Nhiếp ảnh

Chiếc máy ảnh to bằng một căn hộ ở New York 02. 08. 12 - 5:51 am

Ngọc Trà dịch

Cứ tưởng tượng ngắm nhìn một tấm ảnh cao hơn 7 mét chụp khuôn mặt của bạn, đầy đủ chi tiết đến nỗi nếu bạn leo lên một cái thang rồi dùng một cái kính lúp thì có thể điều tra được rằng lông mày của bạn đang mọc theo hướng nào. Nhiếp ảnh gia Dennis Manarchy muốn sáng tác ra những bức hình kiểu này. Anh đang đi ngược lại trào lưu của những chiếc máy ảnh nhỏ xíu kín đáo cũng như sự hoàn hảo của photoshop bằng cách tạo ra chiếc máy ảnh to như một căn hộ ở New York.

Chiếc máy ảnh mẫu trong studio của Dennis Manarchy.

Chiếc máy ảnh khổng lồ trong mơ của anh vẫn chưa hoàn thiện – Dennis đang đi quyên tiền để ráp nó, nhưng trong lúc chờ đợi, anh nghịch tạm chiếc máy mẫu: dù không to bằng chiếc máy anh muốn nhưng những tấm phim âm bản dành cho máy mẫu cũng có kích cỡ 1.3 x 1.8m rồi, hộp đèn thì làm từ một chiếc cửa sổ thứ thiệt, còn tráng rửa các tấm hình này giống như đi tắm hóa chất. Nhưng dẫu sao, Dennis cuối cùng đã tìm được loại phim đủ lớn cho mục đích của mình, nên anh cũng tạm hài lòng.

Còn đây là bản vẽ chiếc máy ảnh trong mơ của Dennis.

 

“Đêm qua, chúng tôi xuống phòng tối để xử lý mấy cái ảnh khổng lồ này,” Dennis kể qua điện thoại. “Người tôi ướt đẫm hóa chất, nhưng tôi nghĩ lâu rồi mình chưa được nghịch vui như thế.”

Tôi lấy cảm hứng từ họa sĩ Chuck Close, tôi thấy những bức tranh (vẽ từ ảnh chụp) của Chuck còn nổi bật hơn cả những bức ảnh gốc Chuck dùng làm mẫu, vì kích cỡ tranh được phóng đại so với hình chụp,” Dennis cho biết.

Bức tranh “Stanley” của Chuck Close.

 

Nếu bạn phóng một tấm phim âm bản lên cỡ khổng lồ, hình ảnh trông sẽ rất rõ và trung thực,” anh nói. Nhưng rồi khi bạn so sánh sợi lông mi trong ảnh với sợi lông mi vẽ bằng nét cọ: “Sự khác biệt giữa hai thứ đó giống như sự khác biệt giữa một cái máy bay giấy và một tàu tên lửa, và nó đưa mọi thứ lên một cấp độ mới.

Dĩ nhiên, chúng ta cũng đã quen với việc nhìn hình chụp người có kích thước to – những bức hình thường nằm bên hông các tòa nhà và trên các biển quảng cáo. Nhưng việc Dennis sử dụng phim cỡ âm bản cỡ lớn – với các chi tiết rõ gấp 1000 lần một bức ảnh kĩ thuật số trung bình – sẽ đem đến cho ảnh chụp một chất lượng khác biệt, mang tính siêu thực.

Lúc đầu Dennis gặp khó khăn trong việc làm ra tấm ảnh to như ý nên anh đành phải ghép từng tấm lại với nhau.


Với phim âm bản có kích thước lớn, Dennis cuối cùng cũng rửa được tấm hình to như mong muốn. Đây là tác phẩm “Molly”, có điều nhìn từ màn hình máy tính thì không chiêm ngưỡng được kích cỡ thật của nó. Hơi uổng!

 

Mặt trái của công việc quy mô (và tốn kém) này: nhiếp ảnh gia không thể phạm lỗi hay chụp lại. Dennis chụp chân dung mỗi người được đúng một lần, điều này đòi hỏi anh phải tuyển lựa gắt gao khi chọn đề tài.

Ai xứng đáng để Dennis chụp hình? Anh tập trung vào những thành phần có nguy cơ tuyệt chủng – người Do Thái sống sót sau cuộc thảm sát Holocaust, các phi công Tuskeegee (một nhóm phi công người Mỹ gốc Phi chiến đấu trong thế chiến thứ 2), các bộ lạc ít người của Thổ dân Mỹ, các cộng đồng ở những nơi xa xôi hẻo lánh. Nói vậy, các khuôn mặt vẫn hớp hồn Dennis, thế nên anh cũng chả phản đối việc chụp “những con người tuyệt diệu đầy cá tính”, đơn thuần vì họ “ngầu”.

Đây là tấm ảnh chân dung có kích thước khủng của Dennis, chụp một phi công Tuskeegee tên Virgil Poole Jr.

 

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả