Chính trị

Nhân đầu năm cướp lộc tại Quốc hội Nam Phi 12. 02. 17 - 10:25 pm

Sáng Ánh

Đảng Economic Freedom Fighters (EFF, Chiến sĩ tự do về Kinh tế) tại Nam Phi là một phong trào mới thành lập năm 2013, chiều hướng cực tả, sau khi nhóm lãnh đạo đảng mới này bị trục xuất khỏi tổ chức Thanh niên của đảng ANC (African National Congress).

Lãnh tụ Julius Malema (sinh 1981) của đảng EFF. Ảnh từ trang này 

Nói cách khác, EFF là phong trào mới ly khai khỏi ANC, với thành phần thanh niên trẻ. Họ lấy tên này vì “Freedom Fighters” là tên gọi của cha anh đã đánh đổ chế dộ kỳ thị Apartheid. Nhưng đó là về mặt chính trị, và sau 22 năm cầm quyền, giờ phải tranh đấu về mặt công bằng xã hội và kinh tế. 

EFF theo chủ nghĩa Mác-Lê, học thuyết bài thực của Frantz Fanon và tự xưng là nối dõi Thomas Sankara (nhà cách mạng cố chủ tịch của Burkina Faso bị ám sát năm 1987). Bầu cử Quốc hội 2014, EFF chiếm 6.35% phiếu, 25 ghế đại biểu trên 400 và trở thành lực lượng thứ ba tại Quốc hội, sau đảng cầm quyền và đảng đối lập thân hữu.

ANC là đảng của Nelson Mandela, nhưng từ khi ông ra đi, đã qua hai đời tổng thống khác, Thabo Mbeki và hiện là Jacob Zuma. Ông Zuma của đảng ANC lên cầm quyền vào một thời điểm kinh tế khó khăn và bất mãn nhen nhúm vì bất công xã hội không được giải quyết sau khi cách mạng thành công. Vui thì vui thật khi thoát ách kỳ thị, nhưng 1 số người, 1 số lớn người, đại đa số người, đại đa số dân chúng Nam Phi chờ mãi mà chẳng thấy đời sống họ thay đổi gì.

Chủ tịch đảng ANC Jacob Zuma. Ảnh từ trang này 

Bản thân ông Zuma lại lắm lem nhem từ đời tư tình ái đến nhũng lãm. Ngày 9. 2. 2017, khi ông đến quốc hội đọc diễn văn đầu năm thì các đại biểu của EFF làm loạn, toan không cho ông phát biểu. Nhưng thay vì ông bị họ trục xuất khỏi diễn đàn thì ngược lại 25 đại biểu này bị an ninh bảo vệ quốc hội (mặc sơ mi trắng) trục xuất ra khỏi phòng họp. Các bạn xem ở đây cho nó trực quan sinh động. 

Các thành viên của EFF (quần áo đỏ) bị buộc phải rời khỏi phòng họp của quốc hội. Ảnh: Sumaya Hisham, từ trang này 

Cảnh náo loạn tại Nam Phi cũng giống như trẻ trâu tranh lộc tại hội lễ Viêt Nam, có lúc một cô bảo vệ hung hăng thụi các đại biểu áo đỏ, cho mà biết tay bà. Phụ nữ chống trời như cô này chỉ kém các đại biểu nữ tại Hàn quốc (22. 07. 2009), vì một đạo luật về truyền thông mà các bà đại biểu bóp cổ nhau như vợ cả vợ bé, trong khi các đại biểu nam thì vờn nhau như đô vật, mà lạ là tại nước này, không có đại biểu nào biết biểu diễn Thái cực đạo đá song phi.

Tại quốc hội Đài Loan (5.2007) cũng thế, rõ chán, ẩu đả cũng không có đạo diễn võ thuật nên nhìn một đại biểu (sơ mi xanh) xông xáo mà xấu hổ cho Triệu Tử Long.

Nhưng dàn trận chia phe hai bên và sử dụng cả côn lẫn quyền là phải quốc hội Ấn, “Nền dân chủ lớn nhất thế giới” mới đã con mắt , trong khi chủ tịch quốc hội sử dụng chiến thuật “ta nấp sau khiên” của các đạo quân bách chiến La Mã mà không thông qua được một đạo luật về nhân quyền (hồi tháng 12. 2007).

Những chuyện này thỉnh thoảng lại xảy ra đây đó trên thế giới, Brazil, Bolivia, Georgia, v.v. nhưng với tính cách thường xuyên là tại Turkey.

Đáng nể nhất là tại quốc hội Ukraine vào dịp có mặt võ sĩ Vitali Klitschko, 2m01 và 113kg, vô địch quyền anh thế giới hạng nặng, lúc đó là đại biểu (sau là chủ tịch UBND thành phố Kiev). Chẳng ai sợ ông “nắm đấm thép” này mà cứ đòi lao vào, thế mới xứng đáng với lòng tin cậy của cử tri.

Đáng cười thì đáng cười thật, tuy nhiên, muốn có những trò trẻ trâu này tại quốc hội thì cũng phải có từ hai phe trở lên. Tại những quốc hội mức đồng thuận khi bỏ phiếu là 97% thì chẳng bao giờ có săn tay áo cả mà chỉ có ngủ gật.

Lee Jung-hee (giữa), một nghị sĩ của đảng Lao động Dân chủ đối lập, bị những nghị sĩ của đảng Quốc gia cầm quyền lôi ra, trong phiên họp tại quốc hội Hàn Quốc ngày 22. 7. 2009. Ảnh từ trang này 

 

Ẩu đả tại quốc hội Ấn vì bất đồng quan điểm. Ảnh từ trang này 

 

Nghị sĩ Turkey đánh nhau. Ảnh từ trang này 

 

Đánh nhau ở quốc hội Ukraine. Hình từ trang này

 

Ý kiến - Thảo luận

23:36 Monday,13.2.2017 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
Một khi đã máu thì đừng hỏi bố cháu là ai! Đó mới là con+người chứ, bác nhể! Đấm nhau rồi cùng sống hay là cười với nhau rồi cùng đi Yên Bái? Cái nào hơn, thì rất chi là khó nói!
...xem tiếp
23:36 Monday,13.2.2017 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
Một khi đã máu thì đừng hỏi bố cháu là ai! Đó mới là con+người chứ, bác nhể! Đấm nhau rồi cùng sống hay là cười với nhau rồi cùng đi Yên Bái? Cái nào hơn, thì rất chi là khó nói! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả