Ăn uống

Ăn uống qua tranh: Ăn khoai tây luộc và dưa chuột muối kiểu Liên Xô 02. 09. 12 - 8:29 am

Pha Lê

Chủ đề “ăn uống” vẫn còn nhiều phức tạp, mỗi nước mỗi khác. Sau khi dạo một số tranh tĩnh vật vẽ món ăn của Bỉ, Hà Lan… mời mọi người làm một chuyến du lịch ẩm thực đến Nga.

Tác phẩm “Tĩnh vật vẽ hoa và rau”, Kateryna Bilokur, 1950. Họa sĩ này người gốc Ukraine, rất nổi tiếng hồi những năm 1930s, 1940s, là nghệ sĩ nhân dân của Liên Xô thời trước.

 

Thật sự là bức này, về mặt ăn uống thôi, rất khác với những bức tĩnh vật trước đây, đầu tiên là đạm bạc hơn hẳn, chẳng thấy thịt cá đâu cả, có lẽ sau chiến tranh, Liên Xô khi ấy còn nghèo…

Dĩ nhiên, món “bánh mì”, món không thể thiếu trong các bữa ăn Tây, cũng có mặt trong tranh này, nhưng bánh mì Nga khác nhiều so với các bánh mì khác. Dù rằng nước Nga không có nhiều loại bánh mì như nước Pháp (nào là Baguette, Brioche, Ficelle….), tuy nhiên bánh mì đen của Nga cực kỳ hấp dẫn và bổ dưỡng. Vỏ giòn, ruột vừa đặc, vừa dai, lại thơm mùi bột mì đen. Bột mì đen cũng tốt hơn bột mì trắng rất nhiều (giống gạo lức của mình tốt hơn gạo trắng), có đầy đủ vitamin, khoáng chất, lại lợi ích cho tiêu hóa. Bánh mì đen trong tranh chính là bánh mì đen thứ thiệt của Nga. Đừng thấy nó đặc vậy mà nghĩ nó khô, ai quen ăn bánh mì đen thì sẽ biết rằng nó có vị ngọt và thơm hơn bánh mì trắng, lại bổ dưỡng hơn.

Chiếc đĩa bên cạnh ổ bánh mì tròn đựng củ cải và dưa chuột ngâm chua – một món Nga phổ biến nữa. Củ cải (radish) này không phải củ cải trắng mà Việt Nam mình hay lấy để nấu hủ tiếu đâu; nó nhỏ hơn, có vỏ màu đỏ (hoặc đen), dùng để ăn sống. Mọi người có thể xắt lát củ cải ra (giống trong đĩa), rồi chấm hoặc trộn với mù tạt (mù tạt nằm giữa đĩa củ cải). Người Nhật thích trộn củ cải này với mayonaise hơn, còn người Pháp thì chấm muối, chấm bơ, hoặc chấm hỗn hợp dầu ô-liu và dấm đỏ (thường là dấm rượu vang hay dấm malt) thay vì dùng mù tạt, còn người Nga vốn thích mù tạt nên món này luôn xuất hiện trong bữa ăn.

Người Nga cũng thích dưa chuột ngâm chua, nên họa sĩ cũng vẽ hai quả dưa chuột trên rìa của đĩa củ cải. Đây là một nguyên liệu không thể thiếu trong món “quốc hồn quốc túy” xa-lát Nga*. Nhưng trong tranh không có xa-lát Nga, vậy hai quả dưa chua này dùng để làm gì? Mọi người nhìn vào cái thố đất to đựng khoai tây nhé.

Dưa chuột chua ăn chung với khoai tây luộc, đơn giản nhưng lại cực kỳ hấp dẫn. Nhưng cái gì cũng vậy, nghe thấy đơn giản, nhìn thấy đơn giản, nhưng làm thành một món đàng hoàng thì thường không dễ. Nếu nhìn kỹ, mọi người sẽ nhận ra rằng khoai tây luộc còn nguyên vỏ, đang bốc khói. Tại sao vậy? Vì nếu gọt vỏ và cắt khoai thành từng miếng để luộc cho mau chín, chúng ta sẽ làm mất hết vị ngọt của khoai và khiến khoai bị bở. Luộc nguyên củ khoai tây với vỏ tuy mất thời gian hơn, nhưng sẽ giúp cho khoai mịn và ngọt. Khi đặt khoai luộc vào tô và bưng ra bàn, người ăn sẽ dùng dao bóc vỏ. Vì khoai đã chín rồi nên vỏ sẽ tự bung ra một cách dễ dàng. Sau đó dùng dao xắt nhỏ khoai, trộn chung với dưa chuột chua, rắc tí muối, tí tiêu, rồi thưởng thức. Nếu thích, thực khách còn có thể thêm dầu ô-liu vào, còn không thì có thể thêm mù tạt hoặc mayonaise. Một số gia đình truyền thống hiện vẫn còn ăn theo cách này. Đây cũng là món các bà mẹ mang thai rất khoái, vì nó vừa chua chua, vừa béo béo, vị giác được cân bằng nên sẽ không bị ngán. Chúng ta hay cho rằng các anh chị Tây chỉ có ăn mỗi món khoai nướng, khoai tây nghiền, hoặc khoai chiên, nhưng thực tế thì khoai tây là một nguyện liệu dễ biến hóa, và có thể làm nên nhiều món ăn nhẹ nhàng.

Nhưng ăn uống như vậy thì khá là tốn mù tạt (giống người Việt Nam ăn cơm tốn nước mắm), nên các gia đình Nga hay có hũ đựng mù tạt trên bàn ăn (một số gia đình Pháp cũng thế). Chiếc hũ này nằm ngay đằng sau thố khoai tây luộc, với muỗng nhỏ để lấy mù tạt, còn chiếc bình nằm bên cạnh nhìn rất gống bình đựng sữa, vì người Nga rất thích sữa, váng sữa, cũng như các sản phẩm từ sữa; thích chả kém gì mù tạt và bánh mì đen.

Việt Nam mình vốn có quan hệ tốt với Nga từ xưa, các ông bà cụ nhà tôi cũng khoái món Nga, văn hóa Nga. Bây giờ nhìn thấy món ăn Nga trong tranh, tự dưng tôi lại đâm thèm, muốn ra siêu thị mua hũ dưa chuột chua về trộn khoai tây ăn.

*

Chú thích

Xa-lát Nga: gồm khoai tây, cà rốt, củ dền, đậu, xúc xích, và dưa chuột chua xắt nhỏ, trộn với Mayonaise.

Thông tin hữu dụng
Ở Hà Nội thì không biết, ở Sài Gòn, ngay ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai – Trương Định, tức bạn đi xuôi chiều theo Trương Định, vừa qua khỏi ngã tư này, tấp luôn vào bên tay trái, có một cửa hàng bán bánh mì đen của Nga, phó mát tươi của Nga (loại chưa trộn và loại đã trộn, rất ngon, để ăn với bánh mì), thịt nguội Nga, mỡ muối Nga (mấy cái này thì không được ngon lắm, so với đồ Pháp). Bánh mì đen ở đây thì đúng kiểu, rất đậm đà. Mỗi thứ 6 là cửa hàng có bánh mì mới.

Bạn nào ở Hà Nội, Vũng Tàu… biết chỗ bán thực phẩm Nga thì chia sẻ luôn nhé.

 

Ý kiến - Thảo luận

19:38 Friday,6.3.2015 Đăng bởi:  Nguyễn Vũ Thương Huyền
Ở Hà Nội em mua ở cửa hàng thực phẩm Matxcơva 1135 Đê La Thành điện thoại 0437752515. Nên gọi hỏi có bánh mỳ đen trước vì kg phải lúc nào cũng sẵn bánh ạ.
...xem tiếp
19:38 Friday,6.3.2015 Đăng bởi:  Nguyễn Vũ Thương Huyền
Ở Hà Nội em mua ở cửa hàng thực phẩm Matxcơva 1135 Đê La Thành điện thoại 0437752515. Nên gọi hỏi có bánh mỳ đen trước vì kg phải lúc nào cũng sẵn bánh ạ. 
6:01 Sunday,21.4.2013 Đăng bởi:  Candid

@Admin: Mọi người đã giải thích kỹ rồi em chỉ bổ sung là đến ở Nga cũng hay bị mua trứng cá rởm. Có cả một ngành mafia trứng cá, do sản lượng hạn chế, cầu luôn vượt cung. Ở Việt Nam chắc 99% là rởm. Ăn trứng cá rởm nó cứ trơn tuột như viên Trân Châu ít tanh và không béo. Em đư
...xem tiếp

6:01 Sunday,21.4.2013 Đăng bởi:  Candid

@Admin: Mọi người đã giải thích kỹ rồi em chỉ bổ sung là đến ở Nga cũng hay bị mua trứng cá rởm. Có cả một ngành mafia trứng cá, do sản lượng hạn chế, cầu luôn vượt cung. Ở Việt Nam chắc 99% là rởm. Ăn trứng cá rởm nó cứ trơn tuột như viên Trân Châu ít tanh và không béo. Em được ăn là cũng phải nhờ người mua từ Nga với giá rất đắt, đảm bảo nhất vẫn là mua của mafia.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả