Nghệ sĩ Việt Nam

Trò chuyện với Bàng Nhất Linh.
Phần 4: Về “dễ hiểu” và “khó hiểu” 21. 07. 12 - 9:46 am

Na Trần phỏng vấn & ghi

SOI: Cuộc trò chuyện này khá dài, trên nhiều vấn đề. Soi xin chia thành vài kỳ để các bạn dễ theo dõi và thảo luận, cuối cùng sẽ gộp lại thành một bài đầy đủ.

*

Đây là phần tiếp theo của Trò chuyện với Bàng Nhất Linh. Phần 3: Về chọn sắp đặt hay giá vẽ…

 

Bàng Nhất Linh bên một phần bộ sưu tập kỷ vật chiến tranh

 

VỀ “DỄ HIỂU” VÀ “KHÓ HIỂU”

.

NT: Trong những tác phẩm của anh có một điều có thể coi là ưu điểm, đó là chúng rất ấn tượng về thị giác và rất dễ hiểu. Anh nghĩ gì về điều này?

Nhất Linh: Một tác phẩm thị giác gây ấn tượng về thị giác, đó là điều tôi luôn hướng tới, nhưng đó là điều hết sức bình thường. Nhưng yếu tố “dễ hiểu” nhất định không phải là một ưu điểm. Thật ra trong một số sắp đặt của tôi, nó là một khuyết điểm thì đúng hơn. Như nhớ lại, triển lãm thứ hai của tôi thì tốt hơn một chút. Nhưng triển lãm đầu thì không tốt lắm, các sắp đặt trong đó có chất lượng không đều, ví dụ như cái giá tháp chẳng hạn, nó hơi yếu…

Khi có điều kiện để bắt tay vào thực hiện triển lãm đầu tiên. Tôi đã nghĩ, mình sẽ bắt đầu như thế nào? Cảm giác của tôi có lẽ gần giống với những họa sỹ Việt Nam thời Đông Dương lần đầu làm việc với sơn dầu. Họ làm việc với một chất liệu mới. Tôi cũng vậy. Không thể phủ nhận sắp đặt là một chất liệu ngoại nhập. Những họa sỹ Đông Dương đầu tiên không vẽ những bức tranh Trừu tượng, mà hình như sớm nhất Tạ Tỵ đã vẽ chúng vào những năm 50.

Nghệ thuật đi từ thẩm mỹ giản đơn và trực tiếp nhất như trong những bức tranh tĩnh vật tả thực, tới những vùng không dễ hiểu của con người, như những ẩn ức mà Freud khảo cứu ta được xem qua tranh Dali, hay những cảm giác trừu tượng của Kadinsky. Đó là một quá trình của sự tư duy, thực hành của nghệ sỹ và song song với nó là sự làm quen của người xem.

Tôi nghĩ có lẽ mình nên bắt đầu với những sắp đặt có thẩm mĩ đơn giản, và cấu tứ sơ đẳng nhất. Nó giống như việc làm những bài học thực hành cho bản thân. Nếu bắt đầu ngay bằng những thứ quá cao siêu, có thể nếu có sai sót, sai sót ấy sẽ lớn hơn. Đâu phải tốt nghiệp đại học Yết Kiêu là không phải học nữa, và nghiễm nhiên thành nghệ sỹ rồi. Tôi nghĩ mình cần tiếp xúc với vật liệu, với công việc… rồi sẽ dần dần tự nâng cao thêm kĩ năng. Như vậy tôi có được bài học cơ bản cho bản thân, và có lẽ sẽ góp thêm vào không khí mỹ thuật những thứ “dễ xem” để không hẳn cần phải am hiểu quá sâu sắc về mỹ thuật thì người ta cũng có thể xem được.

NT: Triển lãm đầu của anh ngay khi vừa ra đã nhận được phản hồi tích cực và đầy thiện cảm từ người xem…

Sắp đặt dùng hình thức chiếu bóng trong solo lần 1 của Nhất Linh – Vietart Centre 2009.

 

Nhất Linh: Cảm giác của tôi thực ra là một cảm giác ngượng nghịu thì đúng hơn, nó giống như cảm giác của một thằng bé giải một bài toán vỡ lòng mà được khen. Trong khi thực ra nó biết chắc rằng toán học là cái gì đó rất rộng lớn và nó đang đứng ở bài toán ABC nhất.

Khái niệm “dễ hiểu” mà chị nói thực ra không phải là một hằng số, nó rất tương đối và còn tùy vào người xem khác nhau. Woflgang Labb, nghệ sỹ người Đức có những sắp đặt làm từ phấn hoa, một khối lượng phấn hoa khổng lồ phủ trên nền phòng triển lãm, hay một tảng đá phủ sữa. Tôi chắc rằng nếu ông bày chúng ở Việt Nam, người xem sẽ đặt vô số câu hỏi. Tại sao ông ấy để phấn hoa ra đó? Nó có nghĩa là gì? Nhưng người xem của ông ta say mê chúng. Họ đứng hàng giờ trước phấn hoa hay phiến đá sữa đó. Có thể họ tìm thấy ở đó một cảm giác mà họ chưa được trải qua. Hay nhìn thấy phần nào đó sâu trong con người mà họ còn thiếu trong cuộc sống công nghiệp của họ. Họ đứng đó, và để ngũ quan cảm nhận mùi hương của phấn hoa, nhìn và sờ chúng…

Nghệ thuật đôi khi đơn giản là cảm giác, chúng không nhất thiết phải là thứ có thể diễn giải bằng lời.

.


.


“Hà Nội” – Sắp đặt với 100 tháp rùa của Bàng Nhất Linh trong solo 2009.

 

NT: Tôi hiểu phần nào ý của anh, và anh muốn đi vào những”bài toán” nâng cao, khó hơn, và cũng khó hiểu hơn?

Nhất Linh: Tôi không định nói rằng đi xa hơn là khó hiểu hơn, cũng có những bài toán cao cấp giải quyết những vấn đề rất đơn giản. Nhưng quả tình là đôi khi đi tới trong một lĩnh vực nào đó, có thể bạn sẽ không được nắm bắt bởi số đông khán giả nữa. Chị có nhận ra, những bài toán nhiều người hiểu và giải được, thậm chí nhiều người dùng nhất là những bài toán giản đơn nhất. Bài toán của Ngô Bảo Châu có lẽ không nhiều người có thể nắm được nó một cách tỏ tường, và tôi chắc không nhiều người có thể dùng nó. Vậy mà người ta luôn phải cố gắng đi xa hơn như vậy.

Có lúc tôi nghĩ rằng nghệ thuật hay toán học, vật lý, triết học… chúng được viết bằng những ngôn ngữ khác nhau. Nhưng chúng cũng có những điểm chung, sinh ra từ những điều giản đơn nhất. Những đơn vị cơ bản, những quy ước… Có lẽ nếu cứ đi mãi, tất cả chúng rồi sẽ gặp nhau ở một điểm nào đó.

NT: Nhưng tôi cảm giác rằng, cũng có những tác phẩm mà rõ ràng người ta cố tình gây khó hiểu cho người xem?

Nhất Linh: Tất nhiên, tôi và chị cũng biết rằng, có những bài toán khó hiểu vì người làm ra nó không muốn người khác hiểu, ai đó có thể cố tình tạo ra sự khó hiểu để dọa nạt những người không chuyên về toán. Nhưng đấy là một câu chuyện khác rồi.

NT: Vậy nhưng những tác phẩm chứa trong nó những vấn đề xã hội, lại dễ hiểu chẳng phải rất nên có sao?

Nhất Linh: Con người là gốc của nghệ thuật, điều này không thể phủ nhận rồi. Nghệ thuật song hành với xã hội, con người, khoa học, và cả chính trị nữa. Nhưng tôi nghĩ nó đi song song, và cùng hướng nhưng nó phải mang một cảm quan nào đó, dù sai cũng được, tức là nó đi cùng hướng nhưng không cùng độ cao. Giống như các phương tiện đi trên đường, còn nghệ thuật, nó đi trên đê và nhìn xuống.

Khi một sắp đặt hay một bức tranh được “thấy” ngay, hay nó quá trực tiếp, đồng nghĩa nó bị giảm đi tính đa nghĩa, chiều sâu… nó bỗng nghiêng một chút về chức năng chuyển tải thông tin, tệ hơn, nó có thể bị thay thế bằng một phương tiện khác mà vẫn giải quyết được vấn đề. Cũng đồng nghĩa nó đã đi cùng làn với xã hội, chính trị… Đôi khi vẫn đặt ra vấn đề đó, nhưng cần một sự điều tiết nào đó, giảm đi sự trực tiếp, hay thêm vào đó một chút hài hước chẳng hạn, tác phẩm sẽ uyển chuyển và trở nên khá hơn, đồng thời cũng tránh được việc bị hiểu rằng mình đang làm cái việc biên dịch một nhận thức phi tạo hình sang ngôn ngữ tạo hình.

Kundera có một ý rất thú vị trong Nghệ thuật tiểu thuyết, ông cho rằng phần lớn nghệ thuật văn học thời Soviet là vô giá trị. Hàng trăm ngàn bản in chỉ nói lên những điều người ta đã biết, và thậm chí chúng nằm ngoài lịch sử tiểu thuyết. Có thể hơi cực đoan nhưng ông rất có lý. Thực ra nói như vậy hình như hơi khắt khe một chút với văn học…, nhưng nếu thử chuyển nó sang ngữ cảnh nghệ thuật tạo hình thì nó khá xác đáng, bởi rõ ràng nghệ thuật tạo hình có phương tiện ít nệ thực hơn. Ông gọi Kafka là người đánh thức những giấc mơ bởi đã đưa tiểu thuyết khỏi sự trói buộc của những bối cảnh, và chia ra hai loại tiểu thuyết. Một loại tiểu thuyết minh họa cho những hoàn cảnh lịch sử như các tiểu thuyết về cách mạng Pháp, về Marie Antoine, về cuộc tập thể hóa ở Liên xô… và phân biệt chúng với loại tiểu thuyết làm cái việc khảo sát kích cỡ lịch sử hiện sinh của con người.

Ngoài những trục trặc khách quan bên ngoài, lý do triển lãm thứ 3 của tôi có sự chậm trễ, cũng một phần vì tôi muốn nó “mềm”, “lắng” hơn một chút. Ở phác thảo ban đầu, nó hơi bị “áp-phích” quá. Dù tôi vẫn tự trấn an bản thân rằng, dù sao nó cũng sẽ gây một ấn tượng thị giác khá tốt.

 

XUNG QUANH CÔNG VIỆC

NT: Anh có vẻ thích văn học?

Nhất Linh: Không chỉ thích, tôi rất tôn trọng những người viết văn. Họ đọc nhiều và chịu khó nghĩ. Đọc họ sẽ học hỏi được nhiều điều khiến tinh thần mình phong phú hơn. Tôi luôn có một cảm giác sợ thường trực, đó là cảm giác sợ sự nghèo nàn của tinh thần. Một chút bản năng tốt vô tình trời cho không đưa người ta đi tới đâu cả. Một đời sống tinh thần tốt sẽ đưa người ta đi xa hơn. Trong quá khứ, các họa sỹ Đông Dương đều là những người có đời sống tinh thần phong phú, có những tình bạn giữa Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân… với anh em Nguyễn Tường Tam thời Phong Hóa… Tôi không nghĩ người ta chỉ nên quan tâm tới công việc của mình, xem xem những nhà văn, những kiến trúc sư, hay một người nuôi cá, một người trồng rau nghĩ điều gì đôi khi rất thú vị.

NT: Anh khiến tôi thấy rằng anh hiểu rất rõ công việc của mình và những gì mình đang làm.

Nhất Linh: Tôi nghĩ hiểu rõ việc mình làm là một trong những điều kiện căn bản cần thiết nhất, dù là trong công việc nào.

NT: Anh có cách làm việc khá riêng lẻ, anh không thường xuyên tham gia các triển lãm, cũng như các nhóm khác nhau. Trong khi tôi thấy, dù trong lúc khủng hoảng, các nghệ sỹ trẻ cũng vẫn thường xuyên tham gia hay tự tổ chức các triển lãm. Tôi nói chuyện với một họa sỹ trẻ, và anh ấy rất vui vì năm trước đã tham gia tới 6 triển lãm khác nhau. Anh không nghĩ nên tham gia nhiều hơn các triển lãm trẻ để cho mình một không khí đua tranh một chút khi làm việc, hay ít ra tham gia nhiều hoạt động nghề nghiệp sẽ khiến người xem nhớ tới mình hơn sao?

Nhất Linh: (Cười) Ồ, công việc của bọn tôi đâu phải là ca sỹ. Thật ra thì chị biết là xã hội có nhiều kiểu người khác nhau. Mỗi người có mối quan tâm riêng và có những cách làm việc khác nhau phù hợp với lựa chọn của bản thân. Giống như nhiều cự ly chạy cho các vận động viên vậy. Murakami có cuốn sách nhỏ rất thú vị về việc vận động các cơ, việc chạy bộ… nó có cái tên lấy cảm hứng từ tập truyện của Raymond Carver – “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”. Tôi thấy mình khá chậm trong việc làm nóng các cơ, thật khó để tôi về đích nhanh chóng trong một cự ly ngắn. Có lẽ tôi thấy mình thích hợp với việc chạy đường dài…

NT: Thú vị thật! Một đồng nghiệp nam của tôi có lần đùa rằng anh trông chả có vẻ gì là một nghệ sỹ?

Nhất Linh: Chị nhớ chuyện Hoàng tử bé không, mỗi lần nghĩ đến một chi tiết trong đó tôi lại thấy buồn cười, nhà thiên văn Thổ Nhĩ Kỳ ấy, phải đợi đến lần thứ hai khi vận một bộ Âu phục người ta mới tin phát hiện của ông ta về tiểu tinh cầu (cười). Thực ra tôi nghĩ rằng cuối cùng thì người ta sẽ nhìn vào quá trình làm việc cụ thể của mỗi người chứ không phải là bộ dạng của anh ta hay là vài câu nói, người xem bây giờ tinh lắm.

NT: Theo anh, những gì là quan trọng để trở thành một nghệ sỹ tốt?

Nhất Linh: Cá nhân tôi nghĩ rằng, cần phải không dừng lại việc học hỏi (điều này hơi cũ nhưng tôi nghĩ thực sự nó rất quan trọng) và cần thiết không kém là luôn giữ một cái đầu thoáng, với không một chút định kiến…

NT: Anh có một bộ sưu tập xe cổ và kỷ vật chiến tranh khá thú vị. Tôi đặc biệt ấn tượng với những món đồ chiến tranh, những bộ phận máy bay, bom… ở đằng kia.

Nhất Linh: Đó là những thứ tôi dành hết thời gian và tiền bạc sau gia đình. Cái chị thấy đó là một số bộ phận của chiếc MiG-21. Nó là chiếc tiêm kích có một vị trí rất đặc biệt trong lịch sử quân sự thế giới và lịch sử quân sự Việt Nam. Tôi có một số bộ phận của nó, ghế lái, mũi, một số mảnh cánh… Tôi sinh ra sau chiến tranh nên không được nếm trải nó, nhưng có nhiều lý do để quan tâm tới nó… Và ngoài ý nghĩa nào đó ra thì những vật được dành cho chiến tranh có một thẩm mỹ rất đặc biệt, không hiểu sao tôi thấy chúng rất đẹp, những chi tiết tên lửa, đạn súng cối, bộ đàm… đều đẹp cả. Xe cổ thì tôi đã chung sống với nó khá lâu rồi, bây giờ tôi đã có thể giữ lại những cái xe tôi thích nhất cho mình.

Ghế lái của máy bay MiG 21 (Mig 21 là chiếc tiêm kích được bầu chọn là 1 trong 10 chiếc máy bay chiến đấu vĩ đại nhất của con người. Nó là chiếc chiến đấu cơ duy nhất đã hạ trực tiếp chiến đấu cơ B-52 cho tới năm 2010 và điều này xảy ra trong cuộc chiến tranh Việt Nam…)


Chi tiết cận cảnh chiếc ghế của phi công lái Mig-21. (Trong 2 năm 1971 và 1972, ba phi công Việt Nam điều khiển máy bay Mig21 đã bắn hạ “pháo đài bay” B52 của Mỹ)


Những thứ từ thời chiến: tập bài hát thường mang theo của chiến sỹ thời chiến, lược nhôm duya-ra (thời chiến những người lính thường làm những chiếc lược từ mảnh duya-ra máy bay bị bắn rơi, trên thân lược có khắc hoa văn hay những dòng chữ yêu thương để tặng những người ở hậu phương), quả lựu đạn của chiến khu K (quả lựu đạn này đặc biệt vì nó không phải loại lựu đạn do Liên xô viện trợ. Trong chiến tranh có những thời điểm bộ đội Việt Nam phải tự đúc vỏ rồi làm lựu đạn tại các công binh xưởng địa phương. Thời chiến kim loại hiếm và thường có những đợt vận động bà con địa phương quyên góp kim loại cho công binh xưởng. Trái lựu đạn này được làm bằng đồng chứ không phải sắt. Có thể trong nó là chiếc cối têm trầu của một bà cụ nào đó…)


Vật dụng thời chiến: Máy điện đàm P105M của Liên Xô, mảnh đầu tên lửa, đuôi nhôm của đạn chống tăng B40, một số huân huy chương của các cựu chiến binh…


Một góc bộ sưu tập của Linh với chiếc mũi của máy bay Mig21, mảnh cánh máy bay chiến đấu, cánh quạt đuôi của trực thăng AH1, điện đàm “Phương Đông” – “ăng ten hoa chuối”

 

Nếu tiếp xúc với chúng thì chị sẽ nhận ra, ngay cả những khía cạnh nhỏ nhất của chúng cũng rất thú vị. Ví dụ như các loại vũ khí của Mỹ và Liên Xô sinh ra từ hai tư duy làm việc rất khác nhau, có thể thấy các chi tiết vũ khí có hình dạng phức tạp tới đâu thì người Mỹ cũng sẽ cố gắng sản xuất chúng rỗng, bằng cách dập hoặc chia khối…, còn người Nga thì họ làm tới hết đoạn có hình dạng đơn giản, đến đoạn phức tạp họ đúc đặc và ghép vào. Người ta không thể di chuyển quá nhanh bằng xe hai bánh, nhưng lại luôn cố gắng nâng tua máy cao thêm. Những chiếc xe cổ, khi nổ chúng có vòng tua máy rất chậm rãi, ngồi nghe có cảm giác như có thể đếm được. Chuyện này hơi lạc đề nhỉ?

NT: À không… Mở rộng một chút. Tôi nhận thấy một điều là, ở thời điểm hiện tại, các nghệ sỹ Việt Nam làm việc trong một hoàn cảnh rất thiếu những cơ sở, những định chế rõ ràng về mặt nghề nghiệp. Một tác phẩm dự định đưa ra triển lãm, nó cần đáp ứng điều gì thì có thể được bày, trong trường hợp nào nó không được bày… Không có một quy chế kiểm duyệt rõ ràng để nghệ sỹ cứ thế mà làm và tuân thủ. Rồi rất thiếu một hệ thống chuyên nghiệp trong việc mua bán các tác phẩm, xa hơn là đưa các tác phẩm ra ngoài biên giới. Anh thấy những điều này ảnh hưởng gì tới công việc của mình?

Nhất Linh: Tôi nghĩ rằng ở một môi trường chuyên nghiệp cần phải có những điều như chị nói. Nó cũng là một trong số những thứ cần thiết như “đôi giày” tôi nói khi nãy. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng muốn có những điều ấy là một chuyện, còn lại thì chúng tôi vẫn cứ phải làm công việc của mình bằng tất cả khả năng. Những người làm phim Iran vẫn có những tác phẩm tốt và được tôn trọng trong điện ảnh phải không? Nếu than phiền về bối cảnh thì họ sẽ phải chờ tới bao giờ để mọi thứ thay đổi ở đất nước Hồi giáo đó.

Linh thư giãn bằng việc uống cafe và nổ chiếc xe này trên ban công tầng 3, 🙂

 

NT: Cảm ơn anh về cuộc nói chuyện thú vị này!.

 

 

Ý kiến - Thảo luận

20:27 Tuesday,30.9.2014 Đăng bởi:  Nguyen thanh duc

Linh cho Đức số điện thoại. Có gì mình liên lạc trao đổi cho mau nha. Cảm ơn linh!


...xem tiếp
20:27 Tuesday,30.9.2014 Đăng bởi:  Nguyen thanh duc

Linh cho Đức số điện thoại. Có gì mình liên lạc trao đổi cho mau nha. Cảm ơn linh!

 
22:01 Monday,6.8.2012 Đăng bởi:  Nhat Linh
Chào bác Nam, đi dạy học là việc tốt bác ạ, không phải ai cũng thích hợp để làm, em chẳng hạn. Bác lấy vợ xong là mua bình ôxi loại tốt lặn luôn một hơi nhỉ. Ae vẫn nhớ tới bác và nhắc bác đấy. Hôm nào tổ chức "tụ tập đông người" hong lại ít chuyện ngày đi học cùng nhau đi. Chúc bác mạnh khỏe và dạy học tốt nhé.
...xem tiếp
22:01 Monday,6.8.2012 Đăng bởi:  Nhat Linh
Chào bác Nam, đi dạy học là việc tốt bác ạ, không phải ai cũng thích hợp để làm, em chẳng hạn. Bác lấy vợ xong là mua bình ôxi loại tốt lặn luôn một hơi nhỉ. Ae vẫn nhớ tới bác và nhắc bác đấy. Hôm nào tổ chức "tụ tập đông người" hong lại ít chuyện ngày đi học cùng nhau đi. Chúc bác mạnh khỏe và dạy học tốt nhé. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hãy bớt trách móc

Họa sĩ VI KIẾN THÀNH

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả