian chi tiết cận cảnh đến khối cây phía xa rồi hòa vào khu rừng Sartory và Chesnay hậu cảnh tuân theo sự tính toán khoa học từ màu sắc, ánh sáng đến độ cao của thân cây hay những biến dạng thị giác thể hiện sự làm chủ hoàn toàn của người thiết kế đã thoát khỏi bốn bức tường truyền thống. Sức mạnh lý trí qua ẩn dụ thấu thị tạo cảm giác thường trực về sự thống trị của cá nhân với thế giới, là phương tiện để con người suy ngẫm về những giá trị vĩnh cửu. Mối tương quan giữa tầm nhìn vương quyền với cách rừng hút tầm mắt nơi chân trời không khác nào mối tương quan giữa con người và đấng sáng tạo. Trong không gian thiên nhiên được kiến tạo bởi lý trí, con người có được một tầm vóc rõ rệt hơn để chiêm ngưỡng và đối thoại với vũ trụ vô cùng. Có lẽ chính là một thông điệp về quan hệ trực diện giữa cái hữu hạn và cái vô hạn?

Versailles

 

*

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Thế giới bí ẩn của các khu vườn. Maurice Fleurent. NXB Flammarion. 1987, Pháp.

Ý nghĩa của cái đẹp: Nguồn gốc của văn hóa đương đại. Luc Ferry. NXB Le Livre de Poche. 2001, Pháp.

Vua Louis XIV vẫn tự ví mình như thần Apollon – vừa có ý biểu thị quyền lực, vừa là người bảo trợ cho văn hóa và nghệ thuật.


Ý kiến - Thảo luận

21:01 Saturday,23.6.2012 Đăng bởi:  Hoàng Uyên
Ông Pháp làm cái vườn này hoành tráng thật nhưng chủ yếu là để khoe chứ không nghĩ gì đến người thăm quan. Ai đời nguyên khu vườn rộng như thế mà chỉ có 1 khu toilet, báo hại thiên hạ xếp hàng rồng rắn, nhưng ai lỡ chân đi xa chút thì phải chạy vô bụi.

Hồi đó vua Pháp sống ở cái chỗ hiện nay là Bảo tàng Louvre. Ông bộ trưởng tài chính Fouquet, một người th
...xem tiếp
21:01 Saturday,23.6.2012 Đăng bởi:  Hoàng Uyên
Ông Pháp làm cái vườn này hoành tráng thật nhưng chủ yếu là để khoe chứ không nghĩ gì đến người thăm quan. Ai đời nguyên khu vườn rộng như thế mà chỉ có 1 khu toilet, báo hại thiên hạ xếp hàng rồng rắn, nhưng ai lỡ chân đi xa chút thì phải chạy vô bụi.

Hồi đó vua Pháp sống ở cái chỗ hiện nay là Bảo tàng Louvre. Ông bộ trưởng tài chính Fouquet, một người thực sự say mê kiến trúc và nghệ thuật, nhờ Le Brun và Le Notre xây cái Chateau vaux le Vincomte. Vua Louis XIV thấy đẹp quá nên sinh ghen, bắt giam Fouquet vô cớ, chiếm Chateau, rồi kêu Le Brun và Le Notre xây cho mình cái Versailles hoành tráng hơn, to hơn. Nếu có dịp đến chateau của Fouquet thì mọi người sẽ thấy rằng kiến trúc của nó giống như một bản thu nhỏ của Versailles vậy, nhưng ấm cúng hơn và thực tế hơn. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả