Nhiếp ảnh

Những nhiếp ảnh gia chỉ đứng đó mà không giúp gì – phần 2 29. 08. 12 - 9:18 pm

Hoàng Lan dịch

Mọi người thấy nhan nhản những bức hình chụp nạn nhân của chiến tranh, của nghèo đói, của hủ tục; nhưng liệu có ai từng tự hỏi: những nhiếp ảnh gia ghi lại các mảnh đời này có giúp gì được cho các nạn nhân không, hay chỉ làm mỗi chuyện chụp hình? Sau đây là tâm sự của một số người:

(Phần 1)

Đâm, Oli Scarff

Tôi được sếp kêu đi chụp hình lễ hội Nothing Hill (ở London), vậy nên tôi tới sớm, ghi lại những màu sắc chói lọi và các con gà nướng. Rồi tôi thấy một nhóm 3 hay 4 người chạy đi đâu đấy. Không có việc gì để làm, nên tôi chạy theo để xem chuyện gì đang xảy ra.

Đó là một cảnh tượng hỗn loạn, và bản năng đầu tiên của tôi là chụp một vài tấm ngay tức khắc, để ghi lại diễn biến vụ việc. Đây là một phản xạ tôi tập cho mình: chụp một tấm trước khi bạn có thể hoàn toàn đánh giá mọi thứ. Sau đó, tôi hướng sự chú ý của mình vào nạn nhân bị đâm, và anh ấy đang chảy máu bê bết. Chỉ sau đó thì tôi mới phát hiện ra rằng hai tấm hình tôi chụp lúc đầu có bộ mặt của kẻ phạm tội (đang chạy) và một người đang cố gắng giơ chân để ngáng tên tội phạm té. Tôi ghi lại được cái giây phút hiếm hoi đó.

Nói thật lòng, ngay cả nếu như có biết được điều gì đang diễn ra, tôi không chắc rằng mình có đủ gan để giúp đỡ và đặt mạng sống của chính tôi vào một tình huống nguy hiểm như thế không.

 

Sau vụ đánh bom, Hampus Lundgren chụp

Tôi là một nhiếp ảnh gia tự do, và công việc đầu tiên của tôi là chụp ảnh cho một tòa soạn, nằm cách các văn phòng chính phủ ở Oslo khoảng một khu nhà. Khi quả bom phát nổ (vụ đánh bom ở Oslo hồi năm 2011), tôi quờ lấy cái máy ảnh trên bàn và chạy tới hiện trường.

Cảnh tượng này (trong hình) là cảnh đầu tiên tôi thấy. Đầu óc tôi ngưng hoạt động một chút, tôi nghĩ thế, vì tôi không nhớ rằng mình đã chụp nó. Tôi chỉ cảm thấy chất adrenaline chạy khắp cơ thể. Bà vợ đang ráng dựng người chồng của mình ngồi dậy, ông bị thương nặng, và cũng nhận được sự giúp đỡ của những người xung quanh. Tôi thấy rằng vài người đã chết. Tôi không biết cách sơ cứu, nên tôi nghĩ: việc mình có thể làm, và làm tốt nhất, là ghi chép lại vụ việc, để cho mọi người thấy được điều gì đã xảy ra.

Tôi gặp lại đôi vợ chồng một vài tháng sau đó để xem tình hình sức khoẻ của họ như thế nào. Họ nói với tôi rằng lúc đó họ rất giận vì việc đầu tiên họ nhìn thấy là một gã nhiếp ảnh gia nào đó đang chụp hình. Chuyện này khiến tôi cảm thấy tội lỗi, nhưng sau khi tôi đưa họ xem bức ảnh và trò chuyện với cả hai, họ nói rằng họ vui vì tôi đã chụp hình, do những tấm hình này đã giúp họ nhớ lại sự kiện của ngày ấy. Điều này đã giúp tôi nhiều, khi tôi biết rằng mình đã không lợi dụng họ.

 

Bạo động tại London, Kerim Okten chụp

Ngày 8. 8. 2011, ngày thứ ba của những cuộc bạo động ở London, tôi đang đứng tại khu Hackney, và tôi nhìn theo một đám người đi đến dãy cửa hàng buôn bán. Chắc chắn họ biết đâu là sạp báo* vì họ tới thẳng sạp, bẻ khóa của cửa sập, sau đó họ phá cửa ra vào, đi vô trong rồi cướp tất cả những thứ có giá trị: tiền, rượu bia, thức ăn, thuốc lá.

Dĩ nhiên, tôi muốn ngăn họ lại. Đây là miếng cơm của một người nào đấy. Tôi muốn hét lên, “Dừng lại! Tại sao mọi người có thể làm thế với hàng xóm của mình chứ? Mất trí rồi à?” Nhưng tôi không nói gì sất. Tôi chỉ chụp hình, rồi nói chuyện với các nhiếp ảnh gia khác và những người đang đứng dòm trên đường. Chúng tôi đều nói “Ai đó nên ngăn họ lại“. Nhưng không ai làm vậy.

Tôi cảm thấy buồn vì chuyện này. Tôi đã sợ hãi, nên tôi bám víu vào nhiệm vụ nghề nghiệp của mình. Bạn có cảm giác rằng mình bất lực, nhưng sức mạnh bạn nắm chính là công việc của bạn: thuật lại câu chuyện cho mọi người xem.

 

Nạn đói, Radhika Chalasani chụp

Một vài nhiếp ảnh gia và nhà báo có một cái nhìn bất di bất dịch: không bao giờ can thiệp vào chuyện gì, bởi công việc của bạn là làm người quan sát, và bạn có thể làm nên nhiều điều tốt nếu bạn chịu yên vị. Trước đây rất lâu, tôi đã quyết định rằng tôi sẽ phải làm những gì mà lương tâm mình chấp nhận được.

Có một gia đình ngồi dưới gốc cây, cách trung tâm cứu đói khoảng 3 mét, nhưng họ không đi được, họ hốc hác quá. Và một nhóm nhiếp ảnh gia đang đứng quanh họ để chụp hình. Tôi cũng chụp vài tấm, nhưng sau đó tôi đến trung tâm cứu đói và hỏi y tá, “Cô có thể giúp gì cho gia đình này không?“.

Nhưng cũng có những hoàn cảnh khác, khó khăn hơn nhiều. Dịp nọ, nhóm nhiếp ảnh gia đi đến một trại tị nạn bỏ hoang, và tìm thấy hiện trường của một vụ thảm sát. Vài đứa trẻ còn sống sót. Có một cặp sinh đôi nhỏ xíu trong chiếc lều: tôi cố gắng khuyến khích một đứa nắm lấy tay mình, nhưng sau đó phát hiện ra tay của chúng đã bị chặt mất.

Tôi và một nhiếp ảnh gia khác muốn đem mấy đứa trẻ lên xe. Một vài người thì nghĩ rằng nó không an toàn, trong trường hợp chúng tôi bị chặn lại ở trạm kiểm soát. Cuối cùng thì chúng tôi không đem đám trẻ đi, chúng tôi tìm thấy hội chữ thập đỏ và báo cáo tình hình lại cho họ.

Tôi tin rằng điều tốt nhất mà chúng ta đóng góp là khiến mọi người hiểu được những câu chuyện này. Và đôi lúc, ngay cả khi bạn ghĩ là bạn đang giúp người, nhưng thật sự thì bạn lại làm mọi thứ xấu hơn. Nhưng đối với tôi, bạn nên ráng làm những điều mà lương tâm của bạn cho phép bạn sống với chính mình.

*
Các sạp báo ở Anh có bán bia, thức ăn vặt, thẻ điện thoại, vé số v.v….

 

*

Bài liên quan:

– Những nhiếp ảnh gia chỉ đứng đó mà không giúp gì – phần 1 
– Những nhiếp ảnh gia chỉ đứng đó mà không giúp gì – phần 2

 

Ý kiến - Thảo luận

21:33 Wednesday,14.8.2013 Đăng bởi:  madam
Mình luôn nghĩ rằng đóng góp hay giá trị của một việc nào đó không tính bằng lượng. Đối với mình lựa chọn nào cũng có giá trị của nó, kể cả việc bạn quyết định không can thiệp vào một sự việc để làm tròn trách nhiệm là chụp ảnh, và bức ảnh của bạn có
...xem tiếp
21:33 Wednesday,14.8.2013 Đăng bởi:  madam
Mình luôn nghĩ rằng đóng góp hay giá trị của một việc nào đó không tính bằng lượng. Đối với mình lựa chọn nào cũng có giá trị của nó, kể cả việc bạn quyết định không can thiệp vào một sự việc để làm tròn trách nhiệm là chụp ảnh, và bức ảnh của bạn có thể giúp được hàng ngàn người khác cũng vậy. Cũng như vậy, việc một người chỉ có thể giúp được 1 người và một người giúp 1000 người về giá trị cốt lõi đối với mình là đều có giá trị như nhau, đều là một việc đáng trân trọng và đúng đắn. Còn thì đúng như trong bài viết, quan trọng đó là lựa chọn tốt nhất, đúng nhất với họ tại thời điểm đó và việc đánh giá nó có thể chính ta cũng không có đủ tư cách. 
0:37 Friday,31.8.2012 Đăng bởi:  kh.
Chuyện kể tại Bangla Desh trong thời kỳ nội chiến (1971), nhiếp ảnh gia Horst Faas (biệt danh Boum Boum) trở về KS. Ô kể với đầng nghiệp:
- Tôi thấy 1 phụ nữ sắp chết đói trong 1 đường mương, nhìn tôi đưa 2 tay lên cầu khẩn
Các bạn nhà báo hỏi:
- Thế anh cho bà ta cái gì?
Faas:
- 400 asa, 1/60 giây và 2.8 khẩu độ
Ô Faas mới qua đời, từng chụp nhiều ảnh nổi tiếng
...xem tiếp
0:37 Friday,31.8.2012 Đăng bởi:  kh.
Chuyện kể tại Bangla Desh trong thời kỳ nội chiến (1971), nhiếp ảnh gia Horst Faas (biệt danh Boum Boum) trở về KS. Ô kể với đầng nghiệp:
- Tôi thấy 1 phụ nữ sắp chết đói trong 1 đường mương, nhìn tôi đưa 2 tay lên cầu khẩn
Các bạn nhà báo hỏi:
- Thế anh cho bà ta cái gì?
Faas:
- 400 asa, 1/60 giây và 2.8 khẩu độ
Ô Faas mới qua đời, từng chụp nhiều ảnh nổi tiếng thời chiến tranh VN 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Thế nào thì dã man hơn?

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả