Nghệ sĩ Việt Nam

TÔI VẼ TÔI: Sinh động, đẹp, vui 16. 06. 12 - 8:03 am

Bài và ảnh: Tịch Ru

 

.

 

TÔI VẼ TÔI
Triển lãm truyện tranh của 6 họa sĩ Việt Nam

Khai mạc: 18h00 thứ Tư 13. 6. 2012
Triển lãm: 13. 6 – 24. 7. 2012
Sảnh Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội – L’Espace
24 Tràng Tiền, Hà Nội

 

Đọc cái tên triển lãm Tôi vẽ tôi và xem loạt tranh trong thông cáo báo chí của L’Espace đăng trên Soi, tôi cứ nghĩ đây là một triển lãm chân dung tự họa của các họa sĩ vẽ truyện tranh. Thông cáo báo chí đúng là thiếu sót thật, đến nơi thì hóa ra là triển lãm truyện tranh của 6 họa sĩ Việt Nam (lúc đầu là 8 nhưng nghe bảo là có hai người bị lạc đề nên không bày được).

Các tác giả có truyện/tranh triển lãm hôm nay gồm: Tạ Huy Long, Tạ Lan Hạnh, Trần Thu Hương, Đỗ Hữu Chí, Nguyễn Thành Phong và Bùi Hải Nam. Riêng tác giả Đỗ Hữu Chí thì đang nước ngoài nên không dự khai mạc được.

Họa sĩ Tạ Huy Long với tác phẩm “Con châu chấu trên mái nhà”. Anh là người đã minh họa quyển “Dế mèn phưu lưu kí” của Tô Hoài. Sinh năm 1974, anh chắc là người “cao tuổi” nhất trong triển lãm này.

 

Họa sĩ Bùi Hải Nam với tác phẩm “Một đám cưới”.

 

Họa sĩ Thành Phong bên truyện tranh “Bé lợn, lớn bò” (đã từng đăng trên Soi). Cách đây ít lâu, anh cũng từng triển lãm một số bức trong cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” và có một cuộc hội đàm về ngôn ngữ giới trẻ thời @ rất là hay ngay tại L’Espace.

 

Họa sĩ trẻ Tạ Lan Hạnh với tác phẩm “Mảnh ghép”. (Hình như họa sĩ thuộc thế hệ cuối 8x đầu 9x).

 

Họa sĩ Trần Thu Hương với tác phẩm “Cha và con”. (Họa sĩ thuộc thế hệ 9x và đang học khoa Mỹ thuật ở Cao đẳng Sư phạm Hà Nội).

 

Người đến xem rất đông, đa phần là các bạn trẻ.

 

Nhưng cũng có các bác trung niên và cao tuổi; đến xem một loại hình nghệ thuật mà xưa nay ở Việt Nam vẫn coi là chỉ dành cho trẻ con.

 

Họa sĩ Lê Huy Hoàng. Hôm nay anh đeo kính…

 

Họa sĩ Trần Đình Bình và họa sĩ Đức “Nhà sàn” (áo đen).

 

Họa sĩ Nguyễn Thế Dung.

 

Họa sĩ Nguyễn Xuân Lân (áo trắng)

 

Họa sĩ Đỗ Hiệp, vừa đến đã thấy anh tia ngay họa sĩ trẻ Trần Thu Hương: “Họa sĩ truyện tranh này xinh nhỉ”.

 

Và dĩ nhiên, ở đâu có Thành Phong thì ở đó phải có Hằng Doll rồi (áo trắng được anh Phong khoác vai).

 

Triển lãm khá là đông, có vẻ như khán giả cũng tươi trẻ quá nên hay trêu đùa nhau. Nhiều bạn thỉnh thoảng va đập vào các giá treo tranh, nhưng may mà không vấn đề gì.

 

Bạn trẻ này khi được phỏng vấn đã trả lời rất nhiệt tình. Bạn có vẻ là người đam mê truyện tranh. Bạn nêu rõ quan điểm của mình về mối liên hệ giữa truyện tranh với đời sống xã hội hiện đại.

 

Họa sĩ truyện tranh trẻ Quang Huy. Anh bảo, sự phát triển của cộng đồng truyện tranh Việt Nam đã khác xa cách đây 4, 5 năm trước. Đã có nhiều họa sĩ tìm được tiếng nói riêng cho mình. Quang Huy nói, thực ra trong truyện tranh, hình vẽ chỉ là công cụ miêu tả phần “kịch bản” mà họa sĩ muốn thể hiện.

 

Khai mạc. Ông Patrick Micheal, giám đốc L’Espace, lên phát biểu: “Trong số các bạn, có người đã rất nổi tiếng rồi, có người thì mới bước vào con đường này. Rất nhiều người vẫn nghĩ truyện tranh chỉ dành cho trẻ con. Tuy nhiên cũng có nhiều loại; có truyện tranh dành cho cả người lớn lẫn trẻ em, hoặc chỉ dành cho người lớn. Truyện tranh cũng giống như rất nhiều loại hình nghệ thuật khác, có thể thuộc trường phái biếm họa, châm biếm, chỉ trích hay chỉ mang tính chất (truyện tranh) thuần túy, như triển lãm hôm nay có mục đích là phản ánh thế giới chúng ta đang sống, cho thấy được sự đa dạng trong phong cách của mỗi người. Cá nhân tôi thì rất thích câu chuyện “Bé lợn, lớn bò” của anh Thành Phong…”

 

Họa sĩ Tạ Huy Long phát biểu: “Đây là triển lãm nhóm của các họa sĩ truyện tranh. Có rất nhiều cách để chúng ta kể chuyện bằng tranh, và mỗi chúng tôi đi theo một cách kể chuyện riêng…”

 

Sau đây là các tác phẩm của các họa sĩ:

Thành Phong với “Bé lợn, lớn bò”.

 

Các bạn có thể xem lại Bé lợn, lớn bò của Thành Phong.

“Một đám cưới” của Bùi Hải Nam là câu chuyện về một đám cưới ở nông thôn thời hiện đại, vẫn nhà tranh vách đất, vẫn có cái ngu ngơ suy nghĩ theo lối “dưới lũy tre làng”.

 

Toàn cảnh đám đưa dâu trông khá là trọc phú… với những câu thoại như: “Ngày xưa tôi cưới chả có cái đếch gì cụ ạ”, “Xe đẹp nhỉ”, “Cẩn thận xước con @”, “Bộ lày đẹp anh nhỉ”, “Mãi nỡ đôi mình xa nhau, đừng trách chi cho đôi ta thêm rầu”…

 

Đây là phía nhà trai, là đại gia, chuyên môi giới nhà đất, mở tiệc đúng kiểu “lãm cỗ hoành tráng vào cho cả làng biết mặt”.

 

“Con châu chấu trên mái nhà” của Tạ Huy Long, là câu chuyện về một cậu bé và một con châu chấu khổng lồ.

 

Vào một đêm trăng tròn, cậu bé leo lên lưng châu chấu… bay đi, rồi dần dần cậu cũng biến thành châu chấu. Một cốt truyện kiểu dòng phim cảm giác, đầy ám ảnh. Tranh vẽ rất đẹp.

 

“Tỏ tình kiểu Quạ” của Đỗ Hữu Chí là câu chuyện về hai anh chàng đi tán gái.

 

Họa sĩ rất sáng tạo khi lấy hai nhân vật một đen một trắng để dẫn truyện, hình ảnh sinh động, các câu thoại tương phản… cho thấy một anh thì thành công, một anh thì thất bại. Đỗ Hữu Chí đã sử dụng rất tốt thế mạnh của truyện tranh.

 

“Cha con” của Trần Thu Hương. Có trích một đoạn trong bài hát “Bố là tất cả” của Thập Nhất để dẫn câu chuyện:

 

Bố là tàu lửa, bố là xe hơi
Bố là con ngựa em cưỡi, em chơi
Bố là thuyền nan cho em vượt sóng
Bố là sông rộng cho thuyền em bơi
Bố, bố là bờ đê cho em nằm ngủ
Bố, bố là phi thuyền cho em bay vào không gian
Bố, bố là bờ đê cho em nằm ngủ
Bố, bố là phi thuyền cho em bay vào không gian

Bố, bố là tất cả
Bố, bố ơi, bố là tất cả
Bố là tất cả, bố ơi bố ơi
Nhưng lúc bố mệt, bố là bố thôi.

Một câu chuyện đơn giản về cha và con nhẹ nhàng, trong sáng, cách sử dụng màu nước cũng hồn nhiên và đậm chất trẻ thơ, lãng mạn và bay bổng.

 

Nhiều người hỏi tác giả sao không đưa các nét văn hóa Việt Nam vào trong truyện tranh. Tác giả nói: liệu như vậy có gò bó quá không? Tôi chỉ đưa những cái riêng của cá nhân mình muốn truyền đạt lại đã, ai xem ai hiểu thì là đồng cảm với tôi rồi.

 

“Mảnh ghép” của Tạ Lan Hạnh là một bức tranh khá lớn, được sắp xếp giống như trò xếp hình.

 

Lời giới thiệu: “Mỗi cá nhân là một mảnh ghép của bức tranh xã hội, nếu bạn để ý trong trò chơi xếp hình, sẽ thấy dù 100, 1000 hay 2000 mảnh… thì cũng không mảnh nào giống mảnh nào. Và mỗi cá nhân lại cũng là một bức tranh được ghép từ những mảnh chỉ thuộc về riêng họ, ăn khớp duy chỉ với tổng thể TÔI đó. Nhiều ít gì ai cũng có những vốn ghép riêng, và họ phải kiếm tìm, tạo ra những mảnh mới ghép hoàn chỉnh vào bức tranh chính mình. Trong khi đó tôi lại nhọc nhằn đi tìm kiếm những mảnh ghép nơi người khác, ở những đám đông thừa thãi, những mảnh ghép giống nhau mà thiếu thốn đi sự khác biệt. Rồi khi mảnh ghép mới xa lạ không ăn khớp với những gì vốn có, tôi lại đánh mất đi chính bản sắc của mình…”

 

Tác phẩm làm tôi liên tưởng đến giờ ra chơi của đám học sinh tiểu học … hay gần nhất là hình minh họa cho tác phẩm truyện “Nhóc Nicolas” của Pháp. Tôi thì thấy, đây là một tác phẩm khá hay ho nếu… không có lời giới thiệu.

 

Triển lãm lần này kéo dài từ 13. 6 đến 24. 7. 2012, khá lâu đấy. Đang trong kì nghỉ hè, vào các ngày cuối tuần, các cô bác phụ huynh thử dẫn các bé nhà mình đến L’Espace xem truyện tranh Việt Nam và cùng suy ngẫm nhé.

 

*

Bài liên quan:

– 13. 6: “Tôi vẽ tôi”
– TÔI VẼ TÔI: Sinh động, đẹp, vui


 

Ý kiến - Thảo luận

11:58 Thursday,13.2.2020 Đăng bởi:  DAO HONG NHI (CONG TY TNHH DONG HWA)
Vui lòng cho giúp em thông tin họa sỹ Trần Thu Hương ah
 
...xem tiếp
11:58 Thursday,13.2.2020 Đăng bởi:  DAO HONG NHI (CONG TY TNHH DONG HWA)
Vui lòng cho giúp em thông tin họa sỹ Trần Thu Hương ah
  
10:53 Thursday,22.5.2014 Đăng bởi:  Kotone

mình cũng mún đc như các họa sĩ đó


...xem tiếp
10:53 Thursday,22.5.2014 Đăng bởi:  Kotone

mình cũng mún đc như các họa sĩ đó

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vì sao đại gia ta chưa bỏ tiền mua tranh ta?

Phạm Huy Thông - Nguyễn Hồng Sơn - Phạm Quốc Trung

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả