Nghệ sĩ Việt Nam

Bi kịch của loài chim cánh cụt28. 09. 12 - 6:38 am

Lời: Phó Đức Tùng – Tranh: Vũ Tuấn Kiệt

Linh điểu châu Phi

Ngày xưa, có một loài linh điểu sống ở những vùng đất trù phú nhiệt đới châu Phi. Chúng có bộ lông ngũ sắc lộng lẫy như cầu vồng và trí tuệ tuyệt luân, được coi là chúa tể các loài vật. Linh tính kết tụ ngàn đời cho phép chúng có được một dự cảm về tương lai xa của trái đất và muôn loài.

Chúng biết rằng một ngày kia, những cánh rừng nhiệt đới châu Phi sẽ biến thành hoang mạc. Hoang mạc này sẽ lan rộng dần khắp thế giới và tất thảy sẽ tuyệt diệt.

Chúng cũng biết rằng ở hai cực Bắc Nam của trái đất, nơi băng tuyết phủ kín quanh năm, vốn không sinh vật nào có thể sống được thì hằng năm, vào lúc cực điểm của âm khí, tức là tận cùng ngày đông chí, khí dương sẽ được sinh ra. Tại thời điểm này, hai cực sẽ phát hào quang rạng rỡ màu cầu vồng, mà người ta có thể thấy được, gọi là tia cực quang. Và cũng tại thời điểm này, thế giới có được một đường liên thông với thượng giới vĩnh hằng.

Loài linh điểu kia còn dự cảm được chúng là cứu cánh duy nhất của thế giới, là loài duy nhất có thể tới được hai cực của trái đất và có thể tìm được con đường lên thượng giới. Khả năng đó có liên quan tới bộ lông cánh của chúng, bởi lẽ chúng thấy được sự đồng điệu giữa bộ lông cánh của chúng với màu sắc cầu vồng và màu sắc của cực quang.

Loài linh điểu vì thế quyết tâm tìm đường tới hai cực để tự giải thoát mình, đồng thời giải thoát thế giới.

Trớ trêu thay, con đường duy nhất để tới được những vùng băng tuyết vĩnh hằng của hai cực lại là đường biển chứ không phải đường không hay đường bộ. Không có dải đất nào nối tới hai cực. Trên không, nhiệt độ không khí hạ xuống quá thấp tại khu vực gần cực, gió lốc dữ dội, khiến cho không một loài chim nào có thể bay tới vùng đó mà máu không bị đóng băng.

Chỉ có nước là luôn giữ được nhiệt độ 4 độ C, ngay cả khi ở gần những vùng băng tuyết vĩnh cửu, bên dưới những dòng sông băng khổng lồ. Bởi thế, muốn tiếp cận băng cực, dứt khoát chỉ có con đường lặn dưới nước. Đường biển rất dài, gian truân. Muốn lặn được tới băng cực, cần phải có vây như cá, hoặc bơi chèo, và phải có thân hình hợp với thủy động học; không thể mang theo một bộ lông cánh rực rỡ lòe xòe. Những con linh điểu biết: muốn tới được băng cực, cần vứt bỏ bộ lông cánh cầu vồng, khoác vào mình một bộ áo quần thợ lặn, khiến cho chúng có hình dạng như những trái ngư lôi. Chỉ có điều, khi tới được băng cực rồi, chúng còn phải đi bộ và không thể tiến nhanh tới trung tâm của cực được. Đường bộ này cũng rất nguy hiểm và gần như không thể vượt qua, vì băng tuyết mênh mông, chẳng có gì để ăn. Vả lại, cho dù có tới được tâm cực, chúng cũng không còn bộ lông vũ cầu vồng, chìa khóa để chúng có thể hòa nhập với tia cực quang, tìm đường lên thượng giới.

Sau nhiều kiếp tư duy, loài linh điểu nghĩ ra một kế. Chúng thay phiên nhau cõng con của mình vượt biển tới băng cực. Chim con lúc nhỏ còn chưa mọc lông vũ. Khi tới băng cực, bộ lông vũ mới bắt đầu chớm mọc. Sau đó, với sự hỗ trợ của bố mẹ, chim con có thể tới được tâm cực, tìm đường giải thoát, thực hiện ước mơ muôn đời của giống nòi, của cha mẹ chúng. Như vậy, khi xuất phát, chim bố mẹ đã biết mình phải hy sinh đời mình, ước mơ của mình, vứt bỏ đi bộ lông vũ lộng lẫy và rời bỏ địa vị vương giả đang có để cõng đứa con nhỏ vượt muôn ngàn trùng dương tới bờ băng cực, với hy vọng con mình sẽ tới được tâm cực.

Quyết định này của chim bố mẹ là một nghĩa cử lớn lao và bi ai, nên được cử hành hết sức nghiêm túc, trọng thể, với sự chứng kiến và tôn vinh của muôn loài. Sự ra đi của vua và hoàng hậu linh điểu được coi như quốc tang. Sau lễ chia tay, chim bố mẹ chọn một bộ đồ thợ lặn màu đen tang tóc, để chứng tỏ quyết tâm rời bỏ chốn phù hoa, coi đời mình như đã chết, dành toàn bộ sức lực phù trợ chim non. Chim con cũng được chứng kiến. Nó biết về địa vị của giống nòi mình và vô cùng cảm động trước sự hy sinh cao cả của bố mẹ.

Sau nhiều ngày tháng gian truân, lặn lội trong sóng dữ, chim bố mẹ đã đưa được chim con đến bờ băng cực. Chúng lạch bạch tiễn đưa đứa bé một đoạn đường dài trên băng giá, cũng để chờ đợi chim non mọc ra bộ lông vũ cầu vồng. Trong thời kỳ này, chim bố mẹ chắt lọc mọi tinh chất trong người mình, thay phiên mớm cho chim non để nó có thể sống và mọc lông, vì trên băng chẳng còn thứ gì để ăn nữa. Chim bố mẹ gầy sút đi trông thấy, bước chân của chúng chậm dần…

Một ngày kia, chim bố mẹ kiệt sức, dừng lại, gạt nước mắt và bảo chim non: con hãy ăn thịt bố mẹ, vì bố mẹ đằng nào cũng chết. Với nguồn năng lượng đó, con có thể đi tiếp tới tâm cực. Hy vọng lúc đó, bộ lông của con đã mọc ra đầy đủ, và con sẽ có cơ hội tìm đường lên thế giới vĩnh hằng. Chim non khóc ngất. Nó không nỡ ăn thịt bố mẹ. Nó cũng không chắc nếu ăn thịt bố mẹ thì có đủ sức tới được tâm cực không. Và nếu tới được tâm cực, tự giải thoát được, thì giống nòi của nó từ nay tuyệt diệt. Cái giá phải trả quá lớn. Cuối cùng, nó quyết định vặt những cái lông măng mới nhú đầy chất dinh dưỡng của mình, nhét cho chim bố chim mẹ ăn, rồi dìu bố mẹ trở lại bờ biển.

Chim cánh cụt cõng con vượt biển

Mấy tháng sau, bọn chim đã bắt đủ cá tôm, bồi bổ sức khỏe và lên đường trở về quê hương. Nhưng ở đó, chúng không dám ra mắt thiên hạ nữa, vì chúng không còn mặt mũi nào trở về làm vua, sau bao nhiêu hy vọng đã tiêu tan, và bộ lông cánh rực rỡ cũng không còn. Chúng lang thang ở những hốc đá ven biển, chờ lứa con mới ra đời rồi lại lặn lội cõng nó đến băng cực, dìu dắt nó trên băng, hy vọng nó tới được tâm cực, thực hiện giấc mơ của bố mẹ, ông bà. Thế rồi với tình nghĩa muôn thuở, bi kịch lại lặp lại, cả đám lại dắt nhau trở về xứ ấm, để chờ đợi đặt hy vọng vào lứa con sau…

Cứ thế lâu dần nhiều đời, không còn loài linh điểu rực rỡ ngày nào nữa. Những chim non cũng mất dần khả năng mọc lại bộ lông vũ, và cũng có thể tự bơi, không cần phải cõng, tất nhiên không phải từ lúc mới nở ra.

Loài chim cánh cụt định hình, và vẫn giữ thói quen di chuyển từ vùng ấm đến băng cực, lũn cũn đi bộ một đoạn, ngắm nhìn tia cực quang, rồi lại lũn cũn trở về biển, quay về vùng ấm, để rồi nuôi dưỡng tiếp hy vọng cho đời sau. Cũng vì vậy, loài chim cánh cụt luôn mặc đồ tang, và có thói quen mang con đi theo, (mặc dù nhiều khi do sinh ra ở băng cực nên chim bố mẹ không cõng con trên lưng nữa mà cho con đứng lên chân mình rồi bước đi).

 

*

Bài tương tự và về Vũ Tuấn kiệt, mời các bạn đọc thêm:

– Bi kịch của loài chim cánh cụt
– Giun và gà
 
– Sự tích cây tu ti
 
– Truyện sông Ngân, hay nguồn gốc của từ “tay chân”
– Truyện con lợn thứ mười ba và sự tích hoa ngũ sắc

– Khai mạc KIỆT: “Thằng bé này quái thật!”
 
– Buổi treo tranh của Vũ Tuấn Kiệt tại LUALA Concert Xuân-Hè