Ở Đâu - Làm Gì

“KHÁT VỌNG” – Mong triển lãm các anh thành công 27. 06. 12 - 3:56 pm

TCT

 

.

 

KHÁT VỌNG
Triển lãm tranh của các họa sĩ khuyết tật

Khai mạc: 15h00 chiều thứ Năm ngày 28. 6. 2012
Từ 28. 6 đến 5. 7. 2012
Tại Tòa soạn Tạp chí Sông Hương (số 09 Phạm Hồng Thái, Huế)

*

Mỗi người trong các anh có một hoàn cảnh và thiếu may mắn khác nhau, nhưng giữa các anh luôn có một điểm chung đó là ý chí, là sự khát khao vươn lên vượt lên số phận để hòa nhập với cuộc sống. Và ở đây nghệ thuật đã kết nối họ lại với nhau, bằng đam mê, những suy nghĩ và khát vọng giản đơn, bao nhiêu nghị lực, tâm sự muốn chia sẻ họ dồn hết qua từng nét vẽ, từng vệt màu.

Một họa sĩ trẻ, khỏe mạnh sống được với đam mê, với nghề đã là khó. Còn với các anh, những họa sĩ không may mắn bị khuyết tật?

Họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền, sinh năm 1978 tại Buôn Ma Thuột, có nhiều bức tranh mang cùng một cái tên: Hạnh phúc đơn sơ, có phải đó là hạnh phúc của chính anh hay chăng? Anh từng nhập ngũ thuộc lữ đoàn pháo phòng không 573, Bình Định, năm 2002 xuất ngũ và thi đậu vào khoa Toán trường Cao đẳng Sư phạm Daklak, một cuộc sống đầy sức trẻ. Vậy mà, một tai nạn đã làm anh gãy cột sống lưng, đốt sống cổ làm anh liệt hết tay chân, 10 năm nay không rời khỏi chiếc xe lăn. Hạnh phúc của anh nói đến có lẽ là việc tay phải của anh cử động được sau khi điều trị tại trung tâm phục hồi chức năng năm 2008. Hạnh phúc của anh cũng có lẽ là người vợ trẻ hiền tần tảo chăm sóc anh hằng ngày, cũng chính là nữ sinh viên thực tập đã chăm sóc cho anh những ngày tháng điều trị ấy, người đã sinh cho anh một cháu trai kháu khỉnh và anh đặt tên cho cháu là Hy Hữu.

Hiền bắt đầu tự học vẽ từ năm 2008 khi đang ở trong viện để điều dưỡng và phục hồi chức năng. Do tay quá yếu, phải nhờ người cột bút vào tay. Hiền vẽ tranh bút chì trong vòng 1 năm. Năm 2009, Hiền tự học pha màu và vẽ màu nước. Năm 2010, vẽ màu acrylic với đề tài chủ yếu là phong cảnh phố cổ, tĩnh vật để bán trang trải viện phí, sau đó anh bắt đầu vẽ tranh về chủ đề gia đình, con người.

Hiện tại Hiền và gia đình sống ở thành phố Đà Nẵng. Khi được hỏi anh có dành nhiều thời gian cho việc vẽ không, anh trả lời là: “Mình nói chung là vẽ cả ngày, vừa vẽ vừa phụ giúp vợ những gì có thể và chăm con. Mùa này nóng, sức khỏe mình lại yếu nên vẽ không được nhiều… Mùa đông thì…

Họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền, Đà Nẵng (ngồi xe) cùng vợ con, đứng kế bên là họa sĩ Lê Quang Lĩnh đến từ Hà Tĩnh

 

Anh ra Huế triển lãm, vợ anh đã bồng con cùng ra Huế để chăm sóc chồng trong thời gian này, và chúng tôi cũng được biết rằng mẹ anh 82 tuổi cũng bị bệnh u tủy đang nằm liệt giường tại bệnh viện Trung ương Huế gần một tháng nay. Họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền tham gia triển lãm gồm các tác phẩm thể hiện bằng chất liệu acrylic: Hắn của ngày hôm qua, Cha và Con, Hạnh phúc đơn sơ 1, Hạnh phúc đơn sơ 2, Niềm hạnh phúc của nàng, Suy ngẫm.

Còn Lĩnh, họa sĩ Lê Quang Lĩnh sinh năm 1985 tại Hà Tĩnh. Anh bị tàn tật do di chứng bệnh não để lại khi 1 tuổi, năm 7 tuổi chân tay bị co quắp lại. Anh đã vượt qua chính mình hòa nhập với cộng đồng bằng việc đi học vẽ rồi tham gia nhiều triển lãm, nhiều cuộc thi vẽ tranh sau đó, và là người đạt giải nhất với tác phẩm Alaxan – Chiến thắng nỗi đau

Lĩnh chính là người khởi xướng, chủ động đưa ra ý tưởng cho triển lãm Khát vọng thông qua các diễn đàn người khuyết tật. Khi nói chuyện Lĩnh phát âm rất khó khăn, anh vui vẻ khoe rằng đã có tranh tham gia nhiều triển lãm trước đó và sắp tới vào tháng 8 cũng có triển lãm, rất hào hứng và tự tin anh đã ký họa chân dung họa sỹ Hiền ngay giữa cà phê cóc Trương Định đông đúc.

Họa sĩ Lĩnh ký họa chân dung họa sĩ Hiền ở cà phê có vỉa hè Trương Định, Huế.

 

Lĩnh vào Huế cùng với bố và em gái. Bằng số tiền do một công ty sơn tài trợ, anh kiên quyết chịu tiền phòng trọ nghỉ và đi lại cho họa sĩ Hiền trong suốt thời gian ở Huế. Mong muốn của Lĩnh là liên kết những bạn khuyết tật yêu nghệ thuật ở Việt Nam cùng nhau xây dựng và tạo nên những hoạt động nghệ thuật thiết thực trong tương lai.

Tranh của Lê Quang Lĩnh hồn nhiên với khát khao đến trường, ước mơ được chạy nhảy giữa thiên nhiên – nơi bàn chân Lĩnh chưa một làn chạm tới. Lĩnh từng tâm sự: vẽ với Lĩnh như hơi thở, Lĩnh thức nhiều đêm để vẽ.

“Mỗi bức vẽ là một khát khao em dành cho cuộc sống của em, của gia đình. Nét vẽ không điêu luyện bởi kỹ thuật được đào tạo qua trường lớp. Nét vẽ đem đến cho người xem sự khát vọng.”

Trong triển lãm này, Lĩnh mang tới các tác phẩm: Hình bóng 2, Hình bóng 3, Khát vọng 2, Lễ hội, Nhựa sống, Thơ ấu 2, Vui mùa.

Những họa sĩ khác trong triển lãm là: Nguyễn Mạnh Cương, Phan Đình Công cùng sinh năm 1994; Nguyễn Văn Tiến sinh năm 1991; và Lê Xuân Lãm sinh năm 1992 – tại thành phố Huế. Các anh là học viên Trung tâm bảo trợ người khuyết tật Tịnh Trúc Gia, phường Thủy Xuân, Tp. Huế – đã cùng tham gia triển lãm tranh tại Trung tâm văn hóa Pháp tại Huế vào tháng 10 năm 2011. Các anh bị bệnh câm điếc bẩm sinh, riêng họa sĩ Lê Xuân Lãm bị bệnh chậm phát triển trí tuệ.

Dù chưa được tiếp xúc và nói chuyện nhiều với các anh nhưng ai cũng thấy từ họ toát lên tinh thần, nghị lực phi thường khiến chúng ta phải nể phục và suy nghĩ.

Chân dung các họa sĩ khuyết tật ở Huế

 

Các họa sĩ sẽ gửi đến với những tác phẩm được thể hiện trên chất liệu sơn mài:

Cá, Tĩnh vật hoa sen, Chân dung, Phật (Phan Đình Công)
Hoa, Tĩnh Vật, Con voi (Nguyễn Văn Tiến)
Hoa hướng dương 2; Hoa hướng dương 4, Hoa hướng dương 1 (Lê Xuân Lãm)
Hoa sen 2, Neo đậu, Gia đình (Nguyễn Mạnh Cương)

Ảnh ký họa của họa sĩ Lĩnh

 

Trong buổi họp báo chiều ngày 26 (tại Tòa soạn Tạp chí Sông Hương, số 9 Phạm Hồng Thái, Huế), họa sĩ Lê Xuân Lãm đã thay mặt các họa sĩ phát biểu những cảm xúc và mong muốn của mình cũng như của các anh trong triển lãm.

Họa sĩ Lê Xuân Lãm đang phát biểu.


Buổi họp báo

 

Tại phòng triển lãm của tạp chí Sông Hương, nơi tổ chức triển lãm cho họ, dù không gian không được rộng và tốt như ở những nơi tổ chức triển lãm khác, nhưng ở đây vẫn luôn luôn mở rộng cửa cho những lần như thế này. Mong rằng triển lãm sẽ nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của nhiều người. Các họa sĩ là người khuyết tật, các anh đã rất vất vả, vượt qua hoàn cảnh nhiều khó khăn, từ nơi xa xôi để đến được đây triển lãm, mong các anh không phải bơ vơ tự quay về khi ngày khai mạc triển lãm kết thúc.

Xin chúc triển lãm các anh thành công!

 

Ý kiến - Thảo luận

8:49 Wednesday,15.8.2012 Đăng bởi:  Lê Bình
Tôi cũng là một người khuyết tật đam mê hội hoạ và tôi hiểu Lĩnh.
...xem tiếp
8:49 Wednesday,15.8.2012 Đăng bởi:  Lê Bình
Tôi cũng là một người khuyết tật đam mê hội hoạ và tôi hiểu Lĩnh. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả