Điện ảnh

Tại sao mọi đứa trẻ 10 tuổi đều nên xem Spirited Away 20. 08. 12 - 6:19 am

Pha Lê tổng hợp

Poster của Spirited Away

 

Đây là một bài liên quan đến phim hoạt hình Spirited Away (Cuộc phiêu lưu của Chihiro) của đạo diễn Hayao Miyazaki, nhưng không phải là bài bình luận. Rất nhiều người đã xem phim này, đã thích, đã khen, nhưng gần như chưa có thực sự đánh giá, phân tích. Một số người xem phim và không hiểu phim muốn nói về cái gì, số còn lại có vài nhận định về môi trường và trẻ em. Dĩ nhiên, các học giả lẫn nhà nghiên cứu nước ngoài đã viết khá nhiều bài cũng như sách về bộ phim nói riêng cũng như Miyazaki nói chung. Nhưng các bài đánh giá đó khá là hàn lâm và toàn bằng… tiếng Anh. Tôi nghĩ, cũng nên có một bài phân tích Sprited Away bằng tiếng Việt, nhẹ nhàng thôi, không động chạm tới ai cả, chủ yếu tập trung vào bộ phim.

Khi bố mẹ không hoàn hảo

Mở đầu phim, gia đình bé Chihiro chuyển nhà đến thành phố khác sống. Cô bé – giống bao đứa trẻ trước ngưỡng cửa của tuổi vị thành niên khác – tỏ ra nhăn nhó, khó chịu. Lái xe lòng vòng một hồi, bố bé đi lạc vào một khu vui chơi (theme park). Phát hiện thấy một nhà hàng bày đủ các món hấp dẫn, bố mẹ Chihiro ngồi xuống ăn dù không thấy chủ tiệm hay phục vụ đâu cả. Bé Chihiro thấy khó chịu, bảo bố mẹ đi về, nhưng bố cô bé nói “Đừng lo, bố có tiền mặt và thẻ tín dụng”. Kết quả: bố mẹ Chihiro biến thành heo.

Cảnh bố mẹ Chihiro ăn uống thô lỗ (hình như một vài bố mẹ Việt Nam cũng thế).

 

Chúng ta hay cho rằng thế hệ bây giờ thế này thế kia, nhưng chính những thế hệ trước cũng có những cư xử không đúng mực: quan trọng tiền bạc, thích nhậu nhẹt ăn uống. Chúng ta hay nghĩ rằng mình là những ông bố bà mẹ hoàn hảo, nhưng đôi lúc chúng ta có những hành động khiến thế hệ trẻ bực mình và khiến con cái sợ. Sẽ có thời điểm mà bố mẹ trở thành “thứ gì đó” xa lạ với con cái. Bé Chihiro bắt đầu phải trải qua một bài học bắt buộc: tự tồn tại trong một thế giới khác, nơi bé không có bố mẹ bên cạnh. Sớm hay muộn thì mọi đứa bé cũng sẽ có cảm giác này: rằng chúng không hoàn toàn 100% hợp hay đồng ý với bố mẹ, rằng bố mẹ thật khó hiểu, đáng sợ, và rằng chúng sẽ phải tự mình sống cũng như làm việc trong một xã hội xô bồ.

Chihiro, Alice, và cái thế giới phức tạp

Spirited Away và tác phẩm Alice lạc vào xứ thần tiên có nhiều điểm giống nhau. Trước hết, cả hai câu truyện đều kể về một bé gái đi lạc vào xứ sở nửa kỳ cục nửa rùng rợn mà bé chẳng hiều gì cả. Mới đầu, luật lệ của thế giới này ra thế nào thì bé làm y vậy, không có đủ đầu óc để mà thắc mắc. Chihiro gặp một cậu thiếu niên tên Haku, cậu hứa sẽ giúp cô bé tồn tại và cứu lấy bố mẹ của mình. Cậu bảo Chihiro nín thở khi đi qua cầu, thế là bé nín thở; cậu bảo Chihiro đi xin việc làm tại nhà tắm công cộng, bé nghe theo. Tại đây, các loại “quái vật” và “thần thánh” tới tắm thư giãn. Quái vật trông dễ thương có, kỳ cục có, xấu không chịu nổi cũng có.

Chihiro được Haku giúp đưa qua cầu. Cô bé bắt đầu bị đẩy vào một thế giới khó hiểu với những con quái vật khó hiểu và luật lệ phức tạp. Điều này rất giống với tâm tư của một đứa bé khi chạm phải cuộc sống thực bên ngoài đó chứ?

 

Khi dấn thân vào một môi trường lạ lẫm, bất cứ đứa bé nào cũng sẽ thấy lạc lõng. Nhà tắm nơi Chihiro lao động chính là một xã hội thu nhỏ, với “bà chủ” – phù thủy Yubaba – ở tầng trên, và các nhân viên, khách hàng ở dưới. Mới đầu, những người này trông chẳng khác gì… yêu quái; nhưng dần dà, Chihiro nắm bắt được bản chất của từng người. Bé Chihiro nhận ra rằng ông người nhện nhiều tay Kamajii tuy trông gớm giếc nhưng lại có tình cảm. Chihiro bắt đầu phân biệt được tốt-xấu, và biết đánh giá mọi thứ theo cái bên trong chứ không theo vẻ bên ngoài.

Ông người nhện Kamajii làm việc tại nhà tắm của Yubaba. Mới đầu nhìn thì ai cũng sẽ khiếp, nhưng Chihiro đã nhận ra bản chất thật của Kamajii là một người tốt bụng.

 

Miyazaki từng nói rằng cuộc sống không chỉ đơn giản là “cái thiện thắng cái ác”, hay cái gì cũng đẹp; mà trong cuộc sống này, cái xấu có, cái tốt có; chúng ta luôn sống chung với tốt và xấu, nên điều quan trọng là nhận ra cái tốt. Sẽ tới lúc trẻ em lớn lên và đụng phải những cái gì kỳ cục, khó hiểu, nhưng từ từ rồi chúng sẽ hiểu. Chỉ cần để trẻ con biết cách nhận ra người tốt, biết lao động, thì chúng sẽ trở nên tự tin và sẽ tỏa sáng dù chúng có bị ép phải sống ở đâu đi chăng nữa.

Những thứ mất mà không mất

Những đạo diễn giỏi luôn có phong cách riêng, Speilberg làm phim theo kiểu Speilberg, còn Miyazaki làm phim theo kiểu Miyazaki, và phim của ông luôn có chung một ý nghĩa: những thứ chúng ta nghĩ rằng đã mất đi thực sự không hề mất đâu cả, chúng vẫn tồn tại. Chúng ta hay cằn nhằn rằng truyền thống ngày càng mai một, thiên nhiên ngày càng ô nhiễm. Miyazaki thì tin rằng chúng vẫn còn đó.

Trong “Spirited Away“, Chihiro phải giúp một ông khách tắm rửa sạch sẽ. Mới đầu, ông khách này bốc mùi, cơ thể mặt mũi chả khác gì đống bùn, nhưng sau khi được Chihiro và các nhân viên trong nhà tắm chung sức “tẩy uế”, vị khách hiện nguyên hình là một thần sông sạch sẽ. Bộ phim muốn nói con người đã làm ô nhiễm sông ngòi đến nỗi chẳng ai nhận ra sông là… sông, nhưng cũng ngụ ý rằng con sông thật ra chẳng mất đi đâu cả, vẫn còn đó, nếu chúng ta cùng nhau dọn rác, con sông xanh trong sẽ quay trở lại. Sau khi tắm xong, thần sông cũng thưởng cho Chihiro một món quà quý. Đây cũng là một điều mọi đứa trẻ nên học: nếu biết yêu và chăm sóc thiên nhiên, chúng sẽ được nhận lại nhiều điều hay ho.

Chihiro và thần “sông ô nhiễm”

 

Nhưng sau khi được mọi người chung sức tẩy rửa, sông ô nhiễm biến lại thành sông xanh sạch.

 

Miyazaki hay đặt niềm tin vào trẻ con. Ông tin rằng, nếu chúng ta có những đứa bé như Chihiro, những cái hay, cái đẹp, và tài nguyên thiên nhiên sẽ không mất đi. (Chỉ những người như bố mẹ bé mới làm mất hết mọi thứ). Trẻ con sẽ khiến một ngày nào đó, thiên nhiên quay trở lại, và theo đó truyền thống, cội nguồn cũng quay về.

Khả năng nhận biết và những thứ từ bên trong

Truyện Alice lạc vào xứ thần tiênSpirited Away có một kết thúc khá giống nhau. Bé Alice tìm ra đường về nhà sau khi hiểu ra mụ nữ hoàng độc ác không phải là nữ hoàng mà là một quân bài. Bé Chihiro cứu được bố mẹ vì bé nhận ra: bố mẹ không phải là heo. Bé thành công chẳng phải vì bé làm ra chuyện gì quá to tát như chiến thắng yêu quái hay cưới được hoàng tử, mà là vì bé tìm ra sự thật, và tự tin vào những gì mình hiểu là đúng là sai.

Cả bộ phim là một cuộc “đào thoát” của trẻ con. Thay vì bị bố mẹ ép “trở thành một người nào đó”, trẻ con đã tự khám phá ra những tiềm năng nằm sâu bên trong tâm hồn chúng; hoàn cảnh xô đẩy khiến chúng biết tự đánh giá, tự nhận biết sự thật của xã hội và cái đẹp trong thiên nhiên.

Bé Chihiro sung sướng đoàn tụ với gia đình sau khi vững vàng tìm ra được sự thật và nhìn thấy sự thật.

 

Chihiro tìm ra sức mạnh tiềm ẩn trong cơ thể mình, từ đó bé nhìn ra ma không phải là ma, và cái xã hội phức tạp, xô bồ mà bé bị đẩy vào đây che đậy bao nhiêu điều tốt đẹp. Khi “hiểu ra vấn đề” rồi thì cái phức tạp cỡ nào cũng sẽ hóa đơn giản, kể cả đó là thế giới của ma.

Nhiều nhà phê bình cho rằng đây là một bộ phim về một cô bé học cách “lớn lên”, nhưng theo tôi, đây là bộ phim về một cô bé tìm thấy những thứ “luôn tồn tại lù lù trước mặt nhưng không ai nhận ra”, những thứ nằm bên trong tâm hồn của bé, trong thiên nhiên, ngoài xã hội, những thứ tốt cũng như những thứ xấu. Và bé chọn thứ tốt để hướng tới, trưởng thành.

 

Ý kiến - Thảo luận

22:01 Saturday,3.9.2016 Đăng bởi:  Tâm
Cám ơn bài phân tích của bạn.
...xem tiếp
22:01 Saturday,3.9.2016 Đăng bởi:  Tâm
Cám ơn bài phân tích của bạn. 
21:31 Tuesday,22.12.2015 Đăng bởi:  Bạch
Mình đã xem phim này hơn 10 lần và phải nói sao nhỉ nó thay đổi cuộc sống mình khiến mình nhìn nhận vẻ đẹp bên trong và mình đã có 1 cuộc sống TUYỆT VỜI!!!!!! Mình muốn nói là CẢM ƠN vì đã phân tích bộ phim này cho mình hiểu
...xem tiếp
21:31 Tuesday,22.12.2015 Đăng bởi:  Bạch
Mình đã xem phim này hơn 10 lần và phải nói sao nhỉ nó thay đổi cuộc sống mình khiến mình nhìn nhận vẻ đẹp bên trong và mình đã có 1 cuộc sống TUYỆT VỜI!!!!!! Mình muốn nói là CẢM ƠN vì đã phân tích bộ phim này cho mình hiểu 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vì sao đại gia ta chưa bỏ tiền mua tranh ta?

Phạm Huy Thông - Nguyễn Hồng Sơn - Phạm Quốc Trung

Nghèo cũng phải cho Tèo đi học

Hieniemic - Tranh từ báo NLĐ

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả