Ăn uống

Ăn uống qua tranh: Phó mát, bơ bào, nho khô, và bánh quy giòn 24. 06. 12 - 9:52 pm

Pha Lê

 

Clara Peeters – Tĩnh vật vẽ phó mát, hạnh nhân, và bánh vòng. (Các bạn nhớ bấm vào hình để xem bản to hơn)

 

Tin nóng hổi: bảo tàng Mauritshuis vừa mua một bức tranh tĩnh vật tên “Tĩnh vật vẽ phó mát, hạnh nhân, và bánh vòng” do Clara Peeters – một trong vài nữ họa sĩ hiếm hoi của thế kỷ 17 – vẽ vào năm 1615. Tác phẩm lột tả những món ăn nhâm nhi mà tầng lớp khá giả của Châu Âu thường khoái thưởng thức giữa (hoặc sau) các bữa ăn chính. Vậy chúng là món gì?

Đầu tiên là những miếng bơ mỏng bào ra từ một tảng bơ lớn, xếp gọn gàng trên chiếc đĩa. Mọi người có thể nhăn mặt tự hỏi “Ui, bơ gì mà trông… cứng ngắc thế?”, nhưng chính ra bơ càng cứng thì càng ngon và thơm.

.

Để bào được bơ như thế này, bạn nào tò mò có thể tìm mua kem tươi double cream về, đánh độ nửa tiếng xong lấy khăn vắt hết nước là sẽ có bơ, vắt càng kỹ thì bơ càng đặc và ngon. Các loại bơ nằm trong hộp (bán đầy ngoài siêu thị) thường được cho thêm dầu, thêm nước, hoặc đánh từ kem ít béo nên chúng không đặc, dễ trét lên bánh mì nhưng ít vitamin, mùi vị cũng không hấp dẫn. Để bắt chước người xưa, các bạn nên mua các tảng bơ hình chữ nhật bọc trong giấy thay vì trong hộp; mạnh dạn lấy tay… rờ bơ, tảng nào cứng thì lấy tảng đó, bạn sẽ thưởng thức được bơ ngon giống như bơ vẽ trong tranh.

Nằm dưới đĩa bơ là phó mát, một ‘món Tây” quen thuộc. Phó mát thì có loại mềm, loại vừa, và loại cứng. Loại mềm thì mềm lắm, để ra ngoài trời một hồi là chảy chèm nhẹp, mùi lại nồng; các loại phó mát trong tranh của Clara không phải loại mềm rồi (loại này cũng nhiều vi khuẩn, nên bác sĩ khuyên những ai có bầu không nên ăn phó mát mềm). Loại cứng thì cực kỳ cứng, thường không dùng để ăn nhâm nhi (cắn sẽ gãy hết răng), mà để bào ra rồi rắc lên mì ống, lên súp, hoặc để nướng cùng với rau củ…

.

Ba loại phó mát trong tranh chắc chắn là loại vừa, tuy nhiên loại đen đen nâu nâu không biết có phải là phó mát… thiu không? Tôi chưa thấy phó mát với màu như thế này bao giờ, bạn nào biết thì bổ sung cho SOI nhé. Nhìn kỹ tảng phó mát đen này một chút, mọi người sẽ thấy vết lõm sâu hình tam giác, đó là vết do cây thử pho mát để lại. Hồi đấy ai cũng mua phó mát từ nông dân (chưa có siêu thị mà) nên trước khi đem bán các nhà làm phó mát phải ăn thử một chút để đảm bảo rằng phó mát không bị hư. Có lẽ loại đen đen này không phải đồ thiu mà là một pho mát đặc biệt chăng?

.

Dân Châu Âu thường ăn phó mát với bánh quy giòn (gọi là “cheese and crackers”), nhưng họa sĩ Clara là người Bỉ nên ngoài bánh quy giòn bà còn có bánh vòng. Hai chiếc bánh vòng nằm dưới đĩa phó mát ở trong tranh, trông rất hấp dẫn. Nguồn gốc của loại bánh này hơi phức tạp, có nguồn nói các nhà truyền đạo (Thiên Chúa giáo) chế ra bánh vòng, có người nói bánh này xuất xứ từ Đức (bạn nào có tham gia lễ hội Bia Đức ở Hà Nội sẽ thấy loại bánh này).

.

Nhâm nhi phó mát với bánh vòng hoặc bánh quy giòn là một kiểu ăn của dân Châu Âu, nhưng ăn vậy thì hơi bị ngán, nên họ thường ăn kèm với nho tươi, nho khô, hoặc các loại hạt, đây cũng là lý do tại sao nho hay đi kèm với phó mát trong tranh tĩnh vật. Bên tay phải họa sĩ vẽ chiếc đĩa đựng nho khô (nho khô xịn nhé, còn cả cuống), sung sấy khô, và hạt hạnh nhân. Cũng phải thôi, vẽ phó mát mà không vẽ nho thì khác gì vẽ chả giò nhưng không vẽ nước mắm. Bạn nào có dịp ăn buffet ở các khách sạn 5 sao sẽ thấy đĩa pho mát bày kèm bánh quy Ritz và nho khô (hoặc nho tươi), 3 món này ăn riêng thì không hấp dẫn, nhưng thử ăn chung xem, sẽ rất ngon đấy, vừa béo vừa giòn vừa thơm, lại ngọt ngọt nữa.

.

 

Địa vị của “chủ nhà” được Clara thể hiện qua chiếc đĩa sứ nhập từ Trung Quốc và chiếc cốc rượu thủy tinh. Thời đó đồ nhập lúc nào cũng đắt, và thủy tinh đắt gấp mấy lần gỗ; chỉ có nhà giàu mới có đồ thủy tinh, cửa sổ bằng kính cũng là vật xa xỉ, thường chỉ thấy trong những nơi thiêng như nhà thờ. Dùng cốc thủy tinh để đựng rượu như vầy thì hẳn chủ nhà phải thuộc dạng có của ăn của để.

.

Đằng sau cốc thủy tinh là bánh mì để ăn kèm với mấy miếng bơ bào. Đây là bánh mì thường, các mảng bột trắng nằm ở bên hông không phải do có người… ăn vụng đâu nhé, mà là vì các thợ bánh thường đặt mấy viên bột cạnh nhau khi nướng, nên lúc bột nở trong lò nóng, các ổ bánh dính chùm lại với nhau. Đến khi nướng xong thì họ tách từng ổ ra nên bánh mì mới có vết như vậy. Công nhận họa sĩ vẽ chi tiết ghê!!!

.

 

Một trong những nét độc đáo trong tranh tĩnh vật của Clara là bà thường vẽ hình phản chiếu của gương mặt của mình lên tranh, giống như một kiểu chân dung tự họa kín đáo. Trong bức này, gương mặt của bà (đang đội khăn trùm) phản chiếu trên cái nắp đậy bằng thiếc của chiếc bình đất màu nâu đỏ dùng để đựng rượu hoặc sữa.

.

Tranh tĩnh vật cũng giúp chúng ta học thêm một chút văn hóa ẩm thực của thế giới, phải không nào? Và còn khiến ta… đói bụng nữa. Ôi! Đi mua bánh quy, phó mát, và nho về nhâm nhi mới được!

 

Ý kiến - Thảo luận

19:04 Friday,1.1.2016 Đăng bởi:  Độc giả

Pho mát càng già thì càng sẫm màu và càng ngon Soi a. Loại pho mát này rất phổ biến ở Hà Lan và Bỉ


...xem tiếp
19:04 Friday,1.1.2016 Đăng bởi:  Độc giả

Pho mát càng già thì càng sẫm màu và càng ngon Soi a. Loại pho mát này rất phổ biến ở Hà Lan và Bỉ

 
19:32 Thursday,25.6.2015 Đăng bởi:  Nguyễn Thu Nga
Choáng vì những hiểu biết của tác giả.^^
...xem tiếp
19:32 Thursday,25.6.2015 Đăng bởi:  Nguyễn Thu Nga
Choáng vì những hiểu biết của tác giả.^^ 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả