|
|
|
|||||||||||||
Văn & ChữTruyện sông Ngân, hay nguồn gốc của từ “tay chân” 20. 10. 12 - 7:16 amTruyện: Phó Đức Tùng - Tranh: Vũ Tuấn KiệtNgày xửa ngày xưa, tại một vùng đất nọ có một dòng sông kỳ lạ gọi là sông Ngân Hà. Nguyên sông này vốn là một dòng thủy ngân. Gọi là sông, nhưng thực ra dòng thủy ngân quây thành một vòng tròn khép kín. Thủy Ngân là chất lỏng kịch độc, màu trắng sữa, có ánh kim lóng lánh, luôn bốc lên một lượng khí độc dày đặc, không có sinh vật nào đến được gần. Nhìn từ xa, mặt chất lỏng phản quang, cộng với khí độc cuồn cuộn, thành ra có cảm giác như một dòng nước từ thác đổ xuống sóng tung mịt mù, không biết rộng bao nhiêu. Không ai biết được dòng Ngân Hà này có từ bao giờ, và ở đâu ra. Có người nói sông này vốn là một nhánh nhỏ của sông Ngân trên trời, không hiểu sao bị gãy ra, rơi xuống hạ giới. Có một điều lạ là hàng năm, đúng vào ngày rằm tháng 7, hơi độc trên sông bỗng dưng giảm hẳn ở một đoạn, để lộ ra một cây cầu dẫn tới một lâu đài nguy nga tráng lệ. Vào ngày đó, người và động vật có thể tiến sát sông Ngân, lên cầu đi mà không bị trúng độc chết. Hàng năm, vào ngày này đều có nhiều người muốn vượt qua cầu. Đôi khi, họ là những người bị bệnh nặng, nghĩ rằng mình đằng nào cũng chết thì liều đi một chuyến xem bí mật thế nào. Có những người đơn giản vì không thể kiềm chế được tò mò. Lại có những kẻ trộm mộ, nghĩa rằng chắc chắn trong lâu đài cổ phải có cả một kho báu lớn. Vì vậy, họ tìm mọi cách, trang phục mặt nạ chống độc, dấn thân lên cầu. Lại có người huấn luyện động vật, cho đeo máy quay rồi thả chạy qua cầu. Có điều tất cả người và vật từng liều lĩnh qua cầu tới nay không ai có thể trở về. Vì vậy, bí mật lâu đài cổ vẫn chưa hề bị hé lộ. Chỉ có một lần, đã lâu lắm rồi, một bà đồng dở điên dở dại, tự xưng là do một trong những hồn ma trong lâu đài bên kia cầu tái đầu thai, đã kể lại câu truyện sau đây, nhưng không biết có đáng tin không. Vì không ai chứng thực được, nên lời của bà đồng dở đó vẫn lưu truyền trong dân gian, trở thành một dạng thần thoại của vùng Ngân Hà. Theo lời bà đồng thì dòng sông này vốn là một hào nước quanh một khu thành cổ. Vị vua cuối cùng sống trong thành cổ đó là một hoàng đế lừng danh, đã từng chinh phạt khắp nơi và mở rộng bờ cõi thành một đế quốc hùng mạnh. Vì cả đời mải chinh phạt khắp nơi và luôn luôn thắng trận, nên ông có cảm giác mình là thượng đế tối cao. Nào ngờ đúng vào lúc ông sung sức nhất, vương quốc của ông hùng mạnh nhất thì ông lâm bệnh thập tử nhất sinh, vì một lý do ban đầu rất vớ vẩn là muỗi đốt. Uất ức vì không thể ngờ rằng mình lại bị hạ gục bởi một đối thủ hạ đẳng đến thế, phải chấp nhận một kết cục ít vinh quang đến thế, ông dùng mọi biện pháp để diệt muỗi. Nhưng mà muỗi có ở khắp nơi, diệt thế nào cũng không hết. Cuối cùng, trước khi chết, nhà vua đưa ra một quyết định cực đoan. Ông ra lệnh đổ thủy ngân xuống tất cả các vùng nước trong thành và cả hào nước quanh thành để diệt muỗi tận gốc. Mặt khác, để có cảm giác không bị cô đơn ở thế giới bên kia, ông đã bí mật cho làm việc này mà không thông báo với thần dân trong thành. Vì vậy, chỉ trong một vài giờ, tất cả mọi sinh vật trong thành đều chết hết. Do độc tính đặc biệt của hơi thủy ngân, tất cả các xác chết và đồ vật trong thành được bảo tồn không phân hủy như được ướp xác. Toàn bộ tòa thành cổ biến thành một lăng mộ không ai có thể xâm phạm. Nhưng có một điều rất quan trọng mà nhà vua không lường trước được. Đó là chính vì mọi xác chết không thể bị phân hủy, nên các linh hồn cũng không được siêu thoát, kể cả hồn của nhà vua. Những hồn này lang thang trong thành phố, nhập vào nhà cửa, cây cối, hoặc trôi phiêu dạt trên dòng sông thủy ngân, hết thế kỷ này đến thế kỷ khác. Chỉ khi nào một hồn lừa được ai thế mạng thì mới được đầu thai. Nhưng mà do dòng sông thủy ngân ngăn cách tòa thành với bên ngoài nên ít có ai vào được thành để mà thế mạng. Vì vậy, đa số ma dồn cả ra sông, hy vọng tìm được ai chăng. Dòng sông đầy những oan hồn. Âm khí cộng với khí độc của thủy ngân càng bốc lên não nề, rùng rợn. Hàng năm, cứ đến ngày rằm tháng 7, tức là ngày xá tội vong nhân, trời lại cho những con ma trong thành và dưới sông Ngân một cơ hội. Chính vì vậy mà khói độc vơi đi một đoạn, để lộ ra cây cầu. Đầu tiên, những người và vật đi trên cầu sẽ bị hơi độc còn lảng vảng làm cho ngây ngất, mơ hồ. Họ có cảm giác nghe được tiếng nói, tiếng gọi, tiếng hát từ dưới sông. Họ cũng có thể nhìn thấy những ảo ảnh về người thân v.v… hiện lên từ dưới sông. Sau cùng họ sẽ mất phương hướng, và thay vì đi trên cầu, họ lại đi lệch sang một bên và rơi xuống sông mà chết. Khi đó, một hồn ma có công dụ được sinh mạng đó nhiều nhất sẽ được thoát ra, đầu thai thành kiếp mới. Còn trường hợp đặc biệt, một người nào đó vẫn qua được cầu vào thành phố thì sẽ bị các hồn ma nhập trong những tòa nhà hớp hồn. Họ sẽ có cảm giác lạc vào một thành phố vô cùng đẹp đẽ, sang trọng và sẽ mải mê nhìn ngắm. Trong lúc đó, năng lượng của họ cứ thế giảm dần, cho tới lúc họ mê đi, gục xuống mà không biết tại sao. Theo bà đồng thì nhà vua còn có một quốc sư thân tín là một pháp sư tài ba lỗi lạc. Chính ông này là người được giao việc đổ thủy ngân khắp thành. Và ông là người duy nhất vẫn sống, lại còn ra vào được tòa thành, bởi vì ông đã tu luyện đến mức bất tử. Khi ông này tuân lệnh nhà vua để đầu độc thần dân, thực ra ông cũng có mưu đồ riêng là một mình độc chiếm tòa thành làm chỗ tu hành vĩnh cửu. Có điều sau này chính ông cũng cảm thấy bất tiện khi sống một mình mãi trong cả toàn thành, không có một ai bầu bạn, phục dịch. Ông muốn kiếm một số kẻ hầu người hạ. Nhưng vì bất kỳ một người bình thường nào cũng không thể qua cầu, hoặc sống sót trong tòa lâu đài, đạo sĩ đành phải nghĩ ra một cách. Ông đi vào làng, biểu diễn những phép thuật kỳ lạ, khiến mọi người trố mắt. Sau đó ông mở một lớp học, gọi là lớp học thần tiên, dạy những phép thuật chưa ai được thấy bao giờ. Đỉnh cao của những phép thuật này là khả năng tháo đầu ra khỏi cổ. Bởi vì theo ông, đầu là một bộ phận tương tự như cái ruột thừa, là thứ thực ra không có tác dụng nào, mà lại rất hay nghĩ ra những thứ vớ vẩn, đẩy con người vào vòng mê lạc. Nếu có khả năng vứt bỏ được đầu, người ta sẽ tiến gần đến cực lạc vĩnh cửu hơn. Bằng chứng đơn giản nhất cho ích lợi của việc tháo đầu, là người đã có khả năng tháo đầu sẽ có thể qua cầu tiến vào thành cổ mà không bị nguy hại gì. Lập luận này quả là có sức thuyết phục lớn. Ai cũng ao ước là mình sẽ là sinh vật duy nhất có khả năng qua cầu tiến vào thành cổ bí mật mà hàng ngàn năm nay chưa ai có thể bước vào và sống sót trở ra. Rất nhiều người hào hứng theo học lớp học thần tiên của pháp sư. Sau một thời gian, ông đã thành công trong việc huấn luyện được hai đệ tử có khả năng tháo đầu khỏi cổ. Ông bèn bảo họ ném đầu đi cho chó sói ăn, còn mình thì dẫn hai thân người không đầu vào thành. Do không còn đầu, không có mắt, mũi, tai, mồm, hai cái thân quả nhiên không thể bị ma quỷ dụ dỗ. Chúng không nhảy xuống sông Ngân tự tử, cũng không đứng ngây ra ngắm nhà cửa đến kiệt sức. Từ đó, chúng trở thành cận vệ của pháp sư, và được ông phong làm tả hữu kim cương hộ giá. Chúng luôn tuân theo lệnh của chủ không một chút phản kháng. Đến ngày nay, trong dân gian vẫn có khái niệm gọi thuộc hạ là “chân tay”, chính là xuất phát từ đó. Việc hai đệ tử không đầu theo pháp sư qua được cầu vào lâu đài rồi lại theo ông ra ngoài không một tổn thương đã là bằng chứng hùng hồn cho sự thành đạt tuyệt luân của họ, khiến người đời vô cùng ngưỡng mộ. Ngày càng nhiều người muốn theo học hơn. Ngày càng nhiều người có khả năng tháo đầu và ra vào khu thành cổ. Chỉ có điều, do họ đã tháo bỏ đầu, tuyệt đối không cảm nhận gì, nên khi họ trở ra, người ta cũng chỉ biết họ đã từng sốt sót vào đó rồi lại ra được, chứ không biết thêm được gì về thực hư của cây cầu cũng như tòa lâu đài. Mọi chuyện vẫn dừng lại ở việc tin vào lời kể của bà đồng dở dại. Trong khi đó thì ở giới đạo, tiên, ai cũng phục vị đạo sĩ kia về tài huấn luyện người làm, và coi việc sở hữu những thuộc hạ như vậy là điều vô cùng hấp dẫn. Vì thế, họ đặt hàng đạo sĩ làm cho họ những thuộc hạ tương tự, và trả cho ông rất nhiều tiền. Đạo sĩ lại dùng tiền đó trả một phần cho những học viên của mình và gia đình họ. Như vậy, từ một sự hấp dẫn mang tính hiếu kỳ ban đầu là có khả năng biến hóa thần thông và sống sót đột nhập khu thành cổ kỳ bí, lớp học dần ngả theo hướng sản xuất ra những thuộc hạ đắt giá, được giới thần tiên rất ưa chuộng. Nhưng sau này, một số vị tiên khách hàng, nhất là các tiên cô yểu điệu, cảm thấy những thuộc hạ cụt đầu tuy rất tiện dụng nhưng trông không được bắt mắt cho lắm. Họ lại đặt đạo sĩ làm cho chúng những cái đầu giả bằng quả bí đỏ, hoặc bắp cải, lắp đèn bên trong, trông như người thật. Dần dần, công nghệ ngày một cải tiến, đạo sĩ không cần tháo đầu, đẽo bí, mà dùng nguyên đầu cũ, chỉ rút hết chất trong đó ra thôi. Những sản phẩm đó trông hoàn toàn như người bình thường. Càng về sau, với kinh nghiệm nhiều, kỹ nghệ cải tiến, đạo sĩ còn có thể tạo ra các sản phẩm hoàn hảo này với số lượng hàng loạt và giá rẻ tới mức một người thường ở mức độ trung lưu đã có thể mua về dùng. Thậm chí một người giàu có thể bỏ tiền mua hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm. Từ đó, trên trời dưới đất, từ người đến tiên quỷ, ai ai cũng biết đến đạo sĩ và rất phục tài ông. Họ gọi ông là thánh sư, tức là người thầy của muôn đời. Sau này, những người võ vẽ học theo nghề của ông, đều được người đời gọi là sư phụ. Sư phụ càng giỏi, càng cao tay thì càng có khả năng giúp học trò vứt bỏ đầu đi, mặc dù vẫn để cái vỏ đầu trên cổ. Và học trò càng giỏi, tức là sản phẩm càng cao cấp, thì càng phải gần với lý tưởng của tả hữu hộ vệ không đầu. Thời đầu, những người mua hàng, muốn biết sản phẩm có đạt tiêu chuẩn không, thường bảo đạo sĩ dắt hàng qua cầu sông Ngân. Nếu nó không bị ám ảnh, đâm đầu xuống sông tự tử thì coi như công cuộc tẩy não bỏ đầu đã thành tựu. Về sau, chất lượng ngày một đảm bảo, khách hàng cũng ít khi cần thử. Vả lại, ma cũ dưới sông cũng được đầu thai hết, những sinh linh thế mạng thì đa phần còn ít đầu óc, nên cũng không có nhiệt tình lắm trong việc tìm tiếp các sinh linh thế mạng để đầu thai. Lâu dần, sông Ngân và tòa thành cổ cũng không mấy ai để ý nữa. Đến nay, không mấy ai còn biết được là con sông Ngân và tòa thành cổ kia có còn hay không, nếu còn thì chúng ở đâu. Những người nghiên cứu lịch sử dựa trên tập quán thờ cúng vào ngày xá tội vong nhân và từ một nguyện vọng trực giác thầm kín của đa số người đi học đạo là mong vượt qua một dòng sông lớn nguy hiểm nào đó để tới một thành trì rực rỡ hào quang nào đó để cho thấy là câu truyện truyền thuyết về dòng sông Ngân và lâu đài cổ quả là có chút cơ sở. Đến nay, người ta vẫn dựa trên đặc tính có khả năng bị ám ảnh hay không để xác định sản phẩm đào tạo là tốt hay chưa. Chỉ có điều, thời thế đã có chút thay đổi, khi sản phẩm đã được làm ra hàng loạt với công nghệ đảm bảo, giá thành hạ thì việc khó lại là tìm cho được người còn đầu để làm chủ sản phẩm, vì nếu không thì chẳng ai chịu bỏ tiền ra mua chân tay. Bi kịch là chân tay thì không thể biết đặt hàng tìm đầu, còn đã là đầu thì lại không cần tìm thêm đầu nữa, vì thế nên mặc dù tình hình là thừa chân tay mà thiếu đầu biết sử dụng chúng, nhưng cũng không ai thực sự có nhu cầu đặt hàng vị thánh sư làm ra loại hàng khác cả. Cứ thế, càng ngày, chân tay càng được sản xuất nhiều, người còn đầu thì ngày một ít. Tình trạng đó kéo dài tới tận ngày nay. – Hà Nội, 6. 10. 2012
* Bài tương tự và về Vũ Tuấn kiệt, mời các bạn đọc thêm: – Bi kịch của loài chim cánh cụt
Ý kiến - Thảo luận
10:42
Saturday,20.10.2012
Đăng bởi:
Sương
10:42
Saturday,20.10.2012
Đăng bởi:
Sương
@ Nghiêm Toàn: Sao bạn không nghĩ mình chính là "chị nhà"?Nói đùa thôi, mình thích chủ đề Phật giáo nên theo sát. Hiện mình đang rất rối vì đọc mà cứ thắc mắc, không thông, nên thấy ai bàn luận, mổ xẻ lý thuyết về Thiền, về Phật giáo là mình ào vào ngay. Tự xếp loại: Óc Đậu XanhHẹn gặp bạn và Nguyên Tánh để trao đổi đầu óc, nếu tương đương.
10:00
Saturday,20.10.2012
Đăng bởi:
Nghiêm Toàn
Hi Sương!
Mình là mình rất nghi bạn nhé, ở đâu có anh Tùng là có bạn Sương đi cùng, để hôm nào tiện mách chị. Còn chuyện cái đầu bí ngô, mình tự chọn và thấy nó vừa vặn với mình, dù đôi khi vết cắt cũ gây ngứa ngáy, như một hoài niệm rằng ...xem tiếp
10:00
Saturday,20.10.2012
Đăng bởi:
Nghiêm Toàn
Hi Sương!
Mình là mình rất nghi bạn nhé, ở đâu có anh Tùng là có bạn Sương đi cùng, để hôm nào tiện mách chị. Còn chuyện cái đầu bí ngô, mình tự chọn và thấy nó vừa vặn với mình, dù đôi khi vết cắt cũ gây ngứa ngáy, như một hoài niệm rằng đã từng có một cái đầu khác, méo mó dị dạng nhưng thật. Để yên ổn trong đám đông, mình buộc phải hóa trang. Chắc bạn Sương cũng giống mình, bạn là Bắp Cải hay Dưa Gang để chúng mình còn tiện xưng hô?. Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp