Bàn luận

Từ thiện tinh thần nên đi với từ thiện vật chất 07. 06. 16 - 11:54 pm

Thúy Anh

Theo bài viết Trí tuệ đám đông của nhà báo Đức Hoàng, tôi tìm đến xóm thợ hồ ở quận 2, TP.HCM. Họ từ các tỉnh miền Nam lên TP.HCM làm công nhân xây dựng cho các dự án xây chung cư khắp thành phố.

Một lối đi trong xóm thợ hồ

Đây là lối vào khu xóm, quang cảnh xung quanh, nhà trọ, nhà vệ sinh… Tôi đi hôm trời nắng khô ráo, nếu ngày trời mưa có lẽ sẽ đầy muỗi, sình bùn và nước bẩn. Người lớn và trẻ con rụt rè lẫn thiếu thiện chí, tránh né trò chuyện khi được hỏi. Tôi giở máy ra thu hút tụi nhỏ tụ tập đùa giỡn để mình có dịp bắt chuyện. Bọn trẻ thích thú nghịch ngợm cự cãi, đứa ngơ ngác đứa lém lỉnh. Cuối cùng có anh Tâm chịu phỏng vấn, và loáng thoáng phía sau là tiếng một phụ nữ hỏi có tặng quà không.

Anh Tâm

“Ở đây chắc chừng hai mươi mấy ba chục hộ… Mình quê Cà Mau, lên trên này làm mướn… Hổm rày nghỉ đâu cũng 10 ngày, mới mần lại bữa nay… Việc làm bên kia nó xong rồi bắt đầu nó đưa qua Gò Vấp mà Gò Vấp làm hổng được rồi về đây, mới đi làm ở bên quận 7 ở bển đó… Trung bình mình phụ (mỗi) ngày có 220 (ngàn) à… Con thì có thằng nhỏ nó đi theo cha nó trên này. Cha nó là tui nè, bị hồi đó mẹ nó bỏ nó hồi còn nhỏ, giờ tui đâu nó nấy vậy đó… Mình giờ thì cũng muốn cho con nó học hành này kia đồ vậy đó, bây giờ lên trên này làm rồi nó đâu có học được. Ở đây cũng có mở trường nữa nhưng có điều mình đi làm, nó có bữa học bữa không vậy đó. Hộ khẩu, khai sanh có mà điều bỏ dưới quê. Họ mở trường ở (gần) đây nè nó cũng chạy qua chạy lại học mà mình cũng chưa có gặp cô (giáo) nữa…”

Và tôi đặc biệt suy nghĩ về hành động các bé toan đá và đạp con chó nhỏ. Nếu đúng là các em không được dạy yêu thương như thế, lớn lên các em sẽ thế nào, an ninh xã hội ta sẽ ra sao…

Rác thải la liệt khắp nơi trong xóm

Xin phép gọi họ là “người nghèo” để tiếp tục câu chuyện.

Theo phân tích tâm lý, người nghèo thường xuyên lo lắng về việc kiếm miếng ăn. Những lo lắng này gây nên tình trạng căng thẳng mệt mỏi hay còn gọi là áp lực. Dưới áp lực như vậy, họ thường chỉ tập trung vào những mục tiêu ngắn hạn, sẵn sàng bỏ mặc hoặc gây hại đến những việc khác như coi sóc bài vở cho con cái hay chăm lo sức khỏe bản thân. Họ thường không nghĩ đến tích lũy tiền bạc, họ có trí nhớ không tốt, có xu hướng sử dụng rượu, chất gây nghiện và bạo hành. Điều này lại kéo dài vòng lẩn quẩn đói nghèo.

Sống trong đói nghèo, trẻ em thường nảy sinh tâm lý suy nghĩ ngắn hạn để đương đầu với môi trường nhiều áp lực, không có nhận thức về nhiều vấn đề. Khả năng ngôn ngữ, tư duy, khả năng kiểm soát, tập trung, lên kế hoạch cho tương lai, đưa ra quyêt định v.v… đều rất kém.

Trẻ em trong xóm

Theo nhà tâm lý học Maslow, con người có năm mức độ nhu cầu. Ban đầu ông khẳng định các nhu cầu sinh lý cơ bản như thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ, tình dục, bài tiết, thở, nghỉ ngơi hay nhu cầu an toàn như cảm giác yên tâm về thân thể, việc làm, gia đình, sức khỏe v.v… phải được đáp ứng trước, sau đó con người mới có các nhu cầu tinh thần.

Tháp nhu cầu của Maslow

Tuy nhiên nhiều năm sau, ông đã viết rằng trong những hoàn cảnh nhất định, nhất là nghèo khó, con người có thể tiến lên thẳng nhu cầu tinh thần dù các nhu cầu tầng thấp không được đáp ứng hoàn toàn. Bản thân ông là người có nhu cầu vươn lên trong cảnh khốn khó, cô độc lúc nhỏ.

Ông khẳng định con người phải được nuôi dưỡng về mặt tâm lý để có thể chạm tới giới hạn tối đa của bản thân. Các phương thức mạnh mẽ hỗ trợ cảm xúc và tinh thần có thể bù đắp đáng kể sự thiếu hụt các yếu tố sinh tồn cơ bản. Nếu không có những hỗ trợ về mặt tinh thần và cảm xúc, các nhu cầu cơ bản khó được đáp ứng.

Trong xóm thợ hồ

Bài viết của nhà báo Đức Hoàng gợi ý tráng xi măng hay đổ nền, khắc phục môi trường sống mất vệ sinh (của xóm thợ hồ) chính là đáp ứng nhu cầu cơ bản nơi trú ngụ. Người khác đọc bài viết có thể nghĩ đến phương cách đơn giản hơn, mà đôi khi không tích cực lắm, là tặng quà – hay còn gọi là từ thiện vật chất. Hoặc người khác nữa có thể nghĩ đến giúp tăng thu nhập, giúp việc học hành v.v… – đó là từ thiện cơ hội.

Một lối đi vào xóm vương vãi rác

 

Một khu nhà của các hộ dân trong xóm thợ hồ quận 2

Còn tôi, tôi đang nghĩ về những buổi nói chuyện truyền đạt cho xóm thợ hồ này và nhiều xóm khác niềm tin vào bản thân, ý chí vươn lên, lòng yêu thương, lòng tự trọng; khuyến khích họ hy vọng, yêu thương, kỷ luật, lạc quan, tự tin, chăm chỉ, sử dụng hết mức năng lực họ có v.v… Tôi tin rằng thứ duy nhất thực sự giúp họ thoát nghèo là sức mạnh tinh thần, là ý thức thoát nghèo và ý chí thoát nghèo. Hãy giúp họ hiểu ra điều này. Và tôi gọi đó là từ thiện tinh thần, kết hợp với từ thiện cơ hội hay từ thiện vật chất kết quả sẽ rất mỹ mãn.

Video có tại đây

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả