Nhiếp ảnh

Helen Levitt: nên thơ và hóm hỉnh 31. 08. 12 - 10:56 pm

M.Nha dịch

31. 8 (1913) là sinh nhật nhiếp ảnh gia Helen Levitt, người được mệnh danh là nhà thơ của những đường phố Mỹ.

 

Sinh ra và lớn lên tại Brooklyn, New York, Levitt bỏ học và bắt đầu vào nghề chụp ảnh năm 18 tuổi, làm việc cho một studio chụp chân dung ở khu Bronx.

 

Tại đây Levitt học các kỹ năng và làm quen với máy móc, nhưng nguồn cảm hứng để từ đó có được những bức ảnh thì bà lấy từ những cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, từ phim, từ sân khấu – (khác với nhiều nhiếp ảnh gia lấy cảm hứng tạo hình từ chính cái máy: hội chứng “say hình do say máy”).

 

Trong khi các nhiếp ảnh gia khác vào những năm 1930s chuyên tập trung vào đề tài bất công xã hội (tại Mỹ và ngoài Mỹ), Levitt xác định sẽ hiến cả đời cho những con phố, những con người chỉ quanh quẩn cách bà có vài khu nhà. (Về sau, bà còn nổi tiếng với những bức ảnh chụp đời sống đường phố một thành phố khác: Mexico City.)

 

Levitt say mê cuộc sống – điều đó thể hiện rõ nét trong mọi việc bà làm, trong từng bức ảnh bà chụp. Thẩm mỹ và sự hóm hỉnh của bà đến rất tự nhiên, uyển chuyển trong bố cục hình, màu hình.

 

Bà là một trong những người tiên phong của chụp ảnh màu, vào năm 1959, khi nhận được một gói tài trợ của Guggenheim để theo đuổi đề tài đường phố quen thuộc nhưng đổi từ trắng đen sang màu.

 

Levitt biết kết hợp giữa trực giác với tri thức để tại nên những bố cục hấp dẫn. Ảnh của bà vừa tinh tế, vừa chân thực, vừa giàu chất liệu, và bí ẩn; nhiều tình yêu mà không “ủy mị”.

 

70 năm trời đeo đuổi ước mơ không bao giờ cạn, truyền cảm hứng cho biết bao nhiêu thế hệ nghệ sĩ, bà qua đời năm 2009, để lại một di sản khổng lồ và nên thơ.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vì sao nên tài trợ cho nghệ thuật?

Robert Hewison - Ngọc Trà dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả