Ở Đâu - Làm Gì

Quần hùng tụ hội: Đại hội Điêu khắc Kết nối Sài Gòn – Hà Nội 2012 14. 11. 12 - 7:11 am

Thông tin từ BTC

Trần Trọng Tri, “Thoát”, tổng hợp, 70 x 50 x 110 cm, 2012

 

Triển lãm Điêu Khắc Sài Gòn – Hà Nội 2012
Thời gian: từ ngày 15 đến 25. 11. 2012

Khai mạc: 17h chiều thứ Năm ngày 15. 11. 2012
Tại phòng triển lãm Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (418 Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội)
Họp báo: 15h chiều thứ Năm ngày 15. 11. 2012
Tại phòng Hội thảo Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội (418 Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội)
Tọa đàm về triển lãm: 9h sáng thứ Sáu ngày 16. 11. 2012.
Tại phòng Hội thảo Trường Đại Học Văn Hóa Hà Nội (418 Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội)

 

1. Năm 2010, từ sáng kiến của một số nhà điêu khắc đang hoạt động sung sức nhất tại “hai đầu đòn gánh của đất nước”, hai trung tâm nghệ thuật lớn nhất cả nước là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Một cuộc triển lãm nhóm của 15 tác giả điêu khắc ở hai thành phố mang tên Điêu khắc Sài Gòn – Hà Nội 2010 đã được tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh. Và sau đó, cuộc triển lãm này được hoạch định với tính chất biennale, tức là cứ hai năm/lần, luân phiên diễn ra tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.

Triển lãm năm 2010 giới thiệu 30 tác phẩm của 9 nhà điêu khắc đang sống và làm việc tại Tp. Hồ Chí Minh là các nhà điêu khắc: Bùi Hải Sơn, Vĩnh Đô, Phan Phương, Hoàng Tường Minh, Trần Mai Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Tiên, Trần Thanh Nam, Trần Việt Hưng, Nguyễn Hoài Huyền Vũ. Và 6 nhà điêu khắc đang sống và làm việc tại Hà Nội: Đào Châu Hải, Khổng Đỗ Tuyền, Lương Văn Việt, Vũ Quang Sáng, Nguyễn Ngọc Lâm, Trần Trọng Tri

Cuộc triển lãm lần thứ nhất diễn ra tại Nhà triển lãm của trường ĐH Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh (số 5 Phan Đăng Lưu, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) từ 4 – 18. 9. 2010 đã được công chúng Sài Gòn – Tp. Hồ Chí Minh, một “thành phố mở” với đời sống kinh tế và văn hóa sôi động, hào hứng đón nhận với ý nghĩa góp phần vào không gian điêu khắc đương đại phong phú cho một thành phố nhiều sức sống hiện đại.

Thái Nhật Minh, “Những cái đuôi”, nhôm đúc, 50 x 60 x 130 cm, 2012

 

2. Năm nay, đúng theo lịch trình, triển lãm Điêu khắc Sài Gòn – Hà Nội lại được diễn ra tại thủ đô Hà Nội, tại Nhà triển lãm Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, (418 La Thành, Đống Đa, Hà Nội) từ ngày 15. 11. 2012 tới 25. 11. 2012. Số lượng tác giả năm nay là 16 người (9 tác giả Hà Nội, 7 tác giả Tp. Hồ Chí Minh) với “phổ” tuổi rất rộng cách nhau bốn thập kỷ. Tác giả nhiều tuổi nhất sinh năm 1955, tác giả trẻ nhất sinh năm 1984. Sự quãng cách về thời gian tuổi tác như vậy, cho người xem thấy sự liên kết và nối tiếp giữa các thế hệ nghệ sĩ làm điêu khắc, là điều thứ nhất. Sự phong phú về biên độ giữa các cách nhìn cá tính và “phản ứng nghệ thuật” trước đời sống là điều thứ hai. Và bản thân những nghệ sĩ từ hai thành phố lớn với hai luồng đời sống, văn hóa, lịch sử với những truyền thống và bề dày khác nhau, với những sáng tác mới nhất. Mỗi nghệ sĩ lại sinh ra từ những vùng quê khác nhau của phương Bắc và phương Nam, hội tụ nhiều “văn hóa vùng” với những đặc sắc riêng của mình trong các tác phẩm. Điều đó đủ hé mở cho người xem một phần rõ nét chân dung nghệ thuật điêu khắc đương đại Việt Nam đang diễn ra như thế nào….

Bùi Hải Sơn, “Cù lao”, đồng, inox, 15 x 70 x 45 cm, 2012

 

Bình luận về triển lãm 2012, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng nhấn mạnh:
Việc trở thành nghệ sĩ của dân tộc mình, phản ánh đời sống của dân tộc mình có lẽ là quan trọng nhất… Điêu khắc đang có cơ hội mà hội họa tự làm mất đi, trước tiên vì nó chả có một cơ hội thương mại nào, một thị trường nào, sau đó vì sự kiên trì theo đuổi của các nhà điêu khắc từ trẻ đến trung niên, đôi khi theo đuổi một cách thất vọng, vô vọng, tốn kém. Đôi khi phải đi bằng hai chân, vừa làm thuê cho những tượng đài nhăng nhít, vừa làm và nuôi nghệ thuật cho chính mình, cốt yếu làm sao khỏi lạc hậu và thoát ra những ràng buộc truyền thống về ngôn ngữ và chất liệu.

Vì thế những gì các nhà điêu khắc Hà Nội và Sài Gòn làm được qua các chuyến giao lưu này thật đáng quý. Họ là những người tiên phong trong nền nghệ thuật điêu khắc hiện nay, gần gũi với sự trăn trở và bâng khuâng về nhân tình thế thái, gần gũi với thế giới đồ vật đang lan tràn bởi sự dư thừa của xã hội công nghiệp và sự biến mất hàng ngày của tự nhiên cây cỏ”.

Hoàng Tường Minh, “Tác Động II”, đồng, sắt, 30 x 30 x 40 cm, 2012

 

Phạm Thái Bình, “Chân dung II”, đồng, đá, 30 x 30 x 40 cm, 2012

 

Lương Văn Việt, “Cửa trên”, gỗ, đồng, 30 x 20 x 80 cm, 2012

 

Nguyễn Hoài Huyền Vũ, “Đời sống đô thị I”, gỗ, 75 x 60 cm, 2012

 

Trần Việt Hưng, “Mắt”, sắt hàn, 90 x 90 x 200 cm, 2012

 

Đào Châu Hải, “Đêm”, sắt hàn, 80 x 140 x 600 cm, 2012

 

Nguyễn Ngọc Lâm, “Cây”, sắt hàn, 80 x 120 x 200 cm, 2012

 

Vĩnh Đô, “Cất cánh IX”, nhôm, 150 x 150 x 150 cm, 2012

 

Khổng Đỗ Tuyền, “Bên trong”, sắt hàn, 40 x 30 x 100 cm, 2012

 

Phan Phương, “Trừu tượng”, nhôm, 10 x 30 x 100 cm, 2012

 

Trần Mai Quốc Khánh, “Trục”, gỗ, 2012

 

Nguyễn Huy Tính, “Phố”, sắt, kính, 30 x 40 x 40 cm, 2012

 

Vũ Quang Sáng, “Đôi bạn”, gỗ, 70 cm, 2012

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả