Gẫm & Bình

Tôi thấy thích khi xem “The Form”… 24. 09. 12 - 8:19 pm

Gouache & Acrylic

The form 2, 145 x 185cm, sơn dầu trên bố, 2012

THE FORM
Triển lãm cá nhân của họa sĩ Trần Minh Tâm

Khai mạc: 18h – 21h thứ Bảy 15. 9. 2012
Thời gian triển lãm: 15. 9 – 15. 10. 2012 (9h – 20h, hàng ngày)
Địa điểm: Cactus Gallery (17/12 Nguyễn Huy Tưởng, P.6, Q. Bình Thạnh, TP.HCM)
Email: info@cactusartgallery.com

 

Cactus Gallery hóa ra rất gần “trung tâm” – tức gần trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Giả định rằng nếu đã là sinh viên trường này thì sẽ không bỏ qua bất kỳ triển lãm lớn nhỏ nào có trong thành phố…

Nhưng có vẻ không phải như thế… Nhân viên trực gallery nói hôm khai mạc thì đông, nhưng những ngày sau chỉ lai rai. Tôi thấy tiếc nếu các bạn sinh viên mỹ thuật, cho đến ngày kết thúc triển lãm, vẫn chưa nhìn thấy tận mắt những bọc nilon cột dây này của Trần Minh Tâm.

*

Hôm ấy, ba người đi cùng đều không thích. Người thì nói đơn điệu, người nói chẳng khác gì bài vẽ của sinh viên giỏi trong lớp, người lại chê khiên cưỡng… Nhưng tôi thấy tranh trong The Form là những tác phẩm tốt, về nghề.

Có hai gian triển lãm tất cả. Tranh rất to, (hôm ấy quên đo); mỗi tranh chỉ là một bọc nilon, cái có cột dây đơn giản, cái thắt eo phức tạp thành hình người (mặc đồ lót), nhưng từng cái bọc nước ấy được phóng to thật là to, gây cảm giác bối rối cho người xem vì ánh sáng như gần hơn, đập vào mặt. Tuy nhiên, cái giỏi của Tâm là vẫn giữ cho đó là những hình khối căng mềm, tạo cảm giác nhẹ nhàng mà mạnh mẽ.

Người bạn đi cùng chê màu của cả phòng tranh nhìn xam xám, trăng trắng, chán chết. Tranh thì phải hấp dẫn về màu chứ, dù đơn màu… Nhưng tôi lại nhìn thấy ở Tâm một sự say mê thách thức – thách thức về ánh sáng, về khối lớn, về màu.

Trong The Form, sáng tối có phân mảng, lại đan xen bằng mảng miếng tinh tế, tự nhiên nên tuy là một bịch nước, một “chất”, nhưng lại không bị đơn điệu, vẫn giữ được độ sinh động của nước; (nước thì có bao giờ là đơn điệu, dù chỉ lặng im trong một cái thau!).

Những bức tranh to vậy mà nhìn bề mặt tranh, dù xa hay gần, chất sơn cũng không bị khô. Cứ nghĩ Tâm đã giữ được một mức năng lượng ổn định đến thế nào khi đi những đường cọ suốt một bức tranh dài mà vẫn giữ được cách vờn khối phóng khoáng, đơn giản, không gây cảm giác người vẽ mệt mỏi, lì cảm xúc…

Về màu, rõ ràng Tâm chủ đích tiết chế màu, và chủ đích này cũng mang một ý nghĩa nào đó. Làm sao màu ít mà không nhạt, đó không phải là điều dễ làm.

The form 4, 185 x 290cm, sơn dầu trên bố, 2012

*
Tôi vẫn nghĩ tĩnh vật là một thể loại mà người vẽ phải rất “gan” mới dám thực hiện. Làm sao trong một vật tĩnh mà thấy được cái động của lòng mình? Chọn vật nào để nó vừa là hình, vừa là biểu tượng? Vẽ làm sao để tự nhiên như nhiên mà lại không sa vào tự nhiên chủ nghĩa, kiểu vẽ chỉ để vẽ (tả hình)?

Tâm đã chọn được bịch nước. Bịch và nước. Một thách thức lớn vì cả hai thứ đều trong veo, có vẻ nhạt nhẽo. Nhưng tôi không thấy Tâm bị quá sức khi mô tả vật, không bị cảm giác khổ công, gò ép cho vật mang được ý nghĩa, vậy mà vẫn có hiệu quả. Và vẫn đầy ý nghĩa…

Nước là tình cảm của tác giả. Bịch nilon giữ lại những điều ấy. Sợi dây là sự ràng buộc (hay kết nối) với thế giới bên ngoài. Hình thức (vật) với nội dung (ám ảnh tác giả) đã là một.

Người ngoài nghề thường hay thắc mắc, sao không vẽ cái này, sao không vẽ cái kia?… Quanh ta lúc nào chẳng có hàng vạn thứ có thể vẽ, nhưng như lời một bài hát, có những điều ta “nhìn mà không thấy”, và ta chỉ vẽ được những cái ta “thấy”. Đó có thể là những điều rất bình thường nhưng bỗng một ngày ta phát hiện được, “thấy” được vẻ đẹp và giá trị sống của nó. Xét cho cùng, đó là thú vui mà cũng là nhiệm vụ của người nghệ sĩ: đi tìm cái đẹp bên trong, bộc lộ nó ra cho người khác cùng thấy. Vả chăng, người nghệ sĩ không phải là người thợ vẽ đơn thuần. Mục đích của họ tuy cũng là ghi lại bằng hình những điều từ cuộc sống, nhưng đó là điều mà họ bị ám ảnh và họ thấy xúc động. Tôi nghĩ ở The Form, Tâm đã “thấy” nước, thấy sự bùng nổ tiềm ẩn đầy đe dọa của nước.

The form 3, 145 x 185cm, sơn dầu trên bố, 2012

*
Đi xem tranh với người ngoài nghề có những cái rất khác với người trong nghề. Người ngoài nghề thường khen chê đẹp xấu theo một con mắt… đẹp xấu. Người trong nghề thì lại tìm đến yếu tố “mới hơn”, “khác đi” trong tác phẩm của đồng nghiệp. Nhất là những nghệ thuật đương đại nở rộ, thách thức người nghệ sĩ phải sáng tạo phức tạp hơn, đan xen (ý tưởng, đặt vấn đề, giải quyết, bút pháp, màu sắc, chất liệu, hình khối…)

Tôi thấy, tóm lại, Trần Minh Tâm tìm được “chủ thể” mới, hình thức riêng, mà vẫn bảo toàn được kỹ thuật vẽ, tài vẽ. Lại nghĩ, trong sáng tạo, thấy được điều “mới” là điều kiện cần, còn có được cái tài, cái riêng của tác giả chính là điều kiện đủ cho một tác phẩm tốt. Còn thiếu một trong hai thì sao? Chẳng phải đa phần chúng ta đều thế sao?…

 

*

Bài liên quan:

– THE FORM – Trần Minh Tâm gói, buộc, chuyển phát nhanh 
– Tại “The Form”: Xuất hiện nhiều nhà sưu tập
  
– Xem The Form của Trần Minh Tâm: Tôi thấy thích…

 

Ý kiến - Thảo luận

12:18 Tuesday,25.9.2012 Đăng bởi:  Y-kien-y-co
Bạn "người xem tranh" nói vi tế quá, mình không rõ: tức là tranh Tâm giống với tranh trong quyển tạp chí Mỹ thuật 1995? Hay từ ngày ấy tranh Tâm đã có trên tạp chí rồi. Mong bạn nói rõ để tránh hiểu lầm tai hại. Trân trọng.
...xem tiếp
12:18 Tuesday,25.9.2012 Đăng bởi:  Y-kien-y-co
Bạn "người xem tranh" nói vi tế quá, mình không rõ: tức là tranh Tâm giống với tranh trong quyển tạp chí Mỹ thuật 1995? Hay từ ngày ấy tranh Tâm đã có trên tạp chí rồi. Mong bạn nói rõ để tránh hiểu lầm tai hại. Trân trọng. 
12:01 Tuesday,25.9.2012 Đăng bởi:  người xem tranh

Tôi không nhớ đến một từ trong bản giới thiệu về triển lãm. Nó có thể trôi tuột từ tai này sang tai bên kia, dù vậy tôi cũng không quan tâm lắm. Nhưng tôi vẫn thấy tuyệt khi xem loạt tranh mới của anh. Điều đó gọi là tình cảm thị giác. Từ này không phải tôi nghĩ ra, tôi đã thấy nó từ lâu trong quyển tạp chí Mỹ Thuật của Hội Mỹ thuật từ năm 1995.
Tôi t
...xem tiếp

12:01 Tuesday,25.9.2012 Đăng bởi:  người xem tranh

Tôi không nhớ đến một từ trong bản giới thiệu về triển lãm. Nó có thể trôi tuột từ tai này sang tai bên kia, dù vậy tôi cũng không quan tâm lắm. Nhưng tôi vẫn thấy tuyệt khi xem loạt tranh mới của anh. Điều đó gọi là tình cảm thị giác. Từ này không phải tôi nghĩ ra, tôi đã thấy nó từ lâu trong quyển tạp chí Mỹ Thuật của Hội Mỹ thuật từ năm 1995.
Tôi thấy tuyệt vời khi nhìn một màu vàng mỏng mảnh cắt ngang bức tranh, sợi tím, sợi xanh hay sợi đó cũng như thế, chạy dài hay xéo qua xéo lại trên nền xám trắng. Mà nền xám trắng cũng đẹp nốt, tinh tế đan xen cạnh nhau. Các hình thể cô đọng, đơn giản và đẹp.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nói lại với Mỹ Ngọc

Người xem Hà Nội

Tâm vận động theo bút

Phan Cẩm Thượng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả