Điện ảnh

Mười hai bước thành người 23. 10. 12 - 10:54 am

Nguyễn Thanh Sơn tổng hợp

 

Ừ, tôi nói, có khi nào chúng mình ở hai không gian khác nhau không? Em đang ở không gian của em, anh đang ở không gian của anh, chúng mình cùng đi qua cái Cối xay gió đỏ đó trong một chuỗi thời gian song hành, vì thế sẽ không bao giờ gặp nhau được nữa… Chúng ta đều là đường X, chúng ta đều là 8h, chúng ta đều đến một nơi, chúng ta đều hẹn hò, chúng ta cùng thở một bầu không khí… Nhưng điều đó không giúp gì chúng ta cả…

Trong suốt sáu mươi phút đồng hồ – được “đặc cách” chiếu giới thiệu trong khuôn khổ các hoạt động của tiệc phim trực tuyến YxineFF, sự “đặc cách” mang lại không ít lời ong tiếng ve từ phía các thí sinh khác dành cho ban tổ chức – những lời thoại cay đắng của bộ phim Mười hai bước thành người của Nguyễn Ngọc Thuần là cố gắng vô vọng để mở đi một thông lộ giữa tâm sự của một tâm hồn có “trái tim nhức nhối” nhưng cơ thể lại đang mắc kẹt “ở đâu đó nằm giữa cái hỗn mang và một con người” với chúng ta, những người đã may mắn vượt qua “mười hai bậc thang của chuỗi tiến hóa” để trở thành người. Chúng ta, những “con người đều giống nhau”, giống như cô gái bước ra nơi hò hẹn, vô vọng tìm, vô vọng hỏi, nhưng không nhìn thấy cái tâm hồn mà mình đã mong chờ, bởi vì cô, cũng như nhiều người trong chúng ta, chỉ nhìn thấy cái cơ thể bị mắc kẹt kia, cái “gã bán thân bất toại đang nằm nhắn tin”, một mớ hỗn độn các bức ảnh xé ra từ tạp chí Đẹp (hài hước làm sao) – cái đầu của một nhạc sĩ, khuôn mặt của một bà soeur, bốn cặp chân xinh đẹp, đôi bàn tay run rẩy đang đẩy tới đẩy lui hình hài không hoàn chỉnh của mình và dãy dụa giữa màn hình là cặp mắt trân trối nhìn ngược của diễn viên điện ảnh Nicholas Cage. Chúng ta không nhìn ra một con người người hơn tất cả trong sự lộn xộn tưởng như vô nghĩa đó.

Với cách quay đơn giản đến không thể đơn giản hơn (Nguyễn Ngọc Thuần tự dùng máy iPad quay và dựng), trong đó phần lớn khuôn hình là bức tranh giấy xé động, nhưng sự xúc động mạnh mẽ mà Mười hai bước thành người của Nguyễn Ngọc Thuần đem lại nằm ở câu hỏi mà khán giả sẽ phải tự động đặt ra khi xem phim: vậy ai người hơn ai? “Mắc kẹt” trong cơ thể của một người “xuất hiện trên đời như một tai nạn”, ra đời trong khi “bố mẹ tôi tìm cách giết tôi”, để rồi “sống đời sống bò sát”, “không thể thốt thành lời những gì tôi nghĩ” ngoài tiếng gầm gừ của “âm thanh kinh khủng của tôi”, nhưng lại mang tâm hồn của một con người “sống không đổ lỗi cho ai hết”, kể cả sự câm lặng của mình? Một con người “luôn suy nghĩ về cho, Sống và Cho”, sẵn sàng hiến tặng cơ thể là cái duy nhất anh ta có. Một con người yêu thương những thứ xung quanh, như yêu thương một cô bé con nhà hàng xóm, yêu thương đến nỗi tưởng tượng ra nó là con mình, yêu thương đến độ “sinh ra một đứa trẻ bằng cuộc sống của tôi… tôi biết có rất nhiều lý do để một đứa trẻ ra đời cũng như có nhiều lý do để bắt đầu một cuộc sống”: tự lưu giữ những ký ức vụn vặt về nó – lần đầu nó đi máy bay, tấm ảnh chụp làm thẻ, hình nó đang nghịch cát.. v.v, tự tạo cho nó một cuộc sống của mình. Những thước phim xúc động nhất là những thước phim quay cảnh cô bé ngây thơ nhảy múa trong nhà, ngoài đường, trên nền là hồi ức tự trào đầy cay đắng của người kể chuyện (“tôi có thể lấy vợ sao? Làm sao tôi có thể làm chuyện đó, hả? Bạn đang nghe chuyện cổ tích đấy à?). Hình ảnh cô bé đáng yêu, tự do chạy nhảy, chơi đùa – cô bé là biểu tượng đầy khao khát của cuộc sống, của con người ngoài kia, vừa tương phản, vừa là sợi dây gắn bó với góc khuất bi thảm của người kể chuyện “sống thảm hại mà vẫn có tình thương”, dù biết rằng “để yêu thương khó khăn lắm”, nhưng như lời bài hát cô bé hát vang “what can I do” – tôi có thể làm gì đây? Có thể làm gì đây, ngoài yêu thương?

Chính vì yêu thương nên con người đó tràn đầy lạc quan. Hãy để ý đến nụ cười tự trào, một ý thức “hài hước đen” (black humor) của người kể chuyện thấp thoáng trong suốt bộ phim. Từ việc thể hiện cơ thể không hoàn chỉnh của mình bằng những bức ảnh lấy ra từ tạp chí Đẹp; câu chuyện “cõng bạn đi học” như nạn nhân của truyền thông đại chúng; thể hiện ý tưởng tự tử của nhân vật trong bồn tắm với bàn tay lập cập dán miếng giấy vào mắt của đôi kính bơi -một sự diễu nhại đối với cảnh tự tử trong Xuân Hạ Thu Đông Xuân của Kim Ki-Duk; ngay cả lời căn dặn của bà “mày phải hứa với bà là sống cho thật tốt” cũng không được nhân vật coi là nghiêm túc “tôi không phải sống cho tôi, tôi sẽ sống cho một người đã chết”. Hãy để ý đến âm nhạc và những người thể hiện âm nhạc trong phim, bắt đầu từ tiếng hát của Louis Armstrong với bài Ôi thế giới thật tuyệt vời (What a wonderful world) ở phần mở đầu, rồi nhạc của ca sĩ người gốc Mông Cổ/Nga Sainkho Namtchylak, người có khối u trong não, rồi Tôi thật tuyệt vời (I am briliant) và kết thúc do Liu Wei, nhạc sĩ piano không tay người Trung Quốc thể hiện bài Em đẹp làm sao (You are beautiful) của James Blunt… Âm nhạc lại là một tầng thức khác của bộ phim này, đặt ra câu hỏi khác cho chúng ta: tại sao những con người “mắc kẹt” ở các tầng khác nhau của bậc thang tiến hóa, theo như nhận định của chúng ta lại có thể lạc quan đến vậy, trong ca ngợi cuộc sống, ca ngợi thế giới, ca ngợi con người?

Vậy thì, giữa họ với ta, ai người hơn ai?

Đây là bộ phim đầu tiên của Nguyễn Ngọc Thuần, bước chạy đầu tiên của anh trên con đường điện ảnh “cần nhiều thời gian và động viên để hoàn tất ” với nỗi lo lắng “nhưng tôi không bao giờ tìm thấy người kể hết cùng tôi câu chuyện đó”. Và cũng giống như câu chuyện của anh, có những người sẽ thấy bộ phim này nằm “mắc kẹt” ở đâu đó trong bậc thang tiến hóa của một tác phẩm điện ảnh thực sự, nhưng sẽ có những người nhìn thấy, đây là một bộ phim còn điện ảnh hơn một tác phẩm điện ảnh được gọi là thực sự.

Ý kiến - Thảo luận

22:35 Wednesday,24.10.2012 Đăng bởi:  Mạnh Hà
Thông tin lấy trên FB:Nguyen Ngoc Thuan Các anh chị nào thích có thể vào xem bộ phim này tại www.yxineff.com vào ngày nhà giáo vn: 20.11.2012
...xem tiếp
22:35 Wednesday,24.10.2012 Đăng bởi:  Mạnh Hà
Thông tin lấy trên FB:Nguyen Ngoc Thuan Các anh chị nào thích có thể vào xem bộ phim này tại www.yxineff.com vào ngày nhà giáo vn: 20.11.2012 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả