|
|
|
|||||||||||||
Văn & ChữGiun và gà 06. 10. 12 - 4:55 amLời: Phó Đức Tùng – Tranh: Vũ Tuấn Kiệt
Ngày xưa, con rồng có 7 viên thần châu, gọi là 7 viên ngọc rồng. Nhờ ngậm 7 viên ngọc này mà rồng là bất tử và có sức mạnh phi thường, hô mưa gọi gió, mình đồng da sắt, rạng rỡ hào quang. Vì vẻ đẹp rạng rỡ, sự bất tử cũng như công điều hòa mưa gió, rồng được coi là biểu tượng của cái thiện, của sức sáng tạo và được muôn loài thờ cúng, coi như thần linh. Khi đó có một động vật bé nhỏ, yếu đuối, lông tơ mềm mịn như một cục bông, cực kỳ dễ thương, gọi là con chiêm chiếp. Trong thứ bậc của thế giới động vật, Rồng là bá chủ, chiêm chiếp là tầng lớp yếu đuối nhất. Bất kỳ con vật nào cũng có thể bắt nạt hoặc ăn thịt chiêm chiếp. Sở dĩ chiêm chiếp còn tồn tại là nhờ vào vẻ dễ thương, vô tội của nó. Chính vì sự dễ thương này, nó được rồng coi là đồ chơi, nuôi trong nhà và bảo vệ khỏi sự bắt nạt của các loài vật khác. Sống lâu với rồng, chiêm chiếp cũng học biết được nhiều loại phép thuật, chỉ có điều không bao giờ có thể thực hiện, vì không có thần châu hỗ trợ. Một ngày kia, nhân rồng say rượu ngủ li bì, miệng há hốc, chiêm chiếp liền trèo vào ăn trộm 7 viên thần châu. Khi nuốt thần châu vào bụng, nó liền vụt lớn, lông rực rỡ ngũ sắc, sải cánh rộng che trời, mào đỏ như mặt trời mọc, thần khí lẫy lừng. Nó có thể điều khiển nhật nguyệt, gây sấm làm chớp, oai phong không khác gì rồng ngày xưa. Từ đó, trên đời xuất hiện một chúa tể mới. Không ai ngờ rằng vị chúa tể này xuất thân từ con chiêm chiếp, và muôn loài gọi nó là phượng hoàng, tôn thờ nó như thần linh. Do khả năng điều khiển mặt trời, mặt trăng, phượng hoàng được coi là thần ánh sáng. Phượng hoàng có bốn đầu, mỗi đầu có thể ra lệnh gọi một mùa trong năm, vì vậy, nó cũng được coi là thần thời gian. Lại nói về rồng, khi tỉnh dậy thấy mất ngọc, rồng cũng mất hết những phép thuật kỳ diệu nhất, chẳng còn ánh hào quang rạng rỡ, không còn khả năng hô mưa gọi gió, chỉ còn là một con vật to lớn, thô kệch, xấu xí. Rồng trở nên hung dữ điên cuồng. Tuy rất hung dữ và mạnh mẽ, có thể bay, phun lửa và phá hoại, nhưng rồng đã mất đi tính bất tử và vẻ đẹp thần thánh. Chúng có thể bị kẻ thù chiến thắng, tuy cũng rất hạn hữu. Từ đó, trên đời xuất hiện loài khủng long… Muôn loài vẫn sợ khủng long vì sức mạnh và sự hung dữ của nó, nhưng không còn kính ngưỡng như thần tiên ngày xưa, mà coi nó như biểu tượng của ác quỷ, của sức mạnh hủy diệt, đối tượng bị căm ghét của muôn loài. Phượng hoàng được coi như chúa tể trên trời, còn khủng long là kẻ thù dưới đất. Thời xưa vẫn có truyền thuyết về những anh hùng, những vị thần hoặc á thần có sức khỏe vô địch, có thể giết được khủng long. Mặc dù với sức mạnh và kích thước khổng lồ của mình, khủng long vẫn gần như là bá chủ trên thế giới, nhưng nhớ tới nguồn gốc huy hoàng, siêu nhiên của mình, nó không cam tâm làm một sinh vật hữu tử, và luôn rắp tâm trả thù phượng hoàng. Cuối cùng, nó sử dụng tới một khổ nhục kế vô tiền khoáng hậu. Nó tự xẻ linh hồn của mình thành muôn mảnh, nạp vào những hạt cát nhỏ bé để tạo thành vô số trường sinh linh giá. Mỗi trường sinh linh giá này khi gặp điều kiện thận lợi có thể tái phát lại thành một con mới. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho việc làm trường sinh linh giá rất đắt. Mỗi một trường sinh linh giá được tạo ra thì bản gốc sẽ suy yếu đi một chút, và sinh linh tái phát từ trường sinh linh giá tuy có nhiều đặc tính của bản gốc nhưng không còn được uy lực ban đầu, mà chỉ là một phần nhỏ của nó. Sau khi đã xẻ hồn làm hàng vạn mảnh, con khủng long bị suy yếu đến mức chỉ còn là một sinh vật nhỏ bé, yếu đuối và xấu xí thảm hại mà ta gọi là con giun. Không ai có thể ngờ là con giun chính là hậu duệ của rồng và là phần còn lại của loài khủng long hung dữ. Không ai biết tại sao rồng và khủng long biến mất khỏi thế giới, và bỗng dưng có con giun xuất hiện. Muôn loài đều coi thường, bắt nạt loài giun. Giun trở thành loài yếu đuối, thấp kém nhất trong muôn loài. Nó phải lẩn trốn trong đất, nhặt nhạnh phân rác để ăn. Tuy nhiên, sự đời thật trớ trêu. Phượng hoàng trên đỉnh cao bỗng thấy đồng cảm và thương hại con giun, vì nghĩ lại cái cảnh khi xưa mình cũng yếu đuối và bị muôn loài bắt nạt. Với danh nghĩa chúa tể, nó bèn mang giun về và bảo vệ cho giun. Con giun cũng tỏ vẻ rất biết ơn phượng hoàng, và phục vụ phượng hoàng thật chu đáo. Thế nhưng, trong khi sống với phượng hoàng, giun bí mật reo rắc những hạt cát trường sinh linh giá của nó khắp nơi. Nó bỏ vào nước uống, thức ăn, không khí, chăn màn của phượng hoàng. Phượng hoàng vô tình nuốt phải một số hạt cát đó. Các trường sinh linh giá nở ra thành những con giun con, đục khoét phượng hoàng từ bên trong, chui vào mạch máu, tim, óc, mắt, mũi của phượng hoàng. Thần châu có thể bảo vệ phượng hoàng khỏi mọi kẻ thù bên ngoài, nhưng không thể giúp nó chống lại những phá hoại bên trong, nhất là khi đối thủ tuy nhỏ nhưng vốn xuất thân từ rồng và cũng có những phép thuật thần kỳ, có khả năng sống sót trong điều kiện khắc nghiệt trong cơ thể phượng hoàng. Khi phượng hoàng nhận ra mình mắc mưu con giun thì đã quá muộn, mặc dù lập tức giết giun, nó vẫn biết mình không thể thoát khỏi tai kiếp này. Trước khi chết, phượng hoàng học lại đúng mưu của giun, dồn hết tinh lực của mình tạo thành mấy chục cái trường sinh linh giá, có vỏ bọc rắn chắc mà loài giun không thể xâm hại. 7 viên ngọc rồng cũng bị phượng hoàng đập nát, chia cho mỗi trường sinh linh giá giữ một ít, để chúng không bị lọt vào tay lũ giun. Khi gặp điều kiện thuận lợi, mỗi cái trường sinh linh giá, mà sau này ta gọi là trứng, lại nở thành một con phượng con, ban đầu yếu đuối, nhỏ bé, nhưng rồi nhanh chóng lớn lên thành một sinh vật rực rỡ sắc màu, mặt đỏ như mặt trời. Tuy nhiên, do mỗi trường sinh linh giá chỉ là một phần hồn của phượng hoàng và chỉ có một ít mảnh ngọc rồng, nó không thể trở thành phượng hoàng nguyên bản mà chỉ còn là một loài chim sặc sỡ, kiêu hãnh mà ta gọi là con gà. Từ đó, thế gian xuất hiện loài gà, và linh thú phượng hoàng cũng tự dưng biến mất, không ai hiểu nguyên do. Gà không còn khả năng điều khiển mặt trăng mặt trời như phượng hoàng. Nhưng hàng ngày, cứ vào giờ Mão, sinh khí của loài gà lại đạt tới đỉnh cao. Khi đó, tất cả các con gà trống trên thế gian cảm thấy có một linh khí vô hình liên kết chúng lại, và chúng đồng thanh cất lên tiếng gáy. Tiếng gáy của toàn thể loài gà có sức mạnh như tiếng kêu của phượng hoàng, và có khả năng bắt mặt trời phải thức dậy. Nhưng tới giờ Dậu, tức là giờ hạn của loài gà, thì sinh khí của chúng yếu nhất, và mặt trời tranh thủ chuồn mất, để rồi tới giờ Mão sau, lại bị gà dựng cổ dậy. Từ khi nở ra, gà đã sẵn mang trong mình mối thù truyền kiếp với loài giun, do đó gặp giun là nó giết ngay. Tuy nhiên, đời này đến đời khác, nó vẫn mắc mưu loài giun, và trong đời nó, một lúc nào đó nó sẽ nuốt nhầm trứng giun, để rồi lại bị giun đục phá từ bên trong cho đến chết. Mặt khác, phượng hoàng cũng không truyền hết được các mảnh ngọc rồng cho các trường sinh linh giá của mình. Một số mảnh rơi vãi bị giun nhặt được. Những con giun này biến thành loài rắn, với vảy cứng óng ánh, và sức mạnh của rồng được khôi phục phần nào. Những con rắn này có thể ngang tài ngang sức với loài gà, thậm chí mạnh hơn. Vì vậy, khi gặp gà, chúng luôn tìm cách cắn chết và ăn thịt gà, nhất là gà con. Ngược lại, khi rắn còn nhỏ, gà sẽ không bao giờ bỏ qua cho chúng và sẽ giết chết ngay để trừ hậu họa.
* Bài tương tự và về Vũ Tuấn kiệt, mời các bạn đọc thêm: – Bi kịch của loài chim cánh cụt
Ý kiến - Thảo luận
8:47
Wednesday,10.10.2012
Đăng bởi:
Đời Thường
8:47
Wednesday,10.10.2012
Đăng bởi:
Đời Thường
thích các còm men của bác Đăng - ngoài việc có chất, nó còn giải quyết đc các tranh biện liên quan đến xung đột danh từ.
^.^ [Em còm men nằm ngoài nội dung bài viết, bác Tùng bỏ qua nhé]
16:19
Sunday,7.10.2012
Đăng bởi:
Nguyễn Đình Đăng
Có vẻ như ở đây có sự nhầm lẫn giữa "tự tôn" (自尊, self-esteem) và "tự cao" (自高, conceited, tức kiêu ngạo, tự phụ).
16:19
Sunday,7.10.2012
Đăng bởi:
Nguyễn Đình Đăng
Có vẻ như ở đây có sự nhầm lẫn giữa "tự tôn" (自尊, self-esteem) và "tự cao" (自高, conceited, tức kiêu ngạo, tự phụ). Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
^.^
[Em còm men nằm ngoài nội dung bài viết, bác Tùng bỏ qua nhé]
...xem tiếp