Điện ảnh

Hãy tò mò và yêu logic – Một bài điểm phim cho những người làm khoa học. 01. 10. 12 - 8:11 am

Jens Foells - Pha Lê dịch

Đây là một bài luận rất hay về hai phim hoạt hình nổi tiếng của năm 2010, bài do Jens Foells viết cho trang Overthinkingit, mời mọi người cùng đọc.

Poster của “Bí kíp luyện rồng”

 

Poster của “Công chúa tóc mây”.

Hai nhân vật chính của hai bộ phim hoạt hình nổi bật của năm 2010, How to train your dragon (Bí kíp luyện rồng – BKLR), và Tangled (Công chúa tóc mây – CCTM) có điểm chung là: họ khám phá ra những nguyên tắc cơ bản nhất của khoa học và biết sử dụng chúng để giải phóng chính mình ra khỏi môi trường sống ban sơ cũng như thay đổi xã hội của họ; thật giống cách mà các triết gia Hy Lạp cổ đã từng làm trước đây.

Cái từ “khoa học” thường nói về các phương thức nhất định mà chúng ta dùng để tìm hiểu thế giới tự nhiên xung quanh ta. Mọi việc – có thể lắm chứ – bắt đầu bằng chuyện một ai đó ngước nhìn lên bầu trời đêm, nhìn thấy những chuỗi chuyển động lặp đi lặp lại của các vì sao, và tự hỏi: những chuyển động này đang nói lên điều gì? Người Hy Lạp cổ khám phá ra rằng tất cả các vì sao di chuyển theo một hướng chung, có liên quan với nhau. Họ gọi chúng là hành tinh (planet) – theo gốc của chữ “kẻ lang thang” trong tiếng Hy Lạp, và tìm hiểu chuyển động của chúng bằng những công nghệ của thời đấy.

Sau đó, nhờ sự phát minh của kính thiên văn mà chúng ta có thể nghiên cứu kỹ hơn và mở ra một thời kỳ mới cho loài người. Isaac Newton nhận thấy rằng chuyển động của các hành tinh đi theo một luật lệ chung – và từ đó ông thiết lập ra định luật của lực hấp dẫn.

Trước khi có khoa học, con người đã cố gắng (một cách vô ích) diễn giải những cái tốt và cái xấu mà tự nhiên đem đến: từ sự thay đổi của thời tiết, mùa màng, đến động đất, âm nhạc, và tình yêu. Lúc quẫn trí, loài người “đổ” những thứ họ không hiểu lên đầu yêu quái, ma quỷ, hoặc thần tiên. Những vùng đất chưa khám phá luôn chứa nhiều bí ẩn. Bởi, theo những gì người xưa phỏng đoán, ngôi làng phía sau ngọn đồi của họ có thể là nơi dân tình bị những con bò sát có cánh và biết phun lửa tấn công.

Cậu bé Hiccup – nhân vật chính của Bí kíp luyện rồng – sống tại một thị trấn nhỏ tên Berk, nơi dân chúng thực sự bị những con bò sát có cánh và biết phun lửa quấy rầy (người dân gọi mấy con thú đấy với tên “rồng”). Bộ tộc Viking của thị trấn phải liên tục đánh trả, và trai tráng trong làng phải học cách tấn công và đánh bại loài thú dữ này. Hiccup thuộc dạng “dại chợ”, muốn-làm-một-viking-mạnh-mẽ nhưng cuối cùng thì phải dựa theo trí tuệ để giúp đồng hương đánh đuổi rồng chứ cậu không có sức vóc. Gần đoạn cuối của màn một là một cảnh quan trọng của phim: Hiccup tìm thấy một giống rồng lạ, trước đây chưa ai thấy con rồng nào như thế này. Cậu bé lợi dụng cơ hội để vẽ lại con rồng. Khi bắt đầu phác thảo những nét hình học, cậu nhận ra rằng mình vẽ sai: con rồng thiếu một phần cánh, và từ đó Hiccup kết luận rằng nó đang bị thương.

Dân Viking khiếp sợ rồng, cho rằng chúng là những con yêu quái mà họ phải giết.

 

Cảnh này không lột tả một họa sĩ vẽ tranh – người dùng con mắt sắc bén để vẽ con rồng chính xác ngay từ đầu (với đôi cánh hỏng). Trái lại, đây là hành động của một nhà khoa học. Nhưng dù có là gì đi chăng nữa, những suy nghĩ khoa học đầy lô-gíc là cái đã thôi thúc Hiccup trong suốt bộ phim. Cậu bé nghiên cứu con rồng lạ cũng như giống loài rồng một cách kỹ lưỡng, và cậu rất sốc khi phát hiện ra rằng từ điển bách khoa về rồng của dân Vikings chỉ hướng dẫn về cách đánh hạ chúng. Điều này đồng nghĩa với việc xã hội của cậu không cho rằng rồng là một sinh vật – một loài đáng để tìm hiểu rõ, thậm chí đáng thuần hóa – và người Vikings không hề cố gắng nghiên cứu rồng sâu xa hơn. Nhờ Hiccup có những hành động sáng suốt trong việc tìm hiểu về hành vi của loài rồng mà cậu bé đã đưa bộ tộc của mình ra khỏi bóng tối (của sự ngu dốt).

Hiccup thuần hóa được chú rồng mình phát hiện ra, cậu đặt tên nó là Toothless (không răng).

 

Rapunzel, nhân vật chính của phim Công chúa tóc mây, thì có một cuộc sống dễ chịu hơn Hiccup. Cô sống trong một môi trường an toàn tại một tòa tháp nằm sâu trong thung lũng, tách biệt với thế giới bên ngoài. Cô không có công cụ kỹ thuật cũng như chẳng cần phải tìm hiểu thiên nhiên tươi đẹp xung quanh, thực tế là chúng ta đâu có nghĩ rằng cô nàng sẽ tự mình có được những suy nghĩ khoa học đầy lô-gíc đâu nhỉ?

Tòa tháp của Rapunzel

Nhưng thực chất, có một sự việc khiến cô cảm thấy tò mò. Sau khi bỏ ra nhiều giờ đồng hồ trong tòa tháp, cô đơn ngắm trời đêm, cô nhận ra chuyển động định kỳ của các vì sao, thậm chí còn vẽ chúng lên trên tường. Thế nhưng, mỗi năm một lần, vào ngày sinh nhật của cô, một dàn sao kỳ lạ bay lên trời mà chẳng có sự giải thích nào. Năm tháng trôi qua, Rapunzel hiểu rằng sự kiện này không ăn nhập gì với những kiến thức về thế giới tự nhiên mà cô nghiệm thấy. Bản năng tò mò muốn khám phá đã thúc đẩy cô ra khỏi tòa tháp để nghiên cứu thêm. Giống Hiccup, cô phát hiện ra rằng thiên nhiên hoạt động theo luật, và giống Hiccup, cô sẽ hoài nghi và đặt câu hỏi khi chạm phải những gì đi trái với quy luật này.

Rapunzel vẽ cây, hoa, chim chóc, và các vì sao mà mình quan sát được lên tường.

 

Đây là những “vì sao lạ” mà Rapunzel thấy mỗi năm vào ngày sinh nhật.

 

Thật thú vị, hai nhân vật chính này có những tính cách phổ biến của hai dạng khoa học gia. Về Hiccup: từ tóc tai cho tới hành vi, Hiccup thuộc dạng mọt sách. Còn Rapunzel thì thuộc dạng trẻ trung và tràn đầy nhiệt huyết. Cô là hiện thân của những nhà thám hiểm mạnh mẽ cũng như tự lập trong lịch sử, tự mình nghiên cứu vì tò mò.

Cả hai bộ phim nói rằng, bạn không cần phải có bằng cấp hàn lâm gì để hành động như một nhà khoa học. Trái lại, bạn chỉ cần có một cái đầu nhạy bén và đủ quyết tâm để dùng nó. Thêm nữa, trong hai bộ phim, các phương pháp khoa học mà Rapunzel cũng như Hiccup sử dụng chính là cái đã dẫn dắt người xem đến tình tiết chính của câu chuyện. Thông điệp của phim thật rõ ràng, và đây cũng là thông điệp mà loài người chúng ta nên luôn ghi nhớ: Nếu không đi theo trí tò mò và không cố gắng giải thích hiện tượng tự nhiên một cách lô-gíc, chúng ta sẽ mãi mãi cô đơn trong tòa tháp, bị loài rồng ám ảnh, và lạc lõng trong cái thế giới mà ta sẽ không bao giờ hiểu.  

Và nghĩ thêm nữa, dù phim là phim hoạt hình, đơn giản, cho trẻ con xem, thì đó không phải là lý do để các nhà làm phim sáng tác ra những sản phẩm không có ý nghĩa gì và không tẩm bổ xíu nào cho đầu óc trẻ con.

 

Ý kiến - Thảo luận

15:33 Thursday,4.10.2012 Đăng bởi:  mười tạ

Cả hai phim đều đã xem và rất thích, nhờ bài viết mà hiểu được vì sao thích, cảm ơn Soi và tác giả!


...xem tiếp
15:33 Thursday,4.10.2012 Đăng bởi:  mười tạ

Cả hai phim đều đã xem và rất thích, nhờ bài viết mà hiểu được vì sao thích, cảm ơn Soi và tác giả!

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả