Nghệ sĩ Việt Nam

Đúng là tiên phong 22. 03. 10 - 11:53 pm

Nguyễn Quân

Tác phẩm "Vô ngôn" của Nguyễn Quang Thắng

Việt Nam đã dùng chữ Hán hai ngàn năm và  đã phát minh ra chữ Nôm để ghi âm tiếng Việt từ hơn một ngàn năm. Tuy nhiên, khác với trường hợp Nhật Bản và Triều Tiên, nghệ thuật thư pháp cũng như môn quốc họa không phát triển. Có lẽ thuật viết chữ đẹp chỉ thể hiện ở các hoành phi, câu đối trang trí với một số khuôn thức và tiêu chí hẹp. Trên đất Việt chỉ một số ít họa sĩ người Hoa có thực hành thư pháp. Mãi tới đầu những năm 1990, thư pháp mới xuất hiện lác đác trong một vài  triển lãm mỹ thuật. Gần đây có phong trào ‘thư pháp tiếng Việt’ dùng lối viết chữ Hán bằng bút lông tròn để viết các ký tự latin  theo hàng dọc, tuy nhiên khó có thể coi đây là một môn mỹ thuật nghiêm túc.

Tác phẩm "Vô ngôn" của Trần Trọng Dương

Năm họa sĩ trẻ thông hiểu, say mê Hán-Nôm và thư pháp với các tên hiệu rất cổ kính và ‘khiêu khích’ Ân Xuyên Nguyễn Quang Thắng (sinh năm 1973), Thiên Hoả Nguyễn Đức Dũng (sinh năm 1978), Chuyết Chuyết Trần Trọng Dương (sinh năm 1980), Thiền Phong Phạm Văn Tuấn (sinh năm 1979) và  Cửu Chân Quận Nhân Lê Quốc Việt (sinh năm 1972) đã lập ra một nhóm thư pháp đương đại mang tên  Zenei Gang of  Five – nhóm Thư pháp Tiền Vệ.

Nhóm thư pháp Tiền Vệ

Có lẽ đây là một sự mới mẻ nhất, thách thức nhất trong đời sống mỹ thuật Việt Nam trong một thập niên qua. Tính hiện đại thực thụ thường nảy mầm trong quá khứ, càng sâu xa, càng bền vững chứ không khi nào là một phát minh hay sáng kiến mới tinh. Các họa sĩ của chúng ta chơi chữ, tạo chữ, biến đổi, giải cấu trúc các hình tự vốn mang tính tượng hình cao bằng ‘cốt pháp dụng bút’ của các thư pháp gia kết hợp với các thủ pháp tạo hình hiện đại kể cả Installation  và Performance.

Tác phẩm "Vô ngôn" của Phạm Văn Tuấn

Bức tranh, tôi muốn gọi như  thế  trước khi gọi nó là một bức thư pháp, mang tính tức thời ào ạt của biểu hiện chủ nghĩa, mang tính không hình của nghệ thuật trừu tượng. Điều này làm cho người xem được thoải mái dù không có Hán-Nôm hay hiểu biết văn sách cổ  khi tiếp cận bức họa. Mặt khác các vẻ đẹp thư pháp tự thân cổ kính và có khí chất  huyền hoặc gọi sự tò mò, hấp dẫn. Ngữ nghĩa – có tính biểu tượng, tượng trưng hay phúng dụ – tách xa con chữ, nét họa lại tách xa nét chữ, nét họa cũng có thể tách xa cả thuật mẹo  viết chữ nên trong lòng tác phẩm có sức căng, có mâu thuẫn… Tôi chắc rằng các họa sĩ cũng mong đạt tới cái chuẩn tắc tối cao của Lục pháp luận“Khí vận sinh động”.

Một điều nữa hấp dẫn cá nhân tôi là các họa sĩ không ẻo lả, làm dáng hay khoe hiểu biết, không nệ cổ, thờ cổ mà mạnh khỏe, tự tin, bộc trực khi thực hành nghệ thuật .

Không chơi đồ cổ hay sùng kính quá khứ đã được thanh lọc, họ gần gũi với các họa sĩ đương đại khắp nơi nơi. Thông điệp của họ hít thở cả khói bụi của ngày hôm nay.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nếu... thì tư cách gì để bình phẩm?

Ngô Lực - Thành viên KCBT

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả