Nghệ sĩ thế giới

Nhà Vogels: Một bộ sưu tập đáng mơ ước. Một tình vợ chồng đáng mơ ước. 14. 08. 12 - 7:48 am

Hoàng Lan dịch

Herbert Vogel và vợ Dorothy

 

WASHINGTON – Herbert Vogel, một nhân viên bưu điện về hưu, cùng với vợ là Dorothy, đã tạo được một bộ sưu tập mỹ thuật hiện đại hiếm thấy và quan trọng nhất. Sau đó cả hai ông bà tặng lại phần lớn bộ sưu tập này cho Gallery Quốc Gia. Ông Vogel Herbert đã qua đời vào ngày 22. 7 tại một nhà dưỡng lão ở New York City, hưởng thọ 89 tuổi.

Herbet Vogel sinh ngày 16. 8. 1922 ở New York. Bố ông là một thợ may, và ông lớn lên tại Harlem. Ông chưa bao giờ học hết trung học. Sau khi đi lính vào thời Chiến tranh Thế giới thứ 2, Herbet trở thành nhân viên bưu điện, phân loại thư từ tại các cơ sở bưu điện của thành phố Manthattan. Ông chủ yếu làm việc vào ban đêm để có thể theo học môn lịch sử nghệ thuật ở trường Đại học New York vào ban ngày. Ông chưa bao giờ kể về tình yêu nghệ thuật của mình cho đồng nghiệp. Herbert cưới Dorothy Hoffman vào năm 1962.

Đám cưới hai ông bà Vogel ngày 14. 1. 1962. Ảnh: Milton Hitter

 

Năm 1962, khi ông Vogel và vợ – Dorothy Hoffman (cả hai cùng gốc Do Thái) – kết hôn, họ đến Washington để hưởng tuần trăng mật và bỏ ra vài ngày để tham quan Gallery Quốc gia và các bảo tàng khác. Lúc trở về New York, họ bắt đầu mua một số tác phẩm từ những nghệ sĩ họ quen biết, và từ từ gầy dựng nên một bộ sưu tập riêng.

Vợ chồng Vogels từng theo học nhiều lớp hội họa và từng có một phòng studio trong vài năm, với hy vọng sẽ trở thành nghệ sĩ của trường phái biểu hiện trừu tượng. Đôi vợ chồng bỏ cái studio này sau khi nhận ra rằng họ thích tác phẩm của các nghệ sĩ khác hơn là tác phẩm của chính mình.

Khác với những nhà sưu tập khác, vợ chồng Vogel không hề giàu. Họ sống và sưu tập bằng tiền lương và lương hưu. Ông Vogel làm ca đêm ở bưu điện New York, chuyên việc lọc thư, và bà Dorothy làm thủ thư tham khảo tại một thư viện ở Brooklyn.

Họ sống đơn giản, ăn uống tại các nhà hàng bình dân trong xóm và các quán Tàu*. Hai vợ chồng ngưng du lịch Châu Âu từ những năm 1970s nhằm tiết kiệm tiền để mua các tác phẩm nghệ thuật.

Khi mua tác phẩm, họ trực tiếp mặc cả với các nghệ sĩ, đôi khi còn mua trả góp với số tiền khiêm tốn: 10 đô la mỗi tháng. Họ thường dùng tiền mặt và thường mặc cả được những giá rẻ không tưởng (chỉ có trong tiểu thuyết) lúc mua bán với các nghệ sĩ. “Khi cả hai đến Studio (của tôi), họ luôn bưng theo một đống tiền mặt,” họa sĩ nổi danh Chuck Close nói trong buổi phỏng vấn vào năm 1992 với tờ Newsday của New York. “Kết quả cái giá bạn đưa ra cho họ luôn bằng một phần nhỏ của giá trị thực sự của tác phẩm.”

Có lần, hai vợ chồng còn được nghệ sĩ Christo tặng một tác phẩm cắt dán vì đã trông nom dùm con mèo của Christo khi ông vắng nhà.

Nghệ sĩ Christo và vợ Jeanne-Claude (đứng sau) chụp hình với hai nhà sưu tập Dorothy và Hebert Vogel khi họ đến Gallery Quốc gia để xem triển lãm “Các tác phẩm của Christo và Jeanne-Claude trong Bộ sưu tập Vogel.”

 

Vợ chồng Vogels chưa bao giờ nói về việc họ phải trả bao nhiêu cho một tác phẩm, và chưa từng bán một tác phẩm nào. Năm 1991, Gallery Quốc gia có được phần lớn bộ sưu tập của hai vợ chồng. Ước chừng bộ sưu tập này có giá trị lên tới con số “triệu đô”, nhưng các vị đứng đầu của Gallery Quốc gia và những người đã tận mắt nhìn thấy bộ sưu tập đều từ chối định giá nó.

Chúng tôi đáng ra đã có thể trở thành triệu phú một cách dễ dàng“, ông Vogel nói với tờ Associated Press vào năm 1992. “Chúng tôi có thể bán các tác phẩm và tới Nice sống mà vẫn còn dư dả tiền bạc. Nhưng chúng tôi không quan tâm tới vấn đề đó.”

Khi bắt đầu sưu tập và đầu thập niên 60s, vợ chồng Vogels – được biết đến trong giới nghệ thuật với tên gọi “Herb và Dorothy” – tập trung vào trường phái ý niệm và tối giản. Đấy là những tác phẩm khó, sắc sảo, thường có nhiều đường thẳng và ít tính trang trí; tách biệt hẳn với xu hướng biểu hiện trừu tượng và pop art – vốn được biết đến nhiều hơn (vào lúc đấy).

Tác phẩm đầu tiên họ mua là “Crushed Car Piece” (Miếng Xe Ép) của John Chamerlain – người chuyên làm tượng từ các bộ phận động cơ hỏng. Thời đó thì loại nghệ thuật này không phải là thứ được ưa chuộng.

“Không đề”, John Chamberlain, 1962, tác phẩm này gồm những bộ phận kim loại của xe hơi được ép lại trên bệ gỗ, hiện nằm tại Gallery Quốc gia, thuộc Bộ sưu tập Dorothy và Hebert Vogel. Ảnh: Lee Ewing

 

Vợ chồng Vogels đến thăm nhiều studio và là bạn thân của rất nhiều nghệ sĩ, bao gồm Sol LeWitt, Richard Tuttle, và cặp vợ chồng Christo/Jenne Claude. Họ thường là nhà sưu tập đầu tiên bỏ tiền túi ra để mua tác phẩm của những nghệ sĩ vô danh. Trong khoảng thời gian 50 năm, hai ông bà đã thu thập được hơn 5000 tác phẩm nghệ thuật, trong đó có tranh, tranh vẽ chì, tượng, và những món ‘không thể phân loại”.

Herb và Dorothy có ba yêu cầu khi mua một tác phẩm nào đó: phải rẻ, đủ nhỏ để họ đem lên tàu điện ngầm hoặc taxi; phải nằm vừa trong căn hộ một phòng ngủ của họ. Thời gian trôi qua, họ trở thành gương mặt quen thuộc của thế giới nghệ thuật ở New York, thường xuyên lui tới các gallery và studio của thành phố, tham dự gần 25 sự kiện nghệ thuật trong một tuần. Họ nghiên cứu các tạp chí mỹ thuật và giữ liên lạc với các nghệ sĩ.

Phòng ngủ của gia đình Vogels với các tác phẩm của Leo Valledor, Gary Stephan, Richard Tuttle, Robert Mangold, Alan Saret, Ron Gorchov, Joshep Kosuth, Vito Acconci, Joshep Bueys, và Peter Hutchinson, cùng những nghệ sĩ khác. Ảnh chụp năm 1975.

 

Bắt đầu bằng các tác phẩm nhỏ – mua theo hứng – dần dà mọi thứ phát triển thành một bộ sưu tập dày dặn và bao quát, gồm nhiều tác phẩm của những nghệ sĩ đi đầu trong 50 năm qua: Chuck Close, Donald Judd, Robert Mangold, Dan Flavin, Joseph Beuys, Brice Marden, Nam June Paik, Edda Renouf, Edward Ruscha, Robert Ryman, Julian Schnabel, Robert Smithson, Carl Andre, Lynda Benglis, John Baldessari, và Jeff Koons.

Vợ chồng Vogels mua tác phẩm dựa theo trực giác và gu cá nhân, tin tưởng vào bản năng của họ hơn là vào lời khuyên của những chuyên gia tư vấn đắt tiền hoặc gallery. Pat Steir – người sáng tác ra những bức tranh trông giống thác nước – gặp vợ chồng Vogel qua LeWitt, một nghệ sĩ nổi tiếng với tranh và tượng mang tính hình học.

“Khi họ mua tranh tôi, tôi gọi Sol và hỏi ‘Tớ nên bán cho họ theo giá nào đây?'” Steir kể với tạp chí W vào năm 2008. “Và Sol nói, ‘Bỏ 3 số 0 và giảm nửa giá.’ Sau đó họ (mua tác phẩm) trả góp cho tôi mỗi tháng.”

“Floor Structure Black”, Sol LeWitt, 1965, chất liệu gỗ, sơn. Thuộc bộ sưu tập của ông bà Vogels

 

Các nghệ sĩ coi việc tác phẩm của mình được nằm trong “Bộ sưu tập Vogel” như một đặc ân, và sẽ là một vinh dự lớn nếu cặp vợ chồng này mời họ tới dùng bữa tại căn hộ chật chội của mình. Dorothy Vogel đôi lúc mời họ một suất ăn sẵn** mà bà đã hâm lại trong lò nướng.

Căn hộ nhỏ của cặp vợ chồng chẳng mấy chốc đã quá tải vì các tác phẩm nghệ thuật; họ treo chúng trên tường, chồng chúng lên nhau trên sàn và cả dưới… gầm giường. Họ quẳng bộ sa-lông đi và chỉ chừa đủ chỗ để ngủ, ăn, và chăm sóc mèo – khoảng 8 con – và những chú rùa hiếm cũng như những chú cá mà ông Vogel nuôi trong bể.

Dorothy Vogel và Herbert với đám mèo. Hai ông bà ngồi trước bể cá và bể rùa. Ảnh: John Dominis

 

Khi ông Vogel nghỉ hưu và thôi làm việc tại bưu điện vào năm 1979, ông dùng tiền lương hưu của mình để mua nhiều tác phẩm hơn nữa. Ông và Dorothy bắt đầu nghĩ đến việc để lại cái di sản của mình, và các bảo tàng lớn bắt đầu gọi điện thoại tới.

Vào năm 1987, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày cưới, vợ chồng Vogel quay lại Gallery Quốc gia – nơi tình yêu của họ với nghệ thuật, và với nhau, nảy nở.

Sau nhiều năm thương lượng, vợ chồng Vogel đồng ý gửi phần lớn bộ sưu tập tới Gallery Quốc gia. Chưa có ai tiết lộ gì vể những điều khoản của hai bên, nhưng thỏa thuận này bao gồm cả những tác phẩm do Gallery Quốc gia mua lại, và những tác phẩm vợ chồng Vogel tặng. “Chúng tôi muốn làm một cái gì đó cho đất nước,” ông Vogel nói với tờ Houston Chronicle vào năm 1992. “Gallery Quốc gia sẽ không bán những tác phẩm này. Họ sẽ giữ nguyên bộ sưu tập. Và họ sẽ không thu tiền vé.”

Garry Webber đóng gói các tác phẩm để chuyến chúng đi từ nhà của ông bà Vogels đến Washington, ảnh chụp năm 1992; hai nhà sưu tập đứng nhìn, còn ông Jack Cowart (Giám tuyển của Gallery Quốc gia) và trợ tá đang làm việc ở phía sau.

 

Sau khi Gallery Quốc gia nhận 2,500 tác phẩm từ căn hộ của vợ chồng Vogels vào năm 1990, Herb và Dorothy lại tiếp tục mua thêm tác phẩm để đem về nhà chất trong 20 năm sau đó. Tên của cả hai được khắc trên bức tường nằm ở lối ra vào tại Tòa nhà phía Tây của Gallery Quốc gia cùng với tên của những nhà từ thiện lớn khác – những người đã có công đóng góp cho Gallery.

Vợ chồng nhà Vogels tại lễ khai mạc của triển lãm “Từ tối giản đến Ý niệm: Các tác phẩm trong Bộ sưu tập Dorothy và Herbert Vogel”, 25. 5. 1994. Ảnh: John Tsantes.

 

Vợ chồng Vogels từng góp mặt trong chương trình radio “60 Minutes” và trong bộ phim tài liệu “Herb và Dorothy” do Megumi Sasaki thực hiện vào năm 2008. Không phải lúc nào ông Vogel cũng giải thích được tại sao ông thích tác phẩm này hơn tác phẩm kia, hay ông tìm kiếm những gì khi ông sưu tập. Sasaki, đạo diễn vủa bộ phim tài liệu về vợ chồng Vogels, quay cận cảnh đôi mắt của ông Herbert: đôi mắt này tức thì mở to khi thấy một tác phẩm mới mà ông ngưỡng mộ. “Tôi chỉ đơn giản là thích nghệ thuật,” Vogel nói vào năm 1992. “Tôi không biết tại sao tôi thích nghệ thuật. Tôi không biết tại sao tôi thích thiên nhiên. Tôi không biết tại sao tôi thích động vật. Tôi còn không biết tại sao tôi thích chính bản thân mình.”

*
Chú thích

*Các quán ăn Tàu ở xứ Tây thường là rẻ tiền, dĩ nhiên là có nhà hàng Tàu sang, nhưng 10 quán Tàu thì phải đến 9,5 là quán rẻ, bình dân.

**Suất ăn sẵn (TV Dinner) là những hộp đồ ăn bán trong siêu thị, mua về rồi hâm lên ăn, không phải nấu nướng gì.

 

*

Bài liên quan:

– Herbert Vogel, nhà sưu tập bằng đồng lương khiêm tốn, đã qua đời 
– Nhà Vogels: Một bộ sưu tập đáng mơ ước. Một tình vợ chồng đáng mơ ước.

Ý kiến - Thảo luận

13:24 Tuesday,14.8.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Đáng sống thế !
...xem tiếp
13:24 Tuesday,14.8.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Đáng sống thế ! 
13:22 Tuesday,14.8.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"...Khi họ mua tranh tôi, tôi gọi Sol và hỏi ‘Tớ nên bán cho họ theo giá nào đây?’”...“Và Sol nói, ‘Bỏ 3 số 0 và giảm nửa giá.’ ”

Hoan hô Sol, một lời khuyên chí lí và chí tình!

Hỡi các "méc" làng-TA, sao các cụ không zám bớt hẳn 4 số 0 và chỉ thu tiếp 1/3 chỗ zá còn lại với những người sưu tầm tranh vô-cung-hiu-hắt xứ mình, nhỉ?

Bi-kịch ghê gớm !
...xem tiếp
13:22 Tuesday,14.8.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"...Khi họ mua tranh tôi, tôi gọi Sol và hỏi ‘Tớ nên bán cho họ theo giá nào đây?’”...“Và Sol nói, ‘Bỏ 3 số 0 và giảm nửa giá.’ ”

Hoan hô Sol, một lời khuyên chí lí và chí tình!

Hỡi các "méc" làng-TA, sao các cụ không zám bớt hẳn 4 số 0 và chỉ thu tiếp 1/3 chỗ zá còn lại với những người sưu tầm tranh vô-cung-hiu-hắt xứ mình, nhỉ?

Bi-kịch ghê gớm ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hà Nội: bạn cần biết địch biết ta...

Lê Thị Liên Hoan (đạo diễn Lê Hoàng)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả