|
|
|
|||||||||||||
Bàn luậnLại cái trò dí súng vào đầu trẻ con 03. 08. 12 - 7:09 pmPha Lê - hí họa của Nick GalifianakisVừa rồi, đề thi văn khối D có câu, đề nghị học trò bình luận: “Ngưỡng mộ thần tượng là nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng sẽ là thảm họa“. Cái câu này đã làm dấy lên nhiều tranh cãi, trẻ con thì phản đối đề thi, còn người lớn thì phản đối… trẻ con. Mới đầu nhiều việc, cũng định lờ nó qua một bên, nhưng rồi lòng yêu văn nổi lên, thấy cuối cùng vẫn không thể lờ được. “Ngưỡng mộ thần tượng là nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng sẽ là thảm họa“, chuyện đó về cơ bản thì ai mà chẳng biết, nhưng ra đề kiểu này thì chẳng khác gì bảo người ta phải đồng ý với mình, không có chút gì là “hỏi ý kiến” và càng không có thông tin gì cụ thể. Đề như thế chẳng khác nào nói: “chơi game giải trí thì tốt, mê muội game là thảm họa”; hoặc “ẩm thực là một loại hình văn hóa đẹp, nhưng ăn uống thừa mứa nhiều dầu mỡ sẽ gây bệnh”. Hỏi như cái đề này, chả trách một số sĩ tử (có đầu óc) cảm thấy bực bình. Chẳng thà hỏi, “Các em nghĩ sao về thần tượng?”, hay “thần tượng của em là ai?”, rồi khi đó chúng ta mới có quyền lôi những bài trả lời dở ra để chê, cho điểm thấp, còn bài trả lời hay và độc đáo thì được khen. Chứ bắt người ta đồng ý với mình, rồi kêu người ta viết bài dựa theo cái sự đồng ý đó thì ngay cả tôi cũng sẽ thấy khó chịu nếu bốc phải đề như trên. Đã là văn chương, dù là văn nhà trường, thì cũng phải tôn trọng sự tự do, nhất là văn dành cho các bạn trẻ. Lại bàn tới việc một số học sinh mà báo chí gọi là “fan cuồng” – viết lời phản ứng với đề thi. Một số ít người thông cảm với các em, còn đa số là la mắng, trách rằng giới trẻ thời nay sao mà tệ vậy, chỉ biết suy nghĩ nông cạn, bố mẹ nuôi ăn học 12 năm mà cuối cùng lại rớt vì thần tượng vớ vẩn ở xứ nào đó. Tôi hiểu tâm lý những người chán nản khi đọc các bài văn của mấy học sinh này, hiểu rằng tại sao họ lại mắng chúng dốt, chúng hoang tưởng, ngu muội. Nhưng tập trung vào việc ca cẩm về cách suy nghĩ của chúng sẽ chẳng giải quyết được gì hết. Chúng ta phải trị tận gốc thôi!
Tội của người lớn “Chúng nó” thế này, “chúng nó” thế kia, “chúng nó” cư xử theo kiểu thiếu hiểu biết; mắng “chúng nó” thì “chúng nó” cho rằng mình không biết gì, cứng nhắc; hoặc “chúng nó” sẽ: “Dạ, con biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Ôi thôi, nhìn thì thấy chán đấy, nhưng nghĩ lại mà xem, “chúng nó” vẫn còn là vị thành niên, chừng 17-18 tuổi. Nếu “chúng nó” cư xử như vậy thì kẻ có lỗi chẳng phải “chúng nó”, mà là những người đã sinh ra chúng, đã nhận dạy chúng. Bố mẹ, thầy cô đều là những người già đầu, nếu chúng ta cho rằng chúng ta có kiến thức đầy mình và biết suy nghĩ chín chắn, thì việc không truyền đạt được những cái chín chắn ấy cho con cái, cho học trò, là lỗi của chúng ta. Chúng ta phải nhìn lại mình trước khi trách mắng cái thành phần non nớt và dễ dao động của tổ quốc. Tôi phải nói rằng, mình được cái tính chăm học như thế này là nhờ công rất lớn của bố, mẹ, cô cậu, và gia đình ông bà nội ngoại. Nhà tôi lúc nào cũng chất đầy sách, lúc nào cũng nhiều phim; tiền bạc bố mẹ có thể không đủ để mua quần áo hay đi ăn nhà hàng, nhưng sách vở kiến thức thì không có thiếu. Bố mẹ tôi không quan tâm nhiều tới chuyện học ở trường hay điểm số, mà quan tâm đến cách con nói năng, suy nghĩ – quan tâm đến sở thích của con. Tôi không bao giờ phải viết văn theo ý thầy cô, hay theo dàn bài mẫu (và vì thế đôi lúc tôi nhận điểm bét môn Văn). Chuyện tôi thích đọc lịch sử và tích Hy Lạp là chuyện sẽ không giúp gì cho điểm số môn Văn nói riêng, hay cho việc học hành ở trường nói chung, nhưng gia đình không lấy đó làm phiền mà khuyến khích tôi tìm hiểu sâu hơn nữa (và hóa ra sau này cái sở thích đó lại giúp tôi viết ra vài bài cho SOI). Tôi chỉ chán học ở trường, chứ thực sự chưa bao giờ chán học kiến thức. Bố mẹ tôi cũng coi kiến thức là quan trọng hơn điểm số trong trường. Nếu đã biết nền giáo dục nước mình còn nghèo và nhiều bất cập, thì các bậc bố mẹ đúng ra nên khuyến khích con học thêm kiến thức và kỹ năng ngoài trường lớp. Ép con học hành nhất nhất theo trường theo lớp, dù chính mình cũng biết rằng hệ thống đó còn hạn chế, theo tôi là một tội rất nặng. Và trong việc thu thập kiến thức bên ngoài đó, bố mẹ cần phải đi cùng với con. Dĩ nhiên là có những học sinh cực giỏi, học ở đâu hay ép kiểu gì nó vẫn giỏi theo kiểu của riêng nó, không cần mình dạy bảo chi nhiều, nhưng cái số đấy hiếm lắm, phần lớn bọn trẻ con cần được đôn đốc, dạy dỗ chặt chẽ mới có thể thành người ra hồn. Mắng con do nó ảo tưởng về thần tượng, nhưng chính mình lại đi ảo tưởng về khả năng tự phán đoán của nó thì giải quyết được gì?
Phải làm gì với “chúng nó”? Để hướng con vào việc thần tượng những con người xứng đáng, trách nhiệm của bố mẹ rất lớn. Nếu con khoái truyện tranh và phim hoạt hình, hãy kể cho nó nghe về Marvel, John Lasseter, Miyazaki; nếu con khoái động vật, hãy cùng tìm hiểu sách của Richard Dawkins với nó; nếu con thích là công chúa hoàng tử, hãy kể cho nó nghe về văn hóa, lịch sử của hoàng gia Việt Nam và các nước; nếu nó thích game, hãy kể cho nó nghe về ván cờ lịch sử của Kasparov. Ngay cả nếu con mình mê phim Hàn Quốc, thì chỉ cần tìm hiểu một chút là ta cũng sẽ biết được những tấm gương sáng của điện ảnh Hàn: Ki-duk Kim, Park Chan-wook, Kang Je-gyu… toàn những người làm ra các tác phẩm tuyệt đến nỗi Hollywood phải nể phục mà ngã mũ chào. Không thể luẩn quẩn nêu gương Bill Gates nếu con mình mê sinh học tự nhiên và không có hứng với công nghệ cao. Không thể tối ngày nêu gương các nhân vật lịch sử nếu nó không thích lịch sử. Muốn dạy được như vậy thì chính bố mẹ phải là người ham học hỏi, tự tin, biết trách nhiệm của mình, có đầu óc văn minh cởi mở, và không lười biếng. Tôi không bao giờ nghĩ rằng trẻ con có thể thích đọc Dicken, Hugo, nghiên cứu văn chương, nghe nhạc cổ điển, xem ba-lê, ngắm tranh, yêu nghệ thuật, khoa học, thể thao… nếu không nhận được sự dạy dỗ của gia đình. Không thể trách bọn học sinh thần tượng những thứ nhạt nhẽo nếu chúng ta không biết cách chỉ cho chúng những cái hay ho hơn để mà thần tượng. Và để bọn trẻ thích thú, người lớn cần bắt đầu từ những cái đơn giản, thí dụ kể về một danh nhân nào đó thì nên theo kiểu dễ hiểu, vui vẻ, dí dỏm chứ đừng chọn lối nghiêm trang. Khi trẻ con thích rồi thì hẵng đi vào phức tạp và khuyến khích chúng tìm hiểu thêm. Và tuy rằng dạy dỗ nhẹ nhàng thế, nhưng người lớn cũng phải thật sự bỏ công ra học và nghiên cứu. Nếu trẻ con mà cảm nhận được rằng chính chúng ta cũng hời hợt với kiến thức thì chúng cũng sẽ hời hợt với kiến thức. Ai cũng biết rằng nước mình không có nhiều điều kiện để giúp đỡ học sinh. Bảo tàng của “địch” thì to hơn của ta, hơn một nửa số sách văn học cổ điển nước ngoài được dịch sang tiếng Việt là theo kiểu ỡm ờ, phim bộ trên ti-vi đa số là tầm tầm, phim nhập ngoài rạp cũng toàn là “bom tấn”; tin tức thì lòng vòng với mấy danh nhân quen thuộc, còn những cái tin bớt khô khan thì chủ yếu là về ca sĩ này say xỉn, diễn viên kia ly dị. Đừng nói tới những nhân vật đương thời như Richard Dawkins, Noam Chomsky, hay Christopher Hitchens chi cả, mà những danh nhân xưa của các lĩnh vực khác nhau như Monet, Georges Melies, Ozu, Plato… đều ít được nhắc tới trong trường, trong sách, và muốn tìm hiểu về những nhân vật trên quả là không dễ. Nhưng chúng ta không thể đổ mãi cho hoàn cảnh được, nhà sách cũ vẫn còn nhiều sách có ích, ngay cả sách ngoại văn cũ cũng là những cuốn được dịch và biên tập chu đáo. Phim cũ, phim hay nếu chịu khó thì sẽ tìm thấy, biết chút tiếng Anh là chúng ta đã dò được Wiki. Đúng là có hơi mất công, tốn nhiều sức và đỏi hỏi lòng kiên nhẫn, nhưng nếu bản thân chúng ta còn không làm được những việc này thì trách sao tụi trẻ chỉ thích thưởng thức những thứ hời hợt?
Đừng dạy qua loa rồi tiếc công đẻ Trước khi đánh giá thế hệ tương lai của tổ quốc, thì những người làm bố mẹ, hoặc thế hệ lớn tuổi hơn chúng, hiểu biết hơn chúng, chín chắn hơn chúng phải đánh giá mình trước. Nuôi dạy mỗi đứa trẻ, mỗi thanh thiếu niên thành người là một trách nhiệm cực lớn. Không thể nuôi dạy qua loa rồi khi chúng không thành người như ý mình thì lại quay sang mắng mỏ chúng nó.
Tôi vẫn nhớ gương ông giáo sư Geoffrey Canada, ông xung phong đến những vùng khó khăn nhất, nhiều tệ nạn nhất để mở trường, thế mà những học sinh của ông – chủ yếu là con cái của tội phạm, hoặc thành phần lao động nghèo – đều đậu đại học và trở thành người có ích. Ông chứng minh rằng lớp trẻ thất bại là do người trưởng thành khiến chúng thất bại. Cho nên trước khi đăng tin giới trẻ thế này, giới trẻ thế kia, người lớn (và nhất là những nhà báo người lớn) cần xem lại mình, xem lại thức ăn văn hóa mà mình đã cấp cho chúng nó. Tôi e rằng, trẻ con (và cả người lớn) nước mình đang ăn phải nhiều thức ăn ôi.
Ý kiến - Thảo luận
0:10
Friday,4.12.2020
Đăng bởi:
Trung Liêm
0:10
Friday,4.12.2020
Đăng bởi:
Trung Liêm
@M: Kính gởi bạn. Bản thân tôi là một người thực thành nghệ thuật những chuyện thích và không thích này thì tôi chẳng thấy có gì để bàn cãi cả (tôi thích ăn ớt và bạn thì không) vô lý theo nghĩa Kant. Tuy vậy trong nghệ thuật thì có phân cấp như bạn đã biết mỗi thứ điều có lý thuyết riêng để sống sót tất nhiên củng có vài lý thuyết rất trừu tượng - vậy taị sao tôi lại phải chọn một trong hai?
14:04
Thursday,3.10.2013
Đăng bởi:
Trí
Bài viết rất hay ,cám ơn tác giả
...xem tiếp
14:04
Thursday,3.10.2013
Đăng bởi:
Trí
Bài viết rất hay ,cám ơn tác giả
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
@M: Kính gởi bạn. Bản thân tôi là một người thực thành nghệ thuật những chuyện thích và không thích này thì tôi chẳng thấy có gì để bàn cãi cả (tôi thích ăn ớt và bạn thì không) vô lý theo nghĩa Kant. Tuy vậy trong nghệ thuật thì có phân cấp như bạn đã biết mỗi thứ điều có lý thuyết riêng để sống sót tất nhiên củng có vài lý thuyết rất trừu tượng - v
...xem tiếp