|
|
|
|||||||||||||
Thị trườngVì sao Brillo Box đắt giá? 12. 09. 10 - 2:10 amNgọc Trà dịch
Brillo Box, 1964 Phillips de Pury & Company: * Về tác phẩm, nhà Phillips de Pury&Company “bình” như sau: Vào năm 1963, Warhol chuyển sang một studio mới, nơi này chẳng mấy chốc nổi tiếng với cái tên The Factory (“Công Xưởng”). Cái tên đại diện cho loại tác phẩm mà Warhol “sản xuất” ở đó, sử dụng những hình ảnh phổ biến của các celebrity và những thứ “sản xuất hàng loạt” để thách thức định nghĩa cứng nhắc của cái được coi là nghệ thuật. Các tác phẩm của Warhol khắc họa những chủ đề “đầu bảng” của văn hóa bình dân và tiêu dùng, như Marilyn Monroe, Jacqueline Kennedy, các lon xúp Campbell, và Hộp Brillo. Ông sẽ mãi được nhớ đến như một người đã xóa mờ ranh giới giữa các món đồ tiêu dùng được sản xuất hàng loạt với các quy chuẩn của nghệ thuật, thay đổi quy ước của nghệ thuật và cả thị trường nghệ thuật. Warhol tiếp tục sử dụng các nhân vật và đối tượng chủ đạo ấy trong tác phẩm của mình mãi đến khi mất vào năm 1987. Các đối tượng trước giờ vẫn hay bị bỏ qua vì tính tầm thường của nó giờ đang la hét đòi được chú ý thông qua những cách trưng bày khác thường. Đây là một nỗ lực để lột trần sự thật về một thứ văn hóa tiêu dùng hàng loạt. Warhol đã đưa ra những câu hỏi mà người ta không thể phớt lờ được nữa. Vào năm 1964 Warhol triển lãm series Brillo Box đầu tiên tại một triển lãm solo ở Sable Gallery, New York bên cạnh những chiếc hộp khác mô phỏng các hộp đựng Nước Ép Cà Chua Campbell, Nước Trái Đào Cắt Đôi Del Monte, Tương Cà Chua Heinz. Các hộp này đều được làm bằng gỗ, bằng đúng kích cỡ của hộp thật cùng với nhãn mác tương ứng. Với người xem, những cái hộp này trông giống hệt đống hộp vẫn có trong bất kỳ cửa hàng nào. Warhol cũng đã sử dụng những phương pháp trưng bày khác thường cho các lon xúp Campbell lẫn các hộp bột giặt Brillo để tối đa hóa việc kết nối chúng với sản phẩm gốc. Các lon xúp được trưng bày thành hàng nối tiếp, như thể trong một cửa hàng thực phẩm. Các hộp Brillo là một khối ba chiều, đặt thành chồng đúng như khi bán trong các siêu thị. Bằng cách xếp đặt tác phẩm theo một phương thức không chính thống, Warhol lại càng tách rời chúng khỏi thế giới của nghệ thuật truyền thống. Việc sử dụng những nhãn hiệu “nhà nhà quen tên” như thế cho thấy “cái khung thương mại ẩn sau những không gian nghệ thuật tinh khôi của các bảo tàng và gallery, cùng lúc dí cái mũi của nghệ thuật ‘cao cấp’ vào sự lộn xộn trần trụi của nhà kho siêu thị” (P. Walsh, “Brillo Boxes”, Quỹ Andy Warhol vì Nghệ thuật Thị giác, 1998). Không quá ngạc nhiên, sự phá cách này đã không được đón nhận tích cực ngay lập tức. Rất nhiều nhà phê bình cảm thấy rằng với tư cách một nghệ sĩ, Warhol đáng ra phải đi mà tự sáng tạo lấy các hình ảnh của riêng mình hơn là rập khuôn nguyên xi hình ảnh của người khác, đặc biệt là những hình ảnh dùng làm nhãn mác cho các sản phẩm thương mại. Các nhà phê bình tác phẩm của Warhol tin rằng việc sử dụng nhãn mách kiểu đó đã hạ thấp tính nghiêm túc của nghệ thuật. Chiếc hộp Brillo của Warhol “đã đặt một câu hỏi cuối cùng và hoàn toàn rõ ràng: làm thế nào một thứ có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật khi mà một thứ khác giống nó gần như đúc thực chất chỉ là một vật dụng, một đồ tạo tác, mà không phải là một tác phẩm nghệ thuật? Tại sao Brillo Box lại là một tác phẩm nghệ thuật khi mà mấy cái thùng carton Brillo trong nhà kho kia chỉ là thùng đựng bánh xà phòng?” (A.C. Dando, “Andy Warhol: Brillo Box” Diễn đàn Nghệ thuật, New York, 1993). Từ đó nảy sinh một câu hỏi mang tính triết học khác liên quan đến mỹ học và tương lai của nghệ thuật. Mấy cái hộp của Warhol đã tiếp nối cuộc tranh luận được châm ngòi từ việc sử dụng những thứ đã có sẵn (ready-made): liệu bối cảnh tạo nên một đối tượng và trưng bày đối tượng có đủ để xếp đối tượng ấy vào hàng nghệ thuật hay không. Trong lúc mấy cái hộp của Warhol có vẻ như làm dấy lên (lại) những câu hỏi hồi tác phẩm Fountain của Marcel Duchamp từng làm dấy liên, thì dĩ nhiên lần này, sự khác nhau cơ bản là mấy cái hộp Brillo hoàn toàn không phải là “đồ vớ được” (found objects), mà là những thứ làm bằng tay, được tái tạo một cách công phu bằng một phương tiện khác. Với dự án này, Warhol đã làm mờ hơn nữa ranh giới giữa nghệ thuật làm-sẵn và nghệ thuật truyền thống bằng cách bước vào công việc sản xuất nghệ phẩm đáng được ghi nhận, chỉ bằng cách nhái lại một vật phẩm tiêu dùng đã được sản xuất hàng loạt. Warhol không chỉ nối dài thêm cuộc tranh cãi về vị trí của ready-made trong thế giới nghệ thuật mà Duchamp khơi mào, ông còn mở rộng những ý tưởng trước đó ông đã khai thác trong các biến thể của bộ lon xúp Campbell. Nếu những Lon Xúp từng được tung hô là mang tính cách mạng do việc dùng sản phẩm tiêu dùng làm đề tài sáng tác, thì với những hộp xà phòng Brillo, Warhol còn tiến một bước xa hơn nữa. Mặc dù bộ Những Lon Xúp đã đưa ra một cách làm mới là dùng ‘trắng trợn” các vật dụng thông thường, tác phẩm vẫn được thực hiện qua một phương tiện truyền thống là vẽ trên canvas. Còn bộ hộp của Warhol, mặc dù được làm bằng gỗ, trông vẫn giống y hệt mấy cái hộp trong siêu thị. Với tác phẩm này, Warhol buộc công chúng phải mở rộng hơn nữa ý niệm cái gì làm nên nghệ thuật bằng cách cho “nghệ thuật” của mình trông có vẻ rất thương mại, thậm chí là nông cạn. Có một khác biệt chủ chốt giữa tác phẩm của Warhol và các sản phẩm mà chúng “nhái” lại: mấy cái hộp của Warhol hoàn toàn rỗng. Bằng cách để hộp rỗng không có sản phẩm được ghi trên bao bì, ông đã đưa ra một nhận định tinh tế nhưng mạnh mẽ về tầm quan trọng của hình ảnh và của quảng cáo trong thế giới hiện đại. Thông qua tác phẩm này Warhol hình như lập luận rằng sản phẩm là gì không quan trọng, quan trọng là chúng được đóng gói như thế nào và chuyển tải hình ảnh gì. Tác phẩm này là biểu tượng cho sứ mệnh của Warhol là thách thức khái niệm cái gì định nghĩa nghệ thuật và những thái độ mà nghệ thuật mang lại. Tên tuổi Warhol đồng nghĩa với Phong trào Nghệ thuật Bình dân (Pop Art), và tác phẩm đấu giá hôm nay cho thấy rõ lí do vì sao. Với tác phẩm tiêu biểu này, Warhol dùng thứ sản phẩm được sản xuất hàng loạt, tách rời nó ra khỏi bối cảnh người ta định sẵn cho nó và tái tạo nó thành một tác phẩm nghệ thuật, một tác phẩm điêu khắc. Cùng với trào lưu Pop, Warhol thực sự đã mang đời sống và nghệ thuật lại gần nhau hơn, và từ đó vĩnh viễn thay đổi một cách triệt để định nghĩa cũng như những giới hạn của nghệ thuật.
* Bài liên quan: – Bạn đã làm tôi nhớ Andy Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|